Công ty của chúng tôi là một doanh nghiệp sản xuất xe gắn máy tại khu công nghiệp tỉnh Bình Dương. Công ty của chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu và cho ra những sản phẩm mới chưa có trên thị trường xe gắn máy, hiện tại chúng tôi muốn đăng ký những sản phẩm này dưới dạng kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam. Vậy chúng tôi cần tiến hành những thủ tục gì.
Luật sư trả lời:
Chào anh, cảm ơn anh đã gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật LVN Group của chúng tôi, trường hợp của anh được tư vấn như sau:
1. Điều kiện đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
– Kiểu dáng công nghiệp phải có tính mới (tính mới so với thế giới) và tính mới so với chính nó. Do vậy, nếu quý khách hàng đã công bố công khai kiểu dáng công nghiệp ra thị trường sau đó mới tiến hành đăng ký kiểu dáng công nghiệp sẽ bị từ chối do mất tính mới bởi chính nó;
– Khả năng áp dụng công nghiệp: Tức là kiểu dáng công nghiệp có khả năng sản xuất công nghiệp, hàng loạt.
2. Các loại kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ tại Việt Nam
– Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện qua hình khối, đường nét hoặc kết hợp các yếu tố này.
– Kiểu dáng công nghiệp là nhãn hàng hóa, bộ nhãn hàng hóa của sản phẩm bao gồm các yếu tố hình khối, đường nét được thể hiện hoặc kết hợp trên nhãn của sản phẩm
3. Thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp
a. Trình tự thực hiện:
– Tiếp nhận đơn: Đơn đăng ký có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
– Thẩm định hình thức đơn: Kiểm tra việc tuân thủ các quy định về hình thức đối với đơn, từ đó đưa ra kết luận đơn có được coi là hợp lệ hay không.
– Ra thông báo chấp nhận/từ chối chấp nhận đơn:
+ Trường hợp đơn hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo chấp nhận đơn;
+ Trường hợp đơn không hợp lệ, Cục sẽ ra thông báo từ chối chấp nhận đơn.
– Công bố đơn: Đơn được coi là hợp lệ sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.
– Thẩm định nội dung đơn: Đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ (tính mới, trình độ sáng tạo, khả năng áp dụng công nghiệp), qua đó xác định phạm vi bảo hộ tương ứng.
– Ra quyết định cấp/từ chối cấp văn bằng bảo hộ:
+ Nếu đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ;
+ Nếu đối tượng nêu trong đơn đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, và người nộp đơn nộp lệ phí đầy đủ thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp, và công bố trên Công báo Sở hữu trí tuệ.
b. Cách thức thực hiện:
– Trực tiếp tại trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng;
– Qua bưu điện.
c. Thành phần, số lượng hồ sơ:
– Thành phần hồ sơ, bao gồm:
+ Tờ khai (02 tờ theo mẫu);
+ Bộ ảnh chụp/Bản vẽ (05 bộ);
+ Bản mô tả (01 bộ);
+ Các tài liệu có liên quan;
-Số lượng hồ sơ: 01 (bộ).
d. Thời hạn giải quyết:
– Thẩm định hình thức:
01 tháng từ ngày nhận đơn;
– Công bố đơn: 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ;
– Thẩm định nội dung: 06 tháng từ ngày công bố đơn.
4. Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:
– Tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện sau có quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp:
+ Tác giả tạo ra kiểu dáng công nghiệp bằng công sức và chi phí của mình;
+ Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác và thoả thuận đó không trái với quy định của pháp luật;
+ Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra thiết kế bố trí thì các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký và quyền đăng ký đó chỉ được thực hiện nếu tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý;
+ Trường hợp kiểu dáng công nghiệp được tạo ra do sử dụng cơ sở vật chất – kỹ thuật, kinh phi từ ngân sách nhà nước: Trường hợp kiểu dáng công nghiệp được tạo ra trên cơ sở Nhà nước đầu tư toàn bộ kinh phí, phương tiện vật chất – kỹ thuật, quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp thuộc về Nhà nước. Tổ chức, cơ quan nhà nước được giao quyền chủ đầu tư có trách nhiệm đại diện Nhà nước thực hiện quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp;
Trường hợp kiểu dáng công nghiệp được tạo ra trên cơ sở Nhà nước góp vốn (kinh phí, phương tiện vật chất – kỹ thuật), một phần quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp tương ứng với tỷ lệ góp vốn thuộc về Nhà nước. Tổ chức, cơ quan nhà nước là chủ phần vốn đầu tư của Nhà nước có trách nhiệm đại diện Nhà nước thực hiện phần quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp;
Trường hợp kiểu dáng công nghiệp được tạo ra trên cơ sở hợp tác nghiên cứu – phát triển giữa tổ chức, cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân khác, nếu trong thoả thuận hợp tác nghiên cứu – phát triển không có quy định khác thì một phần quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp tương ứng với tỷ lệ đóng góp của tổ chức, cơ quan nhà nước trong việc hợp tác đó, thuộc về Nhà nước. Tổ chức, cơ quan nhà nước tham gia hợp tác nghiên cứu – phát triển có trách nhiệm đại diện Nhà nước thực hiện quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp.
– Để được cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, đối tượng đăng ký phải đáp ứng điều kiện sau:
+ Có tính mới: thứ nhất, có sự khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên. Thứ hai, chưa bị bộc lộ công khai: việc sản phẩm/kiểu dáng công nghiệp được coi là chưa bị bộc lộ công khai khi chỉ có số lượng người hạn chế có nghĩa vụ giữ bí mật được biết về sản phẩm/kiểu dáng công nghiệp đó.
+ Có tính sáng tạo: Nếu căn cứ vào các kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp (trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên), kiểu dáng công nghiệp đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng.
+ Có khả năng áp dụng công nghiệp: Là kiểu dáng công nghiệp có khả năng dùng làm mẫu để chế tạo lặp đi lặp lại hàng loạt sản phẩm có kiểu dáng giống hệt bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.
5. Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:
– Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005;
– Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp;
– Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 của Bộ Khoa học và Công nghê hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP;
– Thông tư số 263/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp
Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số:1900.0191để được giải đáp.
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN Group