Hiện nay, các ngân hàng đã được phép chủ động xem xét, quyết định cho vay có bảo đảm hoặc không có bảo đảm đối với khách hàng. Thực tế, những khách hàng đủ điều kiện vay không có bảo đảm bằng tài sản chưa nhiều, nên đa số khách hàng vay vẫn phải có tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ đối với ngân hàng. Quan điểm chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước là không nới lỏng các điều kiện vay, kể cả các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng được vay vốn có hỗ trợ lãi suất theo Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 23/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, khi thực hiện thủ tục giao kết giao dịch bảo đảm, ngân hàng phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm. Tuy nhiên, sự bất cập của pháp luật đã làm cho ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong quá trình mở rộng cho vay có bảo đảm bằng tài sản. Vì vậy, ngân hàng không chỉ mất nhiều thời gian để xem xét, giải quyết hồ sơ vay vốn mà còn có thể phải gánh chịu những rủi ro tiềm ẩn về vốn vay do phải thu nợ trước hạn hoặc không có khả năng thu hồi được nợ đến hạn.
>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi: 1900.0191
1. Rủi ro được cảnh báo từ việc nhận tài sản bảo đảm tại khu đô thị mới
Trong thời gian qua, các yêu cầu về đăng ký giao dịch bảo đảm đã tăng lên đáng kể. Nhưng so với số giao dịch được thực hiện trên thực tế, thì số lượng đăng ký giao dịch bảo đảm vẫn còn quá ít. Mới đây, dư luận xã hội nổi lên một số vụ việc người dân tham gia các giao dịch mua bán/chuyển nhượng tài sản mà không biết tài sản đó đang được thế chấp để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ tại ngân hàng. Điển hình là vào trung tuần tháng 3/2009, bản tin Thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam và một số báo chí đưa tin về việc Công ty D&T lừa bán cho người dân 47 căn biệt thự tại Khu du lịch sinh thái cao cấp An Khánh, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (cũ). Đây là Dự án được Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tây (cũ) cấp phép cho Tập đoàn Bảo Sơn năm 2004 để xây dựng khu biệt thự kinh doanh. Đến tháng 12/2007, Công ty Bảo Sơn (thuộc Tập đoàn Bảo Sơn) ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty D&T; theo đó, Công ty Bảo Sơn góp vốn bằng quyền sử dụng 47 lô đất tại Dự án và Công ty D&T góp vốn bằng tiền mặt (97 tỷ đồng) để xây dựng 47 căn biệt thự trên 47 lô đất nêu trên. Vì nhiều lý do khác nhau, Công ty D&T không góp vốn bằng toàn bộ vốn tự có của mình để thực hiện hợp đồng hợp tác đầu tư nêu trên mà vay vốn của GPBank (Ngân hàng) trên cơ sở thế chấp chính 47 căn biệt thự được hình thành trong tương lai tại Dự án. Sau khi ký kết hợp đồng tín dụng, căn cứ đề nghị của Ngân hàng, Tập đoàn Bảo Sơn, Công ty D&T và Ngân hàng ký biên bản cam kết 3 bên, trong đó quy định rõ: Trong thời gian Công ty D&T còn nợ vay tại Ngân hàng, Tập đoàn Bảo Sơn không giải quyết bất cứ yêu cầu nào liên quan đến việc thế chấp, cầm cố, tặng cho, thừa kế, chuyển quyền sử dụng đất đối với 47 căn hộ nêu trên khi chưa có chấp thuận của Ngân hàng. Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 12/2008, Công ty D&T đã rao bán hết 47 căn biệt thự nêu trên cho hàng chục cá nhân. Trong hợp đồng mua bán ký với các cá nhân, Công ty D&T cam kết sẽ bàn giao nhà xây thô cho bên mua vào cuối năm 2008. Toàn bộ tiền bán 47 căn biệt thự hình thành trong tương lai nói trên đã không được Công ty D&T dùng để trả nợ vay Ngân hàng. Phát hiện thấy hành vi vi phạm hợp đồng của Công ty D&T, Ngân hàng đã ra thông báo thay thế Công ty D&T thực hiện quyền và nghĩa vụ hợp pháp đối với 47 căn biệt thự nêu trên. Khi đến thời hạn bàn giao biệt thự theo cam kết, Công ty D&T mới chỉ làm được cơ sở hạ tầng đường sá. Lúc đó, những khách hàng mua đến nhận bàn giao nhà xây thô mới biết được mình bị Công ty D&T lừa và đã gửi đơn tố cáo với cơ quan công an.
