1.Khái niệm chịu trách nhiệm hình sự là gì ?

Trong khoa học pháp lý, vấn đề trách nhiệm hình sự là một vấn đề khá phức tạp và dẫn đến nhiều quan điểm khác nhau khi nghiên cứu về nó. Thực tế này được biểu hiện trước hết qua định nghĩa về trách nhiệm hình sự. Có thể điểm qua một số quan điểm sau: – Trách nhiệm hình sự là một giai đoạn nhất định của việc thực hiện các quyền và các nghĩa vụ bởi các chủ thể của quan hệ pháp luật hình sự khi mà người phạm tội bị cưỡng chế đối với việc phải chịu những tước bỏ nhất định. – Trách nhiệm hình sự là nghĩa vụ của người phạm tội phải chịu hình phạt và được thể hiện trong việc tước bỏ có tính chất cá nhân hoặc tính chất tài sản đối với người đó vì tội phạm đã thực hiện. – Trách nhiệm hình sự là sự thực hiện có tính chất cưỡng chế những sự tước bỏ nhất định được các cơ quan đấu tranh chống tội phạm nhân danh Nhà nước áp dụng đối với người có lỗi trong việc thực hiện tội phạm. – Trách nhiệm hình sự là hậu quả bất lợi do luật quy định đối với người phạm tội được tuyên bằng bản án của Toà án đối với người phạm tội, được thể hiện chính trong việc kết án hoặc kết án có kèm theo hình phạt và án tích. Trong khoa học Luật hình sự Việt Nam, quan niệm về trách nhiệm hình sự cũng không hoàn toàn giống nhau. Có quan điểm cho rằng, trách nhiệm hình sự là hậu quả pháp lý của việc phạm tội, thể hiện ở chỗ người đã gây ra tội phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước Nhà nước. Cũng có quan điểm cho rằng, trách nhiệm hình sự là một dạng của trách nhiệm pháp lý, là trách nhiệm của người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong pháp luật hình sự bằng một hậu quả bất lợi do Toà án áp dụng tuỳ thuộc vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi mà người đó đã thực hiện. Một quan điểm khác coi trách nhiệm hình sự là một dạng của trách nhiệm pháp lý bao gồm nghĩa vụ phải chịu sự tác động của hoạt động truy cứu trách nhiệm hình sự, chịu bị kết tội, chịu biện pháp cưỡng chế của trách nhiệm hình sự (hình phạt, biện pháp tư pháp) và chịu mang án tích. Lại cũng có quan điểm cho rằng trách nhiệm hình sự là hậu quả pháp lý của việc thực hiện tội phạm và được thể hiện bằng việc áp dụng đối với người phạm tội một hoặc nhiều biện pháp cưỡng chế của Nhà nước do Luật hình sự quy định. Theo nguyên tắc, người có hành vi nguy hiểm đáng kể cho xã hội, gây thiệt hại cho xã hội phải chịu trách nhiệm hình sự. Điều này phù hợp với nguyên tắc công bằng, công lý và đạo lý. Một người có hành vi bị pháp luật hình sự cấm hoặc không thực hiện, thực hiện không đến nơi đến chốn những gì mà pháp luật hình sự yêu cầu, gây ra hoặc đe doạ gây ra hậu quả cho xã hội bị cho là tội phạm thì phải gánh chịu hậu quả, như là trách nhiệm pháp lý bất lợi trước Nhà nước và xã hội. Việc quy định trách nhiệm pháp lý bất lợi đối với người có hành vi nguy hiểm đáng kể cho xã hội như là một cơ chế để Nhà nước bảo vệ các quan hệ xã hội trước hành vi nguy hiểm. Trách nhiệm pháp lý ở đây được cụ thể bằng trách nhiệm hình sự vì nó được áp dụng đối với những người có hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Như vậy, có thể hiểu trách nhiệm hình sự là một dạng của trách nhiệm pháp lý, buộc người phạm tội phải gánh chịu những hậu quả bất lợi về hành vi phạm tội của mình, được thể hiện bằng việc Toà án nhân danh Nhà nước, tuân theo một thủ tục tố tụng riêng, kết án người phạm tội.

