Tôi hỏi đùa: “Chắc ông đang có vụ gì hấp dẫn ở Phan Thiết”, ông nói ngay: “Mình có đứa con vừa hơn một tuổi. Cuối tuần ra ngoài này chơi. Chắc bạn sẽ thích…”.

>> Luật sư tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp gọi số:1900.0191

Đúng hẹn, tôi tìm đến địa chỉ 12A Nguyễn Đình Chiểu, Hàm Tiến, Phan Thiết. Trước mắt tôi là một L’Anmien Beach Resort sang trọng ẩn sau dãy building hotel sang trọng là những ngôi nhà miệt quê xinh xắn với những hàng cây xum xuê mát rượi.

Chiều thứ Bảy, L’Anmien khá đông khách, những chiếc bàn xếp dọc hồ sen không còn chỗ trống, thực khách vừa ăn uống, rỉ rả chuyện trò, vừa ngắm nhìn mặt trời lặn phía cuối biển giữa khung cảnh trời nước bình yên. Vừa kéo ghế mời khách, ông nói luôn: “Đứa con của mình đấy. Mới hơn một tuổi nên còn cực lắm”.

* Nhiều nhà đầu tư bất động sản cho rằng, đầu tư vào resort chi bạc tỷ nhưng thu bạc cắc, còn ông thì chắc có lý lẽ khác để quyết định đầu tư?
– Đúng là đầu tư vào khu nghỉ dưỡng, resort chi phí lớn, nhưng thu hồi vốn chậm. Vì vậy, khi nghe tôi đầu tư xây dựng resort, nhiều bạn bè thân thiết khuyên tôi “nghĩ lại”. Tuy nhiên, đầu tư resort có hai dạng: Một dạng nhà đầu tư muốn bỏ vốn ít thu lợi nhanh và một dạng làm resort vì đam mê. Và “lý lẽ” khác của tôi chính là đam mê.

Thú thật, đầu tư vào resort rất vất vả. Vì vậy, khi đã chọn hướng đầu tư vì đam mê thì nhà đầu tư phải có tâm huyết, sự kiên định, phải có cái nhìn xuyên suốt từ kiến trúc, nội thất, đến cảnh quan bên ngoài và quan trọng nhất là phải yêu thiên nhiên và có cảm nhận sâu sắc cái hồn quê.

Tôi vốn sinh ra ở xứ Huế thơ mộng, nên từ nhỏ cũng “cảm” được ít nhiều vẻ đẹp của cây cầu, bến nước, dòng sông. Mỗi lần được mẹ dẫn về quê ngoại, quê nội, được lội xuống ruộng bắt cá, bắt cua, lân la quanh các bụi cây hái hoa, bắt chuồn chuồn và leo lên cây mận, cây ổi hái quả xanh… Những hình ảnh đó thấm vào tôi…

Lớn lên, được đi đây đi đó, đến các thành phố du lịch nổi tiếng của châu Á như Bali, Phuket, thấy khung cảnh thiên nhiên của họ không đẹp hơn mình, nhưng họ lại có những địa danh du lịch nổi tiếng, có những nơi nghỉ dưỡng khiến du khách phải trầm trồ và tiếc nuối khi rời bước.

Hơn nữa, người Việt mình vốn có nền văn hóa làng quê, dân dã, đó là một ưu thế mà nhiều du khách nước ngoài và Việt kiều rất thích thú và mong muốn được đến để khám phá và tìm lại. Vì vậy, tôi ấp ủ giấc mơ xây dựng một khu resort cao cấp nhưng có lối kiến trúc mang đậm nét văn hóa và nét đẹp của làng quê Việt Nam.

* L’Anmien ra đời vào thời điểm các resort ở Việt Nam mọc lên như nấm, đặc biệt ở khu vực Mũi Né, Phan Thiết, và các resort cạnh tranh nhau rất khốc liệt, ông có thấy lo ngại khi là người đến sau?

