I. Sự cần thiết phải ban hành Luật

1. Hoạt động hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác ở Việt Nam

ở nước ta, nhu cầu được ghép mô, bộ phận cơ thể người là rất lớn và ngày càng gia tăng. Về nhu cầu ghép bộ phận cơ thể người, hiện nay, cả nước có khoảng 5.000 – 6.000 người suy thận mãn cần được ghép thận, tại Hà Nội đã có gần 1.500 người được chỉ định ghép gan nhưng không có nguồn cho nên số bệnh nhân này đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Do không có nguồn của người hiến nên cho đến nay, ở Việt Nam đã có hơn 200 người phải sang Trung Quốc và một số nước khác để ghép thận, ghép gan. Về nhu cầu mô, đặc biệt là ghép giác mạc, đến nay, cả nước có khoảng hơn 5.000 người bệnh đang chờ được ghép giác mạc. Riêng tại Viện Mắt Trung ương, mỗi năm nhu cầu ghép giác mạc từ 500 ca/năm trở lên nhưng từ năm 1985 đến nay, Viện mới chỉ ghép được 1.500 ca, riêng năm 2004 ghép được 103 ca, năm 2005 ghép được 150 ca. Số giác mạc được dùng để ghép chủ yếu lấy từ nguồn viện trợ của các tổ chức phi Chính phủ (khoảng 50-100 giác mạc/năm) mà không có nguồn của người cho giác mạc.

Trước nhu cầu cấp bách trên, ngay từ năm 1992, Nhà nước đã đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, cán bộ nên cho đến nay, Việt Nam đã có 10 bệnh viện có đủ khả năng và điều kiện ghép thận vàđã tiến hành thí điểm việc ghép thận, gan. Tính đến nay, Việt Nam đã ghép thành công được 163 ca, trong đó có 158 ca ghép thận, 04 ca ghép gan và 01 ca ghép tủy. Tất cả các ca ghép này đều lấy thận, gan của người sống là cha, mẹ, anh, chị, em trong gia đình, cùng huyết thống, có các chỉ số sinh học tương đương, chưa có trường hợp nào lấy bộ phận cơ thể người hiến sau khi chết. Những thành tựu nổi bật trên đã mang lại uy tín và niềm tự hào cho ngành y tế, phù hợp với xu thế hội nhập, giải quyết được nhu cầu điều trị tại chỗ của nhân dân và giảm tốn kém cho người ghép phải ra nước ngoài điều trị.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 có thể thực hiện được khoảng 1.000 ca ghép thận, 80-100 ca ghép gan, 20-30 ca ghép tim và 10-15 ca ghép phổi, 2.000 ca ghép giác mạc, chúng ta phải có nhiều mô, bộ phận cơ thể người hiến  tự nguyện, nếu chỉ chờ vào nguồn hiến bộ phận cơ thể người của người thân là không thể đủ. Do đó, việc lấy mô, bộ phận cơ thể ở người hiến tự nguyện ngoài huyết thống và đặc biệt là ở người hiến sau khi chết là vô cùng cấp thiết.

Về mặt pháp lý, việc lấy và ghép mô, bộ phận của cơ thể người đã được Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân năm 1989 và Điều lệ Khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng năm 1991 đề cập đến. Tuy nhiên, các quy định này chỉ mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể, chưa đầy đủ nên khó thực hiện trong thực tiễn. Ngày 19/5/2005, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Dân sự (sửa đổi), theo đó, có 3 điều quy định về hiến bộ phận cơ thể người đã được ghi nhận: quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết và quyền nhận bộ phận cơ thể người. Đây là các quy định mới, mang tính nguyên tắc liên quan đến quyền nhân thân của cá nhân, do đó cần phải được quy định trong một đạo luật chuyên ngành.

2. Thực tiễn và kinh nghiệm hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người trên thế giới và sự hội nhập của Việt Nam với các nước trên thế giới

Ngày nay, việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người đã trở nên phổ biến trên thế giới. Để tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người, đa số các nước trên thế giới đều có đạo luật riêng về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người như Pháp, Mỹ, Canađa, úc, Bỉ, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan …

ở các nước châu Âu, các quy định pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người đã được triển khai thực hiện từ rất sớm, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành phẫu thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người phát triển một cách mạnh mẽ vào những thập kỷ gần đây như: Pháp năm 1952, Vương quốc Anh năm 1961, Đan Mạch, Italia năm 1967, Na-Uy năm 1973, Thuỵ Điển năm 1975; Hy Lạp năm 1983…. Các nước này đều quy định việc các mô, bộ phận cơ thể của người chết não để điều trị và việc xác định chết não phải được 2 thầy thuốc xác nhận.  

Tại các nước châu á, từ năm 1959 đến nay, nhiều nước như Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Philippine, Singapore, Malaysia, Indonesia… đều đã có Luật quy định về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người, trong đó có quy định về chết não và cho phép tiến hành lấy các mô, bộ phận cơ thể người ở tử thi để ghép. Chính vì lý do trên, số bệnh nhân được ghép mô, bộ phận cơ thể người ở các nước này ngày càng tăng lên nhanh chóng.