2.Đặc điểm và cơ sở của trách nhiệm hình sự

Từ khái niệm về trách nhiệm hình sự có thể rút ra các đặc điểm của trách nhiệm hình sự như sau: – Trách nhiệm hình sự là hậu quả pháp lý của việc thực hiện hành vi phạm tội. Trách nhiệm hình sự chỉ phát sinh trên cơ sở khi có người thực hiện hành vi nguy hiểm đáng kể cho xã hội bị pháp luật hình sự coi là tội phạm. Tuy nhiên, không phải bất kỳ người nào thực hiện hành vi nguy hiểm đáng kể cho xã hội cũng đều phải chịu trách nhiệm hình sự. Có những hành vi về mặt khách quan là rất nguy hiểm, gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại cho xã hội nhưng được loại trừ tính chất phạm tội thì người thực hiện hành vi đó sẽ được loại trừ trách nhiệm hình sự. Mặt khác, có những người dù đã thực hiện hành vi nguy hiểm bị coi là tội phạm nhưng vì một hoặc một số căn cứ nhất định mà được miễn trách nhiệm hình sự. – Trách nhiệm hình sự chỉ có thể được xác định bằng trình tự, thủ tục riêng. Trình tự, thủ tục riêng này tuân theo pháp luật về tố tụng hình sự và được thực hiện bởi các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự và người tiến hành tố tụng. Ngoài các cơ quan tố tụng hình sự và người tiến hành tố tụng ra, không một cơ quan Nhà nước hoặc công dân nào có quyền tiến hành các trình tự, thủ tục để xác định trách nhiệm hình sự. Đây là nét đặc biệt mà việc xác định các trách nhiệm pháp lý khác không có được. – Trách nhiệm hình sự được biểu hiện cụ thể nhất qua việc người phạm tội có thể phải gánh chịu biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước – hình phạt. Biểu hiện cụ thể của trách nhiệm hình sự là hình phạt. Tuy nhiên, trách nhiệm hình sự không đồng nhất với hình phạt, bởi vì có những người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng được miễn hình phạt. Từ “có thể” ở đây hàm ý như thế. Trách nhiệm hình sự có nội dung rộng hơn hình phạt, là hậu quả pháp lý chung mà người phạm tội phải gánh chịu. Trong khi đó, hình phạt chỉ là một trong những biểu hiện sinh động nhất của trách nhiệm hình sự. Ngoài hình phạt, trách nhiệm hình sự còn có thể biểu hiệu qua các biện pháp tư pháp, miễn hình phạt. – Trách nhiệm hình sự được thực hiện trong phạm vi của quan hệ pháp luật hình sự giữa một bên là người phạm tội và một bên là Nhà nước. Trách nhiệm này không được thực hiện đối với chủ thể mà quyền và lợi ích của họ bị xâm hại bởi tội phạm mà là đối với Nhà nước. Vì thế, trong khi xác định trách nhiệm hình sự, các cơ quan nhân danh Nhà nước có thể dựa trên nguyên tắc nhân đạo để làm lợi cho người phạm tội mà không phải cân nhắc lợi ích đó với lợi ích của chủ thể bị xâm hại. Dĩ nhiên, khi vận dụng nguyên tắc nhân đạo, các cơ quan tư pháp hình sự phải tuân thủ nguyên tắc pháp chế. Ở một khía cạnh khác, chủ thể bị xâm hại cũng không có quyền can thiệp để làm thay đổi trách nhiệm hình sự, ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ xảy ra trong trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng mà việc tiến hành xác định trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của họ.  – Trách nhiệm hình sự chỉ được phản án trong bản án hoặc quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Các văn bản của các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử (bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật) chỉ là các văn bản nhằm đảm bảo cho việc thực hiện trách nhiệm hình sự sau này chứ không phải là văn bản mà trong đó trách nhiệm hình sự được thực hiện. Đặc điểm này phản ánh nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc hiến định trong tố tụng hình sự. – Trách nhiệm hình sự chỉ mang tính chất cá nhân. Nội dung này được hiểu ở hai khía cạnh. Thứ nhất, trách nhiệm hình sự chỉ được áp dụng đối với cá nhân người phạm tội chứ không áp dụng đối với những người không có liên quan đến tội phạm, kể cả những người thân thích của người phạm tội. Thứ hai, hiện nay, Luật hình sự Việt Nam chỉ xem xét chủ thể của tội phạm là cá nhân chứ không xem xét pháp nhân. Vì vậy, trách nhiệm hình sự cũng chỉ đặt ra đối với cá nhân. Cơ sở pháp lý của trách nhiệm hình sự được biểu hiện thông qua quy định: “Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự” (Điều 2 Bộ luật hình sự 1999). Trong khoa học pháp lý trong và ngoài nước, có nhiều quan điểm khác nhau về cơ sở của trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, nhiều quan điểm thống nhất ở chỗ là xem cấu thành tội phạm là cơ sở pháp lý của trách nhiệm hình sự. Việc khẳng định một người nào đó là phạm tội và buộc họ phải chịu trách nhiệm hình sự cho hành vi phạm tội của mình phải dựa trên cơ sở cấu thành tội phạm về tội phạm đó chứ không phải cơ sở nào khác. Nếu một hành vi nào đó đã thoả mãn tất cả các dấu hiệu cấu thành tội phạm của một tội phạm cụ thể nào đó được quy định trong Bộ luật hình sự thì hành vi đó mới bị coi là tội phạm và người thực hiện nó mới có thể chịu trách nhiệm hình sự.