– Trong kinh doanh, người đi trước và kẻ đến sau đều có những lợi thế riêng. Lợi thế của tôi là có dịp đi nhiều, thấy nhiều và rút tỉa những khiếm khuyết, hạn chế của người đi trước để có những bước đi khác biệt, hoàn thiện cho mình.

Đã mang cái nghiệp kinh doanh
Resort L’Anmien

Ở các quốc gia mà tôi đi qua, hầu hết các resort của họ đều theo một ý tưởng thiết kế chủ đạo mang nét văn hóa đặc trưng và lối kiến trúc, màu sắc nhất quán.

Trong khi đó, ở Việt Nam, tuy rất nhiều resort nhưng lại hoạt động manh mún, tự phát và lộn xộn, đặc biệt các resort đều thiếu sự định hình trong ý tưởng nên thiếu đi nét văn hóa trong kiến trúc.

Nét văn hóa đó không chỉ đơn giản là phòng ngủ với dịch vụ tiện nghi, một không gian để thư giãn, mà còn phải là một giá trị đồng bộ giữa thiết kế cảnh quan, phong cách, nghệ thuật sắp đặt, văn hóa và truyền thống địa phương…

Chính điều này đã tạo cho du khách niềm vui cảm nhận, khám phá, được sống với thiên nhiên. Mặc dù khá nhiều resort có xu hướng dùng vật liệu truyền thống, thô, mộc, tự nhiên để tạo ra văn hóa kiến trúc theo kiểu làng quê, nhưng hầu hết cách thể hiện lại bị pha tạp, không mang bản sắc riêng của từng vùng, miền nên thiếu đi cái hồn và giá trị cốt lõi.

Chẳng hạn, cũng là làng quê nhưng quê ở miền Trung khác miền Nam, miền Bắc, quê ở vùng biển khác vùng núi. Ở mỗi nơi đều có phong cách, lối thiết kế đặc trưng, như miền Bắc nặng về thiết kế cổ, đục đẽo; miền Trung chạm rồng, phụng…

Ngay nhà ở, nơi sinh hoạt cũng có những vật liệu riêng, thậm chí cây cỏ, hoa trái cũng có những chủng loại khác nhau, có những dòng sông, lũy tre, con suối riêng biệt…

* Nói vậy có nghĩa là L, Anmien có sự khác biệt?

– Trước khi L’Anmien được hình thành, tôi đã mất gần hai năm để xây dựng ý tưởng. Cái khó nhất là giữa nhiều resort na ná nhau, cũng cát vàng, gió biển, cũng phong cách làng quê, gạch thẻ, đụn rơm…, phải làm sao tạo được sự khác biệt.

Đã mang cái nghiệp kinh doanh
Thảo luận với các nhà thầu

Sau nhiều tháng ngày suy nghĩ, tôi quyết định chọn thiết kế resort theo phong cách của làng quê Nam bộ, đó là những villa vách đất nằm ẩn hiện trong lũy tre xanh, đồng cỏ mượt, có vườn cây ăn trái, cổng rào bằng những hàng cây dâm bụt, có dòng suối róc rách chảy về hồ sen nối liền với hồ bơi lớn trong một không gian rộng mở như không có giới hạn với mặt biển, làm cho du khách có cảm giác gần gũi với biển và sóng.

Song, giá trị cao nhất của L’Anmien không chỉ là khoảng xanh, là những villa có cách thiết kế khác nhau để du khách trở lại luôn có cảm giác mới mẻ, mà còn mang đến cho du khách sự cảm nhận và hoài niệm về một thời đã xa với phong cách thiết kế, các vật dụng, cây trái, hoa cỏ đặc chất Nam bộ, như lu nước, gáo dừa, cây xoài, bụi chuối; nội thất vừa là gỗ thô mộc, vừa là đá tự nhiên xen lẫn nét thời gian xưa cũ qua cách xử lý những rêu phong trên đá, những nứt nẻ, mối mọt.

* Theo tôi biết, không ít nhà đầu tư có ý tưởng thiết kế như ông, nhưng khi thực hiện thì chưa thể hiện được. Vậy theo ông, cái khó là ở chỗ nào?

