1. Khái niệm và phân loại lợi ích nhóm
Theo nguyên nghĩa, “Lợi ích nhóm” là lợi ích của một nhóm người gắn kết với nhau, hỗ trợ, móc ngoặc với nhau, giúp đỡ lẫn nhau để cùng nhau có lợi ích và bảo vệ lợi ích đó.
Xét về mục đích và tính chất, lợi ích nhóm có thể phân chia thành hai loại: lợi ích nhóm tích cực và lợi ích nhóm tiêu cực.
Lợi ích nhóm tích cực là lợi ích chính đáng, hợp pháp của một nhóm người. Trong xã hội tồn tại nhiều giai cấp, tầng lớp, nhóm người có đặc điểm, hoàn cảnh khác nhau, việc hình thành lợi ích nhóm tích cực là một nhu cầu khách quan, chính đáng, tự nhiên. Lợi ích của các thành viên trong tổ chức công đoàn, phụ nữ, thanh niên, người khuyết tật v.v… cũng là lợi ích nhóm tích cực. Như vậy, lợi ích nhóm tích cực là lợi ích chính đáng, hợp pháp, phù hợp, không mâu thuẫn với lợi ích của dân tộc quốc gia, hướng tới và hài hòa với lợi ích xã hội, lợi ích dân tộc và quốc gia.
Lợi ích nhóm tiêu cực là lợi ích cục bộ của những đơn vị, địa phương, của những nhóm người xác định, xung đột, mâu thuẫn với lợi ích chung của nhân dân, của xã hội và thậm chí với quốc gia, dân tộc. Ở đây, cần phân định mức độ nguy hiểm, tác hại của các loại lợi ích nhóm tiêu cực.
Lâu nay chúng ta thường nói đến lợi ích cục bộ của ngành, địa phương, đơn vị. Thực chất đây cũng là một loại lợi ích tiêu cực. Phạm vi, quy mô của loại lợi ích này rất rộng, có thể là lợi ích cục bộ của một tổ, đội, phòng, ban cho đến lợi ích cục bộ của một phường, xã, huyện, tỉnh. Loại lợi ích này phục vụ cho một tập hợp người, địa phương, đơn vị. Về bản chất, là giành được nhiều lợi ích hơn cho địa phương, đơn vị mình, không tính đến lợi ích của toàn cục, của các địa phương, đơn vị khác. Trong thực tế, biểu hiện của loại lợi ích này là tranh thủ cấp trên “chạy dự án, công trình”, như dân gian thường nói xã, phường “chạy” trên huyện, huyện “chạy” trên tỉnh, tỉnh “chạy” trên các Bộ, ngành ở Trung ương. Mặc dù có xung đột với lợi ích toàn cục nhưng tác hại của lợi ích loại này chưa đến mức đối kháng, lũng đoạn, chi phối lợi ích toàn cục. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát, ngăn chặn lợi ích cục bộ thì dễ biến tướng, phát triển thành lợi ích nhóm tiêu cực cao hơn.
Lợi ích nhóm tiêu cực ở mức độ cao thường là lợi ích của một nhóm người ít hơn, chỉ phục vụ cho một nhóm người nhất định, tính cố kết, liên thông, móc ngoặc chặt chẽ, khép kín và tinh vi hơn; xung đột, mâu thuẫn có tính chất đối kháng, gây thiệt hại cho lợi ích chung của nhân dân, của xã hội, và quốc gia, dân tộc, cản trở quá trình phát triển kinh tế, xã hội, làm suy giảm hiệu quả quản lý nhà nước v.v…
“Lợi ích nhóm” hay “nhóm lợi ích” mà các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước đề cập đến là lợi ích nhóm tiêu cực, cần phải đấu tranh, ngăn chặn. Lợi ích nhóm tiêu cực có thể phân loại như sau:
– Căn cứ vào chủ thể: có thể bao gồm lợi ích nhóm tiêu cực cho số đông (đơn vị, địa phương) và lợi ích nhóm cho số ít. Trong đó lợi ích nhóm có số ít nguy hiểm hơn, tác hại hơn.
– Căn cứ vào mục đích của lợi ích có thể phân chia thành lợi ích cho đơn vị, địa phương và lợi ích cho một nhóm người.
