1. Khách thể của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người

Khách thể của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người là quan hệ nhân thân mà nội dung của nó là quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng, sức khỏe của con người.

Đây là quan hệ xã hội quan trọng nhất được luật hình sự bảo vệ và bị các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người xâm hại. Vì vậy, hầu hết các tội phạm này đều có tính nguy hiểm cho xã hội rất cao, đòi hỏi phải bị trừng trị nghiêm khắc.

Trong số các quyền nhân thân, quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng, sức khỏe của con người là quyền tự nhiên, thiêng liêng và cao quí nhất, không một quyền nào có thể so sánh được. Bởi lẽ, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển.

Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người xâm phạm quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng, sức khỏe của con người thông qua sự tác động làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động – con người đang sống.

Việc xác định đúng đối tượng tác động của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bởi lẽ, nếu hành vi nào đó tác động vào đối tượng không phải hay chưa phải là con người thì không xâm phạm đến quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng, sức khỏe của con người và vì vậy, hành vi đó không phạm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người.

2. Mặt khách quan của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người

Mặt khách quan của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người là những biểu hiện của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người diễn ra hoặc tồn tại bên ngoài thế giới khách quan, bao gồm: Hành vi khách quan của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người, hậu quả nguy hiểm cho xã hội của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan với hậu quả nguy hiểm cho xã hội.

2.1. Hành vi khách quan của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người

 

Trong mặt khách quan của tội phạm nói chung và các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người nói riêng, hành vi khách quan là dấu hiệu cơ bản vì hành vi khách quan là nguyên nhân gây thiệt hại cho quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng, sức khỏe của con người. Những dấu hiệu khác thuộc mặt khách quan như hậu quả của tội phạm, công cụ, phương tiện phạm tội… chỉ có ý nghĩa khi có hành vi khách quan.

Hành vi khách quan của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người có thể được thực hiện dưới hình thức hành động phạm tội hoặc không hành động phạm tội. Hành động phạm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người là hình thức của hành vi khách quan làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động của tội phạm, gây thiệt hại cho khách thể của tội phạm mà nội dung của nó là quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng, sức khỏe của con người, qua việc chủ thể làm một việc bị pháp luật cấm. Không hành động phạm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người là hình thức của hành vi khách quan làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động của tội phạm, gây thiệt hại cho khách thể của tội phạm mà nội dung của nó là quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng, sức khỏe của con người, qua việc chủ thể không làm một việc mà pháp luật yêu cầu phải làm mặc dù có đủ điều kiện để làm.

Trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người, có tội hành vi khách quan thường được thực hiện dưới hình thức hành động phạm tội, đó là: Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh; tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội; tội làm chết người trong khi thi hành công vụ; tội vô ý làm chết người; tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính; tội bức tử; tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát; tội đe dọa giết người; tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh; tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội; tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác trong khi thi hành công vụ; tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính; tội hành hạ người khác. Có tội hành vi khách quan chỉ được thực hiện dưới hình thức không hành động phạm tội, đó là tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Có tội hành vi khách quan được thực hiện dưới cả hình thức hành động và hình thức không hành động phạm tội, đó là: Tội giết người; tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ; tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác.

Hành vi khách quan của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người là những biểu hiện của con người ra ngoài thế giới khách quan có sự kiểm soát của ý thức và sự điều khiển của ý chí. Đây là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là hành vi đó phải gây ra hoặc có khả năng gây ra cái chết hoặc gây tổn thương cơ thể cho người khác một cách trái pháp luật. Những hành vi không gây ra và cũng không có khả năng gây ra cái chết hoặc gây tổn thương cơ thể cho người khác hoặc tuy có khả năng gây ra cái chết hoặc gây tổn thương cơ thể cho người khác, nhưng không trái pháp luật (như hành vi phòng vệ chính đáng, hành vi thi hành án tử hình…) thì đều không phải là hành vi khách quan của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người.

2.2. Hậu quả của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người

Hậu quả của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người chính là thiệt hại do hành vi phạm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người gây ra cho quan hệ nhân thân mà nội dung của nó là quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng, sức khỏe của con người. Thiệt hại này được thể hiện dưới dạng thiệt hại về thể chất – hậu quả chết người hoặc tổn thương cơ thể của người khác. Nghiên cứu hậu quả của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định thời điểm tội phạm hoàn thành. Vì các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người đều là tội phạm có cấu thành vật chất (chỉ trừ tội hành hạ người khác) nên thời điểm hoàn thành của tội phạm này là thời điểm nạn nhân đã chết sinh vật – giai đoạn cuối cùng của sự chết mà ở đó sự sống của con người không gây ra và cũng không có khả năng hồi phục. Ở giai đoạn này, “hệ thần kinh mất hết tri giác, cảm giác và các phản xạ… Đặt bông vào hai lỗ mũi không thấy bông chuyển động. Để gương trước mũi không thấy bị mờ và nghe phổi không thấy rì rào phế nang…”  hoặc nạn nhân đã bị tổn thương cơ thể với tỷ lệ nhất định.

2.3. Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan với hậu quả nguy hiểm cho xã hội

 Việc định tội theo cấu thành các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người không chỉ đòi hỏi phải xác định hậu quả nguy hiểm cho xã hội mà còn đòi hỏi phải xác định cả mối quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người và hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Một người chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về hậu quả nguy hiểm cho xã hội (hậu quả chết người hoặc tổn thương cơ thể của người khác) nếu hậu quả nguy hiểm đó do chính hành vi khách quan của họ gây ra.

