Khách hàng: Kính thưa Luật sư LVN Group, Luật sư hãy phân tích giúp tôi về một số đặc điểm cơ bản của các cấu thành tội phạm cụ thể trong Phần riêng Bộ luật Hình sự năm 2015?

Cảm ơn!

Trả lời:

Việc phân tích khoa học nội hàm của các quy phạm tương ứng với các cấu thành tội phạm cụ thể trong Phần riêng Bộ luật Hình sự năm 2015 cho thấy một số đặc điểm chung chủ yếu sau đây:

1. Chế tài xử phạt đối với hành vi chuẩn bị phạm tội chỉ do cá nhân (thể nhân) thực hiện

Chế tài xử phạt đối với hành vi chuẩn bị phạm tội chỉ do cá nhân (thể nhân) thực hiện đã ghi nhận trực tiếp bằng một quy phạm chung giống nhau như “Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt…” ngay tại 23 cấu thành tội phạm cụ thể tương ứng với các khoản cuối cùng của 23 điều luật trong một số chương thuộc Phần riêng Bộ luật Hình sự năm 2015, mà cụ thể là:

– Chương XIII “Các tội xâm phạm an ninh quốc gia” tại 13 cấu thành tội phạm cụ thể tương ứng với các khoản 3 của 13 điều, cụ thể là từ Điều 108 đến Điều 112, từ Điều 114 đến Điều 121 và, duy nhất tại một cấu thành tội phạm cụ thể thì lại tương ứng với khoản 5 Điều 113 “Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” Bộ luật Hình sự năm 2015.

– Chương XIV “Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người” tại hai cấu thành tội phạm cụ thể tương ứng với khoản 3 Điều 123 và khoản 6 Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

– Chương XVI “Các tội xâm phạm sở hữu” tại hai cấu thành tội phạm cụ thể tương ứng vối khoản 5 Điều 168 và khoản 5 Điều 169 Bộ luật Hình sự năm 2015.

– Chương XVIII “Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế” tại một cấu thành tội phạm cụ thể tương ứng với khoản 4 Điều 207 Bộ luật Hình sự năm 2015.

– Chương XXI “Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng” tại năm cấu thành tội phạm cụ thể (thuộc Mục 3) tương ứng với khoản 4 Điều 299, khoản 2 Điều 300, khoản 5 Điều 301, khoản 5 Điều 302 và khoản 3 Điều 303; cũng như tại một cấu thành tội phạm cụ thể (thuộc Mục 4) tương ứng với khoản 4 Điều 324 Bộ luật Hình sự năm 2015.

2. Tội phạm hóa các hành vi nguy hiểm cho xã hội mới

Tội phạm hóa 34 hành vi nguy hiểm cho xã hội mới và quy định trách nhiệm hình sự đối với việc thực hiện chúng với tư cách là 34 tội danh mới.

Các tội danh mới tương ứng tại 34 điều luật như sau: Điều 147, điều 154, điều 167, điều 178, điều 212 đến điều 217, điều 217a đến điều 224, điều 230, điều 234, điều 238, điều 285, điều 291; điều 293 đến điều 294; điều 297; điều 301, điều 302, điều 336, điều 348, điều 385, điều 391, điều 393 và điều 418 Bộ luật Hình sự năm 2015.

3. Cụ thể hóa các điều ước quốc tế vào hệ thống pháp luật quốc gia Việt Nam

Về việc cụ thể hóa các điều ước quốc tế vào hệ thống pháp luật quốc gia mà Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã cam kết thực hiện với tư cách là thành viên đầy đủ và có trách nhiệm của Liên hợp quốc, nhà làm luật nước ta đã tiến hành sửa đổi, bổ sung một loạt các cấu thành tội phạm cụ thể tương ứng tại 09 điều luật thuộc Phần riêng Bộ luật Hình sự năm 2015 như các điều 150; điều 151, điều 157, điều 297, điều 301 đến điều 302, điều 353 đến điều 354 và 374 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Về chế tài xử phạt nghiêm khắc nhất. Trong xu thế chung về tiếp tục nhân đạo hóa pháp luật hình sự ở mỗi quốc gia và trên cơ sở cam kết tuân thủ theo các điều ước quốc tế về nhân quyền, cũng như theo khuyến cáo của Liên hợp quốc thì trong lần pháp điển hóa thứ ba pháp luật hình sự Việt Nam vừa qua, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã giảm xuống chỉ còn 18 cấu thành tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có quy định hình phạt nghiêm khắc nhất (tử hình) tại các điều sau đây: 108-114, 123, 142, 194, 248, 250-251, 299, 353-354, 421- 423 Bộ luật Hình sự năm 2015.