Xã hội càng phát triển và tốc độ đô thị hoá càng cao, thì ngày càng có nhiều khu đô thị mới như kiểu Dự án An Khánh nêu trên ra đời, kèm theo những giao dịch mua bán/chuyển nhượng tài sản giữa chủ Dự án với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua nhà, biệt thự trong khu đô thị. Do đó, vốn vay của ngân hàng được cấp cho chủ dự án để đầu tư, xây dựng khu đô thị không thể không có rủi ro nếu quy trình, thủ tục giao kết và thực hiện giao dịch bảo đảm không chặt chẽ, đúng pháp luật. Trong bài này, tác giả chỉ đề cập đến khía cạnh pháp lý của vụ việc để rút kinh nghiệm, phòng ngừa rủi ro tương tự sau này chứ không bàn đến trách nhiệm bồi thường cho khách hàng đặt mua biệt thự hình thành trong tương lai vì vấn đề này sẽ được làm sáng tỏ khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.
Luật Đất đai năm 2003 quy định việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải được lập thành hợp đồng (văn bản) có chứng nhận của cơ quan công chứng nhà nước (đối với trường hợp bên góp vốn bằng quyền sử dụng đất là tổ chức như Công ty Bảo Sơn) và phải đăng ký với văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất nơi có đất. Quy định này cũng được áp dụng tương tự đối với việc thế chấp quyền sử dụng đất và/hoặc tài sản gắn liền với đất (47 căn biệt thự). Do đó, nếu chủ Dự án, Ngân hàng và Công ty D&T thực hiện đúng quy định nêu trên của Luật Đất đai năm 2003, thì quyền và lợi ích của các bên không chỉ được pháp luật bảo vệ mà còn tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng tăng cường vai trò quản lý nhà nước về đất đai. Mặt khác, những cá nhân ký hợp đồng mua 47 căn biệt thự hình thành trong tương lai với Công ty D&T không phải không có lỗi trong vụ việc trên vì họ đã không kiểm tra chức năng, thẩm quyền của Công ty D&T đối với 47 căn biệt thự thông qua việc yêu cầu Công ty D&T xuất trình các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản, thẩm quyền bán tài sản (như giấy phép xây dựng, giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…) hoặc tìm hiểu thông tin về diện tích đất xây dựng 47 căn biệt thự tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, Sở Kế hoạch và Đầu tư… Chính vì vậy, Ngân hàng đã phải tiếp nhận quyền sử dụng diện tích đất xây dựng 47 căn biệt thự nhằm tạo cơ sở kinh tế và pháp lý cho công tác thu hồi nợ. Có thể nói, việc ngân hàng nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho nghĩa vụ trả nợ là một việc làm mà không bất kỳ ngân hàng nào mong muốn khi cho vay vốn vì các lý do sau đây:
– Mục đích cho vay vốn của ngân hàng là thu hồi đủ gốc và lãi đến hạn để tiếp tục quay vòng vốn sinh lời, chứ không phải là nhận tài sản bảo đảm của khách hàng để quản lý, khai thác, bán thu hồi nợ;
– Ngân hàng dường như không có nhu cầu sử dụng tài sản bảo đảm đó để phục vụ kinh doanh khi nhận bảo đảm và không có chức năng, nghiệp vụ, điều kiện để khai thác, sử dụng có hiệu quả tài sản bảo đảm;
– Khi cho vay vốn, ngân hàng muốn thiết lập và duy trì quan hệ tín dụng lâu dài, thường xuyên với khách hàng để cùng nhau phát triển;
– Việc khách hàng vay vốn, sử dụng vốn vay có hiệu quả và trả đủ nợ đúng hạn không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho khách hàng mà còn nâng cao uy tín, thương hiệu của ngân hàng.
