1. Mở đầu vấn đề

Với tính cách là hệt thống quan niệm phức tạp, mâu thuẫn, các trào lưu tư tưởng phương Tây đương đại chứa đầy mâu thuẫn giữa xung đột và dung hợp, đa nguyên và thống nhất, lưu biến và ổn định, là quá trình vận động mâu thuẫn phức tạp. Do những trào lưu tư tưởng này đều từ những khía cạnh khác nhau phản ánh tình hình chính trị và kinh tế của chủ nghĩa tư bản hiện đại trong các thời kỳ, do đó chúng lại có tính chung, hình thái lý luận thể hiện ra tuy có khác nhau nhưng lại có đặc trưng chung. Đặc trưng chung của chúng chủ yếu sau đây:

 

2. Xã hội tư bản chủ nghĩa hiện đại

Về xã hội tư bản chủ nghĩa hiện đại, chú ý mổ xẻ xã hội tư bản chủ nghĩa hiện đại. Các trào lưu tư tưởng phương Tây đương đại, với tính cách là sản phẩm của xã hội tư bản chủ nghĩa hiện đại, đã phản ánh tập trung tình hình chính trị kinh tế của chủ nghĩa tư bản hiện đại qua các thời kỳ. Bất luận là sự xung đột, dung hợp của các trào lưu tư tưởng hay sự phát triển, suy vi của chúng đều bắt nguồn từ mâu thuẫn chính trị kinh tế của xã hội tư bản chủ nghĩa hiện đại.

Chẳng hạn qua màu sắc bi quan của trào lưu tư tưởng duy ý chí chủ nghĩa và hiện sinh chủ nghĩa toát lên tâm lý tiêu cực suy đồi mà giai cấp tư sản phương Tây bộc lộ ra trước khủng hoảng toàn diện của chủ nghĩa tư bản. Đặc biệt là chủ nghĩa hiện sinh, trong học thuyết của nó đã miêu tả và bộc lộ rõ ràng hiện tượng tha hóa trong xã hội tư bản chủ nghĩa, sự áp chế vật chất tinh thần mà những người sống trong xã hội tư bản chủ nghĩa phải chịu đựng cùng với đủ loại khủng hoảng và mâu thuẫn trong xã hội tư bản chủ nghĩa. Những người hiện sinh chủ nghĩa vì vậy tuyên bố mình là “dũng sĩ” biểu thị sự kháng nghị trước sự tha hóa của con người, là nhà nhân đạo chủ nghĩa cấp tiên liên quan đến sự phát triển tự do cá tính con người.

Trong đủ loại phương án của chủ nghĩa Keynes và chủ nghĩa tự do thả nổi toát lên đủ loại tình cảnh khó khăn của kinh tế tư bản chủ nghĩa đương đại. Sau Thế chiến thứ hai, thế giới phương Tây nhiều lần bùng nổ khủng hoảng kinh tế, các nhà kinh tế học phương Tây, khi không thể không thừa nhận hiện tượng có tính quy luật của khủng hoảng và ba động chu kỳ của nền kinh tế, đã từ các giác độ riêng của mình tiến hành tìm tòi nguyên nhân sản sinh khủng hoảng kinh tế và đối sách tránh sản sinh khủng hoảng, chủ nghĩa Keynes và chủ nghĩa tự do thả nổi chính là 2 trào lưu tư tưởng có ảnh hưởng nhất rong lý luận kinh tế phương Tây đương đại.

 

3. Sự biến đổi triết học – văn hóa phương Tây hiện đại

Đó là sự chú ý chuyển sang thế giới đời sống hiện thực. Sự biến đổi triết học – văn hóa phương Tây hiện đại trước tiên xung phá quan niệm thực thể và lý tính siêu hình của triết học truyền thống, từ đó hướng sang thế giới đời sống hiện thực và lối tư duy triết học – văn hóa nhìn thẳng vào chính sự vật. Tự thân triết học đã thực hiện sự chuyển hướng thế tục hóa, cụ thể hóa từ khách thể sang chủ thể, từ lý tính sang phi lý tính, từ trừu tượng sang cụ thể. Con người và khoa học trở thành chủ đề quan tâm của triết học.

Thế giới đời sống là thế giới của con người, thế là sự tồn tại và giá trị của con người, tình cảm, ý chí, trực giác, tín ngưỡng phi lý tính của con người và ý thức, hành động của con người trở thành đối đối tượng nghiên cứu văn hóa – triết học. Hiện sinh luận được sự quan tâm cháy bỏng chưa từng có của triết học trước cả bản thể luận và nhận thức luận, ngôn ngữ thường nhật và phương thức nói chuyện của nó – trước cả khoa học và triết học, niềm tin và trực giác đời sống thường nhật – trước cả logic và lý luận. Có thể nói việc văn hóa – triết học phương Tây hiện đại chuyển sang thế giới đời sống và thể nghiệm đời sống là chủ đề của biến đổi triết học phương Tây hiện đại ở thế kỷ XX.

