I. PHẦN CHUNG

Nhãn hiệu hàng hoá là gì?
Theo quy định Luật Nhãn hiệu hàng hoá Nhật bản, nhãn hiệu hàng hoá/dịch vụ có thể là chữ cái, chữ số, dấu hiệu, hình không gian ba chiều, hoặc bất kỳ sự kết hợp nào của các yếu tố đó, hoặc sự kết hợp của các yếu tố đó với màu sắc, được sử dụng nhằm phân biệt hàng hoá hoặc dịch vụ của chủ thể này với chủ thể khác trong quá trình thương mại.

Các dấu hiệu nào có thể đăng ký nhãn hiệu hàng hoá?

+ Không trùng hoặc không tương tự với nhãn hiệu đã được đãng ký của người khác có ngày nộp đơn sớm hơn cho hàng hoá/dịch vụ cùng loại;

+ Không trùng hoặc không tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng của người khác;

+ Không trùng hoặc không tương tự với quốc kỳ, huân – huy chương, huy hiệu nhà nước, giải thưởng hay con dấu của nhà nước Nhật Bản, của các quốc gia khác, của các tổ chức quốc tế…

+ Không chứa đựng chân dung, tên, bút danh, tên hiệu, tên bắt nổi tiếng của người khác (trừ khi được người đó cho phép);

+ Không trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu của người khác nếu chưa hết một năm kể từ ngày quyền nhãn hiệu này bị huỷ bỏ cho hàng hoá, dịch vụ cùng loại (trừ trường hợp nhãn hiệu không được sử dụng bởi người đó trong thời gian ít nhất 1 năm trước ngày hết hạn hiệu lực).

>> Luật sư tư vấn Luật sở hữu Trí tuệ qua điện thoại (24/7) gọi số: 1900.0191

Youtube video

Luật sư Lê Minh Trường tham gia chương trình 60 phút mở trên VTV6

Các dấu hiệu nào không thể đăng ký làm nhãn hiệu hàng hoá?

+ Nhãn hiệu được tạo ra theo cách thức thông thường, là tên gọi thông dụng của hàng hoá/dịch vụ;

+ Nhãn hiệu được sử dụng một cách thông dụng cho hàng hóa/dịch vụ;

+ Nhãn hiệu chỉ nguồn gốc, nơi bán, chất lượng, nguyên liệu, hiệu quả, hình dạng (bao gồm cả hình dạng bao bì), giá cả, cách thức, thời gian hoặc cách sử dụng hàng hoá/dịch vụ;

+ Nhãn hiệu bao gồm duy nhất dấu hiệu chỉ loại hình hoạt động của một pháp nhân;

+ Nhãn hiệu chứa duy nhất dấu hiệu đơn giản và không có khả năng phân biệt.

Doanh nghiệp Việt Nam có nhất thiết phải nộp thông qua Luật sư của LVN Group – người đại diện sở hữu công nghiệp không?
CÓ. Đối với các chủ thể nước ngoài thì việc đăng ký nhãn hiệu hàng hoá bắt buộc phải được thực hiện thông qua Đại diện sở hữu công nghiệp. Đại diện sở hữu công nghiệp sẽ thay mặt Người nộp đơn trực tiếp làm việc với JPO và thực hiện các công việc cần thiết đảm bảo quyền lợi của Người nộp đơn như nộp đơn, rút đơn, trả lời Thông báo, bổ sung tài liệu, yêu cầu hưởng quyền ưu tiên, khiếu nại, khởi kiện v.v.

Thế nào là nguyên tắc nộp đơn đầu tiên?
Nhật Bản áp dụng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên theo đó, nếu hai hay nhiều người cùng nộp đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hoá trùng nhau hoặc tương tự nhau cho cùng hàng hoá, dịch vụ hoặc cho hàng hoá, dịch vụ tương tự thì người nào nộp đơn đầu tiên với ngày nộp đơn sớm nhất sẽ được chấp nhận đơn.