2. Một số bất cập của pháp luật hiện hành về đăng ký giao dịch bảo đảm
2.1- Quy định thiếu nhất quán, đồng bộ về công chứng, chứng thực hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và/hoặc tài sản gắn liền với đất
Khoản 1 Điều 130 của Luật Đất đai năm 2003 quy định hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất phải có chứng nhận của công chứng nhà nước; trường hợp hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân, thì các bên được lựa chọn hình thức chứng nhận của công chứng nhà nước hoặc chứng thực của uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp xã) nơi có đất. Do đó, khi làm thủ tục thế chấp quyền sử dụng đất và/hoặc tài sản gắn liền với đất, hộ gia đình, cá nhân thường yêu cầu chứng thực hợp đồng tại Uỷ ban nhân dân cấp xã. Tuy nhiên, do trình độ cán bộ tư pháp ở cấp xã còn hạn chế và thiếu kinh nghiệm, nên việc xem xét, đối chiếu nội dung của hợp đồng thế chấp với quy định của pháp luật gặp rất nhiều khó khăn, kéo dài thời gian hơn so với cơ quan công chứng. Điều này có thể thấy rõ qua việc Uỷ ban nhân dân cấp xã chứng thực bản sao từ bản chính theo Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ. Một công việc đơn giản trong số các công việc được giao chứng thực mà uỷ ban nhân dân nhiều phường ở TP. Hà Nội và TP.HCM (hai thành phố lớn nhất nước ta) đã không thể cấp ngay bản sao có chứng thực cho người yêu cầu như các phòng công chứng nhà nước đã làm trước đây, mà phải hẹn sang buổi làm việc khác hoặc ngày làm việc hôm sau. Đó là chưa kể uỷ ban nhân dân phường yêu cầu cá nhân, tổ chức có yêu cầu chứng thực bản sao mang bản chính đến photocopy tại uỷ ban nhân dân phường để tiện cho việc xem xét, đối chiếu.
Trường hợp từ chối yêu cầu chứng thực hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và/hoặc tài sản gắn liền với đất, Uỷ ban nhân dân cấp xã phải có văn bản thông báo nêu rõ lý do. Tất nhiên, lý do từ chối của Uỷ ban nhân dân cấp xã phải có căn cứ, phù hợp với quy định của pháp luật. Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất do các hộ gia đình, cá nhân mang đến để yêu cầu Uỷ ban nhân dân cấp xã chứng thực thường là các hợp đồng mẫu do ngân hàng soạn thảo sẵn (có thể do ngân hàng trực tiếp soạn thảo hoặc thuê Luật sư của LVN Group chuyên nghiệp soạn thảo). Do đó, các hợp đồng được soạn thảo sẵn này có nội dung chi tiết, sát với hoạt động thực tế của ngân hàng và quy định của pháp luật chuyên ngành. Vì vậy, không dễ để cán bộ tư pháp của Uỷ ban nhân dân cấp xã (không có nghiệp vụ chuyên sâu, thiếu kinh nghiệm) chỉ ra được quy định của hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và/hoặc tài sản gắn liền với đất là không xác thực, vi phạm pháp luật và trái đạo đức xã hội.
Thực tế, có trường hợp các bên (hộ gia đình/cá nhân và ngân hàng) mang hồ sơ đến cơ quan công chứng để yêu cầu công chứng hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và/hoặc tài sản gắn liền với đất được soạn thảo sẵn nhưng bị từ chối vì có một/một số điều khoản của hợp đồng được soạn thảo sẵn không phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội. Nhưng thay vì xem xét, thỏa thuận lại để sửa đổi hợp đồng cho phù hợp với quy định của pháp luật theo yêu cầu của cơ quan công chứng, thì các bên lại mang hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đó đến yêu cầu chứng thực tại Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có đất. Kết quả là cán bộ tư pháp xã đã không phát hiện được những quy định không phù hợp nêu trên và đã chứng thực hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và/hoặc tài sản gắn liền với đất đó.