4. Cấu thành tội phạm pháp nhân thương mại phải bị xử lý hình sự vì có khả năng liên đới với các nhân phạm tội

Việc ghi nhận các cấu thành tội phạm cụ thể tương ứng mà pháp nhân thương mại phải bị xử lý hình sự (tức chịu trách nhiệm hình sự) vì có khả năng liên đới với cá nhân trong việc phạm tội. Sự cần thiết cấp bách của việc nghiên cứu vấn đề này (nói riêng) và những vấn đề về kỹ thuật lập pháp của các điều khoản thuộc Phần riêng Bộ luật Hình sự năm 2015 (nói chung) có thể được lý giải bằng các lý do xác đáng và bảo đảm sức thuyết phục dưới đây:

– Vừa qua, lần đầu tiên trong lịch sử 70 năm Bộ luật Hình sự năm 2015 tuy chưa kịp đưa vào áp dụng trong thực tiễn đời sống xã hội nhưng đã phát hiện có nhiều lỗi về kỹ thuật lập pháp nên Quốc hội đã ban hành Nghị quyết lùi thời hạn thi hành lại trong hai năm (2016-2017) để sửa đổi, bổ sung lần thứ nhất các lỗi về kỹ thuật lập pháp (và đến ngày 01/01/2018 mới chính thức có hiệu lực thi hành).

– Vì việc xác định rõ ràng, đầy đủ và chính xác nhất phạm vi các quan hệ xã hội trong các lĩnh vực sinh hoạt của Nhà nước và xã hội cần được bảo vệ bằng pháp luật hình sự tránh khỏi sự xâm hại của các tội phạm mà pháp nhân thương mại vì có sự liên đới trong việc để cho cá nhân thực hiện một trong các tội phạm đó nên phải chịu trách nhiệm hình sự chính là vấn đề rất khó khăn và phức tạp trong hoạt động lập pháp hình sự của Nhà nước. Vì vấn đề này luôn đòi hỏi (yêu cầu) nhà làm luật nói chung, cũng như các thành viên trong Tổ biên tập và Ban soạn thảo Bộ luật Hình sự năm 2015 không những phải có tri thức về pháp luật (nói chung) và pháp luật hình sự (nói riêng), mà còn phải có cả những am hiểu (dù là ở mức độ nhất định) đối với các tri thức về xã hội học, kinh tế học, tâm lý học, tôn giáo học, đạo đức học,…

– Vì về mặt lập pháp, với số lượng 33 điều luật được liệt kê tại Điều 76 thuộc Phần chung tương ứng với 33 cấu thành tội phạm cụ thể được ghi nhận trong Phần riêng Bộ luật Hình sự năm 2015, nhà làm luật đã xác định rõ “Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại” đúng như tên gọi (tiêu đề) của Điểu 76. Từ đây có thể suy ra rằng, trong hàng chục, hàng trăm quan hệ xã hội thuộc các lĩnh vực khác nhau của đời sống, nhưng pháp nhân thương mại có thể phải chịu trách nhiệm hình sự chỉ đôì với 33 cấu thành tội phạm cụ thể được nêu tại Điều 76 thuộc Phần chung và tương ứng với 33 điều luật cụ thể thuộc Phần riêng Bộ luật Hình sự năm 2015.

Như vậy, có nghĩa là chỉ có một số lĩnh vực mà nếu pháp nhân thương mại có sự liên đới trong việc để cho cá nhân (với đầy đủ các điều kiện nêu tại khoản 1 Điều 75) phạm tội xâm hại đến khách thể loại thuộc một số lĩnh vực đó thì pháp nhân thương mại mới phải chịu trách nhiệm hình sự cùng với cá nhân đã phạm tội, cụ thể đó là 03 lĩnh vực được quy định tương ứng tại 03 chương về 03 nhóm khách thể loại sau: Chương XVIII về trật tự quản lý kinh tế (22 cấu thành tội phạm); Chương XIX về môi trường (09 cấu thành tội phạm); Chương XXI về an toàn công cộng và trật tự công cộng (02 cấu thành tội phạm).

– Tuy nhiên, nếu như nghiêm túc phân tích kỹ hàng trăm cấu thành tội phạm cụ thể trong Phần riêng Bộ luật Hình sự năm 2015 dưới góc độ dự báo sự phát triển của tình hình tội phạm và thực tiễn xử lý hình sự các tội phạm kinh tế nói chung trong những năm 2018 và năm 2019 vừa qua chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy “lỗ hổng” (“kẽ hở”) rất lớn về kỹ thuật lập pháp trong việc bỏ lọt một loạt các cấu thành tội phạm mà chưa quy định vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân có liên đói trong việc đề cho cá nhân phạm tội. Vì mặc dù bắt đầu từ thập niên thứ hai (tức từ năm 2011) trở đi của thế kỷ XXI thì ngay trong ba lĩnh vực thuộc ba chương tương ứng tại Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng vẫn còn rất nhiều quan hệ xã hội có khả năng bị đe dọa xâm phạm và gây thiệt hại bởi các pháp nhân có liên đới trong việc phạm tội của các cá nhân nhưng rất tiếc là các quan hệ xã hội ấy đã bị Bộ luật Hình sự năm 2015 bỏ sót mà chưa ghi nhận để được bảo vệ bằng pháp luật hình sự.

