1. Chứng khoán là gì?
Căn cứ Điều 4 Luật Chứng khoán 2019 định nghĩa về chứng khoán như sau:
“1. Chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại sau đây:
a) Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;
b) Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký;
c) Chứng khoán phái sinh;
d) Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.”
Cụ thể, theo Điều 4 các loại tài sản là chứng khoán được quy định như sau:
– Cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành.
– Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.
– Chứng chỉ quỹ là loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với một phần vốn góp của quỹ đầu tư chứng khoán.
– Chứng quyền là loại chứng khoán được phát hành cùng với việc phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu ưu đãi, cho phép người sở hữu chứng quyền được quyền mua một số cổ phiếu phổ thông nhất định theo mức giá đã được xác định trước trong khoảng thời gian xác định.
– Chứng quyền có bảo đảm là loại chứng khoán có tài sản bảo đảm do công ty chứng khoán phát hành, cho phép người sở hữu được quyền mua (chứng quyền mua) hoặc được quyền bán (chứng quyền bán) chứng khoán cơ sở với tổ chức phát hành chứng quyền có bảo đảm đó theo mức giá đã được xác định trước, tại một thời điểm hoặc trước một thời điểm đã được ấn định hoặc nhận khoản tiền chênh lệch giữa giá thực hiện và giá chứng khoán cơ sở tại thời điểm thực hiện.
– Quyền mua cổ phần là loại chứng khoán do công ty cổ phần phát hành nhằm mang lại cho cổ đông hiện hữu quyền được mua cổ phần mới theo điều kiện đã được xác định.
– Chứng chỉ lưu ký là loại chứng khoán được phát hành trên cơ sở chứng khoán của tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
– Chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng, bao gồm hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, trong đó xác nhận quyền, nghĩa vụ của các bên đối với việc thanh toán tiền, chuyển giao số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định trong khoảng thời gian hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai.
Như vậy, Chứng khoán là chứng từ có giá dài hạn hoặc bút toán ghỉ số xác nhận các quyền, lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với vốn hoặc tài sản của tổ chức phát hành.
3. Quy định về thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán (TTCK) là nơi diễn ra các giao dịch mua bán trao đổi các loại chứng khoán Các quan hệ mua bán trao đổi này làm thay đổi chủ sở hữu của chứng khoán, và như vậy, thực chất đây là quá trình vận động của tư bản chuyển từ tư bản sở hữu sang tư bản kinh doanh.
TTCK không giống với các thị trường các hàng hóa thông thường khác vì hàng hóa của thị trường chứng khoán là loại hàng hóa đặc biệt, là quyền sở hữu về tư bản. Loại hàng hóa này cũng có giá trị và giá trị sử dụng. Như vậy, có thể nói, bản chất của TTCK là thị trường thể hiện mối quan hệ giữa cung và cầu của vốn đầu tư nào đó, giá cả của chứng khoán chứa đựng thông tin về chi phí vốn hay giá cả của vốn đầu tư. TTCK là hình thức phát triển bậc cao của nền sản xuất và lưu thông hàng hóa.
Khoản 14 Điều 4 Luật Chứng khoán quy định, hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán bao gồm hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, cung cấp dịch vụ về chứng khoán, công bố thông tin, quản trị công ty đại chúng và các hoạt động khác được quy định tại Luật này.
Bên cạnh đó, cũng tại Điều 4, đầu tư chứng khoán là việc mua, bán, nắm giữ chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Hiện nay, theo Điều 5 Luật Chứng khóan, thị trường chứng khoán được Nhà nước tổ chức hoạt động theo nguyên tắc:
1. Tôn trọng quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; quyền tự do giao dịch, đầu tư, kinh doanh và cung cấp dịch vụ về chứng khoán của tổ chức, cá nhân.