Hiện tại, bên cạnh hệ thống các phòng công chứng nhà nước, còn có hệ thống các văn phòng công chứng được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Công chứng năm 2006. Sự ra đời của các văn phòng công chứng đã góp phần gánh đỡ, chia sẻ một phần công việc với các phòng công chứng nhà nước. Hơn nữa, sự xã hội hoá hoạt động công chứng còn tạo động lực cạnh tranh để nâng cao chất lượng phục vụ xã hội giữa hai hệ thống cơ quan công chứng nêu trên, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức yêu cầu có nhiều lựa chọn sử dụng dịch vụ hơn. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đất đai năm 2003, thì chỉ có phòng công chứng nhà nước mới được quyền công chứng hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và/hoặc tài sản gắn liền với đất. Trong khi đó, Luật Công chứng năm 2006 quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng (phòng công chứng nhà nước và văn phòng công chứng) đều có quyền công chứng các hợp đồng, giao dịch nếu nội dung hợp đồng, giao dịch đó là xác thực, không vi phạm pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Do vậy, nếu căn cứ theo quy định của Luật Đất đai năm 2003, thì văn phòng công chứng bị hạn chế công chứng hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và/hoặc tài sản gắn liền với đất. Điều này tạo nên sự đối xử bất bình đẳng giữa phòng công chứng nhà nước và văn phòng công chứng.
Sở dĩ có quy định thiếu nhất quán nêu trên là do Luật Công chứng năm 2006 được ban hành sau Luật Đất đai năm 2003. Việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa kịp sửa đổi các quy định liên quan của Luật Đất đai năm 2003 đã vô hình trung gây khó khăn cho các bên hoàn thiện thủ tục thế chấp quyền sử dụng đất và/hoặc tài sản gắn liền với đất. Căn cứ quy định nêu trên của Luật Đất đai năm 2003, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất ở một số địa phương đã từ chối thực hiện việc đăng ký hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và/hoặc tài sản gắn liền với đất đã được công chứng bởi văn phòng công chứng vì cho rằng, hồ sơ đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất và/hoặc tài sản gắn liền với đất đó là chưa hợp lệ (hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và/hoặc tài sản gắn liền với đất chưa được công chứng/chứng thực theo đúng quy định của Luật Đất đai năm 2003).
2.2. Đăng ký giao dịch bảo đảm không tập trung và thiếu thông tin liên kết
Trong thời gian qua, việc đăng ký giao dịch bảo đảm được thực hiện ở nhiều cơ quan khác nhau, tùy thuộc vào loại tài sản thế chấp, cầm cố. Cụ thể, Cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm đối với các tài sản, trừ các trường hợp sau đây:
– Cơ quan đăng ký tàu biển và thuyền viên khu vực nơi đã đăng ký tàu biển thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tàu biển;
– Cục Hàng không dân dụng Việt Nam thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tàu bay;
– Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất nơi có bất động sản thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Do vậy, trong trường hợp một doanh nghiệp phải thế chấp, cầm cố nhiều tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ tại một ngân hàng mà việc thế chấp, cầm cố các tài sản đó không thể thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm tại một trong những cơ quan nêu trên, thì doanh nghiệp và ngân hàng phải thỏa thuận, lập thành nhiều hợp đồng khác nhau để đăng ký giao dịch bảo đảm cho phù hợp. Cho nên, chi phí phát sinh và thời gian thực hiện thủ tục thế chấp, cầm cố sẽ nhiều hơn, dài hơn so với chi phí, thời gian để đăng ký việc thế chấp, cầm cố tài sản tại một cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm.
Lợi ích của việc đăng ký giao dịch bảo đảm là công khai hoá việc thế chấp, cầm cố tài sản nhằm hạn chế rủi ro cho bên nhận thế chấp, cầm cố và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Ngoài ra, việc đăng ký giao dịch bảo đảm còn có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba kể từ thời điểm đăng ký và là cơ sở để xác định thứ tự ưu tiên thanh toán của bên nhận thế chấp, cầm cố khi xử lý tài sản. Hiện nay, các cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm chưa có cơ chế chia sẻ thông tin từ hệ thống lưu trữ thông tin của mình. Thêm vào đó, cơ chế cung cấp thông tin của cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm còn nặng về thủ tục giấy tờ chứ chưa thực sự tạo thuận lợi cho người có nhu cầu được cung cấp thông tin nhanh nhất. Khi muốn tìm hiểu thông tin về tài sản mà mình có ý định nhận thế chấp, cầm cố, ngân hàng phải cử cán bộ trực tiếp đến cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm để làm các thủ tục nhận thông tin như: điền các thông tin vào mẫu đơn yêu cầu cung cấp thông tin do cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm quy định, trả phí theo biểu phí do liên Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính quy định… Trong khi cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm không hiện diện ở tất cả các địa phương trên cả nước nơi có các ngân hàng, nhất là ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa (hiện tại, các Trung tâm đăng ký giao dịch tài sản của Cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp mới chỉ thành lập tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng). Do đó, dù cử người trực tiếp đến nhận thông tin hoặc gửi đơn yêu cầu cung cấp thông tin (đã điền đầy đủ thông tin vào mẫu đơn) đến cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm để được cung cấp thông tin, thì việc ngân hàng hoặc cá nhân, tổ chức khác được cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm cung cấp thông tin về tài sản bảo đảm theo thủ tục, cơ chế hiện hành là chưa phù hợp với thực tế và tốc độ phat triển khoa học – kỹ thuật, công nghệ thông tin.
