I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI BAN HÀNH LUẬT
Xác định rõ HIV/AIDS là một đại dịch nguy hiểm, là mối hiểm họa đối với tính mạng, sức khoẻ con người và tương lai nòi giống của dân tộc, tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, trật tự và an toàn xã hội, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm đến công tác phòng, chống HIV/AIDS từ rất sớm. Ngay sau khi Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 52- CT/TW ngày 11/3/1995 về lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, ngày 31/5/1995, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thi hành.
.
Luật sư tư vấn pháp luật lao động qua điện thoại (24/7)gọi: 1900.0191
Pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS đã tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS trên các mặt: Thông tin – giáo dục – truyền thông; phòng, chống lây nhiễm HIV qua tiêm chích ma tuý, hoạt động mại dâm; giám sát dịch tễ học, an toàn truyền máu, điều trị, dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con… đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về dự phòng lây nhiễm HIV; bảo đảm được các chỉ tiêu về an toàn truyền máu, giám sát HIV/AIDS; ổn định và phát triển kinh tế- xã hội của đất nước và bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS mà Việt Nam là thành viên.
Pháp lệnh phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) năm 1995 là công cụ quản lý chủ yếu của Nhà nước đã góp phần tích cực vào công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, sau 10 năm tổ chức triển khai thi hành, Pháp lệnh này đã bộc lộ nhiều bất cập cần phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Cụ thể là:
– Một số quy định về xét nghiệm phát hiện HIV khi khám sức khoẻ định kỳ; khai báo tình trạng nhiễm HIV của người nước ngoài khi nhập cảnh; chế độ bảo hiểm rủi ro nghề nghiệp cho người trực tiếp chăm sóc và điều trị người nhiễm HIV; các ngành, nghề người nhiễm HIV không được làm… đều không có tính khả thi trong thực tiễn nên cần phải được huỷ bỏ.
– Những quy định như chống kỳ thị, phân biệt đối xử, bảo vệ bí mật riêng tư; xét nghiệm bắt buộc, xét nghiệm tự nguyện; thông báo kết quả xét nghiệm, điều trị cho người nhiễm HIV… đều chưa cụ thể hoặc không còn phù hợp nên cần phải được sửa đổi.
– Nhiều vấn đề mới nảy sinh trong công tác phòng, chống HIV/AIDS mà Pháp lệnh hiện hành chưa quy định như tư vấn, giám sát HIV/AIDS; các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV; phòng chống HIV/AIDS trong gia đình, trường học, nơi làm việc; tiếp cận thuốc điều trị HIV/AIDS; quản lý, chăm sóc và điều trị người nhiễm HIV… nên cần phải được bổ sung.
– HIV/AIDS được xác định là vấn đề xã hội nên bên cạnh việc phòng, chống HIV/AIDS bằng các biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế, thì việc áp dụng các biện pháp xã hội là hết sức quan trọng, trong đó, việc áp dụng mạnh mẽ các biện pháp mang tính đột phá về can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV như sử dụng bao cao su, trao đổi bơm kim tiêm sạch…; các biện pháp về tăng cường sự phối hợp liên ngành một cách chặt chẽ, sự hưởng ứng tích cực tham gia của cộng đồng và nâng cao ý thức của mọi công dân về công tác phòng, chống HIV/AIDS.
– Luật phòng, chống ma tuý; Pháp lệnh phòng, chống mại dâm đã được ban hành, một số điều ước quốc tế về phòng, chống HIV/AIDS mà nước ta là thành viên đòi hỏi Pháp lệnh hiện hành phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam và sự tương thích giữa pháp luật Việt Nam với pháp luật quốc tế về phòng, chống HIV/AIDS.