Các thành tựu về pháp lý, về kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người trên thế giới đã trải qua gần nửa thế kỷ thực hiện và đã có những bước tiến rất đáng kể. Những tiến bộ đó đã góp phần quyết định quan trọng trong tiến trình phát triển của ngành y học cấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người ở Việt Nam.

>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến (24/7) gọi số: 1900.0191

            Ghép mô, bộ phận cơ thể người là một trong mười thành tựu khoa học công nghệ vĩ đại của thế kỷ 20 và đã giúp cứu sống rất nhiều người bệnh. Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, khoa học về ghép mô, bộ phận cơ thể người ngày nay đã có những bước tiến vượt bậc, khiến cho việc chữa trị bằng phương pháp này đang ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới. ở Việt Nam trong những năm qua, việc ghép mô, bộ phận cơ thể người đã có những bước tiến vượt bậc, nhưng so với thế giới, chúng ta vẫn còn tụt hậu khá xa. Trong khi đó, nhu cầu được ghép mô, bộ phận cơ thể người và nhu cầu có xác để phục vụ việc nghiên cứu khoa học, giảng dạy ở Việt Nam là rất lớn và ngày một gia tăng nhưng vẫn chưa có một hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo đảm cho ngành phẫu thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người ở Việt Nam phát triển, do đó đòi hỏi phải có một đạo luật riêng, chuyên ngành về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn vừa bảo đảm tính nhân văn vừa đáp ứng yêu cầu hội nhập, bảo đảm sự tương thích, đồng bộ của pháp luật Việt Nam với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Chính vì lý do đó mà ngày 29/11/2006 vừa qua, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 10 đã thông qua Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác và ngày 12/12/2006, Chủ tịch Nước đã ký Lệnh công bố Luật số 20/2006/L-CTN, theo đó, Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007.

II. Quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật

Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác được xây dựng trên các quan điểm sau:

1. Tôn trọng sự tự nguyện của người hiến, người được ghép mô, bộ phận cơ thể người;

2. Vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học;

3. Không nhằm mục đích thương mại;

            4. Giữ bí mật về các thông tin có liên quan đến người hiến, người được ghép, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác;

5. Phù hợp với Hiến pháp, Bộ luật dân sự (sửa đổi) năm 2005 và điều kiện kinh tế-xã hội ở Việt Nam.

            III. Những Nội dung chủ yếu của Luật

            Trên cơ sở xác định quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật là tự nguyện, nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận và phù hợp với quy định của Hiến pháp, Bộ luật Dân sự năm 2005, Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác đã được xây dựng đáp ứng đúng các trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

    Luật hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác gồm 6 chương và 40 điều bao gồm các chương, điều quy định cụ thể sau:

– Chương I: “Những quy định chung”.

– Chương II: “Quy định về Hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sống”.

– Chương III: “Hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết và hiến, lấy xác”.

– Chương IV: “Ghép mô, bộ phận cơ thể người”.

– Chương V: “Ngân hàng mô và Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người”.

– Chương VI: “Điều khoản thi hành”.

    Chương I- Quy định chung, gồm 11 điều, quy định về phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Giải thích từ ngữ; Các nguyên tắc trong việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; Quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác; Quyền hiến, nhận tinh trùng, noãn, phôi trong thụ tinh nhân tạo; Trách nhiệm quản lý nhà nước về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; Nội dung quản lý nhà nước về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; Thông tin, tuyên truyền về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; Chính sách của Nhà nước về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; Các hành vi bị nghiêm cấm. Trong đó có một số nội dung quan trọng được quy định như sau:

1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng (Điều 1, 2)

Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác quy định về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; tổ chức, hoạt động của ngân hàng mô và Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (trong đó không bao gồm việc truyền máu, ghép tủy, đây là nội dung được quy định ở các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành riêng do Chính phủ và Bộ Y tế ban hành), Luật áp dụng đối với tất cả các tổ chức, cá nhân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác tại Việt Nam.

2. Quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác (Điều 5)

Tất cả mọi người từ đủ mười tám tuổi trở lên, không phân biệt người đó là người Việt Nam hay người nước ngoài nếu có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi người hiến đó đang còn sống (hiến da, xương, giác mạc, phổi, thận, gan…) hoặc hiến sau khi người đó đã chết và kể cả hiến xác vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học.

Việc mỗi cá nhân hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết hoặc hiến xác phải tuân thủ nguyên tắc quy định tại Điều 4 của Luật. Do đó, nếu một người mới chỉ đủ 17 tuổi 9 tháng, dù có đủ năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì không có quyền hiến bộ phận cơ thể của mình như thận, gan hay phổi cho người khác.

