Hiện nay những quy định về việc thành lập doanh nghiệp được đông đảo mọi người quan tâm, trong đó vấn đề về loại tài sản được dùng làm tài sản góp vốn thành lập công ty nhận được nhiều sự tìm hiểu. Và theo như Luật Doanh nghiệp 2020 quy định thì tài sản góp vốn vào doanh nghiệp bao gồm: Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Vậy cổ phần, phần vốn góp có thể góp vốn vào doanh nghiệp mới được hay không? 

 

1. Phần vốn góp/cổ phần có được xem là tài sản góp vốn không? 

1.1 Tài sản góp vốn là gì?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, góp vốn được định nghĩa là các cá nhân, tổ chức thực hiện việc góp tài sản của mình để tạo thành vốn điều lệ của công ty. Như vậy, ta có thể hiểu rằng việc góp vốn sẽ được các doanh nghiệp thực hiện qua hai thời điểm cụ thể đó là: khi thành lập doanh nghiệp và sau khi thành lập doanh nghiệp. Thông qua việc góp vốn đối với các doanh nghiệp thì sẽ làm tăng vốn điều lệ của các doanh nghiệp từ đó giúp doanh nghiệp mở rộng và phát triển tốt hơn. 

Và tại Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định, Tài sản góp vốn bao gồm: 

  • Tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. 
  • Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản quy định tại khoản 1 Điều này mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật. 

 

1.2 Phần vốn góp/cổ phần có được xem là tài sản góp vốn không

Trong các đối tượng được nêu ở Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020, thì không thấy đề cập trực tiếp đến phần vốn góp và cổ phần trong doanh nghiệp, tuy nhiên có thể xếp phần vốn góp và cổ phần vào loại tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. 

Căn cứ theo quy định ở Luật Doanh nghiệp 2020 thì: 

– Phần vốn góp là tổng giá trị tài sản của một thành viên đã góp hoăc cam kết góp vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh. Tỷ lệ phần vốn góp là tỷ lệ giữa phần vốn góp của một thành viên và vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh. 

– Cổ phần là vấn đề pháp lý cơ bản của công ty cổ phần. Cổ phần mang bản chất là quyền tài sản được thể hiện bằng cổ phiếu, nó là phần chia nhỏ nhất của vốn điều lệ của công ty, vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Cổ phần có những đặc điểm sau: 

  • Cổ phần là một đơn vị biểu hiện quyền sở hữu tài sản trong công ty, nó là căn cứ pháp lý xác lập tư cách thành viên của công ty, bất kể họ có tham gia thành lập công ty hay không, người sở hữu cổ phần là cổ đông của công ty, nó có hiệu lực tuyệt đối, người nắm giữ cổ phần có đầy đủ quyền năng và duy nhất, trực tiếp thực hiện quyền của mình đối với công ty. Từ cổ phần phát sinh quyền và nghĩa vụ cho các cổ đông. Mỗi cổ phần của cùng một loại đều tạo cho người sở hữu chúng các quyền, nghĩa vụ và lợi ích ngang nhau. 
  • Cổ phần được xác định mệnh giá do công ty quyết định và ghi vào cổ phiếu. Mệnh giá cổ phần có thể khác với giá chào bán cổ phần, giá chào bán cổ phần do hội đồng quản trị của công ty quyết định nhưng không được thấp hơn giá thị trường tại thời điểm chào bán hoặc giá trị được ghi trong sổ sách của công ty cổ phần tại thời điểm gần nhất, trừ những trường hợp pháp luật có quy định 
  • Tính không thể phân chia bởi cổ phần là phần vốn nhỏ nhất và bằng nhau trong vốn điều lệ. 
  • Tính dễ dàng chuyển nhượng. Đây cũng là điểm đặc trưng của công ty cổ phần, bởi công ty cổ phần là loại hình công ty đặc trưng cho công ty đối vốn, nghĩa là tất cả những thuộc tính của công ty đối vốn đều được thể hiện đầy đủ nhất trong công ty cổ phần. Về phương diện kinh tế, tính dễ dàng chuyển nhượng cổ phần tạo ra sự năng động về vốn song vẫn giữ được tính ổn định về tài sản của công ty. Về phương diện pháp lý thì khi một người đã góp vốn vào công ty thì họ không có quyền rút vốn ra khỏi công ty, trừ trường hợp công ty giải thể. Bởi lẽ công ty cổ phần là một pháp nhân có tài sản riêng độc lập với tài sản của các thành viên đã tạo lập ra nó. 

Qua đây có thể kết luận là cổ phần, phần vốn góp mà các cá nhân, tổ chức đang sở hữu trong công ty được coi là tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam và có thể dùng tài sản này để góp vốn vào doanh nghiệp. 

 

2. Công ty cổ phần có được góp vốn thành lập công ty mới không?

Theo như quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 đã trình bày ở trên thì cá nhân, tổ chức được quyền góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng các tài sản như pháp luật quy định. Vì cổ phần trong công ty cổ phần cũng là một loại tài sản góp vốn nên cá nhân, tổ chức được sử dụng cổ phần mà mình sở hữu ở doanh nghiệp khác để góp vốn thành lập doanh nghiệp mới. Trên thực tế, các cơ quan có thẩm quyền vẫn tiếp nhận và xử lý hồ sơ đặc thù này, mặc dù hiện chưa có văn bản nài quy định chi tiết hướng dẫn cho trường hợp cụ thể. 

Tuy nhiên, để góp vốn bằng cổ phần vào công ty thì các cá nhân, tổ chức cần lưu ý những vấn đề sau:

– Đầu tiên, cổ đông góp vốn bằng cổ phần phải được sự chấp thuận của các cổ đông của công ty đang sở hữu cổ phần đó. Bởi vì theo khoản 1 Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định:

Cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 của Luật này và Điều lệ công ty quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng“. 