Bên cạnh đó, tình hình nhiễm HIV/AIDS ở Việt Nam hiện nay vẫn đang trong giai đoạn tập trung và có chiều hướng lan ra cộng đồng, tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS vẫn ở mức độ cao. Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS, giảm tần xuất lây nhiễm HIV/AIDS, thực hiện tốt các cam kết chính trị của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về phòng, chống HIV/AIDS, do đó, việc ban hành Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) (sau đây gọi tắt là Luật phòng, chống HIV/AIDS) nhằm thay thế Pháp lệnh năm 1995 là hết sức cần thiết và cấp bách, làm nền tảng pháp lý quan trọng cho việc phòng ngừa và kiểm soát HIV/AIDS có hiệu quả ở Việt Nam, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới.
II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO VIỆC XÂY DỰNG LUẬT
Quá trình xây dựng Luật phòng, chống HIV/AIDS được thực hiện dựa trên những quan điểm chỉ đạo sau đây:
1. Dự án Luật phải thể chế hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về công tác phòng, chống HIV/AIDS. HIV/AIDS là đại dịch nguy hiểm, là mối hiểm họa đối với sức khỏe, tính mạng của con người và tương lai nòi giống của dân tộc. HIV/AIDS tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế, văn hóa, trật tự và an toàn xã hội của đất nước. Do đó, pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS phải được coi là một trong những công cụ chủ yếu, quan trọng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
2. Dự án Luật phải thể hiện việc tôn trọng quyền con người, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, bảo đảm bí mật riêng tư, quyền và lợi ích hợp pháp đối với nhóm yếu thế; vấn đề giới và bình đẳng giới; tăng cường trách nhiệm của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV và của người nhiễm HIV với gia đình, xã hội; tăng cường phối hợp liên ngành và đẩy mạnh việc huy động toàn xã hội tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS.
3. Đầu tư của Nhà nước cho phòng, chống HIV/AIDS phải phù hợp với khả năng và điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong từng giai đoạn. Huy động các nguồn lực của xã hội cho phòng, chống HIV/AIDS nhằm góp phần tạo ra sự phát triển bền vững của đất nước mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội trực tiếp và gián tiếp.
4. Dự án Luật phải bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật Việt Nam, kế thừa các quy định hiện hành đã và đang phát huy có hiệu quả trong thực tiễn, tính khả thi và phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội ở Việt Nam; bảo đảm phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế về phòng, chống HIV/AIDS trên cơ sở tham khảo pháp luật của một số nước trên thế giới, đặc biệt là các nước có cùng điều kiện kinh tế – xã hội, cùng hình thái dịch tễ học về HIV/AIDS và khuyến cáo của các tổ chức quốc tế.
III. BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA DỰ ÁN LUẬT
Luật phòng, chống HIV/AIDS gồm 6 chương và 50 điều, bao gồm các nội dung cơ bản sau:
1. Chương I – Những quy định chunggồm 8 điều (từ Điều 1 đến Điều 8) quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; các nguyên tắc phòng, chống HIV/AIDS; quyền và nghĩa vụ của người nhiễm HIV; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân và cá nhân trong phòng, chống HIV/AIDS; chính sách của Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS; cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS và những hành vi bị nghiêm cấm.
Điểm mới của Chương I là việc bổ sung các quy định về nguyên tắc và chính sách của Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS, các quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của người nhiễm HIV. Cụ thể như sau:
– Phạm vi điều chỉnh (Điều 1): So với Pháp lệnh năm 1995, Luật phòng, chống HIV/AIDS đã quy định rất cụ thể về phạm vi điều chỉnh của Luật, đó là các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS; việc chăm sóc, điều trị, hỗ trợ người nhiễm HIV và các điều kiện bảo đảm thực hiện biện pháp phòng, chống HIV/AIDS. Nếu như biện pháp phòng, chống HIV/AIDS được quy định tại Pháp lệnh năm 1995 gần như chỉ tập trung vào các biện pháp chuyên môn kỹ thuật trong phòng, chống HIV thì trong Luật này các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS được thể hiện dưới góc độ đan xen, kết hợp giữa các biện pháp xã hội và các biện pháp về chuyên môn kỹ thuật y tế.
