1. Khái quát chung 

Trên cơ sở quy định của BLHS năm 2015 sửa đổi 2017 về hình phạt tiền, tại Điều 32, 35 có quy định cụ thể như sau:
Điều 32. Các hình phạt đối với người phạm tội
1. Hình phạt chính bao gồm:
a) Cảnh cáo;
b) Phạt tiền;
c) Cải tạo không giam giữ;
d) Trục xuất;
đ) Tù có thời hạn;
e) Tù chung thân;
g) Tử hình.
2. Hình phạt bổ sung bao gồm:
a) Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;
b) Cấm cư trú;
c) Quản chế;
d) Tước một số quyền công dân;
đ) Tịch thu tài sản;
e) Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính;
g) Trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính.
3. Đối với mỗi tội phạm, người phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung.
Điều 35. Phạt tiền
1. Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với các trường hợp sau đây:
a) Người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định;
b) Người phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác do Bộ luật này quy định.
2. Hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội về tham nhũng, ma túy hoặc những tội phạm khác do Bộ luật này quy định.
3. Mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm, đồng thời có xét đến tình hình tài sản của người phạm tội, sự biến động của giá cả, nhưng không được thấp hơn 1.000.000 đồng.
4. Hình phạt tiền đối với pháp nhân thương mại phạm tội được quy định tại Điều 77 của Bộ luật này.

2. Đặc điểm của phạt tiền

 Phạt tiền là một hình phạt trong hệ thống các hình phạt của bộ luật hình sự, nó mang đầy đủ các đặc điểm chung của hình phạt. Tuy nhiên, hình phạt tiền cũng có những biểu hiện riêng. Cụ thể như sau

2.1 Thứ nhất, là hình phạt có khả năng tác động về mặt KT đối với cá nhân, pháp nhân thương mại bị kết án

Đặc điểm này của hình phạt tiền thể hiện ở nội dung của nó là tước một khoản tiền nhất định của người bị kết án hoặc pháp nhân thương mại bị kết án sung công quỹ của Nhà nước. Vì thế, hình phạt tiền có khả năng tác động đến các chủ thể này, buộc chủ thể phải nhận thức được sự lên án của Nhà nước, nhận thức được tính chất sai trái của hành vi được thực hiện để có phương hướng sửa chữa. Đồng thời, hình phạt tiền còn có tác dụng loại trừ, hạn chế những điều kiện về tài sản mà người hoặc pháp nhân thương mại có thể sử dụng để tiếp tục phạm tội.

2.2 Thứ hai, là loại hình phạt vừa được quy định là hình phạt chính, vừa được quy định là hình phạt bổ sung

Cũng như hình phạt trục xuất, hình phạt tiền vừa được quy định là hình phạt chính, vừa được quy định là hình phạt bổ sung. Tuy nhiên, bản chất lưỡng tính này của hình phạt tiền hoàn toàn không cho phép áp dụng đồng thời là hình phạt chính và hình phạt bổ sung đối với mỗi tội phạm. Điều đó có nghĩa là đối với một tội phạm cụ thể, hình phạt tiền chỉ có thể áp dụng là hình phạt bổ sung khi không áp dụng là hình phạt chính.

2.3 Thứ ba, hình phạt tiền được áp dụng đối với cả cá nhân bị kết án và pháp nhân thương mại bị kết án

Nếu như hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù, hình phạt tử hình… chỉ có thể áp dụng đối với cá nhân người bị kết án (thể nhân) thì hình phạt tiền có thể áp dụng không chỉ đối với cá nhân người bị kết án mà còn cả pháp nhân thương mại bị kết án. Như vậy, đối tượng bị áp dụng hình phạt tiền rộng hơn đối tượng bị áp dụng một số hình phạt khác.

3. Nội dung, mục đích, vị trí, vai trò và ý nghĩa của hình phạt tiền

3.1 Nội dung, Mục đích của hình phạt tiền

Với bản chất là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc của Nhà nước, nội dung của hình phạt tiền được thể hiện ở việc tước một số tiền nhất định của đối tượng (thể nhân hoặc pháp nhân thương mại) bị kết án sung công quỹ Nhà nước. Mức phạt tiền phải tương ứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm, đồng thời có xét đến tình hình tài sản của đối tượng bị áp dụng, cũng như sự biến động của giá cả, nhưng không được thấp hơn 1.000.000 đồng (đối với cá nhân bị kết án) và không được thấp hơn 50.000.000 đồng (đối với pháp nhân thương mại bị kết án).
Với nội dung là tước bỏ lợi ích kinh tế, hình phạt tiền có khả năng tác động về tài sản đối với cá nhân người phạm tội, cũng như đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Nếu không tước bỏ một khoản tiền nhất định, những chủ thể này sẽ không nhận thức được lỗi lầm của mình, cũng như sự lên án của Nhà nước và xã hội đối với họ. Việc tước bỏ lợi ích kinh tế không chỉ có tác dụng răn đe đối tượng bị áp dụng mà còn có khả năng loại trừ, hạn chế những điều kiện về tài sản mà người phạm tội cũng như pháp nhân thương mại có thể sử dụng để tiếp tục phạm tội. Chính vì vậy, có thể thấy hình phạt tiền có mục đích giáo dục, cải tạo đối tượng phạm tội, loại trừ điều kiện tái phạm của những đối tượng này (mục đích phòng ngừa riêng). Đồng thời, thông qua việc quy định và áp dụng hình phạt tiền còn có tác dụng răn đe, giáo dục, có khả năng sẽ phạm tội phải tự kiềm chế không thực hiện hành vi phạm tội, cũng như giáo dục người dân và pháp nhân thương mại khác có ý thức tôn trọng pháp luật, nâng cao sự hiểu biết pháp luật, để tránh những vi phạm pháp luật và tội phạm (phòng ngừa chung).