Ngày nay, công nghệ thông tin đã phát triển lên một tầm cao mới và có thể hỗ trợ cho con người trong nhiều lĩnh vực, công việc. Cho nên, các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm nên sớm ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối hệ thống trung tâm dữ liệu thông tin với nhau để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân truy cập, tìm hiểu thông tin về tài sản thế chấp, cầm cố. Nếu các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm áp dụng công nghệ để chia sẻ thông tin với nhau, thì ngân hàng và các cá nhân, tổ chức khác có thể tìm hiểu từ xa những thông tin về tài sản thế chấp, cầm cố. Tất nhiên, để được truy cập vào hệ thống thông tin về giao dịch bảo đảm, người khai thác, sử dụng thông tin phải đăng ký và trả phí cho bên cung cấp thông tin. Đổi lại, bên cung cấp thông tin phải cung cấp cho bên đã đăng ký với mình mật khẩu truy cập và bảo đảm thông tin được cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời theo thỏa thuận.
2.3. Quy định còn bỏ ngỏ về bên giữ bản chính giấy chứng nhận sở hữu tài sản thế chấp, cầm cố là phương tiện vận tải
Pháp luật hiện hành quy định khi thế chấp, cầm cố tài sản, bên thế chấp, cầm cố phải giao giấy chứng nhận quyền sở hữu/giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản cho bên nhận thế chấp, cầm cố nhằm ngăn ngừa bên bảo đảm tiếp tục dùng tài sản đó để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác hoặc bán, chuyển nhượng trên thị trường, ngoại trừ có sự đồng ý của bên nhận thế chấp, cầm cố. Đối với tài sản thế chấp, cầm cố là phương tiện vận tải, pháp luật có những quy định riêng phù hợp với đặc thù của loại tài sản này. Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và Bộ luật Hàng hải Việt Nam đều quy định trong trường hợp thế chấp, cầm cố tàu bay, tàu biển tham gia hoạt động trên tuyến quốc tế, thì tổ chức tín dụng giữ bản sao giấy chứng nhận đăng ký có chứng nhận của cơ quan công chứng nhà nước, người thế chấp được giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký quốc tịch tàu bay của tàu bay thế chấp, giấy chứng nhận đăng ký tàu biển của tàu biển thế chấp. Đối với các phương tiện vận tải khác (kể cả tàu thuyền đánh bắt thủy, hải sản) có giấy chứng nhận đăng ký, thì hiện nay Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan không quy định bên nào giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký tài sản khi loại tài sản này được thế chấp để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ đối với ngân hàng. Trước đây, Nghị định số 85/2002/NĐ-CP ngày 25/10/2002 của Chính phủ (Nghị định này đã hết hiệu lực kể từ ngày 17/01/2007: thời điểm có hiệu lực của Nghị định số 163 nêu trên) quy định khi nhận thế chấp, cầm cố tài sản là phương tiện vận tải nêu trên, tổ chức tín dụng giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký của tài sản thế chấp, cầm cố, khách hàng vay được dùng bản sao có chứng nhận của công chứng nhà nước và xác nhận của tổ chức tín dụng nơi nhận cầm cố, thế chấp tài sản để lưu hành phương tiện vận tải đó trong thời hạn thế chấp, cầm cố. Mặc dù Nghị định số 163 nêu trên đã có hiệu lực thi hành được hơn 2 năm nhưng cho đến nay, cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 163 nêu trên. Điều này không chỉ gây khó khăn cho các bên tham gia giao dịch bảo đảm (thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng để thực hiện) mà còn không phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật: “Văn bản quy định chi tiết …phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản hoặc điều, khoản, điểm được quy định chi tiết” (1).