– Giải thích từ ngữ (Điều 2): Luật phòng, chống HIV/AIDS đã đưa ra các giải thích từ ngữ đầy đủ và phù hợp với các nội dung có liên quan trong Luật. Trong đó đặc biệt đáng lưu ý là việc giải thích các thuật ngữ “Kỳ thị người nhiễm HIV”, “Phân biệt đối xử với người nhiễm HIV”, “Can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV”. Cụ thể như sau:
“…
4. Kỳ thị người nhiễm HIV là thái độ khinh thường hay thiếu tôn trọng người khác vì biết hoặc nghi ngờ người đó nhiễm HIV hoặc vì người đó có quan hệ gần gũi với người nhiễm HIV hoặc bị nghi ngờ nhiễm HIV.
5. Phân biệt đối xử với người nhiễm HIV là hành vi xa lánh, từ chối, tách biệt, ngược đãi, phỉ báng, có thành kiến hoặc hạn chế quyền của người khác vì biết hoặc nghi ngờ người đó nhiễm HIV hoặc vì người đó có quan hệ gần gũi với người nhiễm HIV hoặc bị nghi ngờ nhiễm HIV.
…
15. Các biện phápcan thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV bao gồm tuyên truyền, vận động, khuyến khích sử dụng bao cao su, bơm kim tiêm sạch, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế và các biện pháp can thiệp giảm tác hại khác nhằm tạo điều kiện cho việc thực hiện các hành vi an toàn để phòng ngừa lây nhiễm HIV.”
So với Pháp lệnh năm 1995 thì đây là các quy định hoàn toàn mới. Các giải thích này đã tạo cách hiểu thống nhất, tránh tình trạng dẫn đến những mâu thuẫn và bất cập trong cách hiểu.
– Nguyên tắc phòng, chống HIV/AIDS (Điều 3): Luật đã quy định bốn nguyên tắc cơ bản đó là:
1. Kết hợp các biện pháp xã hội và biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế trong phòng, chống HIV/AIDS trên nguyên tắc lấy phòng ngừa là chính, trong đó thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm thay đổi hành vi là biện pháp chủ yếu.
2. Thực hiện việc phối hợp liên ngành và huy động xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS; lồng ghép các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong các chương trình phát triển kinh tế – xã hội.
3. Kết hợp chặt chẽ phòng, chống HIV/AIDS với phòng, chống ma tuý, mại dâm, chú trọng triển khai các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV.
4. Không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và thành viên gia đình họ; tạo điều kiện để người nhiễm HIV và thành viên gia đình họ tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt là các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Các nguyên tắc này đã thể hiện rõ quan điểm tôn trọng quyền con người, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, bảo đảm bí mật riêng tư, quyền và lợi ích hợp pháp của người nhiễm HIV; tăng cường trách nhiệm của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV và của người nhiễm HIV với gia đình, xã hội; tăng cường phối hợp liên ngành và đẩy mạnh việc huy động toàn xã hội tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS,
– Quyền và nghĩa vụ của người nhiễm HIV (Điều 4): Về cơ bản, người nhiễm HIV có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của một công dân theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do tình trạng kỳ thị, phân biệt đối với người nhiễm HIV còn khá phổ biến nên Luật đã đưa ra các quy định nhằm nhấn mạnh các quyền mà người nhiễm HIV hay bị xâm phạm, đó là: Quyền được sống hòa nhập với cộng đồng và xã hội; quyền được điều trị và chăm sóc sức khỏe; quyền được học văn hóa, học nghề và học việc; quyền được giữ bí mật liên quan đến HIV/AIDS và đặc biệt là quyền được từ chối khám bệnh, chữa bệnh khi đang điều trị bệnh AIDS trong giai đoạn cuối,đây là một quy định thể hiện tính nhân đạo được xuất phát từ đòi hỏi của chính những người nhiễm HIV.