– Cái khó của người đầu tư resort là làm sao lột tả được ý đồ của mình qua khâu thiết kế, sử dụng vật liệu để du khách có thể cảm nhận được cái hồn của resort đó.

Người ta nói, nhìn vào resort sẽ hiểu được văn hóa của người chủ đầu tư là vậy. Mà muốn làm được điều này thì nhà đầu tư phải am hiểu về vật liệu, có kiến thức về kiến trúc và thiết kế. Sâu hơn nữa là phải chịu cực, lăn xả vào công việc, cùng ăn, ngủ với đứa con tinh thần của mình thì sản phẩm mới hoàn thiện như ý muốn.

Bản thân tôi, mặc dù có gần 20 năm làm ở lĩnh vực xây dựng, thiết kế, trang trí nội thất, hiểu khá rõ về các vật liệu cũng như có kiến thức chuyên ngành, nhưng khi đầu tư xây dựng resort, tôi vẫn gặp vô số khó khăn vì khi chuyển tải ý tưởng của mình đến kiến trúc sư, không phải ai cũng hiểu hết và hiểu đúng điều mình muốn thể hiện.

Trước đó, tôi đã tổ chức các cuộc thi nhưng không có nhà thiết kế nào lột tả được chất làng quê theo đúng ý tưởng của tôi. Ngay cả việc sử dụng vật liệu là yếu tố quan trọng nhất tạo nên cái hồn cho resort cũng không dễ kiếm, dễ làm và dễ thể hiện. Do đó, nhiều resort đã sử dụng những vật liệu thay thế khác nên làm lạc đi chủ đề ban đầu của chủ đầu tư.

Bản thân tôi đã phải đi khắp mọi miền đất nước, từ Quy Nhơn, Bình Định đến Thanh Hóa… và cả ra nước ngoài để mua từng viên ngói cổ, từng tảng đá lát và các hóa chất bảo vệ gỗ không bị bong tróc, nứt nẻ chứ không dùng sơn. Thậm chí, đến cách ốp gạch, ốp ngói, làm tường rơm cũng phải có kỹ thuật và am hiểu mới thể hiện được nét cổ xưa và đúng bản chất của làng quê.

* Vậy L’Anmien đã thể hiện được bao nhiều phần trăm ý tưởng của ông?

– Mặc dù được Hiệp hội Những khách sạn nhỏ sang trọng thế giới (Small Luxury Hotel in the World) bình chọn là một trong 400 resort sang trọng, ấn tượng nhất thế giới, nhưng do nhiều lý do khách quan và chủ quan, L’Anmien mới chỉ thể hiện được 70% ý tưởng của tôi.

Vì vậy, tôi đang chuẩn bị xây dựng thêm hai resort nữa, một ở Nha Trang rộng 35ha và một ở Phú Quốc rộng 3ha… Ở đó, tôi sẽ có những khu vườn, ao cá, những ruộng lúa cung cấp rau xanh và cá tươi cho resort, cũng như tạo thêm cho du khách cảm giác thú vị khi muốn lội ruộng trồng lúa hoặc tát ao bắt cá…

Riêng khâu dịch vụ tôi vẫn chưa hài lòng, nhất là với tiêu chuẩn một resort 5 sao như ở L’Anmien, vì đội ngũ phục vụ chưa đạt chuẩn. Đây chính là vấn đề nan giải của những người đầu tư vào resort vì nguồn nhân lực địa phương rất hạn chế về trình độ, ngoại ngữ cũng như kỹ năng.

Riêng ở Mũi Né, Phan Thiết, do sự cạnh tranh của quá nhiều resort nên nhân viên được đào tạo xong rất dễ nghỉ việc. Tôi đã từng ký hợp đồng quản lý, đào tạo với các chuyên gia nước ngoài, nhưng nếu chỉ thuê đơn lẻ một vài chuyên gia cũng khó hiệu quả vì quản lý dịch vụ khách sạn, nhà hàng là phải đi theo một hệ thống.