3. Các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 11)

Những hành vi sau đây bị nghiêm cấm:

a) Lấy trộm mô, bộ phận cơ thể người; lấy trộm xác.

b) ép buộc người khác phải cho mô, bộ phận cơ thể người hoặc lấy mô, bộ phận cơ thể của người không tự nguyện hiến.

c) Mua, bán mô, bộ phận cơ thể người; mua, bán xác.

d) Lấy, ghép, sử dụng, lưu giữ mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại.

đ) Lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sống dưới mười tám tuổi.

e) Ghép mô, bộ phận cơ thể của người bị nhiễm bệnh theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.

g) Cấy tinh trùng, noãn, phôi giữa những người cùng dòng máu về trực hệ và giữa những người khác giới có họ trong phạm vi ba đời.

h) Quảng cáo, môi giới việc hiến, nhận bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại.

i) Tiết lộ thông tin, bí mật về người hiến và người được ghép trái với quy định của pháp luật.

k) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm sai lệch kết quả xác định chết não.

Trên đây là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, cần phải được nghiêm cấm. Quy định này vừa mang tính chất răn đe vừa thể hiện tính chất nghiêm khắc của xã hội, nhà nước.

    Chương II- Quy định về hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sống, gồm 2 mục, 6 điều quy định về thủ tục đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống; Thủ tục thay đổi, hủy bỏ đơn đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống; Điều kiện, thủ tục lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sống; Điều kiện, thủ tục lấy bộ phận cơ thể không tái sinh ở người sống; Điều kiện đối với cơ sở y tế lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và quy định về Quyền lợi của người đã hiến mô, bộ phận cơ thể người. Trong đó có một số nội dung quan trọng được quy định cụ thể như sau:

    1. Thủ tục đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống (Điều 12)

Theo quy định tại Điều 12 của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác thì tất cả mọi cá nhân từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình.

Để đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống, người có ý nguyện hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống chỉ cần bày tỏ nguyện vọng muốn hiến mô, bộ phận cơ thể của mình với bất kỳ cơ sở y tế nào gần nhất để cơ sở y tế đó thông báo cho các đơn vị có liên quan tiến hành hoàn tất các thủ tục đăng ký hiến cho người hiến chứ không cần thiết phải tới tận cơ sở y tế có chức năng lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người để đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống.

Khi nhận được thông tin của người có nguyện vọng hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống, cơ sở y tế đó có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người biết và Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người có trách nhiệm thông báo cho cơ sở y tế có chức năng lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và cơ sở y tế đó có trách nhiệm tới gặp người đăng ký hiến để tư vấn về các thông tin có liên quan đến hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể người và hướng dẫn cho người đăng ký hiến viết đơn đăng ký hiến (theo mẫu đơn đã được Bộ Y tế quy định), ngoài ra, cơ sở y tế đó cũng sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe cho người hiến theo quy định của Bộ Y tế.

Như vậy, việc đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống sẽ hoàn tất và có hiệu lực khi cơ sở y tế có chức năng lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người nhận được đơn đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống của người đăng ký hiến.

2. Thay đổi, hủy bỏ đơn đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống (Điều 13)

Theo quy định tại Điều 13 của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, thì người đã đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người muốn thay đổi hoặc hủy bỏ đơn đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống thì người đó phải gửi đơn (theo mẫu đơn đăng ký hoặc hủy bỏ do Bộ Y tế quy định) đề nghị thay đổi hoặc hủy bỏ đến cơ sở y tế đã tiếp nhận đơn đăng ký hiến và việc thay đổi hoặc hủy đó sẽ có hiệu lực ngay lập tức kể từ khi cơ sở y tế nhận được đơn thay đổi hoặc hủy bỏ đơn đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống.

3. Điều kiện, thủ tục lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sống (Điều 14)

a) Theo quy định tại Điều 14 của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, chỉ cơ sở y tế có đủ các điều kiện sau đây mới được tiến hành  lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sống:

– Có đủ đội ngũ cán bộ y tế có năng lực, trình độ chuyên môn về lấy, ghép bộ phận cơ thể người, gây mê, hồi sức sau ghép được cơ sở y tế hoặc cơ sở đào tạo cấp giấy chứng nhận hoặc văn bằng chuyên khoa; 

– Có trưởng kíp ghép bộ phận cơ thể người là người đã trực tiếp thực hiện ca ghép trên người;

– Có ít nhất ba phòng liên hoàn khép kín, bố trí một chiều, bảo đảm vô trùng, bao gồm phòng lấy, xử lý và bảo quản bộ phận cơ thể người, phòng ghép và phòng hồi sức sau ghép;

– Có phòng kỹ thuật dành riêng cho việc theo dõi, chăm sóc liên tục người hiến hoặc người được ghép;

– Có đơn vị ghép thực nghiệm;

– Có phòng xét nghiệm;

– Có đơn vị lọc máu, chạy thận nhân tạo đối với trường hợp ghép thận;