2. Công bằng, công khai, minh bạch.
3. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
4. Tự chịu trách nhiệm về rủi ro.
Đồng thời, để phát triển và quản lý thị trường chứng khoán, theo Điều 6, Nhà nước đã và đang thực hiện các chính sách:
– Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài tham gia đầu tư và hoạt động trên thị trường chứng khoán nhằm huy động các nguồn vốn trung hạn và dài hạn cho đầu tư phát triển.
– Quản lý, giám sát bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động công bằng, công khai, minh bạch, an toàn và hiệu quả.
– Đầu tư hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin cho hoạt động của thị trường chứng khoán, phát triển nguồn nhân lực cho ngành chứng khoán, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Như vậy, chứng khoán và thị trường chứng khóan tại Việt Nam đều được pháp luật quản lý và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.
3. Đánh giá chung về Luật Chứng khoán 2019
Luật Chứng khoán với vai trò là văn bản chủ đạo điều chỉnh các hoạt động liên quan đến chứng khoán và thị trường chứng khoán sẽ có tác động sâu sắc và khá toàn diện đến thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt là ở những nội dung mà Luật có sự thay đổi, điều chỉnh nhiều so với các quy định trong Luật Chứng khoán năm 2006 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 62/2010/QH12 và các văn bản hướng dẫn trước đây. Theo chúng tôi, Luật Chứng khoán thể hiện tính ưu việt ở những khía cạnh sau đây:
Các quy định của Luật Chứng khoán, về cơ bản, bao trùm hầu hết các hoạt động của thị trường chứng khoán, bao gồm cả những nội dung về quản trị công ty đại chúng, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, điều kiện chào bán chứng khoán, việc tổ chức và hoạt động của những chủ thể quan trọng của thị trường chứng khoán như: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Sở giao dịch chứng khoán; Tổng công ty lưu ký chứng khoán; các quỹ đầu tư chứng khoán; công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán, ngân hàng giám sát…. Điều này giúp cho việc áp dụng Luật Chứng khoán trở nên thuận lợi và thống nhất hơn, đảm bảo tính hiệu lực pháp lý cao và hạn chế được tình trạng tản mạn trong các quy định của pháp luật. Đây là một minh chứng cho nỗ lực của Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế về cải thiện và minh bạch môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
4. Quy định mới về quản lý và điều tiết thị trường chứng khoán
Một là,, Luật Chứng khoán quy định mô hình và cơ cấu tổ chức của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam. Đây là bước đi quan trọng nhằm hướng tới việc bảo đảm tính thống nhất trong quản lý, điều hành thị trường chứng khoán phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tế nhu cầu phát triển thị trường ở nước ta. Theo đó, thị trường giao dịch chứng khoán sẽ do Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các công ty con tổ chức, vận hành thay cho Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội. Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật này và Luật Doanh nghiệp, do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, giải thể, mô hình hoạt động, hình thức sở hữu, chức năng, quyền và nghĩa vụ của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và việc thành lập công ty con của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con chịu sự quản lý và giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Đây là mô hình tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán phù hợp theo thông lệ quốc tế và tạo tiền đề để hình thành chỉ số chứng khoán duy nhất cho Việt Nam thay thế cho việc tồn tại song song nhiều chỉ số như hiện nay nhằm phản ánh chính xác và trung thực thị trường tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc phân tích, đánh giá thị trường để đưa ra quyết định đầu tư.
Hai là, việc Luật Chứng khoán có hiệu lực sẽ làm xuất hiện những công cụ mới như: chứng chỉ lưu ký, chứng quyền có bảo đảm và một số loại chứng khoán phái sinh khác; từ đó, dẫn đến nhu cầu hướng dẫn điều chỉnh pháp luật về phát hành và giao dịch các công cụ này. Bên cạnh đó, Luật cũng bổ sung, mở rộng và làm rõ hơn một số khái niệm quan trọng như: khái niệm chứng khoán, khái niệm người có liên quan, khái niệm người nội bộ… Việc bổ sung các quy định về những vấn đề nêu trên cho thấy, pháp luật chứng khoán Việt Nam đang tiếp cận gần với chuẩn mực chung của nhiều nước trên thế giới, góp phần bảo đảm cho thị trường chứng khoán Việt Nam hoạt động đa dạng, minh bạch và chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu huy động và luân chuyển các nguồn vốn đầu tư phục vụ phát triển đất nước.
