I. Sự cần thiết ban hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao trình độ tay nghề, tiếp cận công nghệ tiên tiến cho người lao động.

Nước ta đã hợp tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài từ năm 1980. Trong thời kỳ từ 1980-1990, hợp tác lao động của nước ta chủ yếu thông qua các Hiệp định Chính phủ với các nước thuộc Liên Xô (cũ), một số nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và một số nước ở Trung Đông. Trong giai đoạn này, hợp tác lao động được thực hiện theo kế hoạch của Nhà nước do các cơ quan Nhà nước tổ chức thực hiện.

Từ năm 1991 đến nay, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo cơ chế thị trường, Nhà nước chủ yếu làm chức năng quản lý, mở thịtrường các doanh nghiệp ký kết hợp đồng cung ứng lao động cho phía nước ngoài, trực tiếp đưa và quản lý người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 22/9/1998 của Bộ Chính trị về xuất khẩu lao động và chuyên gia và chỉ đạo của Chính phủ, từ năm 1999 đến nay, cả nước đã có gần 400.000 người đi làm việc ở nước ngoài, nâng tổng số lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài hiện nay lên gần 500.000 người. Tổng thu bình quân của những người lao động đi làm việc ở nước ngoài chuyển về nước gần đây khoảng 1,5 tỷ USD/năm. Chất lượng nguồn lao động từng bước được cải thiện, đội ngũ doanh nghiệp được hình thành, trong đó có nhiều doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả…

Cùng với những kết quả nêu trên, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phát triển còn chưa tương xứng với tiềm năng của thị trường lao động trong nước và nhu cầu việc làm ngoài nước của người lao động. Thị trường lao động ngoài nước phát triển nhưng chưa ổn định, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp yếu. Trình độ tay nghề, ngoại ngữ của người lao động Việt Nam thấp. Tình trạng lao động vi phạm hợp đồng, cư trú bất hợp pháp còn khá phổ biến, nhất là ở những thị trường có thu nhập cao. Việc tuyển chọn, dạy nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động của nhiều doanh nghiệp và địa phương chưa tốt. Hoạt động lừa đảo của một số tổ chức, cá nhân không có chức năng xuất khẩu lao động còn xảy ra ở một số địa phương, cơ sở. Công tác quản lý của nhiều doanh nghiệp còn bất cập, chưa bảo vệ tốt quyền lợi của người lao động làm việc ở ngoài nước. Công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm còn hạn chế.

Nguyên nhân của những tồn tại trên về khách quan, do cơ chế, chính sách của các nước tiếp nhận lao động, sự biến động của thị trường lao động ngoài nước, cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu lao động trong khu vực ngày càng gay gắt… Nguyên nhân chủ quan là do nhận thức chưa thống nhất, chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan từ Trung ương đến địa phương. Hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn hạn chế, dẫn đến nhận thức của một bộ phận người lao động chưa đúng. Các doanh nghiệp chưa đủ mạnh cả về năng lực tài chính và cán bộ, có những doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, tiêu cực, thiếu công khai, minh bạch. Quản lý nhà nước từ Trung ương đến cơ sở còn yếu.

Quy định của pháp luật về hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài: Ngoài 8 điều trong Bộ Luật Lao động (Điều 134, Điều 134a, Điều 135, Điều 135a, Điều 135b, Điều 135c, Điều 166 và Điều 184), chủ yếu được quy định trong các Nghị định của Chính phủ, trong đó một số quy định khá cụ thể nhằm quản lý hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế, pháp luật hiện hành trong lĩnh vực này còn bất cập và chưa đồng bộ, thể hiện ở một số điểm sau:

– Phạm vi, đối tượng điều chỉnh chưa bao quát được các hình thức đưa người đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài núp dưới hình thức thực tập nâng cao tay nghề đang xuất hiện trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;

– Điều kiện để doanh nghiệp được phép hoạt động trong lĩnh vực này chưa phù hợp, do số lượng doanh nghiệp xuất khẩu lao động tăng nhanh nhưng phần đông hoạt động chưa chuyên nghiệp, chưa hình thành được đội ngũ doanh nghiệp đủ mạnh về tài chính và năng lực quản lý nên xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, thiếu trách nhiệm đối với người lao động.

– Quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa được quy định cụ thể, đặc biệt là những quy định liên quan đến các loại phí. Chi phí của người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn cao…

– Nhà nước chưa có chính sách đầu tư cho hoạt động này, đặc biệt là đầu tư cho phát triển thị trường, dạy nghề, ngoại ngữ cho người lao động nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài.