3.Thi hành cấp trên một trong những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự

Vấn đề này chưa được chính thức quy định trong Luật nên tồn tại rất nhiều quan điểm khác nhau, liệu việc thi hành mệnh lệnh trái pháp luật có được loại trừ trách nhiệm hình sự hay không. Trên cơ sở đó, nhiều bị cáo đã dựa vào đây để thoát tội. Ví dụ, trong vụ án Vũ Xuân Trường và đồng bọn, Vũ Xuân Trường, Vũ Bản, Lê Văn Quân với hành vi “làm sai lệch hồ sơ vụ án” (Điều 300 Bộ luật hình sự), bỏ sót tội phạm (Điều 294 Bộ luật hình sự) (đối với Siêng Nhông) một số người tiến hành tố tụng trong vụ án này đã viện lý lẽ “làm theo chỉ đạo” để phạm tội, các Luật sư của LVN Group cũng hoạ theo lý lẽ đó. Vì vậy, về lý luận, chúng ta cần làm rõ vấn đề này. Trong quản lý Nhà nước, quan hệ mệnh lệnh – phục tùng là quan hệ đặc thù, đòi hỏi phải được tuân thủ nghiêm túc. Vì vậy, thi hành mệnh lệnh cấp trên là một yêu cầu bắt buộc đối với cấp dưới. Trong khi người ra mệnh lệnh không phải là người trực tiếp gây ra thiệt hại cho xã hội thì chính người thi hành mệnh lệnh – người bị bắt buộc phải tuân thủ mệnh lệnh lại là người gây ra thiệt hại cho xã hội. Tuy nhiên, với tính cách là một cá nhân có ý thức của xã hội, người thi hành mệnh lệnh có thể nhận thức được hành vi thi hành mệnh lệnh của mình là đúng hay sai so với các quy định của pháp luật. Vì thế, trong những trường hợp cụ thể, lý luận cũng như thực tiễn đặt ra khi người thi hành mệnh lệnh có lỗi thì trách nhiệm hình sự có thể được đặt ra. Mệnh lệnh được đề cập ở đây bao gồm tất cả các quyết định, chỉ thị, bản án, thậm chí là khẩu lệnh trong quân đội hay bất kỳ nội dung nào của cấp trên được đưa ra mà theo pháp luật buộc cấp dưới phải tuân thủ. Với tính chất bắt buộc của quan hệ mệnh lệnh – phục tùng, đối với những mệnh lệnh hợp pháp thì dù việc thi hành mệnh lệnh gây ra thiệt hại cho xã hội cũng không đặt ra vấn đề trách nhiệm hình sự vì đó là hành vi hợp pháp. Mệnh lệnh hợp pháp nghĩa là mệnh lệnh được đưa ra bởi chủ thể mà theo pháp luật là có thẩm quyền đưa ra mệnh lệnh đó, đồng thời, mệnh lệnh đó phải tuân thủ đúng pháp luật về nội dung, hình thức. Chẳng hạn, Đội trưởng đội chống buôn lậu ra mệnh lệnh: “Khi gặp người buôn lậu, đã hô đứng lại, bắn chỉ thiên…vẫn chạy, có quyền bắn gãy chân…”. Đây là mệnh lệnh đúng pháp luật về các trường hợp được phép nổ súng của những người được giao vũ khí trong khi thi hành công vụ theo Nghị định số 94/HĐBT (02/7/1984). Nếu gặp trường hợp như thế, nhân viên chống buôn lậu có gây hậu quả gãy chân thì được xem là hợp pháp. Tuy nhiên, nếu mệnh lệnh là hợp pháp nhưng khi thi hành, người thi hành đã có hành vi vượt quá nội dung mệnh lệnh thì tuỳ trường hợp, nếu hành vi vượt quá đã cấu thành tội phạm, người thi hành phải chịu trách nhiệm