Hành vi khách quan của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người được coi là nguyên nhân gây ra hậu quả chết người hoặc tổn thương cơ thể của người khác nếu thoả mãn ba điều kiện: 1) Hành vi khách quan của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người xảy ra trước hậu quả về mặt thời gian. 2) Hành vi khách quan của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người độc lập hoặc trong mối liên hệ tổng hợp với một hay nhiều hiện tượng khác phải chứa đựng khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả chết người hoặc tổn thương cơ thể của người khác. Khả năng này chính là khả năng trực tiếp làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động của tội phạm – con người đang sống, khỏe mạnh bình thường. Ví dụ: Khả năng gây chết người của hành động dùng dao sắc nhọn đâm vào ngực nạn nhân hay của không hành động không cho trẻ sơ sinh ăn, uống… 3) Hậu quả chết người hoặc tổn thương cơ thể của người khác đã xảy ra phải đúng là sự hiện thực hoá khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả của hành vi khách quan của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người hoặc là khả năng trực tiếp làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động – con người đang sống.

 Quan hệ nhân quả đơn trực tiếp và quan hệ nhân quả kép trực tiếp. Quan hệ nhân quả đơn trực tiếp là dạng quan hệ nhân quả trong đó chỉ có một hành vi khách quan của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người đóng vai trò là nguyên nhân của hậu quả chết người hoặc tổn thương cơ thể của người khác.

Quan hệ nhân quả kép trực tiếp là dạng quan hệ nhân quả trong đó có nhiều hành vi khách quan của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người đóng vai trò là nguyên nhân gây ra hậu quả chết người hoặc tổn thương cơ thể của người khác. Trong dạng quan hệ nhân quả này, có thể mỗi hành vi khách quan của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người đều có khả năng thực tế trực tiếp làm phát sinh hậu quả, nhưng cũng có thể mỗi hành vi đều chưa có khả năng này. Khả năng này chỉ hình thành khi các hành vi đó kết hợp với nhau.

3. Chủ thể của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người

Chủ thể của tội phạm nói chung và các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người nói riêng là con người có đủ điều kiện để có lỗi khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Người có đủ điều kiện để có lỗi, để trở thành chủ thể của tội phạm phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự – năng lực nhận thức được ý nghĩa xã hội của hành vi và năng lực điều khiển hành vi theo đòi hỏi tất yếu của xã hội. Để có được năng lực này con người phải đạt độ tuổi nhất định. Do vậy, độ tuổi cũng là điều kiện của chủ thể của tội phạm nói chung và các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người nói riêng. Xuất phát từ mối quan hệ giữa độ tuổi và năng lực trách nhiệm hình sự, Luật hình sự Việt Nam không trực tiếp quy định người như thế nào là người có năng lực trách nhiệm hình sự mà chỉ quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự và tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự. Với việc quy định này, Luật hình sự Việt Nam mặc nhiên thừa nhận những người đã đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và không trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự là những người có năng lực trách nhiệm hình sự.

4. Mặt chủ quan của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người

 

Nếu mặt khách quan của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người là những biểu hiện diễn ra hoặc tồn tại bên ngoài thế giới khách quan thì mặt chủ quan của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người lại là diễn biến tâm lí bên trong của người phạm tội, bao gồm lỗi, động cơ và mục đích phạm tội. Trong các dấu hiệu này, lỗi là dấu hiệu duy nhất bắt buộc phải có trong mặt chủ quan của cấu thành các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người.

– Lỗi của người phạm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người

Lỗi của người phạm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người là thái độ tâm lí của người phạm tội đối với hành vi gây ra cái chết hoặc gây tổn thương cơ thể cho người khác một cách trái pháp luật và đối với hậu quả chết người hoặc tổn thương cơ thể của người khác do hành vi đó gây ra, được biểu hiện dưới hình thức cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp.

– Động cơ, mục đích của người phạm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người

Khác dấu hiệu lỗi, trong mặt chủ quan của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người, động cơ, mục đích phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc. Tuy nhiên, ở một số cấu thành tội phạm có quy định dấu hiệu động cơ hoặc mục đích phạm tội là dấu hiệu bắt buộc thì việc xác định đúng động cơ, mục đích phạm tội sẽ giúp ta định đúng tội danh, xác định đúng khung hình phạt và phân biệt được các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người với một số tội phạm khác cũng có hành vi cố ý gây ra cái chết hoặc gây tổn thương cơ thể cho nạn nhân; cụ thể là: Người nào cố ý gây ra cái chết hoặc gây tổn thương cơ thể cho người khác (thường là cán bộ, công chức hoặc công dân đang giữ những trọng trách nhất định) nhằm chống chính quyền nhân dân thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113 Bộ luật Hình sự năm 2015); không nhằm chống chính quyền nhân dân thì (mới) phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người.

Mọi vướng mắc pháp lý liên quan đến lĩnh vực hình sự về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, Hãy gọi ngay: 1900.0191 để được Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến qua tổng đài. Đội ngũ Luật sư của LVN Group giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực hình sự luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp cụ thể.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật hình sự – Công ty luật LVN Group