– Quy định chưa đầy đủ các hành vi vi phạm và việc xử lý vi phạm phù hợp với tính chất và đặc thù của lĩnh vực này.

– Là lĩnh vực nhạy cảm, liên quan đến nhiều ngành luật khác, nhưng những vấn đề cơ bản mới chỉ được quy định trong các văn bản dưới luật, hiệu lực pháp lý thấp, hạn chế việc giáo dục phòng ngừa và xử lý vi phạm.

Để phát triển hoạt động xuất khẩu lao động trong thời gian tới phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, quản lý chặt chẽ hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, đồng thời có chế tài xử lý nghiêm các vi phạm, việc ban hành Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là cần thiết.

II. Quan điểm xây dựng Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng :

1. Thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Đây là một trong những nguyên tắc quan trọng và cơ bản nhất để xây dựng Luật. Đối với hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (xuất khẩu lao động), chủ trương của Đảng và Nhà nước thể hiện ở khá nhiều văn bản, tuy nhiên rõ nét và tập trung nhất là Chỉ thị số 41-CT/ TW ngày 22/9/1998 của Bộ Chính trị. Ngay trong phần mở đầu của Chỉ thị, xuất khẩu lao động đã được coi là “một hoạt động kinh tế-xã hội góp phần phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, tạo thu nhập và nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động, tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước và tăng cường quan hệ hợp tác giữa nước ta với các nước”. Do xuất khẩu lao động có tầm quan trọng như vậy nên chủ trương của Đảng là xuất khẩu lao động phải được “mở rộng và đa dạng hoá hình thức, thị trường xuất khẩu lao động, phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”, đồng thời phải “phát triển và khuyến khích đào tạo nghề gắn với nhu cầu của thị trường lao động, đào tạo ngoại ngữ, giáo dục ý thức pháp luật” v..v.. cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.

Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được xây dựng dựa trên những quan điểm, chủ trương nêu trên của Đảng và Nhà nước về hoạt động xuất khẩu lao động, thể hiện ở trong từng điều luật nhưng điển hình là đã đưa thêm vào luật một số hình thức đi làm việc ở nước ngoài đã và đang tồn tại trên thực tế đó là việc đưa người lao động ra nước ngoài làm việc thông qua Tổ chức sự nghiệp của Nhà nước và hình thức người lao động đi thực tập nâng cao tay nghề ở nước ngoài. Không những thế, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được xây dựng theo hướng mở rộng các loại hình doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp được tham gia hoạt động này, chú trọng vào việc xây dựng các quy định về đào tạo nghề, ngoại ngữ cho người lao động nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài.

2. Tạo hành lang pháp lý công khai, minh bạch, làm rõ trách nhiệm quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động

Quán triệt quan điểm nêu trên, để đảm bảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trở thành công cụ pháp lý hữu hiệu thì ngay trong các quy định của luật cần phải rõ ràng, cụ thể về một số nội dung cơ bản như: Thủ tục cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; thủ tục đưa người lao động ra nước ngoài làm việc của các doanh nghiệp nhận thầu, đầu tư ra nước ngoài có sử dụng lao động Việt Nam, thủ tục để các doanh nghiệp thực hiện việc đưa người lao động đi thực tập nâng cao tay nghề ở nước ngoài, việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của các tổ chức sự nghiệp của Nhà nước; quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước đối với việc quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Song song với việc xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng đưa ra các chế tài xử lý công khai, minh bạch đối với những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

3. Phát triển việc làm ngoài nước, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao trình độ kỹ thuật, kỹ năng nghề, ý thức, tác phong lao động cho người lao động

Chỉ thị số 41-CT/ TW ngày 22/9/1998 của Bộ Chính trị đã khẳng định “cùng với giải quyết việc làm trong nước là chính thì xuất khẩu lao động và chuyên gia là một chiến lược quan trọng, lâu dài”. Quán triệt quan điểm trên, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ra đời với mục đích là nhằm phát triển việc làm ngoài nước, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao trình độ kỹ thuật, kỹ năng nghề, ý thức, tác phong lao động cho người lao động. Thực tiễn đã chứng minh, qua gần 6 năm thực hiện Chỉ thị số 41 của Bộ Chính trị về xuất khẩu lao động, hiện có khoảng 400.000 người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài với số ngoại tệ chuyển về nước năm 2004 đạt khoảng 1,6 tỷ USD (tương đương 25.000 tỷ VND, bằng 16,74% thu ngân sách Nhà nước, bằng 3,5% GDP và bằng 96,9% thu ngân sách từ dầu thô). Số liệu trên cho thấy xuất khẩu lao động đã có bước phát triển mạnh mẽ, ngày càng khẳng định là một ngành đem lại hiệu quả kinh tế- xã hội như: Giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hoá, hình thành một đội ngũ doanh nghiệp năng động, sáng tạo và đội ngũ lao động có trình độ ngoại ngữ, chuyên môn, kỹ thuật, có kỷ luật và tác phong công nghiệp.

