1. Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Malaysia

Theo luật nhãn hiệu hàng hóa của Malaysia, nhãn hiệu hàng hóa là một dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa và dịch vụ của chủ thể này với hàng hóa dịch vụ của chủ thể khác.

Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Malaysia

1.1. PHẦN CHUNG

Nhãn hiệu hàng hóa là gì?

Theo luật nhãn hiệu hàng hóa của Malaysia, nhãn hiệu hàng hóa là một dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa và dịch vụ của chủ thể này với hàng hóa dịch vụ của chủ thể khác.

Các dấu hiệu có thể được đăng ký là nhãn hiệu hàng hóa bao gồm từ ngữ, logo, hình ảnh, biểu tượng, nhãn hiệu hàng hóa, tên, chữ cái, chữ số hoặc sự kết hợp của các yếu tố đó với điều kiện chúng có khả năng phân biệt, không gây nhầm lẫn hoặc lừa dối, không trái với pháp luật hoặc đạo đức, không tương tự hoặc trùng lặp với nhãn hiệu nổi tiếng.

>> Luật sư tư vấn bảo hộ nhãn hiệu quyền tại Việt Nam: 1900.0191

Youtube video

Luật sư Lê Minh Trường tham gia chương trình 60 phút mở trên VTV6

Những dấu hiệu nào không thể được đăng ký là nhãn hiệu hàng hóa ở Malaysia?

Những nhãn hiệu có chứa đựng các từ ngữ, hoặc từ ngữ có nghĩa tương tự hoặc cách thể hiện với ý nghĩa sau sẽ không được đăng ký là nhãn hiệu hàng hóa:

+ “Bằng độc quyền” hoặc “đã được cấp bằng độc quyền”; “đăng ký” hoặc “đã được đăng ký”, “bản quyền”;

+ Từ ngữ, hình ảnh tương tự, trùng lặp hoặc liên quan đến nhà vua, hoàng hậu, hoàng gia, quân đội hoàng gia, công an hoàng gia Malaysia;

+ Từ ngữ hình ảnh tương tự hoặc liên quan đến vương miện hoàng gia, gia huy, huy hiệu, huy chương;

+ Từ ngữ, hình ảnh liên quan đến các tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ, hội Chữ thập Thụy Sĩ và Liên bang Thụy sĩ màu đỏ, màu trắng hoặc màu bạc trên nền đỏ;

+ Từ ngữ hoặc hình ảnh liên quan đến tổ chức ASEAN và quốc kỳ của mỗi nước thành viên.

Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hàng hóa được xác lập trên cơ sở nào?

Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hàng hóa được xác lập trên cơ sở đăng ký. Đăng ký nhãn hiệu là bằng chứng đầu tiên chứng minh hiệu lực của nhãn hiệu, là cơ sở pháp lý để chuyển giao nhãn hiệu sau này. Chủ sở hữu nhãn hiệu được đăng ký có quyền yêu cầu các cơ quan thực thi pháp luật áp dụng các biện pháp luật định chống lại hành vi vi phạm của bên thứ ba.

Nhãn hiệu hàng hóa có thể được sử dụng ở Malaysia mà không cần phải đăng ký, nhưng chủ sở hữu những nhãn hiệu không được đăng ký không có quyền yêu cầu các cơ quan thực thi áp dụng các biện pháp luật định khi nhãn hiệu bị xâm phạm. Nhãn hiệu không được đăng ký có thể được bảo hộ theo luật chống mạo danh nhưng chủ sở hữu nhãn hiệu phải chứng minh nhãn hiệu của mình có uy tín trên thị trường và những thiệt hại thực tế do hành vi vi phạm gây ra.

Tôi có thể xin hưởng quyền ưu tiên theo Công ước Paris khi nộp đơn vào Malaysia không?

CÓ. Việt Nam và Malaysia đều là thành viên của Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, vì vậy doanh nghiệp Việt Nam có thể xin hưởng quyền ưu tiên theo Công ước Paris khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu vào Malaysia với điều kiện đơn phải được nộp cho cùng một nhãn hiệu và trong vòng 6 tháng kể từ ngày nộp đơn đầu tiên hoặc từ ngày hàng hóa mang nhãn hiệu được trưng bày ở một triển lãm quốc tế được chính thức tổ chức tại một trong những nước thành viên Công ước Paris.

Có thể đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ở Malaysia theo Thỏa ước Madrid được không?