– Căn cứ vào tính chất của lợi ích: lợi ích ở đây không chỉ là lợi ích vật chất mà nó còn bao hàm tất cả những gì mà người ta muốn có như vật chất, danh tiếng, quyền lực, sự thuận lợi, thăng tiến, vị trí làm việc cho bản thân và người thân trong gia đình v.v…
2. Nhận diện lợi ích nhóm tiêu cực ở Việt Nam hiện nay
Hiện nay, ở nước ta, lợi ích nhóm tiêu cực phát triển khá phổ biến, hiện diện ở tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội. Nhưng, phổ biến nhất, tác hại và nguy hiểm nhất là lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế – xã hội và được thể hiện dưới các dạng sau đây:
– Tạo quan hệ với cấp trên, với cơ quan có thẩm quyền, khi cần thiết có thể “hối lộ” dưới mọi hình thức để giành được kinh phí, đề tài, dự án v.v… cho đơn vị, địa phương v.v… (trong khi có thể bố trí kinh phí, đề tài, dự án cho đơn vị, địa phương khác sẽ có lợi và hiệu quả hơn).
– Tạo quan hệ, móc ngoặc với những người có chức, có quyền quyết định để được bố trí vào các chức vụ mong muốn cho bản thân hoặc cho người thân trong gia đình, trong khi năng lực, phẩm chất không đáp ứng được yêu cầu của vị trí công tác đó.
– Nhà đầu tư, doanh nghiệp tạo quan hệ móc nối với cơ quan, người có thẩm quyền quyết định, hình thành nhóm lợi ích để xây dựng các dự án, chủ trương đầu tư hoặc giành được các dự án “phát triển kinh tế – xã hội” nhằm mục đích kiếm lợi, có chi trả % cho chủ đầu tư, không tính đến hiệu quả đầu tư hoặc hiệu quả thấp, miễn là “có việc” là “có ăn”. Người có chức quyền, thoái hóa, biến chất, chỉ chăm lo thu vén lợi ích cá nhân, chỉ phê duyệt cho đơn vị, cá nhân nào biết quan hệ, biết điều, chi trả % đậm hơn.
– Các doanh nghiệp là “sân sau”, đồ đệ trung thành của những người có chức, có quyền hình thành nhóm lợi ích, cố kết với nhau để cùng nhau có lợi ích, bảo vệ lợi ích cho nhau. Doanh nghiệp và các đồ đệ trung thành phải chăm lo lợi ích của “sếp” tạo dựng uy tín, lo lót để che chắn khuyết điểm của “sếp”, để “sếp” được vào những vị trí công tác mong muốn v.v… Đến lượt “sếp” phải trả ơn, chăm lo lợi ích của các doanh nghiệp, đồ đệ của mình, phê duyệt cho họ những dự án “béo bở”, cất nhắc họ vào những vị trí làm việc hứa hẹn nhiều bổng, lộc v.v…
– Một bộ phận cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất trong các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát, cơ quan điều tra v.v… cũng bị móc nối và vì lợi ích vị kỷ của mình hình thành nhóm lợi ích với các cơ quan, cán bộ, công chức là đối tượng thanh tra, kiểm tra, điều tra v.v… để che chắn khuyết điểm, thậm chí làm nhẹ tội cho các đối tượng này.
Những biểu hiện trên đây của lợi ích nhóm tiêu cực đã được Đảng tổng kết thành các hành vi “chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy huân chương” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H, 2011, tr.262) và dư luận xã hội đã tổng kết muốn có chức quyền, lợi ích phải có “tiền tệ, quan hệ, hậu duệ, đồ đệ và cuối cùng mới là trí tuệ”.
3. Đặc điểm của lợi ích nhóm tiêu cực
Một là, lúc đầu là lợi ích cục bộ của đơn vị, địa phương không được kiểm soát ngăn chặn phát triển thành lợi ích nhóm tiêu cực của những nhóm ít hơn cấu kết với nhau để cùng hưởng lợi ích bất chính.
Hai là, sự cấu kết của một bộ phận cán bộ, công chức có chức, có quyền, thoái hóa, biến chất với các đơn vị kinh tế, các thành phần ngoài xã hội hỗ trợ nhau nhằm trục lợi, thu vén lợi ích cá nhân.
Ba là, luôn gắn với hành vi tham nhũng của những người có chức, có quyền. Điều đó có nghĩa là lợi ích nhóm tiêu cực gắn với quyền lực nhà nước tạo nên nhóm lợi ích tiêu cực ở cấp độ cao hơn, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hơn, chi phối các cá nhân có thẩm quyền, ảnh hưởng đến cả các chủ trương, chính sách, quyết định của chính quyền, tính chất nguy hiểm đối với xã hội càng cao hơn.