Trên thực tế, do pháp luật hiện hành còn bỏ ngỏ quy định về bên giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký của tài sản thế chấp, cầm cố là phương tiện vận tải nêu trên, nên ngân hàng và bên bảo đảm vẫn vận dụng quy định của Nghị định số 85 nêu trên để thỏa thuận về việc bên giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký phương tiện vận tải trong thời gian thế chấp, cầm cố. Nhưng các cơ quan chức năng (thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông …) đã không chấp nhận chủ phương tiện xe cơ giới nêu trên được sử dụng bản sao có công chứng nhà nước và xác nhận của tổ chức tín dụng để lưu hành phương tiện vận tải đó. Vì vậy, thỏa thuận giữa ngân hàng và bên bảo đảm về việc giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký tài sản bảo đảm là phương tiện vận tải nêu trên không bảo đảm tính khả thi trên thực tế.
3. Đôi điều kiến nghị
Từ thực trạng nêu trên, tác giả có một số kiến nghị như sau:
(i) Bộ Tư pháp cần phối hợp với các cơ quan liên quan (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng…) đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để các tổ chức, cá nhân biết, hiểu và thực hiện những quy định của pháp luật việc đăng ký giao dịch bảo đảm khi tham gia giao dịch mua bán bất động sản/giao dịch bảo đảm.
(ii) Bộ Tư pháp sớm hoàn thiện dự thảo Luật đăng ký giao dịch bảo đảm để Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua và tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Quốc hội về sửa đổi các quy định liên quan của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam … nhằm bảo đảm tính đồng bộ và nhất quán giữa các văn bản quy phạm pháp luật. Trong khi dự thảo Luật đăng ký giao dịch bảo đảm chưa đủ điều kiện để trình Quốc hội thông qua, Bộ Tư pháp, trong phạm vi chức năng và thẩm quyền của mình, nhanh chóng tiến hành soạn thảo và ký ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm để tạo cơ sở pháp lý cụ thể, rõ ràng cho các bên liên quan thực hiện.
(iii) Chính phủ cần giao cho Bộ Tư pháp (Cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm) làm đầu mối tổng hợp và thống nhất quản lý dữ liệu thông tin về giao dịch bảo đảm. Các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm khác (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông và Vận tải …) cần phối hợp kết nối, chuyển tải kịp thời, đầy đủ các thông tin về giao dịch bảo đảm được đăng ký tại đơn vị mình vào hệ thống dữ liệu thông tin về giao dịch bảo đảm của Bộ Tư pháp.
(iv) Cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm cần nhanh chóng đổi mới cơ chế cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm theo hướng cho phép tổ chức, cá nhân đã đăng ký với mình (đăng ký mua dịch vụ) được tra cứu thông tin trực tuyến về giao dịch bảo đảm.
(v) Cần có hình thức xử phạt phù hợp và được thực hiện nghiêm túc, kiên quyết trên thực tế đối với các cá nhân/đơn vị đăng ký giao dịch bảo đảm cố tình vi phạm pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm hoặc cố tình sách nhiễu, gây khó khăn cho các bên đăng ký giao dịch bảo đảm/người yêu cầu cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm/tài sản bảo đảm.
(vi) Hàng năm, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi Trường, Bộ Giao thông và Vận tải họp tổng kết, rút kinh nghiệm (có mời đại diện Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng và các tổ chức tín dụng tham dự) nhằm điều chỉnh, hoàn thiện cơ chế, pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm cho phù hợp với thực tế và bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
————
(1) Khoản 2 Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008
SOURCE: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ 8 NĂM 2009 – LS. NGUYỄN VĂN PHƯƠNG
Trích dẫn từ: http://www.sbv.gov.vn
(MINH KHUE LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)
—————————————————
THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:
1. Tư vấn pháp luật lao động;
2. Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;
3. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;
4. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;
5.Dịch vụ Luật sư của LVN Group tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án.
6. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;