1. Sự hình thành đạo Phật
Phật giáo là một tôn giáo bao gồm nhiều truyền thống, phương pháp tu tập dựa trên lời truyền dạy của một nhân vật lịch sử là Tất – đạt – đa Cồ – đàm.
Phật giáo ra đời từ thế kỷ thứ VI trước công nguyên tại một vùng đất thuộc phía Bắc Ấn Độ (nay thuộc lãnh thổ Nêpan) người sáng lập ra là Thái tử Xitđacta (Buddha) pháp hiệu là Thích ca Mâu ni. Sự hình thành và phát triển của Phật giáo chia làm hai giai đoạn: Thứ nhất từ thế kỷ thứ VI trước công nguyên đến giữa thế kỷ thứ IV trước công nguyên là thời kì hình thành Phật giáo, thứ hai từ thế kỷ IV trước công nguyên đến công nguyên là thời kỳ bắt đầu Phật giáo chia làm nhiều tông phái khác nhau trong đó có hai tông phái lớn là Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ.
Từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII là thời kỳ Phật giáo Đại thừa đối lập với Phật giáo Tiểu thừa. Sau thế kỷ thứ VIII Phật giáo đi vào suy tàn trước sự tấn công của Hồi giáo cho đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX Phật giáo từng bước được khôi phục và trở thành tôn giáo của Ấn Độ.
2. Nội dung cơ bản của Phật giáo
Thực chất của đạo Phật là một học thuyết về khổ và diệt khổ. Đạo Phật ra đời cũng từ việc đức Phật nhìn thấy sự khổ của thế gian này và mong muốn tìm sự giải thoát khỏi nỗi khổ đó cho chúng sinh . Nói đến Phật giáo trước hết là nói đến tư tưởng vị tha, vị nhân sinh . Phật cho rằng đời là khổ và đã tìm lấy sự giải thoát khỏi cái khổ. Bởi vậy Phật xướng lên thuyết Tứ thánh đế hay Tứ diệu kế. Đó là Khổ đế, Nhân đế, Diệt đế và Đạo đế. Ấy là những điều rất trọng yếu trong đạo Phật. Vậy ta thử xét xem thế nào là khổ, tập, diệt, đạo.
– Khổ đế: là chân lí về bản chất của nỗi khổ. Khổ là gì? Đó là trạng thái buồn phiền phổ biến ở con người do sinh, lão , bệnh, tử, do mọi nguyện vọng không được thỏa mãn.
– Nhân đế: Là chấn lí về nguyên nhân của nỗi khổ. Đó là do ái dục và vô minh (kém sáng suốt). Dục vọng thể hiện thành hành động là Nghiệp (karma), hành động xấu khiến con người phải nhận hậu quả của nó (nghiệp báo), thành ra cứ luẩn quẩn trong vòng luân hồi không thoát ra được.
– Diệt đế: là chân lí về cảnh giới diệt khổ. Nỗi khổ sẽ được tiêu diệt khi nguyên nhân gây ra khổ bị loại trừ. Sự tiêu diệt khổ đau gọi là niết bàn (nirvana, nghĩa đen là “ không ham muốn, dập tắt”). Đó là thế giới của sự giác ngộ và giải thoát.
– Đạo đế: là chân lí chỉ ra con đường diệt khổ. Con đường diệt khổ, giải thoát và giác ngộ đòi hỏi phải rèn luyện đạo đức( giới), tư tưởng (định) và khai sáng trí tuệ (tuệ).
Toàn bộ nội dung của Phật giáo được thể hiện ở ba cuốn kinh điển lớn là:
– Kinh tạng: Bộ sách ghi lại những lời của Thích ca Mẫu ni khi ông còn sống.