3.2 Vị trí, vai trò, ý nghĩa của hình phạt tiền

Hình phạt tiền trong hệ thống hình phạt của Nhà nước ta có vị trí, vai trò quan trọng và được thể hiện trên những mặt sau đây:
Thứ nhất, việc quy định hình phạt tiền trong hệ thống hình phạt vừa với tính chất hình phạt chính vừa với tính chất là hình phạt bổ sung có tác dụng đa dạng hóa các biện pháp trách nhiệm hình sự trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, mở ra khả năng đa dạng hóa các biện pháp xử lý hình sự, tính linh hoạt trong áp dụng hình phạt tiền mà luật đã quy định. Chính vì lẽ đó, khi quy định hình phạt tiền trong hệ thống hình phạt, nhà lập pháp nước ta ghi rõ có thể áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung khi không áp dụng là hình phạt chính và chỉ trong trường hợp có điều luật quy định thì hình phạt tiền mới được áp dụng là hình phạt chính.Ngoài ra, việc quy định hình phạt tiền vừa với tính chất là hình phạt chính và hình phạt bổ sung còn tạo ra khả năng phân hoá trách nhiệm hình sự và cá thể hoá hình phạt đối với các trường hợp phạm tội có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội khác nhau góp phần thực hiện nguyên tắc nghiêm trị, kết hợp với khoan hồng, trừng trị với giáo dục, cải tạo người, pháp nhân thương mại bị kết án.
Thứ hai, việc quy định hình phạt tiền trong hệ thống hình phạt còn góp phần làm tăng tính phong phú và cân đối của hệ thống hình phạt, làm cho các hình phạt trong hệ thống không có sự chênh lệch quá xa về tính nghiêm khắc, đảm bảo được tính nối tiếp, tính liên tục theo hướng tăng dần về mức độ nghiêm khắc, làm cho hệ thống hình phạt có tính chỉnh thể. Bởi, trong hệ thống hình phạt của Nhà nước ta, các hình phạt chính được sắp xếp theo một trình tự tăng dần về tính nghiêm khắc. Khi được quy định là hình phạt chính, hình phạt tiền giữ vị trí nối tiếp giữa hình phạt cảnh cáo – hình phạt ít nghiêm khắc nhất với cải tạo không giam giữ – có tính nghiêm khắc cao hơn hình phạt tiền, nhưng thấp hơn so với hình phạt tù có thời hạn. Điều đó đã tạo nên tính nối tiếp, tính liên tục theo hướng tăng dần về mức độ nghiêm khắc của các hình phạt trong hệ thống. Khi được quy định là hình phạt bổ sung, hình phạt tiền cùng với hình phạt tịch thu tài sản đã làm phong phú, cân đối các hình phạt bổ sung trong hệ thống hình phạt. Nhờ đó, giúp cho việc thực hiện nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự và cá thể hóa hình phạt trong việc xử lý đối tượng phạm tội, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện một cách đầy đủ và có hiệu quả khả năng tác động của các hình phạt trong phòng ngừa tội phạm. Thêm vào đó, còn giúp Tòa án có nhiều khả năng lựa chọn khi quyết định hình phạt đối với cá nhân phạm tội cũng như đối với pháp nhân thương mại phạm tội.
Thứ ba, việc quy định hình phạt tiền trong hệ thống hình phạt còn góp phần thể hiện nguyên tắc nhân đạo của pháp luật hình sự Việt Nam, góp phần thể chế hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ quyền con người. Trước hết, việc quy định hình phạt tiền có mức độ nghiêm khắc thấp hơn so với các hình phạt tước tự do của con người là cơ sở pháp lý quan trọng để Tòa án lựa chọn khi áp dụng các biện pháp khoan hồng trong việc quyết định hình phạt đối với người tự thú, thành khẩn khai báo, tố giác tội phạm, lập công chuộc tội, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại đã gây ra và đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng, đã hối cải. Bởi theo quy định của BLHS hiện hành, đối với những trường hợp này Tòa án có thể áp dụng các hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù, trong đó có hình phạt tiền. Mặt khác, việc quy định mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền đối với người bị kết án còn góp phần bảo vệ quyền con người được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận.
Thứ tư, việc quy định và áp dụng hình phạt tiền còn có ý nghĩa về mặt kinh tế, bởi hình phạt tiền với nội dung tước một khoản tiền nhất định sung công quỹ Nhà nước sẽ có tác dụng tăng thu cho ngân sách. Tuy nhiên, việc quy định và áp dụng hình phạt tiền không chỉ nhằm mục đích kinh tế, mà cơ bản là nhằm phòng ngừa riêng và phòng ngừa chung. Mặt khác, việc quy định và áp dụng hình phạt tiền còn có tác dụng giảm chi phí xã hội cho việc thi hành hình phạt. 
Trân trọng!
Bộ phận tư vấn pháp luật hình sự – Công ty Luật LVN Group