5. Quy định chặt chẽ hơn về phát hành chứng khoán
Một là, các yêu cầu, điều kiện về vốn điều lệ khi chào bán chứng khoán được nâng cao hơn để đáp ứng nhu cầu phát triển, hội nhập của thị trường. Theo quy định của điểm a khoản 1 Điều 15 Luật Chứng khoán, mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng (thay cho 10 tỷ đồng như trước đây) trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán. Quy định này là phù hợp với quy mô của nền kinh tế nước ta, phù hợp với quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay và cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư, nâng cao chất lượng chứng khoán chào bán và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư và cộng đồng.
Hai là, các công ty đại chúng, công ty niêm yết sẽ phải chú trọng và quan tâm hơn đến vấn đề quản trị công ty theo những nội dung, yêu cầu và nguyên tắc phù hợp với thông lệ quốc tế hơn. Như đã trình bày ở trên, nếu như trước đây vấn đề về quản trị công ty chỉ được điều chỉnh ở tầm nghị định thì nay các quy định điều chỉnh hoạt động này đã được luật hóa tại Mục 2, Chương 3 gồm những quy định về nguyên tắc và nội dung quản trị công ty đại chúng. Những quy định này về cơ bản là phù hợp với thông lệ tốt nhất về quản trị công ty được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước có thị trường chứng khoán phát triển.
Ba là, các quy định về điều kiện và nghĩa vụ của công ty đại chúng được tăng lên để đảm bảo tính minh bạch và giúp nhà đầu tư/cổ đông tiếp cận được thông tin về tình hình kinh doanh, tình hình hoạt động để có thể giám sát và lựa chọn cơ hội đầu tư hiệu quả hơn (Điều 32, 34 và 37). Các quy định này đáp ứng một nhu cầu thực tế là nhiều công ty đáp ứng điều kiện công ty đại chúng nhưng chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán nên việc tiếp cận các thông tin về tình hình tài chính và tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty còn hạn chế tạo rủi ro cho nhà đầu tư và hạn chế khả năng giám sát của cộng đồng đối với hoạt động của công ty. Sự ràng buộc về trách nhiệm công khai, minh bạch của các công ty đại chúng sẽ góp phần tạo ra môi trường đầu tư ngày cành minh bạch và bình đẳng hơn.
Bốn là, Luật Chứng khoán quy định về điều kiện công ty đại chúng, công ty niêm yết mua lại cổ phiếu của chính mình tương đồng với các quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2014. Theo đó, hậu quả pháp lý của việc mua lại cổ phiếu quỹ sẽ dẫn đến việc giảm vốn điều lệ của công ty (Khoản 5 Điều 36) và công ty chỉ được bán cổ phiếu đã mua lại trong một số trường hợp đặc biệt như: a) Công ty chứng khoán mua lại cổ phiếu của chính mình để sửa lỗi giao dịch hoặc mua lại cổ phiếu lô lẻ; b) Công ty đại chúng mua lại cổ phiếu lẻ theo phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, phương án phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu; c) Công ty đại chúng mua lại cổ phiếu lô lẻ theo yêu cầu của cổ đông (Khoản 7 Điều 36). Quy định này nhằm hạn chế việc công ty đại chúng, công ty niêm yết mua lại cổ phiếu nhằm mục đích sau đó bán ra thị trường để hưởng chênh lệch (thặng dư) ảnh hưởng đến nguyên tắc công bằng và minh bạch của thị trường chứng khoán như đã từng xảy ra trong thời gian qua.