Chẳng lẽ con đường dân giàu nước mạnh đã xây bấy lâu mà vẫn bần cố nông ư? Vô lí! Cái gốc gác xưa khiến anh thành đạt và giàu có, nhưng bây giờ nó làm cái thương hiệu của anh trở nên chật chội, bức bối … Do vậy, cần phải làm một điều gì để thay đổi thương hiệu chứ.

Cứ nhìn xem, sau khi Quốc Tử Giám được xưng danh là Đại học đầu tiên với lịch sử gần 1000 năm văn hiến thì có tầm quan trọng đến như thế nào đối với các sĩ tử thời nay: các cụ rùa bị xoa đầu đến mòn vẹt, hòng mong nhập tinh hoa tri thức vào đầu các sĩ tử trước khi đi thi khoảng vài ngày.

Sự thay đổi cũng không phải nhọc nhằn gì cho lắm. Thực tế cho thấy, nhiều vị qua một đêm tỉnh dậy trở thành tiến sĩ, nhiều người dân ngủ dậy trở thành tỉ phú, nhiều công nhân lam lũ đã trở thành giám đốc … đó thôi. Khi nghèo mơ đến tiền, khi giầu mơ về tầm. Cái tiểu sử cũ nó cứ kéo họ xuống.

Anh kia mới mua được cái ôtô rất xịn, điều mà trước kia nằm mơ cũng không dám nghĩ. Có xe hơi mới sang trọng rồi, đương nhiên phải sắm thêm cho mình bộ cánh, đôi giày, chiếc đồng hồ … cho xứng tầm. Những thứ đó bỏ tiền ra mua thay mới được, chuyện nhỏ. Thậm chí bỏ người vợ cũ quê mùa, lấy vợ mới cho thời trang hơn, chuyện hơi phức tạp nhưng cũng làm được. Bây giờ họ uất nhất, ngủ không ngon bởi mấy cái dòng tiểu sử “bần cố nông” ghi trong hồ sơ lí lịch. Cái đó không trong tầm kiểm soát của họ nữa mà là của tổ chức, của bia miệng thế gian. Người ta kéo nhau đến những quán bia tấp nập vãi tiền uống đến say để thanh minh hồ sơ, để rửa bia miệng, để khẳng định rằng: ngày xưa nhà tớ là phú nông, địa chủ, tư sản. May thay thiên hạ đang có trào lưu đánh bóng tên tuổi, nên ngay cả bạn nối khố cũng như có thoả ước ngầm với nhau mà lờ đi không truy cứu việc họ tuỳ tiện thay đổi lí lịch trong những câu chuyện.

Nhật Bản đấy, họ đã trở thành cường quốc trên thế giới. Thành đạt rồi họ muốn hình ảnh, việc xử thế của họ như những người văn minh nhất thế giới. Nên nhiều công ty thành danh bây giờ vốn là công ty rửa tiền của Mafia trước kia nay không được nhắc đến nữa. Cuộc chiến tranh họ gây ra ở Châu Á Thái Bình Dương đầu thế kỉ 20 cũng phải viết lại cho đỡ xấu xa hơn.

Nhưng đất nước Nhật Bản đã trả giá đắt, đã nỗ lực hết mình cho điều ấy trong suốt nửa thế kỉ. Còn mấy người kia đang cố sửa lịch sử của mình bằng việc đốt tiền trong những quán bia, cho phù hợp với những phép lạ qua một đêm của họ. Lớp trẻ không mông lung sao được khi thấy xứ mình sao lắm người giàu thế mà đất nước lại nghèo?

Nguyễn Tất Thịnh
Nguồn:
  Cuốn “Bàn về Văn hoá ứng xử của người Việt Nam”

(LUATMINHKHUE.VN: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)