– Chẳng hạn, dưới đây có thể chỉ ra một loạt các điều luật quy định về 41 cấu thành tội phạm tương ứng với ba nhóm khách thể loại trong ba lĩnh vực tại ba chương XVIII, XIX và XI Bộ luật Hình sự năm 2015 mà do vụ lợi nên pháp nhân rất có khả năng sẽ liên đới trong việc để cho cá nhân thực hiện hành vi phạm tội vì lợi ích của mình, nhưng rất tiếc là tại 41 cấu thành tội phạm đó thì Bộ luật Hình sự năm 2015 vẫn bỏ sót không đề cập về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại như:

+ Lĩnh vực trật tự quản lý kinh tế (Chương XVIII) bao gồm 22 cấu thành tội phạm tại các điều 197, 198, 201, 205-209, 212, 214-215, 217a-222, 226a, 229-231, 233 Bộ luật Hình sự năm 2015.

+ Lĩnh vực môi trường (Chương XIX) đó là một loạt cấu thành tội phạm bao gồm ba cấu thành tội phạm tại các điều 236, 240-241. Đặc biệt ở đây cần lưu ý là chính vì trong cấu thành tội phạm tại Điều 236 “Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại” chưa ghi nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân nên trong thời gian qua Việt Nam chưa xử lý hình sự được sự vi phạm của nhiều công ty nưóc ngoài hiện đang đầu tư làm ăn ở nước ta.

+ Lĩnh vực an toàn công cộng và trật tự công cộng (Chương XXI) bao gồm 16 cấu thành tội phạm tại các điều 295-298, 303, 310-315, 317, 321-322 và 327 Bộ luật Hình sự năm 2015.

5. Kết luận vấn đề

Như vậy, rõ ràng nếu trong thời gian tới Quốc hội không nhanh chóng để kịp thời bổ sung thêm danh mục các cấu thành tội phạm có quy đinh trách nhiệm hình sự của pháp nhân để xử lý hình sự các pháp nhân phạm tội, tức là (đang và sẽ) liên đới trong việc để cho cá nhân thực hiện hành vi tội phạm (với đầy đủ các điều kiện nêu tại khoản 1 Điếu 75 Bộ luật Hình sự năm 2015) nói riêng, cũng như một số bổ sung khác trong Phần chung Bộ luật Hình sự năm 2015 thì rõ ràng là sẽ đưa đến những hậu quả rất xấu với một loạt thiệt hại nghiêm trọng xảy ra cho đất nước như:

– Sẽ làm giảm hiệu quả của công cuộc đấu tranh phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm nói chung và tội phạm do pháp nhân thương mại đã liên đới để cho cá nhân (với đầy đủ các điều kiện nêu tại khoản 1 Điều 75 Bộ luật Hình sự năm 2015) phạm tội của các cơ quan bảo vệ pháp luật và Tòa án nói riêng, cũng như sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân ta nói chung. Vì rõ ràng là dù có bổ sung thêm danh mục hàng trăm cấu thành tội phạm mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng lại không có điều luật về giải thích các thuật ngữ để giải thích rõ các mục từ đại loại như “Pháp nhân phạm tội” (hay “Pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự”) là pháp nhân có sự liên đới trong việc để cho người đại diện hoặc người được ủy quyền của mình đã nhân danh pháp nhân, vì lợi ích của pháp nhân và với sự điều hành, chỉ đạo hoặc chấp thuận của pháp nhân nên bị xử lý hình sự, thì mãi mãi cũng sẽ không bao giờ quy trách nhiệm hình sự cho pháp nhân được.

– Tình trạng bỏ lọt tội phạm sẽ vẫn tiếp tục xảy ra và gây thiệt hại cho đất nước đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng (không lẽ Nhà nước cứ phải bỏ ra đến hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng để mua lại các ngân hàng thực ra là “phạm tội” nhưng tuyên bố “phá sản” giả hiệu với giá 0 đồng.

– Nếu tình trạng trên tiếp tục diễn ra thì sẽ làm xói mòn lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, cũng như hiệu lực của Nhà nưốc và pháp luật.

Trân trọng!