Trong trường hợp những đơn nói trên được nộp cùng một ngày, các chủ thể có thể thoả thuận để một trong số họ được cấp bằng, nếu không đạt được sự thoả thuận, hoặc kết quả của sự thương lượng không được báo cáo với JPO trong thời hạn cho phép, JPO sẽ chọn lựa một cách hợp lý và công bằng để cấp đăng ký cho một trong số những người nộp đơn.

Do vậy, để đảm bảo quyền lợi của chính mình, các cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam nếu có kế hoạch kinh doanh ở Nhật Bản nên nộp đơn đăng ký nhãn hiệu của mình càng sớm càng tốt.

II. THỦ TỤC NỘP ĐƠN

Chủ thể nào có thể nộp đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ở Nhật Bản?
Mọi cá nhân, pháp nhân không phân biệt quốc tịch, nếu là chủ sở hữu nhãn hiệu đều có quyền nộp đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ở Nhật Bản.

Người nộp đơn cần cung cấp những thông tin và tài liệu gì?
Đơn và các tài liệu liên quan bắt buộc phải được dịch ra tiếng Nhật. Đơn được nộp phải có đầy đủ các thông tin sau:

+ Tên và địa chỉ hoặc nơi cư trú của Người nộp đơn

+ 20 mẫu nhãn hiệu hàng hoá/dịch vụ có kích thước không quá 8cm x 8cm

+ Danh mục hàng hoá/dịch vụ mang nhãn hiệu xin đăng ký

+ Tài liệu ưu tiên (nếu có)

Lưu ý:

+ Nhật Bản chấp nhận một đơn nhãn hiệu đăng ký cho một hoặc nhiều nhóm sản phẩm/dịch vụ;

+ Nhật Bản áp dụng song song hệ thống phân loại hàng hoá/dịch vụ quốc tế theo Thoả ước Nice và theo hệ thống phân loại quốc gia của Nhật Bản.

Ngày nộp đơn hợp lệ là ngày nào?
Ngày nộp đơn hợp lệ được xác định là ngày người nộp đơn có đầy đủ các tài liệu theo yêu cầu.

Phí nộp đơn và cấp đăng ký ở Nhật là bao nhiêu?

+ Lệ phí nộp đơn quốc gia (cho một nhóm sản phẩm/dịch vụ): 21.000 Yên Nhật;

+ Lệ phí nộp đơn cho mỗi nhóm sản phẩm/dịch vụ thứ hai trở đi: 15.000 Yên Nhật;

+ Lệ phí đăng ký: 66.000 Yên Nhật.

Lưu ý:

+ Các loại phí không được trả trực tiếp bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản tới Cơ quan Patăng (JPO) của Nhật Bản. Do vậy, người nộp đơn nước ngoài nên trả các phí này thông qua Luật sư của LVN Group hoặc đại diện sở hữu công nghiệp Nhật Bản.

+ Các phí trên không bao gồm phí đại diện sở hữu công nghiệp, các chi phí phát sinh như phí khiếu nại, phí sửa đổi, phí gia hạn, phí liên lạc…

III. XỬ LÝ ĐƠN

Đơn được xử lý như thế nào?
Các đơn đăng ký nhãn hiệu đều phải trải qua hai giai đoạn là xét nghiệm hình thức và xét nghiệm nội dung.

Hiện tại, Luật Nhãn hiệu Nhật Bản không quy định cụ thể về thời hạn xét nghiệm hình thức và thời hạn xét nghiệm nội dung. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu không có vướng mắc trong quá trình xét nghiệm khả năng đăng ký của nhãn hiệu thì thời gian hoàn thành đăng ký một nhãn hiệu tại Nhật Bản thông thường là từ 14 – 24 tháng kể từ ngày nộp đơn cho đến lúc được cấp đăng ký nhãn hiệu hàng hoá.