4.Luật hoá các quy định hiện hành đang phát huy tác dụng trong thực tiễn

Hiện nay, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được điều chỉnh chủ yếu bằng một số điều trong Bộ Luật lao động, 2 Nghị định của Chính phủ và một số văn bản dưới luật khác. Những văn bản thời gian qua đã phát huy tác dụng nhất định trong việc điều chỉnh các quan hệ pháp luật trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ra đời sẽ là văn bản luật đầu tiên quy định riêng về lĩnh vực xuất khẩu lao động. Tất cả những quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực này sẽ được thể hiện một cách tập trung, thống nhất trong văn bản luật này. Cũng như các văn bản luật khác, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng phải bảo đảm tính kế thừa những ưu điểm trong các văn bản pháp luật hiện hành, đồng thời bám sát thực tế, giải quyết được những vấn đề bức xúc đang đặt ra trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hiện nay; bảo đảm sự thống nhất với các luật, pháp lệnh có liên quan.

5. Phù hợp với xu hướng hội nhập và thị trường lao động khu vực, quốc tế

Hiện nay, nhiều nước và trước hết là một số nước trong khu vực đều coi xuất khẩu lao động là một hoạt động quan trọng trong chiến lược quốc gia về giải quyết việc làm. Đây là một thách thức lớn, tạo nên sự cạnh tranh gay gắt tại các thị trường tiếp nhận lao động nước ngoài. Để đảm bảoLuật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có tính khả thi, đi vào cuộc sống của người dân Việt Nam đồng thời phát huy tác dụng là công cụ pháp lý hữu hiệu của Nhà nước để quản lý đối với hoạt động này thì các quy định của luật phải được xây dựng trên nguyên tắc phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xãhội của đất nước trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo đồng thời còn phải phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta và thị trường lao động quốc tế.

III. Những nội dung chủ yếu của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Luật gồm 8 chương, 80 điều với kết cấu như sau:

Chương I : Những quy định chung

Gồm 7 điều (từ Điều 1 đến Điều 7) quy định phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, chính sách của Nhà nước về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, các hình thức đi làm việc ở nước ngoài, các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Về phạm vi điều chỉnh: Luật này quy định về hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; quyền và nghĩa vụ của người lao động đilàm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Về đối tượng áp dụng:

Luật Người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được áp dụng đối với những đối tượng sau: doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo các hình thức quy định tại Điều 6 của Luật này; người bảo lãnh cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Điểm mới của Luật là quy định đầy đủ về tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, bao gồm: doanh nghiệp dịch vụ, doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài; doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập, nâng cao tay nghề và tổ chức sự nghiệp của Nhà nước.

Trong Luật đã quy định điều kiện để người lao động được đi làm việc ở nước ngoài gồm:

·                    Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

·                    Tự nguyện đi làm việc ở nước ngoài;

·                    Có ý thức chấp hành pháp luật, tư cách đạo đức tốt;

·                    Đủ sức khoẻ theo quy định của pháp luật Việt Nam và yêu cầu của nước tiếp nhận người lao động;

·                    Đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề và các điều kiện khác theo yêu cầu của nước tiếp nhận người lao động;

·                    Được cấp chứng chỉ về bồi dưỡng kiến thức cần thiết;

·                    Không thuộc trường hợp cấm xuất cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức hợp đồng cá nhân, chủ trương của nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tự tìm kiếm việc làm ở nước ngoài; tuy nhiên quyền lợi của họ phải được đảm bảo theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước mà người lao động đến làm việc, đồng thời phải quản lý được để nhà nước bảo hộ trong trường hợp cần thiết. Như vậy, ngoài 4 điều kiện nêu trên, còn phải có thêm điều kiện sau:

– Có Hợp đồng cá nhân theo quy định tại Điều 51 của Luật này;

– Có Giấy xác nhận việc đăng ký Hợp đồng cá nhân của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người lao động thường trú và khi xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài, người lao động có trách nhiệm xuất trình giấy xác nhận với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.