– Luật tạng: Bộ sách ghi lại những quy tắc, luật lệ khi gia nhập cộng đồng phật giáo;
– Luận tạng: là bộ sách do những nhà tư tưởng Phật giáo đời sau biên soạn, chứa những lời bàn luận
3. Sự du nhập Phật giáo vào Việt nam
Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, bằng nhiều con đường khác nhau. Theo tài liệu lịch sử, Phật giáo đã du nhập vào miền Bắc Việt Nam theo đường biển và đường bộ từ đầu thế kỷ I. Luy Lâu (thuộc tỉnh Bắc Ninh) là trị sở của quận Giao Chỉ sớm trở thành trung tâm Phật giáo quan trọng. Vào thời điểm này, Phật giáo vẫn còn mang sắc thái nguyên thủy, tức là theo Tiểu thừa ( Nam tông).
Vào thời kỳ Bắc thuộc, Phật giáo đã bị biến đổi một cách căn bản làm cho Phật giáo trở nên thực dụng, gần gũi cởi mở hơn với đời sống trần tục để cho chúng có thể đi vào đời sống tín ngưỡng của nhân dân. Đó chính là Phật giáo Đại thừa ( Bắc tông), mà cốt lõi của nó là Thiền tông và Tịnh Độ tông.
Trong thời kỳ dựng nước và mở mang bờ cõi về phía Nam, Phật giáo lại có cơ hội được củng cố, bởi đại đa số cư dân nơi đây đã là tín đồ của Tiểu thừa trước đó.
4. Sự phát triển Phật giáo ở Việt Nam
Sự phát triển của phật giáo tại Việt Nam trải qua các giai đoạn cơ bản sau:
Giai đoạn I: Từ giữa thế kỷ thứ II đến đầu thế kỷ thứ III. Có thể nói ở giai đoạn này sự du nhập của Phật giáo như một tôn giáo, mở ra hai con đường là Thiền tông và Tịnh độ tông.
Giai đoạn II : Từ thế kỷ thế VI đến thế kỷ thứ X. Đây là thời kỳ Phật giáo đặt nền móng xây dựng và phát triển. Với hai thiền phái chính là Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông đã khẳng định sự hiện hữu của Phật giáo như là một tôn giáo không thể thiếu trong lòng dân tộc. Phật giáo đưa con người hướng đến một đời sống tâm linh thánh thiền, biết phân biệt thiện, ác.
Giai đoạn III : Từ cuối thế kỷ thứ X đến cuối thế kỷXIV (tức cuối đời Trần).
Đây là thời kỳ Phật giáo phát triển cực thịnh. Trong giai đoạn này có thể xem Phật giáo như là một quốc giáo của dân tộc Việt nam. Điểm đặc biệt của giai đoạn này là sự thống nhất của các thiền phái và lập nên các phái Thiền ở Trúc Lâm và Yên Tử.
Giai đoạn IV: Từ đời Hậu Lê đến cuối thế kỷ XIX: Bấy giờ Nho giáo được coi là Quốc giáo và Phật giáo đi vào giai đoạn suy thoái.
Giai đoạn V: Từ đầu thế kỷ XX nay là giai đoạn phục hưng
5. Ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay
Phật giáo từ lâu vốn đã đi sâu trong tiềm thức người dân, gắn bó với sinh hoạt cộng đồng của người Việt, một sự gắn bó tự nhiên, không bới bất cứ sự ép buộc của thế lực nào ngay cả khi Phật giáo được coi là Quốc giáo. Sự tồn tại lâu dài của Phật giáo trong xã hội Việt Nam đã đem lại những đóng góp đáng kể cho chính trị, kinh tế, tư tưởng và văn hóa.
Đối với Chính trị
Mặc dù, Đảng cộng sản Việt Nam đã xác định lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và lý luận, tuy nhiên, do sự tồn tại lâu đời mà vô tình nhiều quan điểm của đạo Phật cũng đã bén rễ trong đời sống chính trị của Việt Nam. Nhiều quan điểm của đạo Phật được hiện thực hóa trong một số chủ trương, chính sách của Nhà nước. Ví dụ như quan điểm “kiến thiết một xã hội mới” mà căn bản là con người mới. Tức là khi những cái cũ (sự bóc lột, đàn áp, độc tài, xâm lược) không còn nữa thì kết quả là được cái mới – một xã hội mới, nơi mà quyền sống tuyệt đối bình đẳng: bình đẳng trong nhiệm vụ, bình đẳng trong hưởng thụ. Vận dụng điều này, Nhà nước đã tạo điều kiện hết sức cho nhân dân có thể thực hiện quyền làm chủ của mình tuy vậy, vẫn đặt ra những giới hạn để không để sự tự làm chủ đó trở thành tiêu cực.