Bên cạnh các quyền, Luật cũng quy định rất cụ thể nghĩa vụ của người nhiễm HIV. Nhằm hạn chế sự lây lan của HIV ra cộng đồng, ngoài các nghĩa vụ của một công dân bình thường được Hiến pháp năm 1992 quy định, Luật đã quy định người nhiễm HIV có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm HIV sang người khác; thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho vợ, chồng hoặc cho người chuẩn bị kết hôn với mình biết và thực hiện các quy định về điều trị bằng thuốc kháng HIV.
– Chính sách của Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS (Điều 6): Luật đã quy định một số chính sách quan trọng như hỗ trợ sản xuất thuốc kháng HIV trong nước; thực hiện các biện pháp giảm giá thuốc kháng HIV; khuyến khích doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị vũ trang nhân dân tổ chức đào tạo và tuyển dụng người nhiễm HIV và thành viên gia đình họ; huy động sự tham gia của toàn xã hội, sự đóng góp về tài chính, kỹ thuật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong phòng, chống HIV/AIDS… Các quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phòng, chống HIV, đồng thời hạn chế đến mức tối đa sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, tạo điều kiện cho người nhiễm HIV hòa nhập với cộng đồng.
2. Chương II – Các biện pháp xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS gồm 15 điều (từ Điều 9 đến Điều 23) được chia thành ba mục:
a) Mục 1 – Thông tin – giáo dục – truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS (từ Điều 9 đến Điều 12)bao gồm các quy địnhvề mục đích, yêu cầu, nội dung, đối tượng tiếp cận của thông tin – giáo dục – truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS và trách nhiệm thực hiện thông tin – giáo dục – truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS.
b) Mục 2 – Huy động gia đình, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống HIV/AIDS (từ Điều 13 đến Điều 20) bao gồm các quy định về phòng, chống HIV tại gia đình, nơi làm việc, trong cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, trong các nhóm người di biến động, trong cộng đồng dân cư, trong cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam; quy định về sự tham gia của các tổ chức xã hội (như tổ chức tôn giáo, tổ chức phi chính phủ) và người nhiễm HIV trong phòng, chống HIV/AIDS.
c) Mục 3 – Các biện pháp xã hội khác trong phòng, chống HIV/AIDS (từ Điều 21 đến Điều 23) bao gồm các quy định về các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV; tư vấn về HIV/AIDS và việc lồng ghép chương trình phòng, chống HIV/AIDS với các chương trình phát triển kinh tế – xã hội khác.
Đây là nội dung mới, được xây dựng trên cơ sở kế thừa những quy định đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn và quy định chi tiết thêm về thông tin, giáo dục, truyền thông trong phòng, chống HIV/AIDS của Pháp lệnh năm 1995, đồng thời bổ sung quy định mới về huy động gia đình, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống HIV/AIDS và các biện pháp xã hội khác, đặc biệt là biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV. Cụ thể như sau:
– Thông tin, giáo dục, truyền thông (Mục 1): So với Pháp lệnh năm 1995, Luật đã quy định cụ thể hơn về mục đích, yêu cầu, nội dung, đối tượng và trách nhiệm thực hiện thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS, trong đó đáng lưu ý là việc thực hiện thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS được miễn phí, trừ trường hợp thực hiện theo hợp đồng với Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS hoặc do tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài tài trợ.