– Có đủ trang thiết bị, dụng cụ y tế về thăm dò chức năng, huyết học, hóa sinh, vi sinh, miễn dịch, giải phẫu bệnh, chẩn đoán hình ảnh, định lượng nồng độ thuốc chống thải ghép để bảo đảm việc chẩn đoán và theo dõi người hiến, người được ghép trước, trong và sau khi ghép;

– Có đủ cơ số thuốc cần thiết đáp ứng yêu cầu thực hiện quá trình lấy, ghép và phục hồi sau khi ghép.

b) Thủ tục, trình tự lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sống:

– Cơ sở y tế đáp ứng các quy định nêu trên chỉ được phép lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sống đã đăng ký hiến, trừ trường hợp cấp cứu mà cần phải ghép mô hoặc cần ghép mô cho cha, mẹ, anh, chị, em ruột thì được phép lấy mô của người chưa đăng ký hiến nếu có sự đồng ý của người đó.

– Cơ sở y tế trước khi tiến hành lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sống có trách nhiệm: tư vấn về sức khỏe, tâm lý xã hội cho người hiến; kiểm tra các thông số sinh học của người hiến.

4. Điều kiện, thủ tục lấy bộ phận cơ thể không tái sinh ở người sống (Điều 15)

Khác với việc lấy mô, bộ phận cơ thể thông thường, đối với việc lấy bộ phận cơ thể không tái sinh là bộ phận sau khi lấy ra khỏi cơ thể người thì cơ thể không thể sản sinh hoặc phát triển thêm bộ phận khác thay thế bộ phận đã lấy như thận, phổi, tinh hoàn…, việc lấy bộ phận cơ thể không tái sinh ở người sống phải tuân theo quy định tại Điều 14 của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác và chỉ được tiến hành sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Hội đồng tư vấn lấy, ghép bộ phận cơ thể người.

Ngoài ra, trước khi lấy bộ phận cơ thể không tái sinh còn phải được một Hội đồng tư vấn lấy, ghép bộ phận cơ thể người do cơ sở y tế đáp ứng điều kiện lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người thành lập và thành phần của Hội đồng tư vấn lấy, ghép bộ phận cơ thể người phải có ít nhất là năm người, trong đó có các thành phần là các chuyên gia về y tế, pháp luật và tâm lý theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

            5. Quyền lợi của người đã hiến mô, bộ phận cơ thể người (Điều 17)

Theo quy định tại Điều 17, Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác thì người đã hiến mô, bộ phận cơ thể của mình sẽ được hưởng các quyền lợi sau:

a) Đối với người đã hiến mô cho người khác (Mô được hiểu là tập hợp các tế bào cùng một loại hay nhiều loại khác nhau để thực hiện các chức năng nhất định của cơ thể người như da, xương, giác mạc,…) thì được chăm sóc, phục hồi sức khoẻ miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến mô tại cơ sở y tế.

            Cơ sở y tế nơi tiến hành lấy mô của người hiến chịu trách nhiệm tổ chức chăm sóc, phục hồi sức khoẻ cho người hiến mô ngay sau lấy mô và người hiến mô không phải thanh toán bất kỳ chi phí nào trong việc chăm sóc, phục hồi sức khỏe ngay tại cơ sở y tế đó.

b) Đối với người đã hiến bộ phận cơ thể người cho người khác (Bộ phận cơ thể người được hiểu là một phần của cơ thể được hình thành từ nhiều loại mô khác nhau để thực hiện các chức năng sinh lý nhất định như thận, phổi, gan,…) được hưởng các quyền lợi sau đây:

– Được chăm sóc, phục hồi sức khoẻ miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến bộ phận cơ thể người tại cơ sở y tế và được khám sức khỏe định kỳ miễn phí;

– Được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí;

– Được ưu tiên ghép mô, bộ phận cơ thể người khi có chỉ định ghép của cơ sở y tế;

– Được tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Như vậy, theo quy định, bên cạnh việc được chăm sóc, phục hồi sức khoẻ miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến bộ phận cơ thể người, người đã hiến bộ phận cơ thể người còn được cơ sở y tế tổ chức khám sức khỏe định kỳ miễn phí tại một thời điểm nhất định tại cơ sở y tế đó.

Nếu so sánh với một số nước trên thế giới như Singapore, Pháp, Nhật Bản, Mỹ…, thì việc quy định các quyền lợi như trên đối với người đã hiến mô, bộ phận cơ thể người là rất lớn, thể hiện tính chất nhân đạo và đặc thù của đất nước, trong khi đó, với các nước trên, người đã hiến mô, bộ phận cơ thể người luôn luôn trên tinh thần tự nguyện và không có bất kỳ một lợi ích vật chất nào khác.