Ngoài ra, trong quá trình cải tổ bộ máy nhà nước và phát triển xã hội, quan điểm “đối trị tâm bệnh của con người là trước hết” cũng được Nhà nước áp dụng khá triệt để. Để lý giải quan điểm này, ta thấy trước hết, con người là trung tâm của xã hội loài người, xã hội ấy tồn tại hay suy vong đều hoàn toàn do hoạt động của con người chi phối, mà hoạt động của con người lại do tâm trí điều khiển, vì vậy, xã hội chẳng khác nào là phản ánh của tâm trí con người. Cho nên, muốn cải tạo xã hôi, căn bản phải cải tạo con người, cải tạo “tâm bệnh” của con người. Tâm bệnh ở đấy, không phải là trạng thái bệnh lý mà là nhưng cái xấu, những cái “khuyết tật”, hạn chế tồn tại trong tâm trí của mỗi người. Tâm bệnh của con người nếu độc tài, tham làm thì xã hội loài người là địa ngục; tâm bệnh con người được trị rồi thì hoạt động con người rất sáng suốt mà xã hội con người, kết quả của hoạt động ấy cũng rất cực lạc(1). Lĩnh hội được điều này, để có một bộ máy quan chức trong sạch, công chính, liêm minh, Nhà nước ta đã phát động phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, và hơn thế nữa, còn đưa ra những biện pháp trừng trị, răn đe đối với những trường hợp vi phạm đạo đức nghề ngiệp như tham ô, tham nhũng (ví dụ: các tội phạm về chức vụ được quy định trong Bộ luật hình sự)…. Dù Phật giáo tuy không còn là nền của chính trị xong một số quan điểm tiến bộ của Phật giáo vẫn được các chính trị gia sử dụng một cách có hiệu quả trong công cuộc kiến thiết, xây dựng đất nước.
Đối với Kinh tế
Có lẽ, trong lĩnh vực này, ai cũng nghĩ, ý nghĩa, vai trò của Phật giáo vô cùng mờ nhạt. Tuy vậy mà không phải như thế. Phật giáo tuy không tác động trực tiếp và việc định hướng phát triển kinh tế xã hội ở mỗi địa phương mà chỉ là những yếu tố góp phần khai sáng mặt nhận thức của người dân. Vì mục đích của Phật giáo là xây dựng đời sống an lạc và giải thoát, nhưng muốn an lạc thì đời sống kinh tế phải vững mạnh, phát triển, hài hòa. Hiểu được lời dạy của phật thì đồng bào ở một số nơi dẽ tránh được những hủ tục lạc hậu, tốn kém nhưng giết trâu, mổ bò để cưới xin, ma chay hay cúng giàng, cúng thần linh, ma quỷ. Khi có tiền rồi thì cần biết tiết kiệm (tích cốc phòng cơ) để đề phòng những tình huống khẩn cấp xảy ra…. Ngoài ra, trong quá tình sinh hoạt, lễ chùa, các phật tử hoặc những người không phải phật tử cũng có cơ hội gặp gỡ, kết bạn, tìm hiểu, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Đạo phật giúp mỗi con người có thể thực sự thấu hiểu lẫn nhau, từ sự thấu hiểu mới có thể quan tâm, suy nghĩ, tương hỗ lẫn nhau. Trong hoạt động chính trị hay trong mỗi chính sách phát triển kinh tế ở mỗi địa phương, dân có hiểu cán bộ, cán bộ có thực sự yêu dân, vì dân thì mới mong có thể cùng nhau hợp tác, thực hiện các chính sách phát triển ở địa phương, cũng như trên cả nước.
Đối với Tư tưởng – Văn hóa– Xã hội
Phật giáo có chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, đạo đức. Những giá trị này đã ảnh hưởng không nhỏ tới nền văn hóa ở mỗi quốc gia mà nó dừng chân. Với văn hóa Việt Nam cũng vậy. Nhờ có Phật giáo, nền văn hóa Việt Nam càng thể hiện rõ hơn sự đa dạng, đặc sắc của mình.