Bốn là, cấu kết, lôi kéo những người có chức, có quyền bằng vật chất ngày càng chặt chẽ, khép kín, đủ sức lũng đoạn từ tập thể nhỏ đến tập thể lớn từ kinh tế đến chính trị.
Năm là, lợi dụng chính sách, pháp luật; nhân danh lợi ích xã hội, nhân danh quy định của pháp luật để trục lợi. Dưới danh nghĩa lợi ích tập thể, lợi ích quốc gia để giành giật, chiếm đoạt lợi ích vật chất, danh tiếng, quyền lực cho bản thân và gia đình mà không thèm đếm xỉa đến lợi ích của nhân dân, của quốc gia, dân tộc.
Sáu là, được tổ chức chặt chẽ, thủ tục hợp pháp, rất khó phát hiện.
4. Tác hại của lợi ích nhóm tiêu cực
– Thứ nhất, là trở lực lớn trong quá trình thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; làm méo mó chính sách, ảnh hưởng đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đường lối, chính sách, pháp luật đúng đắn nhưng trong quá trình thực hiện, nếu để lợi ích nhóm tiêu cực chi phối sẽ làm sai lệch mục đích, không bảo đảm hiệu quả, không đạt được những mục tiêu đã đề ra. Khi lợi ích nhóm tiêu cực chi phối, tác động sẽ làm méo mó chính sách, suy yếu chính quyền, đe dọa sự lành mạnh của nền kinh tế, đe dọa lợi ích toàn dân, lợi ích quốc gia dân tộc.
– Thứ hai, gây thiệt hại lớn đối với tài sản của nhà nước, xã hội, tập thể và công dân, xâm phạm quyền và lợi ích của công dân.
Lợi ích nhóm tiêu cực gắn với tham nhũng, lãng phí vì vậy sẽ gây thiệt hại lớn về tài sản của nhà nước và nhân dân. Do lợi ích nhóm chi phối chính sách, quyết định quản lý dẫn đến đầu tư sai gây lãng phí lớn và thiệt hại tài sản do lãng phí gây ra lớn hơn nhiều so với thiệt hại tài sản do tham nhũng gây ra. Có thể thống kê về thiệt hại tài sản do tham nhũng gây ra nhưng khó có thể thống kê hết được thiệt hại tài sản do lãng phí gây ra vì lãng phí xảy ra trên nhiều lĩnh vực, dưới nhiều hình thái khác nhau, do nhiều chủ thể thực hiện, kể cả do cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước gây ra.
– Thứ ba, làm tha hóa đội ngũ cán bộ, công chức, đảo lộn những chuẩn mực, giá trị đạo đức xã hội.
Lịch sử phát triển xã hội và nhà nước ở Việt Nam cho thấy, hiện tượng người lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để trục lợi lúc nào cũng có. Nếu không ngăn chặn, xử lý kịp thời và nghiêm minh sẽ dễ phát triển, lây lan thành căn bệnh của cả bộ máy nhà nước. Người liêm khiết, trung thực trở thành cô lập, thậm chí bị bức hại bằng những thủ đoạn xảo quyệt, tàn bạo. Hiện nay, dưới chế độ XHCN đa số đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, tuy vậy cũng không tránh khỏi tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức thoái hóa biến chất sa vào tham nhũng, thiếu trách nhiệm, bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất, cấu kết với các phần tử xấu ngoài xã hội và trong bộ máy nhà nước với nhau hình thành nhóm lợi ích tiêu cực gây ra lãng phí lớn tài sản của đất nước, của nhân dân. Ở nơi nào và khi nào không đấu tranh kiên quyết ngăn chặn tình trạng lợi ích nhóm tiêu cực sẽ dẫn đến tình trạng tha hóa, biến chất ngày càng lan rộng trong đội ngũ cán bộ, công chức, những giá trị đạo đức xã hội như cần, kiệm, liêm, chính sẽ bị băng hoại, đảo lộn.
– Thứ tư, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN.
Từ ngày Đảng lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, nhân dân ta đã giành được những thắng lợi vĩ đại, không những giành được độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc mà còn từng bước vững chắc tiến bước trên con đường xây dựng XHCN. Vì thế nhân dân rất tin tưởng vào Đảng và Nhà nước. Nhưng, do một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất hình thành những nhóm tiêu cực sa vào tham nhũng, lãng phí thu vén lợi ích cá nhân làm giảm sút lòng tin của nhân dân, gây bất bình trong dư luận xã hội, thậm chí có nơi nhân dân biểu tình phản đối thể hiện sự phẫn nộ của mình. Lợi ích nhóm tiêu cực ngày càng lan rộng kể cả trong một số cán bộ cao cấp, trong các ngành cao quý như y tế, giáo dục, trong các lĩnh vực nhạy cảm như thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo v.v… Nếu không được ngăn chặn, xử lý nghiêm minh sẽ trở thành nguy cơ đe dọa thành quả cách mạng đã tốn nhiều xương máu mới giành được.