Chương III – Hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết và hiến, lấy xác bao gồm 3 mục, 12 điều quy định về Thủ tục đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết;  Thủ tục đăng ký hiến xác;  Thủ tục thay đổi, hủy bỏ đơn đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết và hiến xác; Điều kiện lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết; Điều kiện lấy xác; Điều kiện đối với cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác của người hiến; Trách nhiệm của cơ sở y tế, cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác của người hiến trong việc lấy bộ phận cơ thể ở người sau khi chết, lấy xác; Tôn vinh người hiến bộ phận cơ thể ở người sau khi chết, hiến xác; Mục đích và điều kiện xác định chết não;  Thủ tục và thẩm quyền xác định chết não;  Tiêu chuẩn lâm sàng và tiêu chuẩn thời gian để xác định chết não và quy định về tiêu chuẩn cận lâm sàng để xác định chết não. Trong đó có một số nội dung quan trọng được quy định như sau:

            1. Thủ tục đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết (Điều 18)

Cũng tương tự như việc đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống, người khi còn sống nếu muốn hiến mô, bộ phận cơ thể của mình sau khi chết thì phải là người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ bày tỏ nguyện vọng muốn hiến mô, bộ phận cơ thể của mình sau khi chết với bất kỳ cơ sở y tế nào gần nhất để cơ sở y tế đó thông báo cho Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người và Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người có trách nhiệm thông báo cho cơ sở y tế có chức năng tiến hành các thủ tục đăng ký cho người hiến để cơ sở y tế đó tới gặp người hiến để tư vấn về các thông tin có liên quan đến hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể người; hướng dẫn việc đăng ký hiến theo mẫu đơn; thực hiện việc kiểm tra sức khỏe cho người hiến; Cấp thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết cho người hiến và sau đó sẽ báo cáo danh sách người đăng ký hiến đã được cấp thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết cho Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.

Như vậy, việc đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết có hiệu lực kể từ khi người đăng ký được cấp thẻ đăng ký hiến.

            2. Thủ tục đăng ký hiến xác và thủ tục thay đổi, hủy bỏ đơn đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết và hiến xác (Điều 19, 20)

a) Theo quy định tại Điều 19 của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác thì tất cả mọi cá nhân từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có quyền đăng ký hiến xác.

b) Người muốn hiến xác chỉ cần bày tỏ nguyện vọng hiến xác với bất kỳ cơ sở y tế nào gần nhất và cơ sở y tế đó có trách nhiệm thông báo cho cơ sở có đủ chức năng tiếp nhận và bảo quản xác của người hiến biết để cơ sở đó tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết đối với người đăng ký hiến xác như tới gặp người hiến để tư vấn về các thông tin có liên quan về hiến xác, hướng dẫn việc đăng ký hiến xác theo mẫu đơn do Bộ Y tế quy định và cấp thẻ đăng ký hiến xác cho người hiến và việc đăng ký hiến xác sẽ có hiệu lực ngay sau khi người đăng ký được cấp thẻ đăng ký hiến xác trên.

c) Đối với trường hợp hủy bỏ đơn đăng ký hiến xác (Điều 20), cũng giống như trường hợp thay đổi, hủy bỏ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống, người đã đăng ký hiến xác muốn hủy bỏ đơn đăng ký hiến xác thì người đã đăng ký hiến xác phải gửi đơn (theo mẫu đơn hủy bỏ do Bộ Y tế quy định) đề nghị hủy bỏ đơn đăng ký hiến xác đến bất kỳ cơ sở y tế nào gần nhất hoặc cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác của người hiến đã tiếp nhận đơn đăng ký hiến để thu hồi lại thẻ đăng ký hiến xác cho người đã đăng ký hiến (nếu người đó đã được cấp thẻ hiến xác) và việc hủy bỏ đó sẽ có hiệu lực ngay sau khi cơ sở y tế hoặc cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác của người hiến nhận được đơn hủy bỏ đơn đăng ký hiến xác của người  đã đăng ký hiến xác.

3. Chết não và điều kiện xác định chết não (Điều 28, 29)

a) Liên quan đến quy định chết não, Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác đã dành hẳn một mục riêng quy định về chết não, điều đó thể hiện tính chất quan trọng của vấn đề này. Theo quy định của Luật thì chết não được hiểu là tình trạng toàn não bộ bị tổn thương nặng, chức năng của não đã ngừng hoạt động và người chết não không thể sống lại được và việc xác định chết não là cơ sở pháp lý để tiến hành lấy mô, bộ phận cơ thể của người có thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết.

b) Từ tính chất pháp lý quan trọng đó cho thấy, để xác định được chết não là cả một quá trình được thực hiện theo một quy trình hết sức chặt chẽ, không hề đơn giản, đó là phải đáp ứng các điều kiện sau:

– Có đủ tiêu chuẩn về chết não, cụ thể là các tiêu chuẩn về lâm sàng và tiêu chuẩn thời gian để xác định chết não (Điều 28):

+ Tiêu chuẩn lâm sàng để xác định chết não bao gồm:

+ Hôn mê sâu (thang điểm hôn mê Glasgow bằng 3 điểm);

+ Đồng tử cố định (đường kính đồng tử hai bên giãn trên 4 mm);

+ Đồng tử mất phản xạ với ánh sáng;

+ Mất phản xạ giác mạc;

+ Mất phản xạ ho khi kích thích phế quản;  

+ Không có phản xạ đầu – mắt;

+ Mắt không quay khi bơm 50ml nước lạnh vào tai;

+ Mất khả năng tự thở khi bỏ máy thở.