Và cũng theo khoản 3 Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2020 thì:

Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông sáng lập dự định chuyển nhượng cổ phần phổ thông thì không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng cổ phần đó“.

Do đó, có thể hiểu việc cổ đông góp vốn bằng cổ phần sẽ được xem như chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần. Cổ phần được tự do chuyển nhượng trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần và trường hợp theo khoản 3 Điều 120 Luật doanh nghiệp 2020 quy định như đã trình bày. Như vậy, khi cổ đông trong công ty cổ phần muốn góp vốn bằng cổ phần vào doanh nghiệp cần phải được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông trong thời hạn 03 năm. 

– Tiếp theo, phải tiến hành đinh giá:

Vì cổ phần của các cổ đông trong công ty không phải là tài sản Đồng Việt Nam nên theo quy định của pháp luật hiện hành thì cần phải thực hiện thủ tục định giá tài sản trước khi góp vốn. 

Tài sản góp vốn thành lập doanh nghiệp phải được các cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc đồng thuận hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% số cổ đông sáng lập chấp thuận. Trường hợp tài góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì các cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản gốp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá tri thực tế. 

– Thứ ba, phải là chủ sở hữu hợp pháp cổ phần trong doanh nghiệp đó, như khoản 2 Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:

Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản quy định tại khoản 1 Điều này mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.”

Do vậy chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với cổ phần mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật. Việc các cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp cổ phần trong doanh nghiệp sẽ được thể hiện cụ thể trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đó. 

– Thứ tư, phải tham gia góp vốn theo đúng thời hạn do pháp luật quy định: Khi góp vốn vào doanh nghiệp các cá nhân, tổ chức phải góp vốn đủ như cam kết trong thời hạn theo quy định của pháp luật. Với từng loại hình doanh nghiệp, khi các cá nhân tổ chức góp vốn vào loại hình doanh nghiệp đó sẽ có những thời hạn góp vốn riêng. Cụ thể như sau: 

  • Công ty TNHH một thành viên: Chủ sở hữu công ty phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Trong thời hạn này, chủ sở hữu công ty có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với phần vốn góp đã cam kết (theo khoản 2 Điều 75 Luật Doanh nghiệp 2020). 
  • Công ty TNHH hai thành viên trở lên: Thành viên phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết. Thành viên công ty chỉ được góp vốn cho công ty bằng loại tài sản khác với tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của trên 50% số thành viên còn lại (khoản 2 Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020). 
  • Công ty cổ phần: Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Trường hợp cổ đông góp vốn bằng tài sản thì thời gian vận chuyển nhập khẩu, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản đó không tính vào thời hạn góp vốn như quy định trên. Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc cổ đông thanh toán đủ và đúng hạn các cổ phần đã đăng ký mua (Khoản 1 Điều 113 Luật doanh nghiệp 2020). 
  • Doanh nghiệp tư nhân: Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân do chủ doanh nghiệp tự đăng ký. Chủ doanh nghiệp tư nhân có nghĩa vụ đăng ký chính xác tổng số vốn đầu tư, trong đó nêu rõ số vốn bằng Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng và tài sản khác; đối với vốn bằng tài sản khác còn phải ghi rõ loại tài sản, số lượng và giá trị còn lại của mỗi loại tài sản (Quy định tại khoản 1 Điều 189 Luật Doanh nghiệp 2020). Nghĩa là chủ doanh nghiệp tư nhân sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ tài sản của mình đối với doanh nghiệp tư nhân mà mình thành lập. 

Qua đây có thể kết luận: Cổ phần là một loại tài sản khác có thể định giá bằng Đồng Việt Nam và được dùng làm tài sản góp vốn theo quy định pháp luật hiện hành. Tuy nhiên vì tính chất đặc thù của loại tài sản này mà hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp sẽ khác sơ với hồ sơ thành lập doanh nghiệp thông thường. Ngoài ra cũng phải chú ý đến những vấn đề nhất định khi tham gia góp vốn bằng cổ phần. 

 

3. Trình tự thủ tục góp vốn bằng cổ phần

Khi góp vốn bằng cổ phần vào doanh nghiệp, các cổ đông cần phải thực hiện theo trình tự thủ tục như sau: 

– Bước 1: Định giá tài sản góp vốn. Như phân tích ở trên vì cổ phần không phải là Đồng Việt Nam nên sẽ phải thực hiện thủ tục định giá theo quy định tại Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2020. 

– Bước 2: Lập hợp đồng góp vốn. Trong hợp đồng góp vốn cần phải thể hiện đầy đủ các nội dung cơ bản của việc góp vốn như: Bên góp vốn, Bên nhận góp vốn (tên, địa chỉ,…); cổ phần cụ thể; giá trị cổ phần; thời hạn góp vốn; mục địch góp vốn; đăng ký góp vốn và nộp lệ phí; cam đoan của các bên,… Sau khi lập xong hợp đồng góp vốn thì các bên sẽ tiến hành công chứng tại văn phòng công chứng hoặc chứng thực tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 

– Bước 3: Chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn. Cổ phần không phải là tài sản là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng và chỉ được coi là thanh toán xong khi quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản góp vốn đã chuyển sang công ty. Việc góp vốn bằng cổ phần trong công ty cổ phần sẽ được thực hiện theo Điều 127 Luật doanh nghiệp 2020. 

Trên đây là tư vấn của Luật LVN Group, nếu quý khách hàng còn chưa rõ hoặc cần hỗ trợ vấn đề pháp lý khác xin vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại, hãy gọi: 1900.0191 để được giải đáp.  Rất mong nhận được sự hợp tác!