Dự thảo Luật Trọng tài thương mại được trình lên Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII (tháng 10/2009). Tại phiên họp ngày 17 tháng 6 năm 2010 của kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XII, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã nhất trí biểu quyết thông qua Dự án Luật Trọng tài thương mại và đã được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam công bố tại Lệnh số 12/2010/L-CTN ngày 29 tháng 6 năm 2010.

I. Sự cần thiết phải ban hành Luật Trọng tài Thương mại

Vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 ở nước ta đã có các tòa án thương mại và các quy tắc trọng tài trong luật tố tụng dân sự. Tuy nhiên, do nhiều lý do và hoàn cảnh khác nhau, trọng tài chưa được biết đến và sử dụng một cách phổ biến.

Năm 1963 và 1964 ở miền Bắc nước ta đã thành lập Hội đồng Trọng tài Ngoại thương và Hội đồng Trọng tài Hàng hải. Vào những năm 70 của thế kỷ trước, một hệ thống các trọng tài kinh tế từ huyện, tỉnh đến Trung ương đã được thành lập để giải quyết tranh chấp giữa các xí nghiệp quốc doanh, các hợp tác xã. Nhưng lúc bấy giờ, các trọng tài kinh tế thực chất là những cơ quan hành chính nhà nước có chức năng giải quyết tranh chấp giữa các xí nghiệp nhà nước mà chưa thực hiện được vai trò trọng tài như tên gọi của chúng. Trong khi đó Toà án nhân dân không có thẩm quyền giải quyết các loại tranh chấp này mà chỉ có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp dân sự giữa các cá nhân với nhau, chủ yếu là các vấn đề hôn nhân và gia đình hoặc tranh chấp liên quan đến hàng hoá có mục đích để sử dụng cá nhân và tiêu dùng. Từ năm 1998, hệ thống Trọng tài kinh tế đã giải thể. Việc giải quyết các tranh chấp kinh tế từ đó đã được thực hiện bằng hai con đường: Toà kinh tế thuộc hệ thống Toà án nhân dân và các Trung tâm trọng tài kinh tế. Để bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động của các Trung tâm Trọng tài thương mại thay cho hoạt động của các Trọng tài kinh tế, ngày 25 tháng 02 năm 2003 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Trọng tài thương mại, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2003.

Pháp lệnh về cơ bản phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế trong việc điều chỉnh các vấn đề chủ yếu của Trọng tài như quy định về hiệu lực của thoả thuận trọng tài, điều kiện trở thành Trọng tài viên, quy định về trọng tài vụ việc, mở rộng thẩm quyền chọn trọng tài viên, ghi nhận mối quan hệ giữa Trọng tài và Toà án bằng một loạt các quy định cụ thể như hỗ trợ thi hành thỏa thuận trọng tài, chỉ định Trọng tài viên, giải quyết khiếu nại về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, giải quyết yêu cầu huỷ quyết định trọng tài, lưu trữ hồ sơ trọng tài v.v…

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu việt nói trên, qua 06 năm thực hiện, Pháp lệnh Trọng tài thương mại đã bộc lộ không ít những hạn chế và bất cập, cần được khắc phục bằng việc ban hành một đạo luật mới về trọng tài thương mại – Luật Trọng tài thương mại để thay thế Pháp lệnh Trọng tài thương mại 2003 trên cơ sở kế thừa những chế định tiến bộ, phù hợp với Pháp lệnh kết hợp với những quy định mới, hoàn chỉnh hơn.

Những hạn chế và bất cập của Pháp lệnh cần được giải quyết và hoàn thiện bao gồm:

Phạm vi thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài; chủ thể của các tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài; giá trị pháp lý của thỏa thuận trọng tài về mặt nội dung và hình thức; việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; việc triệu tập nhân chứng; vấn đề xem xét thỏa thuận trọng tài, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài; việc hủy quyết định trọng tài, vấn đề địa điểm tiến hành trọng tài; cách tính thời hiệu khởi kiện v.v…

Nhìn một cách tổng quát, mặc dù đã có những quy định khá tiến bộ so với trước đây, Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003 vẫn chưa đủ khả năng tạo ra những cơ sở pháp lý thực hiện chủ trương của Nhà nước ta khuyến khích các bên sử dụng Trọng tài trong giải quyết các tranh chấp thương mại và các tranh chấp khác.