Về các hình thức đi làm việc ở nước ngoài:

So với quy định hiện hành, Luật đã bổ sung thêm hai loại hình doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là:

– Tổ chức sự nghiệp của nhà nước tham gia vào hoạt động này nhằm đa dạng hóa loại hình tổ chức đưa đi và tạo ra một kênh xuất khẩu lao động mới với chi phí thấp cho người lao động;

– Doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc dưới hình thức thực tập nâng cao tay nghề.

Về các hành vi bị nghiêm cấm:

Ngoài các quy định hiện hành, Luật bổ sung quy định nghiêm cấm đối với hành vi cản trở, phiền hà, sách nhiễu người lao động hoặc doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

2. Chương II: Doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Gồm 5 mục với 34 điều (từ Điều 8 đến Điều 41) quy định về doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề; tổ chức sự nghiệp của Nhà nước đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Những nội dung mới của Chương này thể hiện ở những điểm sau:

2.1. Về loại hình doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài:

* Điều kiện được cấp Giấy phép đối với loại hình doanh nghiệp này:

– Mở rộng hơn về loại hình doanh nghiệp được cấp Giấy phép.

– Nâng cao năng lực của doanh nghiệp dịch vụ: về vốn pháp định, tiền ký quỹ, năng lực cán bộ của doanh nghiệp.

– Doanh nghiệp phải trực tiếp thực hiện hoạt động dịch vụ này.

* Quy định về điều kiện và số lượng chi nhánh của doanh nghiệp dịch vụ được tham gia hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài:

– Phải là chi nhánh của doanh nghiệp (không phải công ty con, công ty thành viên hay văn phòng đại diện…).

– Mỗi doanh nghiệp được giao nhiệm vụ cho không quá ba chi nhánh ở ba tỉnh, thành phố khác nhau. Chi nhánh chỉ được thực hiện một số nội dung nhất định theo quy định và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan lao động địa phương.

* Quy định về trường hợp doanh nghiệp giải thể, phá sản:

– Quy định rõ trách nhiệm, trình tự giải quyết trong trường hợp doanh nghiệp giải thể, phá sản, nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động, giảm tối đa rủi ro cho người lao động.

– Có cơ chế chuyển giao trách nhiệm cho doanh nghiệp khác có Giấy phép hoặc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để tiếp tục thực hiện các hợp đồng đã ký với người lao động còn hiệu lực để đảm bảo công tác quản lý lao động và giải quyết các vấn đề phát sinh đối với người lao động.

* Quy định về đăng ký Hợp đồng cung ��ng lao động:

– Hợp đồng cung ứng lao động: phải được đăng ký tại Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và được chấp thuận.

– Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm trả lời trong mọi trường hợp đối với hợp đồng do doanh nghiệp đăng ký tại Bộ.

– Nội dung cơ bản của hợp đồng được quy định rõ trong Luật.

2.2.Quy định đối với doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề:

– Đối với doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề có thời gian dưới 90 ngày: đăng ký tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

– Đối với doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề có thời gian trên 90 ngày: đăng ký tại Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

– Doanh nghiệp không được thu tiền dịch vụ từ người lao động.

2.3.Quy định đối với Tổ chức sự nghiệp của nhà nước:

– Tổ chức sự nghiệp của nhà nước được đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc các thỏa thuận quốc tế do Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ ký với bên nước ngoài.

– Hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của tổ chức sự nghiệp là hoạt động phi lợi nhuận.

– Có trách nhiệm trực tiếp tổ chức thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; trực tiếp quản lý bảo vệ quyền lợi của người lao động ở nước ngoài.

3. Chương III:Người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Gồm 4 mục với 19 điều (từ Điều 42 đến Điều 60) quy định cụ thể về điều kiện, hồ sơ để người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài nhằm thực hiện cải cách hành chính, giảm phiền hà cho người lao động; quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động; người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cá nhân; bảo lãnh cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài và chính sách đối với người lao động sau khi về nước.

Chương này quy định chi tiết hơn về đối tượng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cá nhân và đưa vấn đề bảo lãnh cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài vào nội dung của Luật, trong đó quy định rõ chỉ áp dụng biện pháp bảo lãnh khi người lao động không có khả năng ký quỹ hoặc chỉ ký quỹ một phần. Nguyên tắc và phương thức ký quỹ, bảo lãnh dựa trên nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự.

