>> Luật sư tư vấn bảo hộ nhãn hiệu quyền tại Việt Nam:1900.0191
Ông Đỗ Thế, Phó hiệu trưởng cho biết, ĐH Đông Á được thành lập vào năm 2009 trên cơ sở Cao đẳng Đông Á. Từ tháng 4/2005, HĐQT nhà trường đã lập hồ sơ gửi lên Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam đăng ký 12 nhãn hiệu “Đông Á” trong nhóm dịch vụ giáo dục, đào tạo. Đến nay Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam đã cấp chứng nhận 12 nhãn hiệu.
Nhưng một trường khác tồn tại từ năm 2008 với tên “ĐH Công nghệ Đông Á” tại Bắc Ninh đã gây nhầm lẫn với ĐH Đông Á. Ngày 3/8 vừa qua, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định tạm ngừng tuyển sinh ĐH, CĐ, Trung học chuyên nghiệp năm 2010 đối với ĐH Công nghệ Đông Á, thì do nhầm lẫn, hàng nghìn học sinh, phụ huynh có con dự định theo học ĐH Đông Á (Đà Nẵng) lo lắng.
ĐH Đông Á điêu đứng trong mùa tuyển sinh vì bị vi phạm nhãn hiệu đã được bảo hộ. Ảnh: Chiêu Anh. |
“ĐH Đông Á đã bị lây tiếng xấu. Trường quyết định dừng mọi hoạt động, tập trung vào xử lý thông tin để trả lời đối tác, phụ huynh và học sinh. Chúng tôi rất bức xúc vì vừa tốn thời gian, tiền bạc, nhưng lo nhất vẫn là ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh năm 2010-2011 sắp tới”, ông Thế nói.
Bà Nguyễn Thị Anh Đào, Chủ tịch HĐQT ĐH Đông Á cho biết thêm, liên tiếp nhiều ngày qua phải nhận điện thoại, giải thích cho đồng nghiệp, đối tác, bạn bè, phụ huynh và cả học sinh… trước “thông tin oan” trường bị đình chỉ tuyển sinh. “Nhiều người còn thương hại, chia sẻ. Có đối tác nghi ngờ, thất vọng, phụ huynh thì lo lắng, học sinh thì chần chừ trước khi lựa chọn…”, bà Đào nói.
Bà Đào cho biết thêm, từ năm 2008, ngay khi biết có trường trùng tên, ĐH Đông Á (lúc bấy giờ là Cao đẳng Đông Á) đã gọi điện thoại cho lãnh đạo ĐH Công nghệ Đông Á để cảnh báo việc đặt tên này sẽ xâm hại đến quyền Sở hữu Trí tuệ trong nhóm lĩnh vực “dịch vụ giáo dục, đào tạo”, nhưng trường ở Bắc Ninh vẫn giữ tên.
Bà Nguyễn Thị Anh Đào, Chủ tịch HĐQT ĐH Đông Á trao đổi với báo chí. Ảnh: Chiêu Anh. |
Lãnh đạo ĐH Đông Á cho biết, trước mắt đã gửi đơn khiếu nại lên Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề nghị can thiệp, buộc ĐH Công nghệ Đông Á (Bắc Ninh) phải chấm dứt ngay việc sử dụng nhãn hiệu Đông Á, gây nhầm lẫn. Bước tiếp theo, ĐH Đông Á sẽ kiện ĐH Công Nghệ Đông Á ra toà, đòi bồi thường thiệt hại về uy tín thương hiệu, tài sản vật chất sau khi đã thống kê, nhất là sau kết quả tuyển sinh năm học 2010-2011.
Chỉ tiêu tuyển sinh trung bình mỗi năm của ĐH Đông Á 3.200-3.500 thí sinh. Hiện trường này có 19 ngành đào tạo ở các cấp từ Trung học chuyên nghiệp, CĐ và ĐH.
Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam xảy ra tranh chấp nhãn hiệu quyền sở hữu trí tuệ trên lĩnh vực giáo dục. Trước đây phần lớn tranh chấp trong lĩnh vực này là quyền tác giả liên quan đến giáo trình, bài giảng.
Theo điều 129 của Luật sở hữu trí tuệ, các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu: a) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó; b) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ; c) Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ; d) Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng. Điều 198. Quyền tự bảo vệ 1. Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình: a) Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại; c) Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; d) Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. 2. Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc phát hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. 3. Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc có khả năng bị thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp dân sự quy định tại Điều 202 của Luật này và các biện pháp hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh. |
Trà Bang – Chiêu Anh (theo : Vnexpress.net)
(LUATMINHKHUE.VN: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)