– Thứ năm, dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng, kích động, gây mất ổn định chính trị, đe dọa sự tồn vong của Đảng, Nhà nước và chế độ.
Lợi ích nhóm tiêu cực làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, gây bức xúc trong dư luận xã hội, bất bình trong nhân dân. Vì vậy, các thế lực thù địch rất dễ lợi dụng xuyên tạc, bôi nhọ, nói xấu, kích động nhân dân chống lại Đảng, Nhà nước. Trên thực tế, có lúc, có nơi các thế lực thù địch đã kích động được một bộ phận nhân dân gây bạo loạn làm mất ổn định chính trị. Nếu Đảng, Nhà nước không kiên quyết xử lý nghiêm minh, tiếp tục để lợi ích nhóm tiêu cực lộng hành, phát triển gây bức xúc trong nhân dân và xã hội sẽ tạo thuận lợi thêm cho các thế lực thù địch lợi dụng thực hiện những âm mưu gây bạo loạn đe dọa sự tồn vong của Đảng, Nhà nước và chế độ.
5. Giải pháp đấu tranh phòng, chống lợi ích nhóm tiêu cực
Để đạt được mục tiêu, yêu cầu đấu tranh phòng, chống lợi ích nhóm tiêu cực gắn với tham nhũng, lãng phí cần xây dựng và thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây:
– Giáo dục cán bộ, nhân dân nhận thức đúng đắn yêu cầu bức xúc của cuộc đấu tranh phòng, chống lợi ích nhóm tiêu cực gắn với tham nhũng, lãng phí vì những căn bệnh này đang đe dọa sự tồn vong của Đảng, Nhà nước và chế độ. “Tích cực phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí là đòi hỏi bức xúc của xã hội là quyết tâm chính trị của Đảng ta”(Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H, 2006, tr.45).
– Tổ chức nghiên cứu cơ bản, hệ thống, toàn diện về lợi ích nhóm tiêu cực gắn với tham nhũng, lãng phí.
– Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật nói chung và pháp luật về PCTN, lãng phí nói riêng, các quy định về quản lý đất đai, quản lý kinh tế, tài chính, ngân hàng, về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
– Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy gọn nhẹ, bảo đảm công khai, minh bạch các hoạt động kinh tế, tài chính trong các cơ quan, đơn vị.
– Tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật PCTN, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; sửa đổi Luật khiếu nại, Luật tố cáo.
– Xử lý nghiêm, kịp thời, công khai những vụ việc đã được phát hiện. Có biện pháp xử lý kiên quyết, nghiêm minh những người tham nhũng, lãng phí bất kể ở chức vụ nào, đương chức hay đã nghỉ hưu. Ban hành và thực hiện quy định để xử lý thích đáng, đúng pháp luật người đứng đầu cơ quan, đơn vị, nơi nảy ra tham nhũng, lãng phí, gây hậu quả nghiêm trọng. Tịch thu sung công tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng; xử lý nghiêm minh những người bao che tham nhũng hoặc lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để vu khống, làm hại người khác, đồng thời có cơ chế khuyến khích và bảo vệ những người tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; biểu dương và nhân rộng những tấm gương cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.
– Triển khai thực hiện tốt pháp luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội và của nhân dân trong việc giám sát cán bộ, công chức và cơ quan công quyền.
– Tiếp tục đổi mới chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức; có quy định về kiểm soát, giám sát thu nhập của cán bộ, công chức.
– Hoàn thiện tổ chức và triển khai hoạt động có hiệu quả của cơ quan nội chính và PCTN ở trung ương và địa phương. Các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị phải xây dựng chương trình hành động PCTN, lãng phí.
– Tập trung chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra PCTN, lãng phí trong một số lĩnh vực trọng điểm như quản lý đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài chính trong doanh nghiệp nhà nước; thu, chi ngân sách nhà nước; quản lý tài sản công; công tác quy hoạch, tuyển dụng, đề bạt, bố trí cán bộ.
– Gắn đấu tranh phòng, chống lợi ích nhóm tiêu cực, chống tham nhũng, lãng phí với công tác chỉnh đốn, xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân; với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.