+ Tiêu chuẩn thời gian để xác định chết não ít nhất là 12 giờ, kể từ khi người bệnh có đủ các tiêu chuẩn lâm sàng theo quy định tại khoản 1 Điều này và không hồi phục mới được chẩn đoán chết não.

Ngoài ra, trong một số trường hợp đặc biệt sẽ không áp dụng các tiêu chuẩn lâm sàng trên để xác định chết não, Bộ Y tế sẽ quy định các tiêu chuẩn cụ thể đó bằng một văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành khác.

– Tiêu chuẩn cận lâm sàng để xác định chết não (Điều 29)

Để xác định tiêu chuẩn cận lâm sàng để xác định chết não, phải sử dụng một trong các kỹ thuật chuyên môn sau đây:

+ Ghi điện não;

+ Chụp cắt lớp vi tính xuyên não;

+ Chụp siêu âm Doppler xuyên sọ;

+ Chụp X quang động mạch não;

+ Chụp đồng vị phóng xạ.

– Để xác định được một người được coi là chết não, còn phải được ba chuyên gia gia thuộc các lĩnh vực sau đây: Hồi sức cấp cứu; Thần kinh hoặc phẫu thuật thần kinh và Giám định pháp y trực tiếp khám và kết luận là chết não.

– Việc chẩn đoán chết não chỉ được thực hiện ở các cơ sở y tế có khoa hồi sức cấp cứu, có máy thở, máy phân tích khí, máu và đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự và trang thiết bị theo quy định tại Điều 16 của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác.

            4. Thủ tục và thẩm quyền xác định chết não (Điều 27)

a) Để có cơ sở xác định một người chết não, người đứng đầu cơ sở y tế đáp ứng quy định (quy định tại điểm c khoản 2 Điều 26 của Luật) sẽ ra quyết định phê duyệt danh sách chuyên gia tham gia xác định chết não để làm cơ sở cho việc sử dụng nhóm chuyên gia vào việc xác định chết não khi cần xác định chết não, người đứng đầu của cơ sở y tế đó sẽ chỉ định nhóm chuyên gia gồm ba người thuộc danh sách chuyên gia tham gia xác định chết não và thuộc ba lĩnh vực theo quy định, vì nếu đến lúc cần xác định chết não mới thành lập nhóm chuyên gia thì sẽ không đáp ứng về mặt thời gian, và như vậy sẽ không thể lấy được mô, bộ phận cơ thể người còn có thể sử dụng được để ghép cho người khác.

Tuy nhiên có một điểm cần lưu ý là, Luật cũng đã quy định, bác sỹ trực tiếp tham gia ghép mô, bộ phận cơ thể người và bác sĩ đang trực tiếp điều trị cho người chết não không được tham gia nhóm chuyên gia xác định chết não, quy định này để bảo đảm tính khách quan và công minh trong quá trình xác định chết não.

b) Việc kết luận chết não của nhóm chuyên gia xác định chết não chỉ được công bố khi có kết luận chết não bằng văn bản của cả ba thành viên và mỗi thành viên trong nhóm chuyên gia xác định chết não phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính khoa học, chính xác trong kết luận chết não của mình.

c) Thẩm quyền công bố kết luận chết não sẽ là người đứng đầu của cơ sở y tế đã cử nhóm chuyên gia xác định chết não trên cơ sở đồng kết luận của cả ba chuyên gia nêu trên và việc công bố chết não phải được công khai bằng văn bản. Quy định này cũng nhằm bảo đảm cho việc kết luận được công bố công khai cho người nhà bệnh nhân cũng như đối với các cơ quan pháp luật có liên quan biết, trên cơ sở đó nếu người nhà bệnh nhân cần giải đáp hay khiếu nại, sẽ có người đại diện cao nhất của cơ sở y tế giải quyết, không phải tới gặp từng chuyên gia để yêu cầu giải đáp hay xử lý các hậu quả phát sinh.