Xét nghiệm hình thức
Mục đích của giai đoạn xét nghiệm hình thức là nhằm kiểm tra xem các tài liệu đã nộp có đầy đủ không, có tuân thủ hình thức quy định không, còn có thiếu thông tin gì không. Tóm lại là nhằm xem xét xem đơn có đáp ứng yêu cầu của đơn hợp lệ hay không. Trong trường hợp phát hiện có các thiếu sót về hình thức, JPO sẽ ấn định một khoảng thời gian nhất định để người nộp đơn sửa chữa những thiếu sót đó.

Nếu đơn không phải sửa đổi, bổ sung, đơn sẽ được công bố chi tiết trên công báo nhãn hiệu và chuyển sang giai đoạn xét nghiệm nội dung.

Công bố đơn
Đơn sau khi được công nhận là hợp lệ sẽ được công bố chi tiết trên công báo nhãn hiệu hàng hoá tại Nhật Bản với các nội dung sau:

+ Tên, địa chỉ của người nộp đơn;

+ Số đơn ngày nộp đơn;

+ Nhãn hiệu xin đăng ký;

+ Hng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu

+ Các nội dung cần thiết khác

Xét nghiệm nội dung

Mục đích của giai đoạn xét nghiệm nội dung là nhằm đánh giá khả năng đăng ký của nhãn hiệu theo các tiêu chuẩn bảo hộ. Nếu nhãn hiệu đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ, xét nghiệm viên sẽ ra quyết định cấp đăng ký.

Sau khi nộp đơn, có thể sửa đổi các nội dung của đơn không?
Trong trường hợp người nộp đơn có yêu cầu sửa đổi danh mục hàng hoá/dịch vụ hoặc sửa đổi nhãn hiệu mà sự sửa đổi này làm thay đổi cơ bản danh mục hàng hóa/dịch vụ hoặc nhãn hiệu trong đơn, xét nghiệm viên sẽ ra quyết định bằng văn bản không chấp nhận yêu cầu sửa đổi của người nộp đơn, trong đó ghi rõ lý do. Trong trường hợp không đồng ý với sự từ chối của xét nghiệm viên, người nộp đơn có thể thực hiện việc khiếu nại trong vòng 30 ngày, kể từ ngày ra quyết định.

Có thể khiếu nại việc từ chối đơn không?
CÓ. Nếu nhãn hiệu xin đăng ký không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ, trước khi ra quyết định từ chối chính thức, xét nghiệm viên sẽ thông báo cho người nộp đơn biết lý do từ chối bằng cách ra Thông báo lý do từ chối (có thể hiểu là Thông báo từ chối tạm thời) và ấn định một khoảng thời gian 30 ngày để người nộp đơn có thể khiếu nại thông báo này.

Khiếu nại trực tiếp với JPO
Trong trường hợp không đồng ý với Thông báo từ chối tạm thời, người nộp đơn có quyền tiến hành khiếu nại trực tiếp với JPO trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo.

Trong trường hợp không đồng ý với quyết định từ chối chính thức của xét nghiệm viên hoặc không đồng ý với quyết định từ chối sửa đổi của xét nghiệm viên, người nộp đơn có quyền khiếu nại với JPO trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định.

Trong trường hợp vì sự kiện bất khả kháng mà yêu cầu khiếu nại không được thực hiện trong thời hạn quy định nói trên, thời hạn khiếu nại có thể được gia hạn thêm 14 ngày kề từ thời điểm sự kiện bất khả kháng nói trên không còn nữa (với người nộp đơn nước ngoài, thời hạn này là 2 tháng) song không quá 6 tháng so với thời hạn quy định.

Khiếu kiện Quyết định từ chối cấp đăng ký nhãn hiệu hàng hoá của JPO tại Toà án
Sau khi xem xét vụ việc, yêu cầu của người nộp đơn không được chấp thuận, JPO sẽ từ chối đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hoá. Trong trường hợp này, người nộp đơn có quyền khiếu kiện lên Toà án Tokyo yêu cầu xem xét lại quyết định từ chối của JPO. Toà án Tokyo sẽ xem xét vụ việc và ra quyết định chấp nhận hoặc từ chối yêu cầu của người nộp đơn.