KHÔNG. Malaysia không phải là thành viên Thỏa ước Madrid, vì vậy nếu doanh nghiệp muốn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ở Malaysia thì phải nộp đăng ký cho cơ quan đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ở Malaysia.

1.2. THỦ TỤC NỘP ĐƠN

Chủ thể nào có quyền nộp đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ở Malaysia?

Bất kỳ chủ thể nào không phân biệt quốc tịch, nếu là chủ sở hữu của nhãn hiệu đã hay sẽ được họ sử dụng ở Malaysia đều có thể nộp đơn xin đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ở Malaysia.

Doanh nghiệp Việt Nam có thể nộp đơn trực tiếp với Cơ quan đăng ký nhãn hiệu Malaysia không?

KHÔNG. Theo luật Malaysia, tất cả đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa nước ngoài phải nộp thông qua Đại diện nhãn hiệu hàng hóa Malaysia. Đại diện này phải có trụ sở và hoạt động hợp pháp ở Malaysia. Tại thời điểm nộp đơn, Người nộp đơn phải chỉ định một Đại diện thay mặt mình nộp đơn ở Malaysia theo mẫu TM1.

Nộp đơn xin đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ở Malaysia như thế nào?

Người nộp đơn nước ngoài phải làm đơn bằng tiếng Anh theo mẫu TM-5 và làm thành 5 bản. Mỗi đơn chỉ được nộp cho một nhãn hiệu hàng hóa cho một nhóm sản phẩm hoặc dịch vụ. Như vậy, nếu bạn đăng ký một nhãn hiệu hàng hóa cho nhiều nhóm sản phầm và/hoặc hoặc dịch vụ thì bạn phải làm thành nhiều đơn, mỗi đơn cho một nhóm sản phẩm hoặc dịch vụ.

Đơn xin đăng ký nhãn hiệu hàng hóa sẽ được nộp cho Cơ quan đăng ký Nhãn hiệu Malaysia thuộc Bộ Nội Thương Và Các Vấn Đề Về Người Tiêu Dùng.

Người nộp đơn cần cung cấp những tài liệu và thông tin gì?

Những thông tin cần cung cấp:

+ Nhãn hiệu xin đăng ký là loại nhãn hiệu gì, ví dụ, nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ, nhãn hiệu chứng nhận hay nhãn hiệu bảo vệ

+ Nhãn hiệu xin bảo hộ có giới hạn màu sắc hay không

+ Phân loại quốc tế của sản phẩm hoặc dịch vụ

+ Danh mục sản phẩm hoặc dịch vụ xin đăng ký

+ Ngày và nơi nhãn hiệu được sử dụng lần đầu tiên

+ Ngày nhãn hiệu được sử dụng lần đầu tiên ở Malaysia (nếu có)

+ Tên, địa chỉ, quốc tịch của Người nộp đơn (nếu người nộp đơn là cá nhân thì phải nêu rõ là cá nhân, nếu là công ty thì phải chỉ rõ loại hình công ty)

+ Tên và địa chỉ đầy đủ của Đại diện Malaysia

+ Đơn có xin hưởng quyền ưu tiên hay không.

Những tài liệu cần nộp kèm theo đơn:

+ 9 mẫu nhãn hiệu xin đăng ký

+ Bản dịch hoặc chuyển ký tự của nhãn hiệu nếu nhãn hiệu không phải là tiếng latinh, tiếng Anh, tiếng Malaysia hoặc tiếng Trung quốc.

+ Bản sao đơn đầu tiên nếu đơn xin hưởng quyền ưu tiên theo Công ước Paris.

+ Bản tuyên thệ bằng tiếng Anh có công chứng rằng người nộp đơn là chủ nhãn hiệu xin đăng ký (mẫu tuyên thệ do Đại diện cung cấp).

Lệ phí nộp đơn là bao nhiêu?

Lệ phí nộp đơn chính thức của cơ quan đăng ký Malaysia cho một đơn cho một nhãn hiệu là 250 RM (tiền Malaysia). Lệ phí trên chưa bao gồm phí đại diện và các chi phí khác phát sinh nếu nhãn hiệu bị khiếu nại.

1.3. XỬ LÝ ĐƠN

Đơn được xử lý như thế nào?

