1. Trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội?

Tại Việt Nam, mạng xã hội đang là một vấn đề “nóng bỏng” và được hỗ trợ bởi các công nghệ thông tin mới, ngày càng phát triển và trở lên quan trọng hơn, tiện ích hơn trong cuộc sống đời thường của chúng ta, giúp chúng ta kết nối với nhau, tiếp cận, lan tỏa các thông tin một cách nhanh chóng, hiệu quả. Các trang mạng xã hội được nhiều người sử dụng nhất và đặc biệt là các bạn trẻ hiện nay như Facebook, Zalo, Youtube,…

Không thể phủ nhận những lợi ích của việc dùng mạng xã hội không chỉ giúp con người tiếp cận với thông tin một cách nhanh nhất mà còn đáp ứng các nhu cầu khác của mỗi người như giải trí, giao lưu, chia sẻ.. nhưng Mạng xã hội là ảo và diễn biến rất nhanh, thông tin đa dạng cho nên đòi hỏi người sử dụng cần có kỹ năng xử lý thông tin và đánh giá những tác động của mạng xã hội lên bản thân. Vì vậy, người dùng phải luôn tỉnh táo trước sự cám dỗ và những thông tin sai lệch, chưa được kiểm chứng. Vấn đề là phải xây dựng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội nhất là với người trẻ.

Có thể thấy rằng trên mạng xã hội có thể chia ra ba nhóm người sử dụng: nhóm có ý thức tốt, có bản lĩnh cung cấp, tiếp nhận, xử lý, lan tỏa thông tin một cách văn hóa vì lợi ích cộng đồng, dân tộc; nhóm cố tình hiểu sai, cố tình bóp méo, bôi đen vì những động cơ xấu, lợi ích cá nhân; và nhóm a dua, dễ bị tác động, lôi kéo, hùa theo những thông tin giật gân, thiếu cơ sở. Nắm rõ điều đó và thực hiện đúng những quy tắc, như: nếu không nói được những điều lạc quan thì nên giữ im lặng; tế nhị tôn trọng người khác; hãy nhớ rằng những gì chia sẻ trên mạng xã hội là sự phản ánh của con người bạn hay tính cách, lối sống của bạn; không nên và không cần thiết phải đăng tải hình ảnh của bản thân lên mạng xã hội;… thì người dùng sẽ không sa vào những vấn đề tiêu cực, hệ lụy xấu từ mạng xã hội.

Nhiều người tham gia mạng xã hội nhưng lại thiếu kiến thức pháp luật, thiếu trách nhiệm bản thân dẫn đến vi phạm pháp luật. Cùng với việc mọi cá nhân cần nâng cao hiểu biết, thượng tôn pháp luật, có trách nhiệm với chính mình, với cộng đồng khi tham gia mạng xã hội thì để hoàn thiện các quy định của pháp luật, đưa ra chế tài chặt chẽ, nghiêm minh cho những phát ngôn trên mạng, sử dụng mạng xã hội Chính phủ ban hành Nghị định 15/2020/NĐ-CPquy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tân số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử có hiệu lực từ ngày 15 tháng 4 năm 2020.

2. Quy định xử phạt mới nhất theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP

Theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực: Bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin (gồm phát triển công nghiệp công nghệ thông tin; đầu tư, mua sắm; an toàn thông tin mạng; chống thư rác, tin nhắn rác; mạng xã hội, trang thông tin điện tử, trò chơi điện tử trên mạng, trò chơi điện tử công cộng) và giao dịch điện tử.

Tại điều 101 quy định xử phạt về các hành vi vi phạm trách nhiệm sử dụng mạng xã hội như sau:

Điều 101: Vi phạm quy đình về trách nhiệm sử dụng mạng xã hội

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

b) Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;

c) Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;

d) Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;

đ) Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;

e) Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm;

g) Cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia;

h) Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.

Như vậy, đối với hành vi Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân haycung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn thì sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng và biện pháp khắc phục được quy định ở đây là bược phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật so thực hiện các hành vi trên.

Có thể thấy một số ví dụ trong bối cảnh tình hình lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều cá nhân đã đăng những thông tin sai sự thật, giật gân, câu like trên các trang mạng xã hội Facebook và các cơ quan chức năng phối hợp với Công an để xử phạt vi phạm hành chính những người đã đưa tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận mỗi người 10.000.000 đồng/1 lần.

Ngoài những thông tin sai sự thật về dịch bệnh nguy hiểm do Covid-19 gây ra thì còn có những mối tư thù cá nhân, lợi dụng mạng xã hội như facebook để đăng lên những thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác hay chia sẻ những thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn mặc dù không phải cố ý nhưng vẫn có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Ngoài bị xử phạt vi phạm hình chính còn có thể bị xử lý hình sự về các tội vu khống, tội xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác,… theo Bộ luật hình sự 2015

3. Trò chơi điện tử (Game) là gì?

Hiện nay trên mạng Internet có nhiều trò chơi điện tử khác nhau, và đôi khi người chơi không phân biệt được đâu là game hợp pháp, đâu là game không hợp pháp. Thực tế, “game hợp pháp” là các trò chơi điện tử đã được phê duyệt nội dung, kịch bản và được cung cấp bởi các doanh nghiệp đã được Bộ TT&TT cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1, G2, G3, G4. Danh sách các doanh nghiệp và trò chơi điện tử được cấp giấy phép đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Bộ TT&TT.