Triết học phương Tây hiện đại chính là trong sự biến đổi thế giới đời sống mà đạt được cơ sở của thế giới đời sống mới, và qua sự giải cấu trúc đối với triết học cũ mà đạt được trở lại sự lý giải triết học đối với thế giới đời sống. Từ quan niệm chuyển sang ngôn ngữ, từ khoa học và lý tính chuyển sang phi lý tính và nhân văn, từ logic chuyển sang thể nghiệm đời sống và kinh nghiệm nguyên thủy, đó là những con đường khác nhau mà theo đó triết học phương Tây hiện đại chuyển sang thế giới đời sống, những sự chuyển hướng này cùng thể hiện địa vị ưu tiên của thế giới đời sống. Husserl, Heidegger, Wittgenstein  đã có cống hiến có tính quyết định cho sự biến đổi của triết học phương Tây hiện đại chuyển sang thế giới đời sống.

 

4. Màu sắc phi duy lý chủ nghĩa đậm đà

Với đặc trưng về màu sắc phi duy lý chủ nghĩa đậm đà. Đặc trưng phi duy lý chủ nghĩa của trào lưu tư tưởng xã hội phương Tây đương đại trước hết thể hiện trong triết học phương Tây hiện đại, sau đó ảnh hưởng tới một số lĩnh vực của tâm lý học, văn hóa học, xã hội và chính trị học.

Trào lưu tư tưởng nhân bản phương Tây hiện đại vứt bỏ lý tính, lấy ý chí, tình cảm, trực giác phi lý tính làm con đường duy nhất để lĩnh hội bản chất tồn tại. Khi phản đối quan điểm của những người theo chủ nghĩa duy lý cổ điển cho rằng bản chất của con người là ở lý tính, người sáng lập trào lưu tư tưởng nhân bản chủ nghĩa, nhân vật đại biểu hàng đầu của chủ nghĩa duy ý chí Schopenhauer đã quy bản nguyên của thế giới và bản chất của con người về “ý chí sinh tồn”.

Về sau, Nietzsche tiến thêm một bước quy bản nguyên của thế giới và bản chất con người về ý chí quyền lực: “Thế giới này là ý chí quyền lực – há còn có gì khác nữa! Chính các bạn cũng là ý chí quyền lực này – há còn có gì khác nữa!”. Một người sáng lập khác của trào lưu tư tưởng nhân bản chủ nghĩa, nhà tiên phong của chủ nghĩa hiện sinh Kierkegaard cho rằng triết học duy lý chủ nghĩa truyền thống về căn bản đã bỏ qua sự tồn tại của con người, bỏ qua nội dung căn bản nhất của cuộc sống con người, chủ trương lấy “cá thể cô độc” làm xuất phát điểm của triết học, lấy cái tôi phi duy lý làm nội dung chủ yếu của triết học. Về sau triết học sinh mệnh phi duy lý chủ nghĩa thế hệ 2 và chủ nghĩa hiện sinh phi duy lý chủ nghĩa thế hệ 3 đều kế thừa và phát triển quan điểm cơ bản của Schopenhauer và Kierkegaard… Triết học sinh mệnh coi “xung động sinh mệnh” và “dòng sinh mệnh” phi duy lý là tồn tại chân thực nhất, là bản nguyên của vạn vật và bản chất của vũ trụ.

Nhà triết gia Sartre coi tồn tại cá nhân cô độc là điểm xuất phát của toàn bộ lý luận triết học và từ đó quy sự tồn tại của con người thành hoạt động ý thức thuần túy phi lý tính.

 

5. Đặc điểm tính đa dạng và tính khả biến có nhiều trường phái, biến đổi rối rắm

Đặc trưng chung của các trào lưu tư tưởng phương Tây thứ tư là thể hiện tính đa dạng và tính khả biến có nhiều trường phái, biến đổi rối rắm. Đặc trưng này đầu tiên biểu hiện ở sự tiến bộ phồn vinh của  khoa học kỹ thuật, xã hội văn hóa, sự tiếp cận lẫn nhau, giao lưu lý luận, đối thoại bên trong các trường phái và giữa các trường phái từ thế kỷ XX, đặc biệt là 20, 30 năm gần đây, đã xuất hiện xu thế thâm nhập, phân hóa và dung hợp.

Cục diện 2 trào lưu tư tưởng lớn là chủ nghĩa duy khoa học và chủ nghĩa nhân bản cùng tồn tại đã bị phá vỡ. Nhiều trường phái đã có biến đổi về tư tưởng, quan điểm và hình thức tồn tại, bên trong các trường phái và giữa các trường phái lại dung hợp hay phân hóa thành nhiều trường phái, trong cùng một trường phái lại có nhiều học thuyết khác nhau rất lớn về tư tưởng, quan điểm, phương pháp. Do đó rất khó xác định một trường phái nào đó là trường phái thực dụng chủ nghĩa hay triết học phân tích. Đại biểu điển hình nhất về mặt này là triết học phân tích được coi là dòng chính của triết học phương Tây thế kỷ XX.