Đơn được xét nghiệm về hình thức (xem xét đơn có đầy đủ các thông tin và tài liệu yêu cầu hay không). Sau đó, Cơ quan đăng ký sẽ xét nghiệm nhãn hiệu có khả năng phân biệt hay không – đồng thời tra cứu xem nhãn hiệu đó có trùng lặp hay tương tự với nhãn hiệu đã đăng ký trước hoặc nhãn hiệu theo một đơn khác có ngày nộp đơn sớm hơn hay không. Nếu đơn đáp ứng mọi yêu cầu theo luật định, cơ quan đăng ký sẽ ra thông báo chấp nhận đăng ký đơn. Thời hạn xét nghiệm kéo dài từ 12 – 18 tháng kể từ ngày nộp đơn.

Những đơn được chấp nhận đăng ký sẽ được công bố trên công báo. Thời gian công bố đơn là từ 3 – 6 tháng.

Nếu không có chủ thể nào phản đối đơn, cơ quan đăng ký sẽ cấp giấy đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Thời gian đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ở Malaysia từ khi nộp đơn đến khi được đăng ký là từ 18 – 25 tháng.

Nếu đơn bị phản đối, thời hạn nộp phản đối đơn là bao lâu?

Phản đối đơn (nếu có ) phải được nộp cho cơ quan đăng ký trong vòng 2 tháng kể từ ngày công bố đơn. Đơn phản đối được làm theo mẫu TM-7, và lệ phí phản đói đơn là 450 RM (chưa bao gồm phí dịch vụ). Thời gian giải quyết vụ việc liên quan đến phản đối đơn có thể kéo dài từ 18 tháng đến 3 năm.

Bạn có thể khiếu nại quyết định của cơ quan đăng ký không?

CÓ. Nếu không đồng ý với bất kỳ quyết định nào của co quan đăng ký, bạn có thể nộp đơn khiếu nại lên Tòa án tối cao Malaysia.

1.4. THỜI HẠN HIỆU LỰC VÀ GIA HẠN ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU

Thời hạn hiệu lực của đăng ký nhãn hiệu ở Malaysia là bao lâu?

Nhãn hiệu được đăng ký có hiệu lực 10 năm kể từ ngày nộp đơn và có thể được gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần 10 năm và chủ sở hữu phải nộp lệ phí gia hạn.

Khi nào phải nộp đơn xin gia hạn hiệu lực đăng ký nhãn hiệu?

Đơn xin gia hạn hiệu lực đăng ký nhãn hiệu ở Malaysia phải được nộp trong vòng 3 tháng trước ngày hết hạn hiệu lực của nhãn hiệu. Đơn xin gia hạn được làm theo mẫu TM-12 và nộp thông qua Đại diện Malaysia.

Đơn xin gia hạn hiệu lực có thể được nộp muộn sau ngày hết hạn hiệu lực của nhãn hiệu nhưng không muộn quá một tháng kể từ ngày hết hạn. Đơn nộp muộn được làm theo mẫu TM-13.

Hậu quả pháp lý của việc không gia hạn hiệu lực là gì?

Nếu nhãn hiệu đã đăng ký không được gia hạn trong khoảng 3 tháng trước ngày hết hạn hiệu lực cho đến một tháng sau ngày hết hạn hiệu lực, thì nhãn hiệu sẽ bị mất hiệu lực ở Malaysia.

Nhãn hiệu đã đăng ký có thể bị hủy bỏ vì những lý do gì?

Tòa án có thể ra quyết định hủy bỏ hiệu lực đăng ký nhãn hiệu hàng hóa trên cơ sở yêu cầu của bên thứ ba nếu có bằng chứng cho thấy, ví dụ:

+ Nhãn hiệu đăng ký không được sử dụng trung thực;

+ Nhãn hiệu không được sử dụng bởi chủ sở hữu hoặc người được cấp li-xăng trong thời hạn 3 năm liên tục;

+ Nhãn hiệu được đăng ký do gian lận;

+ Nhãn hiệu không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ.

Có thể chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc cấp li-xăng sử dụng nhãn hiệu đã đăng ký không?

CÓ. Trong thời hạn hiệu lực của nhãn hiệu, chủ sở hữu có thể chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp nhãn hiệu hoặc cấp li-xăng sử dụng nhãn hiệu cho người khác dưới hình thức hợp đồng chuyển nhượng hoặc hợp đồng li-xăng. Việc chuyển nhượng hoặc cấp li-xăng sử dụng nhãn hiệu đều phải được đăng ký với cơ quan đăng ký nhãn hiệu.