Cách phân loại trò chơi điện tử được quy định tại khoản 1 Điều 31 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Theo quy định này, trò chơi điện tử có 02 cách phân loại như sau:

Theo phương thức cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng được phân loại theo kí tự G1, G2, G3 và G4, trong đó:

– G1: là trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp.

– G2: là trò chơi điện tử chỉ có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp.

– G3: là trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau nhưng không có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp.

– G4: là trò chơi điện tử được tải về qua mạng, không có sự tương tác giữa người chơi với nhau và giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp – gọi tắt là trò chơi G4.

Ngoài ra, còn có phân loại theo độ tuổi của người chơi phù hợp với nội dung và kịch bản trò chơi. Bộ Thông tin và Truyền thông quy định cụ thể về phân loại trò chơi theo độ tuổi người chơi.

4. Xử phạt người chơi điện tử mua bán vật phẩm ảo trong Game?

Từ ngày 15/04/2020 trở đi, cấm người chơi điện tử mua bán vật phẩm ảo, đơn vị ảo hoặc điểm thưởng trong game theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính Phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tân số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử bởi trước đó Nghị định cũ không có quy định xử phạt về vấn đề này. Cụ thể:

Hình thức xử phạt với người chơi:

– Phạt cảnh cáo: Đối với hành vi đăng ký không đúng thông tin cá nhân khi chơi các trò chơi điện tử G1 (những game có sự tương tác giữa nhiều người, thông qua hệ thống máy chủ của doanh nghiệp). (Khoản 1, điều 106 Nghị định này)

– Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng: Đối với hành vi không chấp hành quy định về quản lý giờ chơi tại điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng. (Khoản 2, điều 106 Nghị định này)

– Phạt tiền từ 2.000.000-3.000.000 đồng: Đối với một trong các hành vi sau: (Khoản 3, điều 106 Nghị định này)

+ Lợi dụng trò chơi điện tử để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây mất trật tự, ăn toàn xã hội và an ninh quốc gia.

+ Mua, bán vật phẩm ảo hoặc đơn vị ảo hoặc điểm thưởng

Một số hình thức xử phạt với các đơn vị cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng-40.000.000 đồng: Đối với hành vi cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 có nội dung kịch bản, hình ảnh, âm thanh gây cảm giác ghê sợ, rùng rợn, kích động bạo lực, thú tính, khêu gợi, kích thích dâm ô, trụy lạc, trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam, phá hoại truyền thống lịch sử, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của cá nhân; miêu tả các hành động tự tử, sử dụng ma túy, uống rượu, hút thuốc, khủng bố, hành động ngược đãi, xâm hại, buôn bán trẻ em, đánh bạc và các hành vi có hại hược bị cấm khác. (Khoản 3 điều 104)

Phạt tiền từ 170.000.000-200.000.000 đồng: Đối với một trong các hành vi sau: (Khoản 5 điều 104)

+ Quy đổi vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng được thành tiền hoặc thẻ thanh toán hoặc phiếu thưởng hoặc các hiện vật có giá trị giao dịch bên ngoài trò chơi điện tử dưới bất kỳ hình thức nào

+ Khởi tạo các vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng trong trò chơi điện tử không đúng theo nội dung, kịch bản trò chơi điện tử bị

+ Cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 có thông tin, hình ảnh vi phạm chủ quyền quốc gia; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

5. Thẩm quyền lập biên bản và xử phạt hành chính

Thẩm quyền lập biên bản quy định cụ thể tại Điều 121 Nghị định 15/2020/NĐ-CP này.

Điều 121: Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính

Các chức danh nêu tại các Điều 114, 115, 116, 117, 118 và 119 Nghị định này, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đang thi hành công vụ, nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử có quyền lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định.

Thẩm quyền xử phạt vp phạm hành chính được quy định chi tiết tại Chương VIII Nghị định 15/2020/ND-CP:

Điều 120: Phân định thẩm quyền xử phạt

1. Ủy ban nhân dân các cấp:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền xử phạt vi phạm hành chính tại khoản 1 Điều 55 Nghị định này;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền xử phạt vi phạm hành chính tại các Điều 9, 10 và 12; các khoản 1, 2 và 3 Điều 34; các Điều 38, 39, 40 và 41, các khoản 1, 2 và 3 Điều 55; các Điều 56 và 98 Nghị định này;

c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền xử phạt vi phạm hành chính tại các Điều 9, 10, 12, 33, 37, 38, 39, 40, 53, 54, 95 và 96 Nghị định này.

2. Công an nhân dân:

a) Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an có quyền xử phạt vi phạm hành chính tại khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 106 Nghị định này;

…”

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0159 để được giải đáp.

>> Xem thêm: Hiểu đúng về Chỉ thị số 16/CT-TTg và hoạt động của tổ chức hành nghề Luật sư của LVN Group, công chứng trong dịch Covid-19

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Dân sự – Công ty luật LVN Group