Nói chặt chẽ ra, triết học phân tích không phải là một trường phái, mà là một trào lưu tư tưởng, trong sự phát triển của nó, đặc trưng dung hợp và phân hóa rất nổi bật; thứ hai, biểu hiện ở sự nổi lên của chủ nghĩa hậu hiện địa, hậu văn hóa, đối tượng văn hóa cũng chuyển từ các vấn đề của khoa học và con người sang quan tâm tới toàn xã hội, nhãn quan nghiên cứu cũng mở rộng ra toàn xã hội. Nhiều vấn đề về khoa học, con người, xã hội, văn hóa đều trở thành đối tượng nghiên cứu.

Chủ nghĩa hậu hiện đại có sự biến đổi thêm một bước về phương thức tư duy, xuất hiện hiện tượng diện nghiên cứu rộng hơn, nội dung nghiên cứu chi tiết hơn, làm cho triết học, văn hóa phương Tây hiện đại càng phong phú, đa dạng về nội dung nghiên cứu, trạng thái tồn tại, phương thức biểu đạt lý luận và phương pháp nghiên cứu. Khuynh hướng “tiêu giải” của chủ nghĩa hậu hiện đại đối với triết học, văn hóa truyền thống và khuynh hướng đa nguyên hóa tương đối chủ nghĩa, phản trung tâm chủ nghĩa về lý luận cũng làm cho đặc trưng tính đa dạng, tính khả biến, tính mới mẻ của các trào lưu tư tưởng xã hội phương Tây thế kỷ XX càng thêm rõ nét.

 

6. Chú trọng các vấn đề toàn cầu, dự báo tương lai loài người

Đặc trưng chung cuối cùng của các trào lưu tư tưởng phương Tây là chú trọng các vấn đề toàn cầu, dự báo tương lai loài người. Mấy mươi năm gần đây, sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là sự biến đổi tăng tốc do vi điện tử học và kỹ thuật sinh học gây ra một mặt mở ra viễn cảnh rộng lớn hơn cho sự phát triển lực lượng sản xuất, mặt khác cũng tạo ra nhiều vấn đề ảnh hưởng đến sự sinh tồn của loài người, hơn nữa những vấn đề này lại liên kết, ràng buộc lẫn nhau, rất khó phân giải, về quy mô chúng có tính toàn cầu, về tính chất chúng đụng chạm đến lợi ích của toàn thể loài người, khi giải quyết đòi hỏi sự nỗ lực hiệp đồng nhất trí trên phạm vi toàn thế giới, do đó được gọi là các “vấn đề toàn cầu”.

Đối với những “vấn đề toàn cầu”, trào lưu tư tưởng duy khoa học chủ nghĩa đã có sự phản ánh đầy đủ, trong đó tiêu biểu nhất là một loạt báo cáo của Câu lạc bộ Roma. Những báo cáo này chuyển tầm nhìn vào toàn cầu, từ giác độ vĩ mô tìm hiểu những vấn đề chung mà loài người đang phải đối mặt, đó là đặc điểm mới, trạng thái mới mà sự phát triển mới về kinh tế, chính trị thế giới đem lại cho các trào lưu tư tưởng xã hội phương Tây hiện đại. Dù trong quan điểm lý luận của trào lưu tư tưởng này có khuynh hướng sai lầm khuếch đại hậu quả tiêu cực đặc hữu vốn do tiến bộ khoa kỹ thuật trong điều kiện chủ nghĩa tư bản đem lại thành vấn đề phổ biến có tính toàn cầu, nhưng những tài liệu có nội dung phong phú mà chúng cung cấp lại rất đáng quý. Trào lưu duy khoa học chủ nghĩa là một giai đoạn mới khi trào lưu tư tưởng chủ nghĩa vị lai phương Tây phát triển tới đương đại.

Từ sau Thế chiến thứ hai, một số học giả phương Tây phóng tầm mắt vào tương lai của làoi người, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, dự báo của người ta về sự phát triển tương lai của loài người ngày càng dựa trên khoa học kỹ thuật hiện đại, dần dần hình thành 2 trào lưu tư tưởng là chủ nghĩa lạc quan kỹ thuật và chủ nghĩa bi quan kỹ thuật.

Hai trào lưu tư tưởng này đều biểu hiện tính vượt trước và tính dự báo. Đây là một đặc điểm mới của trào lưu tư tưởng phương Tây đương đại.

 

(MK LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

Trên đây là nội dung Luật LVN Group đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.0191 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng!

Luật LVN Group (Sưu tầm và biên tập).