TS Nguyễn Quang A từng là cán bộ nghiên cứu – Viện Kỹ thuật Quân sự Bộ Quốc phòng, chủ tịch Hội Tin học VN.
– Theo ông, nước ta đã đổi mới rất nhiều nhưng đổi mới về bầu quốc hội còn quá ít. Đổi mới chính trị đi sau đổi mới kinh tế, văn hóa khá xa.
Nhưng, tuy “thất vọng” về cơ cấu ĐBQH công bố tại Hội nghị hiệp thương lần 1, mà chủ yếu do những “bất cập” trong Luật Bầu cử QH, ông Quang A vẫn cho rằng: “Trên cơ sở của những quy định hiện hành, mỗi người trong số chúng ta hãy cố gắng làm những việc tốt nhất nhằm loại bỏ dần những khiếm khuyết của chúng”.
>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi: 1900.0191
Nên từ bỏ mọi chức vụ khi tham gia QH
– Theo ông, đại biểu QH phải là người như thế nào?
– Theo tôi, các đại biểu quốc hội phải là “chính khách”. Một khi đã được bầu, họ nên từ bỏ các chức vụ khác trong quản lý (kể cả kinh tế) để chuyên tâm vào công việc của QH, không làm gì khác cả. Có lúc tôi nghĩ, nếu tôi là đại biểu thì sẽ phải từ chức hết: có thể vẫn là công ty của mình nhưng sẽ không đứng ra điều hành nữa, mà sẽ có giám đốc khác thay thế.
Đại biểu QH phải được coi là một cái nghề. Ít ra trong nhiệm kỳ đó, người đại biểu không làm gì khác cả, suốt 8h làm việc chỉ có lo việc QH. Như thế, họ mới có thời gian đi tìm hiểu tình hình dân chúng, cân nhắc, tham khảo ý kiến các chuyên gia, góp phần ra quyết định các dự luật được.
– Nhưng như vậy, sẽ nảy sinh một vấn đề: ĐBQH sẽ phải được đãi ngộ xứng đáng?
– Theo tôi, Nhà nước không thiếu gì tiền để vận hành hệ thống này. Chỉ cần tiết kiệm 1/10 số tiền tham nhũng lãng phí thì nuôi đủ 200 ông nghị sỹ, kinh phí đi lại thoải mái, có đội ngũ giúp việc hẳn hoi, làm việc một cách chuyên nghiệp: có văn phòng, có thư ký.
– Vì sao ông nói đến con số “200 nghị sỹ” chứ không phải là 500?
– QH không nên đông như thế làm gì. Chỉ nên chọn ra 200-250 đại biểu thôi. Mỗi khu vực bầu cử chỉ nên có một đại biểu trúng cử và để cho một chục ứng cử viên cạnh tranh một ghế ấy.
Đây sẽ là cuộc tranh đua thực sự. Không có cạnh tranh thì không bao giờ chọn được người tài cả. Khi chọn, ta có thể chọn nhầm, nhưng sẽ phải có quy định, nếu chọn nhầm thì dẹp ông ấy thế nào.
Khi có đông người ra ứng cử: họ sẽ cạnh tranh nhau thực sự. Cử tri cũng sẽ có lựa chọn thực sự.
Còn nếu như, có sáu ông ra ứng cử mà chọn lấy bốn và nếu cử tri không biết rõ ứng cử viên, buộc phải bầu một cách hú hoạ, tức là gạch ai cũng được thì xác suất trúng là 60%. Vậy là hơi cao. Ba ông mà chọn một thì xác suất chỉ là 33% thôi. Khi đó, chúng ta phải để cho mọi người tự do ứng cử. Tôi nghĩ không nên hạn chế số ứng cử viên cho mỗi đơn vị bầu cử.
Nghị sỹ không phải là người giải quyết những công việc cụ thể
– Thực ra, nhiệm vụ chính của một ĐBQH là gì, theo ông?
– Theo tôi, việc của nghị sỹ không phải là những việc abc cụ thể, mà quan trọng nhất là làm luật. Tôi rất quý ông “hội đồng” Khoa ở TP HCM. Nhưng nếu trở thành ĐBQH mà ông cũng làm như ở HĐND thì không ổn.
Tất nhiên người dân có thể rất sướng, vì có một ông nghị giải quyết những việc cụ thể, đánh trúng tâm lý người ta, đó có thể là một việc hữu ích, nhưng không thể là việc chính được.
– Như vậy, có nhất thiết phải có những tiêu chí liên quan đến trình độ học vấn của ĐBQH không? Có người cho rằng Luật Bầu cử QH nên quy định đại biểu ít nhất phải có bằng đại học. Như thế, họ mới có thể đóng góp ý kiến xây dựng các luật được.
– Theo tôi, nghĩ như thế không đúng. Nghị sỹ là người có định hướng chính trị, chứ không phải là người trực tiếp làm luật. Họ chỉ là người nói: tôi nghĩ phải làm luật này để ủng hộ cái này, ngăn chặn cái kia, còn cụ thể luật đó như thế nào thì là lĩnh vực chuyên môn. Nghị sỹ không cần phải đi cãi nhau từng câu chữ trong luật.
Có khi người có trình độ văn hóa lớp 6 lại hơn mấy ông viện sỹ. Người trình độ văn hóa thấp nhưng để cho họ quyền được nói rằng “tôi muốn làm như thế này”, thì đảm bảo họ còn đóng góp được hơn người có cả chục cái bằng.Có người ở lĩnh vực nào đó không xuất sắc nhưng làm nghị sỹ lại xuất sắc.
Với giới doanh nhân chẳng hạn, chưa chắc một doanh nhân giỏi đã là một chính trị gia giỏi.
Cần minh bạch hóa quá trình lựa chọn ứng cử viên
– Chỉ còn vài ngày nữa là đến thời hạn nộp hồ sơ tự ứng cử. Theo ông, vì sao số người tự ra ứng cử mới chỉ ở con số vài chục ở hai thành phố lớn nhất nước như hiện nay?
– Tôi có quen một số người đã từng tự ra ứng cử QH khóa trước. Họ nói: “Từ nay, cạch đến già”. Vì chuyện bầu cử diễn ra phức tạp lắm. Những người ấy đều là doanh nhân cả và đều bị loại ngay từ vòng hiệp thương.
Mà khi bị loại họ cũng chẳng được giải thích một cách thỏa đáng lý do vì sao.
Ở kỳ bầu cử trước, có hơn 60 người nộp đơn tự ứng cử, sau đó MTTQ tổ chức hiệp thương giới thiệu được khoảng hơn 10 người vào danh sách bầu cử cuối cùng và chỉ có 2 đại biểu trúng cử. Điều quan trọng đối với tôi là minh bạch hóa. Loại ai khỏi danh sách cũng phải đường hoàng. Nếu đạt được điều này thì người ta sẽ không còn e ngại khi tự ứng cử.
Không chỉ người tự ứng cử có quyền được biết vì sao mình bị loại ngay khỏi vòng đầu, mà cả cử tri cũng có quyền đó. Cũng cần có diễn đàn cho các ứng cử viên trình bày nếu vào QH thì họ sẽ làm những gì. Nói trên Internet, trên báo chí, tổ chức cho họ những cuộc gặp gỡ, mít tinh, thậm chí họ có thể tự tổ chức, nhưng những cuộc đó phải để rộng rãi cho mọi người. Đây là tiếp xúc với cử tri chứ không phải với đại biểu cử tri. Tiếp xúc thực sự chứ không phải là hình thức.
TS. Nguyễn Quang A (Vân Anh thực hiện)
Nguồn: Vietnamnet
(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)