Chương IV. Ghép mô, bộ phận cơ thể người, gồm 5 điều, quy định về Điều kiện đối với người được ghép mô, bộ phận cơ thể người; Điều kiện đối với cơ sở y tế được ghép mô, bộ phận cơ thể người; Chăm sóc sức khỏe sau khi ghép mô, bộ phận cơ thể người; Chế độ bảo hiểm y tế và viện phí đối với người được ghép mô, bộ phận cơ thể người và quy định về ghép bộ phận cơ thể người có liên quan đến người nước ngoài. Trong đó có một số nội dung quan trọng được quy định như sau:

1. Điều kiện đối với người được ghép mô, bộ phận cơ thể người (Điều 30)

            Theo quy định tại Điều 30 của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, người ghép có chỉ định ghép của cơ sở y tế được ghép mô, bộ phận cơ thể người; có đơn tự nguyện xin ghép. Đối với người dưới mười tám tuổi phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó và trong trường hợp ghép bộ phận cơ thể không tái sinh ở người sống phải được sự đồng ý bằng văn bản của Hội đồng tư vấn lấy, ghép bộ phận cơ thể người (Hội đồng được thành lập theo quy định tại Điều 15 của Luật).

Mặc dù Luật không quy định cụ thể tại Điều này, nhưng ngoài các điều kiện trên thì người ghép (là người được cấy ghép mô, bộ phận tương ứng của cơ thể người hiến vào cơ thể của mình) phải có các chỉ số sinh học tương đương như nhóm máu, trọng lượng, chiều cao… để bảo đảm tối đa sự chống thải ghép của cơ thể (tuy nhiên, hiện nay có nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã có những biện pháp xử lý đối với một số chỉ số sinh học không tương đương, nhưng rất phức tạp, không phải nước nào cũng có thể thực hiện được).

2. Ghép bộ phận cơ thể người có liên quan đến người nước ngoài (Điều 34)

Đây là một quy định rất chặt chẽ và quan trọng, để bảo đảm cho mọi cá nhân là người nước ngoài hay người Việt Nam định cư ở nước ngoài đều được ghép bộ phận cơ thể của người Việt Nam tại Việt Nam trong trường hợp có cùng dòng máu về trực hệ hoặc có họ trong phạm vi ba đời với người hiến hoặc trong trường hợp người hiến đã có đơn tự nguyện hiến mà không nêu đích danh người được ghép.

Ngoài ra, điều luật cũng quy định đối với người Việt Nam chỉ được ra nước ngoài để hiến bộ phận cơ thể người trong trường hợp có cùng dòng máu về trực hệ hoặc có họ trong phạm vi ba đời với người được ghép.

Với quy định trên, bảo đảm cho việc quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng mua, bán mô, bộ phận cơ thể người giữa người hiến và người ghép, đặc biệt là người nước ngoài hay người Việt Nam định cư ở nước ngoài tới Việt Nam hoặc về nước để tìm người hiến vì có thể bảo đảm về mặt giá thành và dễ dàng tìm kiến. Hơn nữa, đây cũng là quy định chặt chẽ, bảo đảm không để trường hợp người Việt Nam ra nước ngoài bán mô, bộ phận cơ thể của mình để ghép cho người khác ở nước ngoài.

Chương V – Ngân hàng mô và Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, gồm 4 điều, bao gồm quy định về Ngân hàng mô; Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người; Nguyên tắc điều phối ghép mô, bộ phận cơ thể người và quy định về Mã hóa thông tin.

1. Ngân hàng mô (Điều 35)

a) Theo quy định tại Điều 35 của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác thì Ngân hàng mô là cơ sở y tế do cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng được thành lập để tiếp nhận, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển mô, cung ứng mô cho các cơ sở y tế hoặc cơ sở nghiên cứu, đào tạo y học và hợp tác quốc tế trong việc trao đổi mô và ngân hàng mô hoạt động trên nguyên tắc không nhằm mục đích thương mại. Theo đó, Luật đã không hạn chế tổ chức, cá nhân tư nhân thành lập ngân hàng mô nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Luật và Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (trong đó có quy định cụ thể về loại hình tổ chức và hoạt động của ngân hàng mô).

b) Điều kiện, thủ tục thành lập của ngân hàng mô:

Cơ sở phải có đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự theo quy định của Bộ Y tế và người quản lý chuyên môn của ngân hàng mô phải có đủ các tiêu chuẩn cụ thể như: có bằng tốt nghiệp đại học y, dược hoặc chuyên ngành sinh học, hóa học; có thời gian công tác từ ba năm trở lên tại các cơ sở y tế hoặc chuyên ngành sinh học, hoá học; có đạo đức nghề nghiệp; có đủ sức khỏe hành nghề; không đang trong thời gian bị cấm hành nghề, cấm làm công việc liên quan đến chuyên môn theo bản án, quyết định của Toà án; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang trong thời gian chấp hành bản án hình sự của tòa án hoặc quyết định áp dụng biện pháp hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; đang trong thời gian bị kỷ luật từ cảnh cáo trở lên có liên quan trực tiếp đến hoạt động chuyên môn; mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Trên cơ sở đáp ứng các điều kiện trên và được Bộ Y tế tiến hành thẩm định và cấp giấy phép thì ngân hàng mô mới được tiến hành hoạt động

Cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự, hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép hoạt động của ngân hàng mô sẽ do Bộ Y tế quy định cụ thể tại quyết định chuyên môn sẽ được ban trước khi Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác có hiệu lực từ ngày 01/7/2007.