– Huy động gia đình, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống HIV/AIDS (Mục 2): Đây là nội dung thể hiện rõ nét nhất về các biện pháp xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS với việc đưa ra các quy định cụ thể về trách nhiệm của gia đình, người sử dụng lao động, cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, Ủy ban nhân cấp xã và của cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS. Một điểm mới đáng lưu ý nữa là việc Luật đã quy định cụ thể về phòng, chống HIV/AIDS trong nhóm người di biến động. Quy định này xuất phát từ đặc điểm của nhóm người di biến động là thường xuyên sống xa gia đình, thay đổi chỗ ở và nơi làm việc, bên cạnh đó, hầu hết người di biến động ở Việt Nam là người có thu nhập thấp, di chuyển từ nông thôn ra thành thị để kiếm việc làm, thiếu kiến thức về chăm sóc sức khỏe nói chung và phòng, chống HIV/AIDS nói riêng nên rất dễ bị nhiễm HIV. Chính vì vậy, Luật đã quy định rất cụ thể trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp xã; chủ, người quản lý điều hành cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, bến bãi đậu xe, đậu tàu, thuyền, cơ sở kinh doanh du lịch hoặc dịch vụ văn hóa, xã hội, người đứng đầu cơ quan kiểm dịch y tế tại cửa khẩu và cơ quan, tổ chức có hoạt động đưa người Việt Nam đi lao động, học tập ở nước ngoài trong việc cung cấp thông tin về phòng, chống HIV/AIDS cho nhóm đối tượng này.
– Các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV (Điều 21): Đây là một trong những điểm nổi bật và tiến bộ nhất của Luật phòng, chống HIV/AIDS so với Pháp lệnh năm 1995. Với việc quy định ngay trong Luật các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV đã thể hiện cam kết, quyết tâm mạnh mẽ của Nhà nước ta trong việc hạn chế sự gia tăng của đại dịch HIV/AIDS, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới. Đồng thời, với việc đưa quy định này vào Luật, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên có quy định về các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV trong số hơn 30 quốc gia có luật về phòng, chống HIV/AIDS.
3. Chương III – Các biện pháp về chuyên môn kỹ thuật y tế trong phòng, chống HIV/AIDS gồm 14 điều (từ Điều 24 đến Điều 37) được chia thành ba mục:
a) Mục 1 – Giám sát dịch tễ học HIV/AIDS (Điều 24 và Điều 25) bao gồm các quy định về giám sát dịch tễ học HIV/AIDS và giám sát trọng điểm HIV.
b) Mục 2- Tư vấn và xét nghiệm (từ Điều 26 đến Điều 30) bao gồm các quy định về tư vấn trước và sau khi xét nghiệm HIV; xét nghiệm HIV tự nguyện; xét nghiệm HIV bắt buộc; quy định về cơ sở xét nghiệm đủ điều kiện khẳng định các trường hợp HIV dương tính và quy định về thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính.
c) Mục 3 – Các biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế khác trong phòng, chống HIV/AIDS (từ Điều 31 đến Điều 37) bao gồm các quy định về an toàn truyền máu; phòng, chống lây nhiễm HIV trong các cơ sở y tế, cơ sở dịch vụ xã hội; phòng, chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục có liên quan đến HIV; phòng, chống lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; dự phòng sau phơi nhiễm với HIV; nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vắc xin, sinh phẩm và thuốc điều trị HIV/AIDS.
Điểm mới của Chương III là các biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế trong phòng, chống HIV/AIDS trong Chương này đã được quy định toàn diện hơn so với Pháp lệnh năm 1995 với việc đưa ra các quy định chuyên môn cụ thể như giám sát dịch tễ học, tư vấn xét nghiệm, an toàn truyền máu; phòng, chống lây nhiễm HIV trong các dịch vụ y tế, cơ sở dịch vụ xã hội; phòng, chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục có liên quan đến HIV; phòng, chống lây nhiễm HIV từ mẹ sang con… Cụ thể như sau:
– Tư vấn về HIV/AIDS (Điều 22 và Điều 26): So với Pháp lệnh năm 1995 thì đây là một quy định hoàn toàn mới, bao gồm các quy định về tư vấn chung về HIV/AIDS (Điều 22) và tư vấn sâu về HIV/AIDS trước và sau khi xét nghiệm HIV (Điều 26). Tuy nhiên, để tránh các ảnh hưởng không mong muốn của tư vấn về HIV/AIDS đối với người được tư vấn, Luật đã quy định cụ thể về điều kiện của người thực hiện việc tư vấn trước và sau khi xét nghiệm HIV, đồng thời giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể về điều kiện thành lập và nội dung hoạt động của tổ chức tư vấn về phòng, chống HIV/AIDS.