Trong trường hợp không đồng ý với quyết định nói trên của Toà án Tokyo, người nộp đơn có thể khiếu kiện lên Toà án Tối cao, quyết định của Toà án Tối cao là quyết định cuối cùng.

Trường hợp Toà án Tối cao chấp nhận yêu cầu của người nộp đơn, JPO sẽ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ cho đơn nhãn hiệu hàng hoá.

Khi nào thì bạn có thể được cấp Văn bằng bảo hộ?
Trong vòng 30 ngày kể từ ngày ra quyết định cấp đăng ký hoặc ngày quyết định của Toà án về việc đăng ký có hiệu lực, người nộp đơn phải hoàn tất việc nộp phí đăng ký. JPO có thể gia hạn việc nộp phí nhưng không quá 30 ngày. Ngày người nộp đơn hoàn tất việc nộp phí đăng ký được coi là ngày nhãn hiệu hàng hoá được đăng ký.

Công bố việc đăng ký nhãn hiệu hàng hoá
Đơn nhãn hiệu hàng hoá sau khi hoàn tất việc đăng ký sẽ được công bố trên Công báo Nhãn hiệu hàng hoá với các nội dung sau:

– Tên, địa chỉ của chủ nhãn hiệu;

– Số đơn, ngày nộp đơn;

– Nhãn hiệu được bảo hộ;

– Hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu

– Số đăng ký và ngày đăng ký

– Các nội dung cần thiết khác

IV. THỜI HẠN BẢO HỘ VÀ GIA HẠN HIỆU LỰC ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU HÀNG HÓA

Nhãn hiệu hàng hoá có thời hạn bảo hộ bao lâu?
Thời hạn bảo hộ đối với quyền nhãn hiệu hàng hoá là 10 năm tính từ ngày được đăng ký. Thời hạn này có thể được gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần 10 năm.

Khi nào chủ sở hữu phải nộp đơn xin gia hạn hiệu lực?
Đơn gia hạn có thể được nộp trong vòng 6 tháng trước ngày hết hạn hiệu lực. Đơn gia hạn có thể nộp muộn hơn thời hạn quy định nhưng không được quá 6 tháng tính từ ngày đăng ký hết hiệu lực, ngoài phí gia hạn, chủ sở hữu phải nộp thêm tiền phạt nộp muộn.

Trong trường hợp chủ sở hữu nhãn hiệu không nộp khoản phí gia hạn cũng như phí nộp muộn trong thời gian quy định, quyền đối với nhãn hiệu hàng hoá sẽ bị huỷ bỏ từ thời điểm hết hạn hiệu lực.

Vì sự kiện bất khả kháng, chủ sở hữu quyền nhãn hiệu hàng hóa không thể thực hiện được việc nộp phí trong thời hạn quy định, thời hạn nộp phí có thể gia hạn thêm 14 ngày kể từ thời điểm sự kiện nói trên không còn nữa (với chủ thể nước ngoài, thời hạn này là 2 tháng) song không quá 6 tháng so với thời hạn quy định. Sau khi thực hiện việc nộp phí, quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa sẽ được phục hồi.

Sau khi  gia hạn hiệu lực, việc gia hạn sẽ được công bố trên công báo nhãn hiệu.

Lệ phí nhà nước đối với việc gia hạn là 151.000 Yên Nhật.

Chủ sở hữu có thể chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc cấp Li-xăng sử dụng nhãn hiệu được không?
CÓ. Trong thời gian hiệu lực của nhãn hiệu, chủ sở hữu có thể chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ quyền sở hữu nhãn hiệu của mình cho người khác thông qua hợp đồng chuyển nhượng. Hợp đồng chuyển nhượng phải được đăng ký với Cơ quan đăng ký nhãn hiệu hàng hóa Nhật Bản thì mới có hiệu lực pháp luật.