2.Nguyên tắc điều phối ghép mô, bộ phận cơ thể người (Điều 37)

Theo quy định tại Điều 37 của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác thì việc ghép mô, bộ phận cơ thể người được thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau:

a) Trẻ em;

b) Trường hợp cấp cứu;

c) Người đã hiến bộ phận cơ thể người khi có chỉ định ghép hoặc người có tên đầu tiên trong danh sách chờ ghép của Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người hoặc trong danh sách chờ ghép của cơ sở y tế lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người;

d) Trường hợp nhiều người có cùng thông số sinh học với người hiến thì ưu tiên đối với người có tên trong danh sách chờ ghép của cơ sở y tế đã lấy bộ phận cơ thể của người hiến đó.

Việc điều phối ghép mô, bộ phận cơ thể người được áp dụng theo nguyên tắc bảo đảm nguyên tắc hòa hợp giữa người hiến và người được ghép và bảo đảm công bằng giữa những người được ghép.

Nguyên tắc trên cũng phù hợp với quy định của các nước trên thế giới đó là hòa hợp giữa người hiến và người được ghép cũng như phải bảo đảm công bằng giữa những người được ghép và trẻ em luôn là đối tượng ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, ở một số nước phát triển như Mỹ, Pháp, Singapore, yêu cầu về sự hòa hợp giữa các chỉ số ghép ngày càng được rút ngắn về các chỉ số hòa hợp vì đã có nhiều loại thuốc, biện pháp xử lý tiên tiến được áp dụng để hạn chế một cách tối đa việc chống thải ghép của người được ghép với mô, bộ phận cơ thể ghép của người khác.

Chương VI– Điều khoản thi hành, gồm 2 điều, quy định về hiệu lực thi hành và quy định về hướng dẫn thi hành.

IV. Tổ chức thực hiện

Thực hiện Quyết định số 13/2003/QĐ-TTG ngày 17/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007, Quyết định số 3238/2004/QĐ- BYT ngày 16/9/2004 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật về y tế từ năm 2004 đến năm 2007, Bộ Y tế hướng dẫn triển khai thi hành Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác như sau:

A. Tuyên truyền, phổ biến Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác:

            1. Tổ chức các Hội nghị triển khai, tập huấn về Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác.

            2. Biên soạn và in ấn sách, tài liệu; viết bài giới thiệu, tham luận về Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác để đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

3. Xuất bản Bản tin phổ biến, giáo dục pháp luật về y tế (số chuyên san đặc biệt về Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác)

            4. Tổ chức các buổi tọa đàm về Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác trên các phương tiện thông tin đại chúng.

            5. Tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác.

B. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác:

1. Xây dựng và triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác:

            1.1. Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác

1.2. Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành mẫu đơn đăng ký, thay đổi, hủy bỏ đơn hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống; mẫu đơn đăng ký, thay đổi, huỷ bỏ đơn đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết và ở người đăng ký hiến xác

            1.3. Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quy trình, nội dung hướng dẫn việc tư vấn, kiểm tra sức khỏe cho người hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống; người hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết và tư vấn cho người đăng ký hiến xác; tư vấn, kiểm tra các thông số sinh học của người hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống.

            1.4. Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động của Hội đồng tư vấn lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người:

1.5. Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự và cơ số thuốc của cơ sở y tế được phép lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và trình tự, thủ tục cho phép cơ sở y tế lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người hoạt động.

            1.6. Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về trình tự, thủ tục cho phép và điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự đối với cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác của người hiến

1.7. Thông tư hoặcQuyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về việc tặng kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân cho các trường hợp được tôn vinh người hiến bộ phận cơ thể ở người sau khi chết, hiến xác

1.8. Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về các tiêu chuẩn lâm sàng, tiêu chuẩn cận lâm sàng để xác định chết não và việc áp dụng các kỹ thuật chuyên môn y tế để xác định chết não; các trường hợp không áp dụng các tiêu chuẩn lâm sàng để xác định chết não.

1.9. Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể quy trình chuyên môn chăm sóc sức khoẻ đối với người đã được ghép mô, bộ phận cơ thể người.

1.10. Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự, hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép hoạt động của ngân hàng mô.

1.11. Phối hợp với Bộ Tài chính quy định cụ thể chế độ tài chính về khám sức khỏe định kỳ, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người đã hiến bộ phận cơ thể người và quy định về kinh phí tổ chức tang lễ và mai táng di hài cho người hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết, người hiến xác.

            2.Rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác hiện hành để đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác.

C. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác.

     BỘ Y TẾ – Vụ Pháp Chế         

BỘ TƯ PHÁP – Vụ phổ biến, giáo dục pháp luật

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích nghiên cứu, giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

—————————————————–

THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Tư vấn pháp luật lao động;

2. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

3.Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;

4. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;

5.Dịch vụ Luật sư của LVN Group tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án.

6. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;