1.4. THỰC THI QUYỀN

Hành vi nào bị coi là xâm phạm quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu?

Bất kỳ người nào không được phép của chủ sở hữu mà sử dụng trong thương mại dấu hiệu trùng lặp, hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được đăng ký cho hàng hóa hoặc dịch vụ tương tự với hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được đăng ký đều bị coi là xâm phạm quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu. Hành vi sử dụng nhãn hiệu bao gồm gắn nhãn hiệu lên hàng hóa, quảng cáo, lưu thông hàng hóa dịch vụ, nhập khẩu.

Hành vi vi phạm bị xử lý như thế nào?

Trong số những biện pháp thực thi như các nước áp dụng đối với hành vi xâm phạm, Đạo luật nhãn hiệu hàng hóa Malaysia đặc biệt chú trọng đến biện pháp hải quan nhằm ngăn chặn hàng giả.

2. Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Brunei

Theo luật Brunei, nhãn hiệu hàng hóa là những hình ảnh, dấu hiệu (có thể bao gồm từ ngữ, kể cả tên gọi, chữ cái, con số, phác họa, hình dáng của hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa) có khả năng phân biệt dùng cho hàng hóa hoặc dịch vụ cùng loại của các chủ thể.

Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Brunei

2.1. PHẦN CHUNG

Nhãn hiệu hàng hóa là gì?

Theo luật Brunei, nhãn hiệu hàng hóa là những hình ảnh, dấu hiệu (có thể bao gồm từ ngữ, kể cả tên gọi, chữ cái, con số, phác họa, hình dáng của hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa) có khả năng phân biệt dùng cho hàng hóa hoặc dịch vụ cùng loại của các chủ thể.

Những dấu hiệu không thể đăng ký như nhãn hiệu hàng hóa: những dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu đã được bảo hộ đối với hàng hóa cùng loại; những dấu hiệu không có khả năng phân biệt; những dấu hiệu mang tính mô tả hàng hóa; những dấu hiệu chỉ chất hóa học hoặc hợp chất hóa học.

Những dấu hiệu nào không được dùng làm nhãn hiệu hàng hóa?

Những dấu hiệu sau không được dùng làm nhãn hiệu hàng hóa:

– Những dấu hiệu gây phản cảm đối với công chúng;

– Những dấu hiệu trái với trật tự pháp luật và đạo đức xã hội;

– Những nhãn hiệu có từ ngữ giống hoặc gần giống như sau: “độc quyền”, “đã bảo hộ độc quyền”, “đã đăng ký”, “kiểu dáng đã đăng ký”, “bản quyền tác giả”,”đã có hiệu lực”, “hàng nhái sản phẩm này là hàng giả”, “Chữ thập đỏ”, “Chữ thập Geneva”, các dấu hiệu biểu trưng cho Tổ chức Chữ thập đỏ Geneva, Liên bang Thụy sĩ với mầu trắng đỏ, chữ thập đó- đều không được dùng làm nhãn hiệu hàng hóa.

– Những dấu hiệu biểu trưng cho Hoàng gia Brunei, quốc huy, huy hiệu, những biểu trưng gây nhầm lẫn đối với Hoàng gia cũng không được dùng làm nhãn hiệu hàng hóa;

– Chữ “Hoàng gia” hoặc bất kỳ từ nào khác, chữ cái, hình ảnh gây cho công chúng tưởng rằng được sự cho phép của Hoàng gia;

– Biểu trưng của Quốc vương Brunei;

– Biểu trưng uy quyền của Quốc vương và thành phần Hoàng gia, kể cả mầu sắc đặc trưng của Hoàng gia;

– Những dấu hiệu giống như hoặc mô tả con dấu, chữ ký của những tổ chức, những dấu xác nhận chất lượng cảu các cơ quan có thẩm quyền mà không được sự chấp nhận của họ.

>> Luật sư tư vấn Luật sở hữu Trí tuệ qua điện thoại (24/7) gọi số: 1900.0191

Quyền đối với nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở nào?

Quyền đối với nhãn hiệu hàng hóa được xác lập thông qua sử dụng hoặc thông qua đăng ký. Việc đăng ký không bắt buộc đối với chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa.