hình sự với tình tiết “thi hành công vụ” (làm chết người/cố ý gây thương tích cho người khác trong khi thi hành công vụ, lạm quyền trong khi thi hành công vụ…). Chẳng hạn, trong ví dụ trên, nếu nhân viên chống buôn lậu sau khi đã hô đứng lại, bắn chỉ thiên nhưng người buôn lậu vẫn không đứng đã không bắn gãy chân mà bắn vào lưng người buôn lậu đang chạy. Hành vi này được xem là hành vi thi hành mệnh lệnh vượt quá so với nội dung mệnh lệnh. Ngay cả một mệnh lệnh không hợp pháp thì việc thi hành mệnh lệnh cũng có những trường hợp, người thi hành mệnh lệnh được loại trừ trách nhiệm hình sự. Mệnh không hợp pháp là mệnh lệnh vi phạm một trong các điều kiện để trở thành mệnh lệnh hợp pháp. Có thể xem xét các trường hợp sau: – Mệnh lệnh là không hợp pháp nhưng người chấp hành không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước mệnh lệnh là trái pháp luật thì việc chấp hành mệnh lệnh, gây thiệt hại sẽ không bị coi là có lỗi và không có trách nhịêm hình sự. Ví dụ, quyết định bắt người để tạm giam đòi hỏi có chữ ký phê chuẩn của Viện kiểm sát. Tuy nhiên, Thủ trưởng đã giả chữ ký của Viện trưởng Viện kiểm sát. Người thi hành quyết định này không thể biết được đây là mệnh lệnh trái pháp luật. – Mệnh lệnh là không hợp pháp mà người chấp hành biết được hoặc buộc phải biết được đó là trái pháp luật, tuy nhiên do mối quan hệ lệ thuộc họ buộc phải chấp hành và không thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả họ cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự. Ví dụ, một y tá bốc thuốc theo đơn thuốc của Bác sĩ, thấy có tên thuốc lạ ghi trong toa nhưng không tin mình đúng và không nghĩ rằng sẽ có hậu quả xảy ra từ việc làm đó. Khi đó, nếu hậu quả có xảy ra thì Bác sĩ phải chịu trách nhiệm hình sự. – Mệnh lệnh là không hợp pháp mà người chấp hành nhận thức được chỉ thị là trái pháp luật, nhận thức được hậu quả sẽ xảy ra thì có hai trường hợp: + Nếu người thi hành mệnh lệnh có phản ánh việc đó với người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn giữ ý chí thì khi có thiệt hại xảy ra, người ra mệnh lệnh phải chịu trách nhiệm hình sự riêng mình. + Nếu người thi hành không phản ánh mà vẫn thi hành thì phải cùng với người ra mệnh lệnh chịu trách nhiệm hình sự (quan hệ giữa người thực hành và người tổ chức trong đồng phạm). Ví dụ, Giám đốc ngân hàng quyết định cho cán bộ tín dụng làm thủ tục cho anh A vay mà không cần thế chấp. Khi thiệt hại xảy ra…cả hai cùng chịu trách nhiệm hình sự. Nhìn chung, vấn đề thi hành lệnh cấp trên và trách nhiệm hình sự trong khi thi hành lệnh cấp trên vẫn còn là vấn đề bàn cãi ở Việt Nam. Trong lý luận, vấn đề này đã được công nhận và nghiên cứu nhưng Luật hiện hành chưa có quy định, kể cả Bộ luật hình sự mới (năm 1999) vẫn chưa có chế định này.