Vì vậy, có đầu tư vào lĩnh vực này mới thấy khổ trăm bề, khổ từ lúc xây dựng đến lúc đi vào hoạt động vẫn ngổn ngang nhiều nỗi lo. Cũng may, tôi có được một người bạn hợp tác rất kiên định và quyết tâm, nên nhiều lúc nản lòng, được anh động viên, tôi lại như được thổi thêm lửa và thêm sức để bước tiếp.

* Khổ vậy nhưng mới đây, khi resort đã hoạt động và dự án cao ốc văn phòng cho thuê AB Tower sắp hoàn thành, tôi lại nghe ông muốn tiếp tục đầu tư vào nhiều dự án khác?

– Nghiệp kinh doanh là vậy. Khi làm thì mong hoàn thành dự án để… xả hơi, nhưng khi hoàn thành rồi thì lại thấy buồn vì trống công việc, nên lại lăn vào dự án khác.

Tuy nhiên, mỗi người có một cách kinh doanh khác nhau. Tôi là người không thích đầu tư mạo hiểm, tràn lan nhiều dự án, mà chỉ làm những gì đã nắm chắc trong tay, xong dự án này mới qua dự án khác.

Hơn nữa, tôi là người mê nghệ thuật kiến trúc, thích sáng tạo nên các dự án tôi làm luôn được trau chuốt từng chi tiết, thiết bị để tạo những công năng tối đa cũng như sự hài lòng cho người sử dụng, chứ không làm theo chủ trương “tương đối” và không quá đặt nặng lợi nhuận.

Vì vậy, tôi chỉ chọn làm một vài dự án để thỏa mãn đam mê và dồn tâm huyết hoàn thiện nó, làm sao tạo được uy tín, chất lượng cao cho những công trình mình đã thực hiện. Đó cũng là lý do vì sao tôi phải “trả giá” cho cuộc sống gia đình vì khi đầu tư có một đồng, nhưng lúc nào cũng ráng làm tốt hơn nên thường phát sinh tới ba đồng. Mà điều này khó có người vợ nào an lòng và chấp nhận.

* Xin lỗi, tôi có một cảm nhận xin được nói thật, ông có vẻ cầu toàn và hơi khó tính?

– Không phải mình chị cảm nhận, nhiều nhân viên cũng thổ lộ với tôi như vậy. Đó cũng là cái khổ của người quản lý vì nhiều khi phải “mặc cái áo” không phải của mình. Đâu có ai biết, tôi cũng ngồi hàng giờ bâng khuâng trước một cảnh đẹp và cũng có thể viết lách đôi chút khi cảm xúc trào dâng…

Nhưng bên ngoài, nhất là trong công việc, tôi lại là người rất nghiêm khắc, cầu toàn. Theo tôi, một công ty bền vững thì phải có văn hóa. Mà muốn tạo ra văn hóa thì chính người lãnh đạo phải là người cầm cân nảy mực, phải cho nhân viên hiểu được định hướng, sứ mệnh và con đường công ty đang đi.

Vì vậy, để thổi cho họ tinh thần đó, không ai có thể làm tốt hơn chính người chủ doanh nghiệp. Do đó, tôi là người trực tiếp soạn thảo các giáo trình đào tạo và đứng lớp. Hằng ngày, tôi còn luôn quan sát khi họ làm việc để kịp uốn nắn, chấn chỉnh.

* Được biết, hầu hết các công ty của Nhật Bản có văn phòng và nhà xưởng tại Việt Nam đều do công ty ông thiết kế. Bí quyết nào đã giúp ông chinh phục được những khách hàng khó tính này?

– Khi bắt tay vào nghề và thành lập công ty, tôi chỉ có chút vốn liếng cộng với vốn kiến thức học hỏi được từ công việc thực tế trước đó và các chuyến ra nước ngoài. Năm 1991, khi qua Singapore, thấy họ thiết kế văn phòng, nội thất bằng gỗ đẹp quá, tôi quyết định tìm hiểu và đi sâu vào lĩnh vực này.