Tuy nhiên, trong trường hợp có hành vi vi phạm, chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa không đăng ký chỉ có thể bảo vệ quyền lợi của mình trên cơ sở thông luật chống lại hành vi mạo danh mà không thể áp dụng quy định về nhãn hiệu hàng hóa đăng ký. Việc tranh chấp này sẽ được xử tại Tòa tối cao nhưng nghĩa vụ chứng minh uy tín của nhãn hiệu và hành vi vi phạm thuộc về chủ sở hữu nhãn hiệu.

Chính vì vậy, việc đăng ký nhãn hiệu sẽ được coi là việc làm cần thiết để bảo vệ quyền lợi của mình một cách hữu hiệu. Những tranh chấp liên quan đến nhãn hiệu hàng hóa đã đăng ký sẽ được giải quyết tại Tòa tối cao, trong đó, Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa được coi là căn cứ pháp lý chống lại hành vi xâm phạm quyền chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa.

Có thể đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ở Brunei theo các điều ước quốc tế hay không?

KHÔNG. Brunei không phải là thành viên của Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa nên việc nộp đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ở Brunei sẽ được thực hiện theo hệ thống đăng ký quốc gia.

Quyền ưu tiên là gì?

Brunei và Việt nam đều là thành viên Công ước Paris. Vì vậy, doanh nghiệp Việt nam có thể yêu cầu xin hưởng quyền ưu tiên theo Công ước Paris khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa vào Brunei.

Quyền ưu tiên có nghĩa là : trong vòng 6 tháng kể từ ngày doanh nghiệp Việt Nam nộp đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa đầu tiên hoặc sử dụng nhãn hiệu tại triển lãm quốc tế chính thức tổ chức tại một nước thành viên Công ước Paris mà doanh nghiệp nộp đơn đăng ký cho cùng nhãn hiệu hàng hóa đọ tại Brunei, thì ngày nộp đơn tại Brunei sẽ được tính là ngày nộp đơn đầu tiên hoặc ngày hàng hóa được trưng bày đầu tiên tại triển lãm quốc tế trước đó tại một nước thành viên Công ước Paris.

Doanh nghiệp Việt Nam có nhất thiết phải nộp đơn thông qua đại diện sở hữu công nghiệp không?

CÓ. Cá nhân, pháp nhân Việt Nam muốn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ở Brunei phải nộp đơn thông qua đại diện sở hữu công nghiệp Brunei.

Các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp Việt Nam, ví dụ như Công Ty Luật LVN Group có thể giúp các doanh nghiệp Việt Nam trong việc liên hệ với các đại diện sở hữu công nghiệp Brunei và tiến hành các thủ tục đăng ký nhãn hiệu ở Brunei.

2.2. THỦ TỤC NỘP ĐƠN

Ai có quyền nộp đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ở Brunei?

Mọi cá nhân, pháp nhân là chủ sở hữu sở hữu nhãn hiệu hàng hóa đều có thể nộp đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ở Brunei với điều kiện phải sử dụng hoặc có ý định sử dụng nhãn hiệu hàng hóa.

Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại đâu?

Đơn được nộp tại Cơ quan Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa của Brunei và nộp cho người đứng đầu là Giám đốc cơ quan đăng ký nhãn hiệu hàng hóa do Quốc vương bổ nhiệm.

Địa chỉ của cơ quan đăng ký nhãn hiệu hàng hóa là:

Registry of Trade Marks
Bandar Seri Begawan 2016
Brunei Darussalam

Người nộp đơn cần cung cấp những thông tin và tài liệu gì?

Hồ sơ đơn bao gồm:

– Giấy ủy quyền có công chứng;

– Đơn được làm bằng tiếng Anh và theo mẫu;

– Tên, địa chỉ và quốc tịch của người nộp đơn;

– Mẫu nhãn hiệu: nếu là nhãn đen trắng 5 mẫu; nếu là nhãn hiệu màu 15 mẫu;

– Danh mục hàng hóa hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu và nhóm phân loại.

Cơ sở phân nhóm sản phẩm hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu?

Brunei áp dụng bảng phân loại quốc tế hàng hóa, dịch vụ theo Thỏa ước Nice là cơ sở phân loại nhóm hàng hóa/dịch vụ mà nhãn hiệu đăng ký sử dụng.