Với lịch sử gần 2000 năm du nhập vào Việt nam, Phật giáo đã thấm sâu vào trong đời sống văn hóa của dân tộc Việt Nam. Trong văn học dân gia, hình ảnh Ông Bụt hiện lên như một nét đặc trưng của văn hóa dân gian Việt Nam. Người Việt Nam sợ thần, thánh, ma quỷ nhưng lại không sợ ông Bụt. Nếu Trung Quốc có các Thần, Tiên thì chúng ta có Ông Bụt. Ông bụt tuy có quyền năng vô hạn nhưng lại luôn cứu giúp người. Chúng ta luôn hình dung một Ông Bụt hiền lành, nhân hậu, thương người và đặc biệt luôn cứu giuso những người lương thiện và cảnh cáo, trừng trị kẻ ác (đây là một trong những biểu hiện của triết lý nhân quả – gieo nhân nào thì gặt quả nấy, ở hiền gặp lành, ác giả ác báo). Người Việt Nam, từ thuở còn tập đi, đã được ông bà, cha mẹ kể cho nghe những câu chuyện cổ tích, Tấm Cám, rồi Cây tre trăm đốt… khi lớn lên, ắt hẳn đều mang trong mình quan niệm về thiện – ác ở đời. Cũng bởi những câu chuyện ấy, ăn sâu vào tâm hồn Người Việt là nét văn hóa hiền lành, thật thà, chất phác.
Một khía cạnh khác là việc sáng tạo hình ảnh phật bà Quan âm, từ hình ảnh Quan thế âm Bồ Tát của Ấn Độ. Điều này dễ hiểu bởi đặc trưng của văn hóa Việt Nam là nền văn hóa hỗn dung, đề cao vai trò của người phụ nữ, và theo quan niệm, Phật hiển hiện ở kháp mọi nơi và không chỉ dản sinh là đàn ông mà tùy theo từng trường hợp có thể là nữ giới, Vì vậy, Bồ tát Quan Thế Âm chuyển từ trong tiềm thức của nhân dân thành Phật Quan Âm.
Ngoài ra, đóng góp quan trọng của văn hóa Phật giáo là ngôi chùa. Các ngôi chùa cũng qua những giai đoạn khác nhau, nhưng về cơ bản vẫn là chùa làng theo đúng nghĩa. Đi chùa vốn đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa của nhiều người dân Việt Nam trên đường trở về của một đời người. Hiện nay, chùa không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa của các thời đại lịch sử Việt Nam, mà còn trở thành điểm đến của nhiều du khách, muốn chiêm ngưỡng mái chùa, mái đình cong – kiến trúc đình chùa của người Việt, mà còn để tìm đến với những giá trị truyền thống xưa.
Trong bối cảnh ngày nay, Phật giáo Việt Nam vừa tích cực tham gia giảng đạo cho chúng sinh, vừa tham gia các phong trào như đề ơn đáp nghĩa, tri ân các thương binh liệt sĩ, gắn liền với đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc…. Nhân dịp tết cố truyền, Giáo hội tổ chức phát quà tết cho người nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… từ đó là tăng thêm truyền thống lá lành đùm lá rách. Không chỉ gìn giữ những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc, mà còn truyền lại cho phật tử, cho nhiều thế hệ người Việt Nam, Phật giáo đã từng bước khẳng định vai trò, ý nghĩa quan trọng của mình trong nền văn hóa dân tộc trước bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
Trước thực trạng xã hội và trong bối cảnh toàn cầu hóa, Phật giáo có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc nuôi dưỡng, cảm hóa tâm hồn thế hệ trẻ Việt Nam, giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống để tiếp bước cha ông xây dựng một nền văn hóa Việt nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, không để bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế thị trường. Để làm được điều đó, chúng ta cũng nên chung tay giữ gìn sự trong sáng của văn hóa Phật giáo ở Việt Nam.
Nguồn: Sưu tầm và biên soạn!