– Xét nghiệm HIV bắt buộc (Điều 28): Trước tình trạng xét nghiệm HIV bắt buộc diễn ra khá phổ biến hiện nay, để bảo đảm các quyền của công dân trong khám bệnh, chữa bệnh, Luật đã quy định việc xét nghiệm HIV chỉ được thực hiện trong trường hợp có trưng cầu giám định tư pháp hoặc quyết định của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân hoặc Toà án nhân dân hoặc trong một số trường hợp cần thiết để chẩn đoán và điều trị cho người bệnh hoặc trước khi tuyển dụng đối với một số nghề do Chính phủ quy định.
– Cơ sở xét nghiệm HIV đủ điều kiện khẳng định các trường hợp HIV (Điều 29): Nhằm hạn chế tình trạng xét nghiệm HIV tràn lan đã dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc như vụ án thông báo sai kết quả xét nghiệm HIV ở Hoành Bồ – Quảng Ninh, Luật đã quy định chỉ các cơ sở xét nghiệm HIV đã được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện khẳng định các trường hợp HIV dương tính mới được quyền khẳng định các trường hợp HIV dương tính và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả đó.
– Thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính (Điều 30): Nếu Pháp lệnh năm 1995 quy định rất chung về người được quyền thông báo và đối tượng được thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính thì để bảo đảm việc bí mật riêng tư đối với người nhiễm HIV; Luật phòng, chống HIV HIV/AIDS đã quy định rất cụ thể về đối tượng được quyền thông báo, nhận thống báo về kết quả xét nghiệm HIV dương tính, đồng thời cũng quy định trách nhiệm của các đối tượng này trong việc giữ bí mật kết quả xét nghiệm HIV dương tính.
4. Chương IV – Điều trị, chăm sócvà hỗ trợ người nhiễm HIV gồm 5 điều (từ Điều 38 đến Điều 42) quy định vềtrách nhiệm trong việc điều trị người nhiễm HIV; tiếp cận thuốc kháng HIV; bảo hiểm y tế đối với người nhiễm HIV; chăm sóc người nhiễm HIV và áp dụng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, xử lý vi phạm hành chính đối với người bị xử lý hình sự, hành chính mà bị bệnh AIDS giai đoạn cuối.
Chương này là Chương mới, được xây dựng trên cơ sở kế thừa những quy định đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn và quy định chi tiết thêm quy định về điều trị người nhiễm HIV, bổ sung quy định hoàn toàn mới về chăm sóc người nhiễm HIV; tiếp cận thuốc kháng HIV; tạm hoãn hoặc miễn hoặc giảm thời hạn chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính, chấp hành hình phạt tù đối với người bị bệnh AIDS giai đoạn cuối và bảo hiểm y tế đối với người nhiễm HIV. Cụ thể như sau:
– Tiếp cận thuốc kháng HIV (Điều 39): Trước nhu cầu rất lớn về thuốc kháng HIV trong khi Nhà nước ta chưa đủ khả năng về ngân sách để đáp ứng đủ nhu cầu này, Luật đã quy định cụ thể về các đối tượng được Nhà nước bảo đảm sử dụng thuốc kháng HIV miễn phí, đối tượng được ưu tiên cấp thuốc kháng HIV miễn phí:
2. Người bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp, người bị nhiễm HIV do rủi ro của kỹ thuật y tế, phụ nữ nhiễm HIV trong thời kỳ mang thai, trẻ em dưới 6 tuổi nhiễm HIV được Nhà nước cấp miễn phí thuốc kháng HIV.