Bảng phân loại này có thể tìm thấy theo địa chỉ trang web http://www.wipo.org, mục “About WIPO” của trang chủ, các doanh nghiệp có thể vào tiếp trang “Treaties and Contracting parties”, vào tiếp trang “Classification treaties” – sẽ tìm thấy “Nice Agreement Concerning the International Classification on Goods and Services for the Purpose for the Registration of Marks” hoặc tìm hiểu Bảng phân loại quốc tế sản phẩm hàng hóa và dịch vụ nhằm mục đích đăng ký nhãn hiệu hàng hóa theo Thỏa ước Nice tại Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Thời hạn đăng ký nhãn hiệu là bao lâu ?

Thời hạn từ khi nộp đơn hợp lệ cho đến khi cấp đăng ký nhãn hiệu hàng hóa kéo dài từ 12 đến 18 tháng.

Đơn có thể bị phản đối hay không?

Sau thời gian xét nghiệm, những đơn đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ sẽ được tăng trên Công báo để bên thứ ba có thể phản đối.

Việc phản đối đơn được tiến hành trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày đăng Công báo. Bất cứ ai có lý do phản đối đều có thể nộp đơn phản đối kèm theo một khoản lệ phí nhất định. Lý do phản đối có thể bao gồm: nhãn hiệu gây tương tự nhầm lẫn với nhãn hiệu đã đăng ký hoặc nhãn hiệu trái với pháp luật và đạo đức xã hội.

Có thể khiếu nại quyết định của cơ quan đăng ký nhãn hiệu hàng hóa không?

Doanh nghiệp có thể khiếu nại quyết định từ chối đăng ký nhãn hiệu lên Giám đốc cơ quan đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và yêu cầu cơ quan trả lời bằng văn bản.

Trong trường hợp không đồng ý quyết định cuối cùng của Cơ quan đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, doanh nghiệp có thể kiện quyết định của Cơ quan đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại Tòa tối cao Brunei.

2.3. THỜI HẠN BẢO HỘ VÀ GIA HẠN HIỆU LỰC ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU

Thời hạn bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa là bao lâu?

Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa có hiệu lực là 10 năm kể từ ngày đăng ký và có thể được gia hạn nhiều lần liên tục, mỗi lần 10 năm.

Khi nào chủ sở hữu phải nộp đơn xin gia hạn hiệu lực đăng ký nhãn hiệu?

Để duy trì hiệu lực đăng ký nhãn hiệu, trong vòng 6 tháng trước ngày hết hạn hiệu lực chủ sở hữu phải nộp đơn xin gia hạn hiệu lực đăng ký nhãn hiệu kèm theo lệ phí gia hạn. Nếu chủ sở hữu không làm thủ tục gia hạn trong thời hạn đó thì đăng ký nhãn hiệu sẽ bị mất hiệu lực.

Nhãn hiệu bị mất hiệu lực có thể được phục hồi hiệu lực khi chủ sở hữu làm đơn xin phục hồi hiệu lực và nộp lệ phí phục hồi hiệu lực.

Có thể thay đổi các thông tin/chi tiết liên quan đến nhãn hiệu đã đăng ký hay không?

CÓ. Khi có sự thay đổi tên, địa chỉ của chủ sở hữu nhãn hiệu đã đăng ký, chủ sở hữu phải nộp đơn đăng ký về sự thay đổi đó với cơ quan đăng ký.

Chuyển giao quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa được thực hiện như thế nào?

Việc chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hàng hóa được thực hiện thông qua hợp đồng do người chuyển nhượng hoặc đại diện hợp pháp của người đó ký. Việc chuyển nhượng phải đăng ký tại Cơ quan Đăng ký nhãn hiệu.

Việc chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu hàng hóa cũng phải được thực hiện thông qua hợp đồng li-xăng do người chuyển giao hoặc đại diện hợp pháp của người đó ký.

Có thể hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu đã đăng ký không và trên cơ sở nào?

CÓ. Nhãn hiệu đã đăng ký có thể bị hủy bỏ vì những lý do sau:

– Nhãn hiệu không được sử dụng trong vòng 5 năm kể từ ngày được đăng ký mà không có lý do chính đáng;

– Nhãn hiệu không được sử dụng trong vòng 5 năm liên tục mà không có lý do chính đáng;

– Nhãn hiệu đã trở thành tên gọi thông thường của sản phẩm trong thương mại hoặc được sử dụng gây nhầm lẫn cho công chúng.