Chủ sở hữu cũng có thể cấp li-xăng cho phép ngưởi khác sử dụng nhãn hiệu đã đăng ký của mình thông qua hợp đồng li-xăng. Hợp đồng li-xăng bắt buộc phải được đăng ký với Cơ quan đăng ký nhãn hiệu hàng hóa Nhật Bản thì mới có hiệu lực pháp luật.

V. THỰC THI QUYỀN
Chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hoá có những quyền gì?

Kể từ thời điểm thiết lập quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hàng hoá, chủ nhãn hiệu hàng hoá có các quyền sau đây:

– Độc quyền sử dụng nhãn hiệu đã đăng ký cho các hàng hoá, dịch vụ của mình trên toàn lãnh thổ Nhật Bản;

– Chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp nhãn hiệu hàng hoá cho người khác;

– Tiến hành các biện pháp cần thiết chống lại hành vi vi phạm.

Những hành vi nào sẽ bị coi là các hành ví xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hàng hoá?

Nếu không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hoá, những hành vi sau đây sẽ bị coi là hành vi vi phạm:

– Sử dụng nhãn hiệu đã đăng ký hoặc nhãn hiệu tương tự với nhãn hiệu đã đăng ký cho các sản phẩm, dịch vụ cùng loại với sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu đã đăng ký;

– Lưu thông, chào bán, tàng trữ, nhập khẩu, phân phối, chuyển nhượng hàng hoá/dịch vụ mang nhãn hiệu tương tự với nhãn hiệu đã đăng ký cho hàng hoá/dịch vụ cùng loại;

– Gắn nhãn hiệu hàng hoá đã được đăng ký hoặc nhãn hiệu tương tự với nhãn hiệu đã được đăng ký lên bao bì hàng hoá cùng loại.

Tôi phải làm gì khi nhãn hiệu hàng hoá của mình bị vi phạm?
Nếu phát hiện thấy có vi phạm đối với quyền nhãn hiệu hàng hoá của mình, chủ nhãn hiệu hàng hoá có thể tiến hành lựa chọn các biện pháp sau nhằm chống lại hành vi vi phạm:

– Gửi thư khuyến cáo tới người vi phạm đề nghị chấm dứt hành vi vi phạm;

– Tiến hành hoà giải tại Trung tâm hoà giải sở hữu công nghiệp Nhật Bản;

– Yêu cầu Hội đồng trọng tài Thương mại Nhật Bản phân xử;

–  Khởi kiện trước toà án có thẩm quyền.

Trong trường hợp sản phẩm vi phạm đang được nhập khẩu, chủ nhãn hiệu bị vi phạm có quyền nộp đơn yêu cầu hải quan dừng việc nhập khẩu đối với hàng hoá vi phạm theo Luật Thuế quan trong khi chờ giải quyết.

Trong trường hợp khởi kiện trước toà hoặc vụ việc đang được hoà giải hay nhờ trọng tài phân xử, người bị vi phạm nhất thiết phải có Luật sư của LVN Group làm đại diện bảo vệ quyền lợi cho mình.

Một vụ kiện dân sự có thể kéo dài từ 3 đến 5 năm cho phiên toà đầu tiên (toà địa phương) và từ 1 đến 3 năm cho các lần xử tiếp theo. Tuy nhiên, thời gian xét xử từng vụ việc không giống nhau.

Dịch vụ đăng ký nhãn hiệu độc quyền:

Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:

LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN HỖ TRỢ!

CÔNG TY LUẬT TNHH LVN GROUP

Điện thoại yêu cầu dịch vụ Luật sư của LVN Group tư vấn luật: 1900.0191

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email:  [email protected]

Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Trân trọng./.

Bộ phận Luật sư Sở hữu Trí tuệ – Công ty luật LVN Group