3. Thuốc kháng HIV do ngân sách nhà nước chi trả, thuốc do tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tài trợ được cấp miễn phí cho người nhiễm HIV tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS theo thứ tự ưu tiên sau đây:
a) Trẻ em từ đủ 6 tuổi đến dưới 16 tuổi nhiễm HIV;
b) Người nhiễm HIV tích cực tham gia phòng, chống HIV/AIDS;
c) Người nhiễm HIV có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn;
d) Những người khác nhiễm HIV.
– Bảo hiểm y tế đối với người nhiễm HIV (Điều 40): Luật đã quy định người đang tham gia bảo hiểm y tế bị nhiễm HIV được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả các chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Đây cũng là một điểm đặc biệt mới so với Pháp lệnh năm 1995, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước ta đối với người nhiễm HIV, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người nhiễm HIV, đồng thời là quy định thể hiện rõ nét quan điểm chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV.
– Chăm sóc người nhiễm HIV (Điều 41): Nếu như Pháp lệnh năm 1995 chỉ dừng lại ở việc quy định “Người bị nhiễm HIV/AIDS mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội thuộc chuyên khoa nào được cứu chữa tại chuyên khoa đó hoặc tại chuyên khoa riêng”, chưa đề cập đến việc chăm sóc người nhiễm HIV thì Luật phòng, chống HIV/AIDS đã quy định cụ thể trách nhiệm của gia đình, cơ sở y tế, cơ sở bảo trợ xã hội trong việc chăm sóc người nhiễm HIV. Trong hợp người nhiễm HIV là trẻ em bị bỏ rơi hoặc là người không nơi nương tựa, không còn khả năng lao động được chăm sóc, nuôi dưỡng miễn phí tại cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước.
– Áp dụng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, xử lý vi phạm hành chính đối với người bị xử lý hình sự, hành chính mà bị bệnh AIDS giai đoạn cuối (Điều 42): Đây là một quy định thể hiện bản chất nhân đạo của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, theo đó, nếu:
1. Người đang bị điều tra, truy tố, xét xử mà bị bệnh AIDS giai đoạn cuối được tạm đình chỉ điều tra hoặc tạm đình chỉ vụ án theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
2. Người bị Toà án kết án mà bị bệnh AIDS giai đoạn cuối được miễn chấp hành hình phạt hoặc giảm thời hạn chấp hành hình phạt, được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù theo quy định của pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự, thi hành án phạt tù.
3. Người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng bị bệnh AIDS giai đoạn cuối được hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng; hoãn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
5. Chương V – Các điều kiện bảo đảm trong việc thực hiện biện pháp phòng, chống HIV/AIDS gồm 6 điều (từ Điều 43 đến Điều 48) bao gồm các quy định về nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV; các chế độ, chính sách đối với người trực tiếp làm xét nghiệm HIV, quản lý, chăm sóc và điều trị người nhiễm HIV; chế độ đối với người bị phơi nhiễm với HIV, người nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp; đào tạo đội ngũ những người làm công tác phòng, chống HIV/AIDS và hợp tác quốc tế trong phòng, chống HIV/AIDS.
Chương này là Chương mới quy định về nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, các chế độ, chính sách đối với cán bộ trực tiếp quản lý, chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV, hợp tác quốc tế… đặc biệt là chế độ đối với người bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp. Theo đó, người nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp được khám, chữa các bệnh nhiễm trùng cơ hội, được cấp thuốc kháng HIV miễn phí và được hưởng các chế độ khác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Luật phòng, chống HIV/AIDS được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 29/6/2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007 là một sự kiện quan trọng thể hiện được quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về phòng, chống HIV/AIDS, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trong giai đoạn tới, góp phần tích cực vào việc thực hiện thành công sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Để Luật được thực hiện tốt trong cuộc sống, trước mắt cần tập trung vào một số công việc:
– Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật phòng, chống HIV/AIDS.
– Xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Luật phòng, chống HIV/AIDS.
– Rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS hiện hành để đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Luật phòng, chống HIV/AIDS.
BỘ TƯ PHÁP – VỤ PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT
BỘ Y TẾ – VỤ PHÁP CHẾ
(MLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)