4. Chương IV:Dạy nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết

Gồm 5 điều (từ Điều 61 đến Điều 65) quy định trách nhiệm của doanh nghiệp, của người lao động về dạy và học nghề, học ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động. Thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động dạy nghề, học tập ngoại ngữ, người lao động có quyền chủ động học nghề, học ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu của thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam đến làm việc. Trường hợp cần thiết thì doanh nghiệp tổ chức bồi dưỡng tay nghề, ngoại ngữ cho người lao động. Đối với việc trang bị những hiểu biết, kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, đây là hoạt động bắt buộc doanh nghiệp, tổ chức phải thực hiện.

5.Chương V:Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước

Gồm 3 điều (từ Điều 66 đến Điều 68) quy định mục đích, nguồn hình thành của Quỹ; địa vị pháp lý và việc thành lập, quản lý, sử dụng Quỹ.

Điểm mới của chương này là đã bổ sung đối tượng người lao động tham gia đóng và được hưởng chế độ từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước.

6. Chương VI:Quản lý nhà nước về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Gồm 4 điều (từ điều 69 đến Điều 72) quy định nội dung quản lý nhà nước về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; trách nhiệm quản lý nhà nước về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; trách nhiệm của cơ quan đại diện ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài; thanh tra về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Điểm mới của Chương này là đã quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài. Cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm cụ thể như sau:

·                    Bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài; xử lý hành vi vi phạm của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Luật này.

·                    Nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, chính sách và phương thức tiếp nhận lao động nước ngoài của nước sở tại.

·                    Thông tin, hướng dẫn các doanh nghiệp tiếp cận thị trường để ký kết Hợp đồng cung ứng lao động theo pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước sở tại.

·                    Hỗ trợ cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam trong việc thẩm định các điều kiện và tính khả thi của các hợp đồng trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, địa vị pháp lý của đối tác nước ngoài.

·                    Hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của đại diện các doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp Việt Nam tại nước ngoài trong việc quản lý, xử lý các vấn đề phát sinh đối với người lao động.

·                    Báo cáo và kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam giải quyết đối với những trường hợp có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật Việt Nam.

·                    Phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam và cơ quan, tổ chức của nước sở tại để đưa người lao động vi phạm về nước.

Như vậy cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài không chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước mà còn phải thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam ở nước ngoài.

7.Chương VII:Giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm

Gồm 4 điều (từ Điều 73 đến Điều 76) quy định việc giải quyết tranh chấp; hình thức xử lý vi phạm đối với doanh nghiệp, người lao động và các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Khắc phục nhược điểm của các văn bản hiện hành, Luật đã quy định cụ thể về chế tài xử lý, làm cơ sở cho các văn bản hướng dẫn dưới luật có thể xử lý các vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

8.Chương VIII: Điều khoản thi hành

Gồm 4 điều (từ Điều 77 đến Điều 80) quy định áp dụng đối với Giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động trước khi Luật này có hiệu lực và hiệu lực thi hành.

IV. Phần 4: Tổ chức thực hiện

Luật Người lao động Việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007.

Để hướng dẫn thi hành Luật Người lao động Việt nam đi làm việc ở nước ngoài, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với với các cơ quan có liên quan, trong thời gian đến ngày 01/7/2007, biên soạn hệ thống văn bản hướng dẫn bao gồm:

1. Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

2. Nghị định của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

3. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước.

4. Thông tư liên tịch Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội – Bộ Tài chính hướng dẫn về tiền môi giới và tiền dịch vụ.

5. Thông tư liên tịch Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội – Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể về tiền ký quỹ của doanh nghiệp và tiền kỹ quỹ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

6. Thông tư liên tịch Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội – Bộ Tư pháp quy định nội dung hợp đồng bảo lãnh và việc thanh lý hợp đồng bảo lãnh cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

7. Thông tư của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội hướng dẫn khoản 2 Điều 9, khoản 3 Điều 17 và khoản 3 Điều 65 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

8. Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

9. Quyết định của Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội về mức tiền ký quỹ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đối với một số thị trường lao động./.

BỘ TƯ PHÁP – VỤ PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI – CỤC QUẢN LÝ LAO ĐỘNG NGOÀI NƯỚC

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)
——————————————————-

THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

2. Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;

3. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;

4. Luật sư tư vấn pháp luật lĩnh vực luật lao động;

5. Luật sư tư vấn khởi kiện vụ án lao động tại toà án;

6. Luật sư tranh tụng tại tòa án và đại diện ngoài tố tụng;

7. Dịch vụ Luật sư của LVN Group tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án;

8. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;