– Nhãn hiệu được đăng ký không ngay tình; xâm phạm quyền đã được bảo hộ trước đó.

2.4. THỰC THI QUYỀN

Chủ sở hữu nhãn hiệu có những quyền gì?

Chủ sở hữu nhãn hiệu có những quyền sau:

Độc quyền sử dụng nhãn hiệu cho hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký;

– Chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng nhãn hiệu cho bên thứ ba;

– Yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp luật định chống lại bên thứ ba vi phạm nhãn hiệu và đòi bồi thường thiệt hại.

Những hành vi nào bị coi là xâm phạm quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu?

Hành vi sử dụng dấu hiệu giống hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hóa đã được đăng ký dùng cho sản phẩm, dịch vụ cùng loại hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự mang nhãn hiệu được bảo hộ.

Những hành vi sau đây được coi là “sử dụng” nhãn hiệu:

– Gắn nhãn hiệu lên hàng hóa, bao bì hàng hóa;

– Lưu thông hàng hóa mang nhãn hiệu trên thị trường;

– Tàng trữ hàng hóa mang nhãn hiệu để bán trên thị trường;

– Xuất, nhập khẩu hàng hóa mang nhãn hiệu;

– Sử dụng nhãn hiệu trên giấy tờ trong giao dịch kinh doanh hoặc trong quảng cáo.

Khi nhãn hiệu bị vi phạm chủ sở hữu phải làm gì?

Khi nhãn hiệu bị vi phạm chủ sở hữu có thể kiện bên vi phạm theo thủ tục dân sự tại Tòa Tối cao Brunei hoặc yêu cầu lực lượng cảnh sát can thiệp, tiến hành điều tra và chuyển cho Công tố Viện tài liệu để khởi tố tội danh xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Nếu chủ sở hữu cần sự can thiệp của hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu xâm phạm quyền của chủ sở hữu đối vói nhãn hiệu hàng hóa, Đơn yêu cầu cần được gửi đến cơ quan Hải quan trước 72 giờ, tính cho đến thời điểm cần phải áp dụng biện pháp tạm dừng thủ tục hải quan.

3. Dịch vụ đăng ký, gia hạn văn bằng bảo hộ nhãn hiệu

Công ty luật LVN Group là tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp (SHCN) tại Việt Nam do Cục Sở hữu Trí Tuệ cấp phép hoạt động, Chúng tôi sẵn sàng cung cấp dịch vụ đăng ký và gia hạn văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam và các nước khác trên thế giới theo yêu cầu của khách hàng, cụ thể:

Quý vị cần chú ý trước khi làm thủ tục đăng ký gia hạn bảo hộ cho nhãn hiệu:

Để được gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, trong vòng 06 tháng trước ngày Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hết hiệu lực, chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu phải nộp đơn yêu cầu gia hạn trực tiếp hoặc thông qua đại diện Sở hữu trí tuệ.Đơn yêu cầu gia hạn có thể nộp muộn hơn thời hạn quy định nêu trên nhưng không được quá 06 tháng kể từ ngày Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hết hiệu lực và chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu phải nộp lệ phí gia hạn cộng với 10% lệ phí gia hạn cho mỗi tháng nộp muộn.

4. Quy trình gia hạn bảo hộ cho nhãn hiệu:– Giấy tờ tài liệu cung cấp:

1. Gửi Số văn bằng bảo hộ nhãn hiệu đã được cấp (chụp hình văn bằng gửi lại cho chúng tôi)trường hợp yêu cầu ghi nhận việc gia hạn vào Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu ;2. Giấy uỷ quyền (Gửi lại cho quí khách khi nhận được thông tin gia hạn)

5. Chi phí gia hạn văn bằng bảo hộ:

Lưu ý trong trường hợp không tiến hành gia hạn hiệu lực cho văn bằng bảo hộ, văn bằng sẽ hết hiệu lực và bất kỳ bên thứ ba nào cũng có thể tiến hành đăng ký hoặc sử dụng nhãn hiệu.

Mọi vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại, gọi ngay tới số: 1900.0191 để được giải đáp.

Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng Dịch vụ đăng ký nhãn hiệu độc quyền vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH LVN GROUP

Tổng đài tư vấn luật sở hữu trí tuệ trực tuyến: 1900.0191

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: [email protected]

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Sở hữu Trí tuệ – Công ty Luật LVN Group