Khi thực hiện thiết kế nội thất văn phòng, nhà xưởng cho các tập đoàn của Nhật Bản, tôi đã làm rất kỹ và say sưa. Thậm chí quên cả ăn, ngủ và sau những dự án, tôi sút 1 – 2 ký lô là chuyện bình thường. Rồi có những dự án thực hiện quá tâm huyết đến… huề vốn nhưng tôi vẫn rất vui và không bao giờ đòi thêm phí của khách.

Bù lại, “hữu xạ tự nhiên hương”, họ rất hài lòng và khi các công ty khác qua Việt Nam làm ăn, họ lại giới thiệu tôi. Kinh nghiệm của tôi là muốn kinh doanh thành công, phải am hiểu lĩnh vực mình đầu tư và phải đặt mình vào sự kỳ vọng, vị trí của khách hàng.

* Một người bạn của ông tiết lộ, ông là người “hay suy tư” chuyện đời và đôi lúc trong những cuộc “trà dư tửu hậu”, ông thường bộc bạch vài điều. Ông có thể chia sẻ một trong những ưu tư đó?

– Là dân xây dựng, thiết kế và thích hoài niệm những ảnh cũ nên điều làm tôi khó chịu nhất là khi những cảnh quan, di tích lịch sử ở nhiều tỉnh, thành của ta không được tôn tạo một cách trang trọng và mang tính bảo tồn.

Chẳng hạn, khi ra thăm các lăng tẩm ở Huế, tôi thật sự bức xúc vì một số cảnh quan do bị mục nên đã được tôn tạo bẳng cách dùng những cây sắt V chống lên một cách rất đơn giản, cẩu thả, không những làm mất đi tính thẩm mỹ, nghệ thuật, mà còn làm cho nét văn hóa của những công trình cổ bị hủy hoại thêm.

Tôi dự định sẽ quyên góp kinh phí và xin phép tôn tạo lại nơi này, trả những di tích về với nét cổ kính, rêu phong như ngày nào để thế hệ con cháu còn có chỗ để đến tham quan, chiêm ngưỡng và tưởng nhớ.

Ở góc độ là người làm du lịch, tôi cũng trăn trở khi hiện nay ý thức bảo vệ môi trường của nhiều người Việt Nam còn quá kém, trong đó có cả những người có học thức, từng đi nước trong nước ngoài.

Tôi từng thấy một người kinh doanh khá giàu có, đi xe hơi bóng lộn nhưng lại “nhanh tay” vứt ra khỏi cửa xe hơi chai nước vừa uống xong. Hoặc những dân chài sau mỗi mẻ lưới, họ sẵn sàng vứt ra biển hoặc bãi cát những gì không dùng được.

* Nhiều doanh nhân cho rằng, muốn kinh doanh phải có tinh thần thép, còn quan niệm của ông?

– Là “chịu đòn” giỏi. Vì vậy, để rèn luyện tinh thần và sức chịu đựng, tôi có thói quen chạy bộ tập gym vào buổi sáng và mỗi tối. Ngay cả khi đi nước ngoài, hành lý của tôi cũng không thiếu đôi giày và bộ đồ thể thao.

Theo tôi, một cơ thể khỏe sẽ có một tinh thần khỏe, lạc quan. Ngoài ra, để giảm stress, mỗi tuần tôi đều ra resort, không chỉ ngó tới ngó lui công việc, mà còn đi dọc bờ biển, hít thở thật sâu, nhìn lại tác phẩm của mình và chuẩn bị tinh thần “chịu đòn” cho dự án tiếp theo. Sau đó uống vài chai bia với bạn bè, du khách đến nghỉ tại resort…

* Xin cám ơn ông về những chia sẻ thú vị và chúc ông hài lòng với những “đứa con” của mình!

Theo nguoilanhdao.com

THAM KHẢO VÀ DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

2. Dịch vụ tư vấn cơ cấu lại doanh nghiệp;

3. Tư vấn thành lập doanh nghiệp tại Hà Nội;
4. Tư vấn xây dựng quy chế hoạt động cho doanh nghiệp;
5. Luật sư tư vấn vụ án tranh chấp kinh doanh, thương mại;
6. Luật sư tư vấn và giải quyết tranh chấp nội bộ doanh nghiệp.