4.Thực hiện chức năng nghề nghiệp

Luật hình sự Việt Nam chưa có quy định cụ thể về vấn đề này nhưng thực tiễn cũng đã công nhận. Trách nhiệm hình sự của người gây ra thiệt hại do thực hiện chức năng nghề nghiệp không được đặt ra. Xét về mặt chuyên môn và xã hội, việc gây ra thiệt hại trong trường hợp này là tích cực, phù hợp với yêu cầu của xã hội và của chính người bị gây thiệt hại. Ví dụ, thầy thuốc được yêu cầu gây đau đớn cho bệnh nhân để cứu họ thoát chết hoặc phải thực hiện những ca mổ mà khả năng bảo vệ mạng sống là chưa xác định nhưng nếu không thực hiện thì bệnh nhân chắc chắn sẽ chết. Ở nhiều nước trên thế giới hiện nay, pháp luật của họ còn cho phép một thầy thuốc có thể theo yêu cầu của bệnh nhân mắc bệnh nan y, giúp bệnh nhân này chết một cách nhẹ nhàng nếu được người thân của họ đồng ý (euthanasia). Tuy nhiên, quy định này đã bị lên án vì cho rằng làm như thế là vô nhân đạo dù đó là hành vi mang tính nhân đạo. Thực tiễn hình sự Việt Nam chưa xem xét vấn đề này.

5. Rủi ro trong sản xuất và nghiên cứu khoa học

Trong sản xuất và nghiên cứu khoa học là các lĩnh vực luôn ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, đa số sẽ mang lại kết quả tốt, có ích cho xã hội nhưng cũng không thể tránh khỏi những rủi ro nhất định mà không ai là người thực hiện mong muốn. Pháp luật hình sự Việt Nam cũng chưa có quy định thừa nhận trường hợp gây thiệt hại này nhưng thực tiễn đã thừa nhận và không đề cập trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi gây thiệt hại do rủi ro trong sản xuất và nghiên cứu khoa học. Sự thừa nhận này là hợp lý. Không ai trong sản xuất hay nghiên cứu khoa học mà muốn công việc của mình gặp những sự cố dẫn đến thiệt hại. Để làm rõ nội dung này, lý luận Luật hình sự Việt Nam đưa ra các điều kiện để có thể được xem là gây thiệt hại cho xã hội do rủi ro: – Sự rủi ro được loại trừ trách nhiệm hình sự phải liên quan đến lĩnh vực sản xuất hoặc nghiên cứu khoa học. Ví dụ sau đây không được xem là rủi ro được loại trừ trách nhiệm sự, A có tài phi đao bách phát bách trúng, nhìn thấy tận mắt, B tình nguyện làm bia. Không may, A ném đao không chính xác, trúng vào mắt B. – Sự rủi ro được loại trừ trách nhiệm hình sự khi mục đích là mang lại lợi ích cho xã hội, tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, bảo vệ tính mạng sức khoẻ người khác…Ví dụ, Giám đốc, vì muốn thực hiện được hợp đồng với phía nước ngoài mà trong hợp đồng đó sẽ mang lợi cho riêng cá nhân ông ta, đã thay đổi quy trình sản xuất…gây hậu quả nghiêm trọng. Trong trường hợp đó, Giám đốc không được miễn trách nhiệm hình sự. – Hành vi ứng dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật phải dựa vào thực tiễn và kiến thức khoa học được mọi người thừa nhận. Nếu không, việc gây thiệt hại sẽ không được loại trừ trách nhiệm hình sự. Ví dụ, một Bác sĩ mới ra trường do quá chủ quan, thực hiện ca mổ mà theo các bác sĩ nhiều kinh nghiệm thì không cần phải làm thế. Việc mạo hiểm đó đã gây hậu quả chết người. – Sự rủi ro được loại trừ trách nhiệm hình sự khi đã áp dụng tất cả các biện pháp ngăn chặn hậu quả xảy ra. Ví dụ, hầm tôm của hợp tác xã bị lũ tràn vào mà không có các biện pháp be bờ, rào lưới…để tôm ra hết trong khi có thể làm được việc đó thì không thể được xem là không có lỗi.

Luật LVN Group( sưu tầm và biên tập)