 >>  Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:   1900.0191

II. Mục đích, quan điểm và các nguyên tắc xây dựng Luật Trọng tài thương mại

1. Mục đích quan trọng của việc xây dựng Luật Trọng tài thương mại là thể chế hoá kịp thời và đầy đủ đường lối, chính sách của Đảng về xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo đó, Luật này ghi nhận chủ trương mở rộng các hình thức giải quyết trong tranh chấp trong các hoạt động kinh doanh, thương mại và một số các quan hệ dân sự khác, khuyến khích các bên tranh chấp sử dụng hình thức Trọng tài.

Chủ trương khuyến khích sử dụng Trọng tài trong việc giải quyết các tranh chấp giữa các bên trước hết xuất phát từ nhu cầu của các chủ thể kinh doanh, các thể nhân và pháp nhân dân sự muốn giải quyết vụ việc của mình một cách thuận lợi, nhanh chóng và có hiệu quả.

Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài góp phần làm giảm tải hoạt động xét xử của Toà án ở nước ta hiện nay. Theo thống kê của các cơ quan tư pháp, tại Toà kinh tế Toà án nhân dân thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2005 đến nay, năm nào số lượng vụ việc năm sau cũng tăng gấp đôi năm trước. Tình hình đó ảnh hưởng đến chất lượng xét xử, gây áp lực cao đối với các thẩm phán, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các doanh nghiệp về mức độ an toàn pháp lý trong hoạt động kinh doanh, thương mại.

2. Quan điểm chỉ đạo của việc xây dựng Luật Trọng tài là: Trên cơ sở nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn áp dụng Pháp lệnh Trọng tài thương mại, kế thừa và phát triển các quy định phù hợp đã đi vào cuộc sống, Luật Trọng tài thương mại phải tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và thuận lợi cho việc lựa chọn Trọng tài để giải quyết các tranh chấp.

3. Việc xây dựng Luật Trọng tài thương mại dựa trên các nguyên tắc sau đây:

Thứ nhất, Luật Trọng tài thương mại phải phù hợp và đáp ứng được nhu cầu thực tiễn hoạt động kinh doanh và thực tiễn giải quyết tranh chấp hiện nay và dự báo trong thời gian tới khi nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta ngày càng đi vào chiều sâu và bề rộng của nó.

Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiện cả nước có hơn 300.000 doanh nghiệp, đặc biệt số các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày càng gia tăng và đóng góp vai trò ngày càng quan trọng vào đời sống kinh tế của đất nước. Theo đó, số các vụ việc tranh chấp sẽ ngày càng nhiều hơn, nhu cầu giải quyết các tranh chấp linh hoạt, nhanh chóng được đặt ra ngày càng bức xúc hơn.

Thứ hai, Luật Trọng tài thương mại phải đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của hội nhập kinh tế quốc tế.

Phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Luật Trọng tài thương mại phải được đặt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm sự phù hợp với các Điều ước quốc tế về thương mại mà Việt Nam là thành viên, trước hết là đảm bảo thực thi các cam kết mở cửa thị trường dịch vụ, trong đó có dịch vụ về Trọng tài. Quá trình soạn thảo Luật Trọng tài thương mại đã chú trọng tham khảo và tiếp nhận các quy định của Luật Mẫu về Trọng tài thương mại quốc tế của Uỷ ban Liên Hợp Quốc về Luật Thưong mại Quốc tế (UNCITRAL) ban hành ngày 21 tháng 6 năm 1985, bổ sung, sửa đổi ngày 07 tháng 7 năm 2006. Luật cũng đã tiếp thu những kinh nghiệm thành công của các nước có thị trường dịch vụ trọng tài phát triển như Anh, Mỹ, Hồng Kông, Singapore và cả những bài học về sự chưa thành công của một số nước như Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản. Sự tiếp thu Luật Mẫu sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nhân nước ngoài lựa chọn Trọng tài Việt Nam để giải quyết các tranh chấp của họ và từ đó tạo thêm một yếu tố hấp dẫn mới cho các hoạt động thương mại và đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Thứ ba, Luật Trọng tài thương mại cần đảm bảo hơn nữa quyền tự định đoạt của các bên trong việc lựa chọn các hình thức giải quyết tranh chấp. Về bản chất, Trọng tài là một quá trình đồng thuận trong đó cơ sở đầu tiên để xác định thẩm quyền của Trọng tài là thoả thuận trọng tài giữa các bên. Đây là một nguyên tắc quan trọng của Trọng tài, đảm bảo tối đa quyền tự định đoạt của các bên tranh chấp, đồng thời cũng chỉ rõ thêm tính chất tài phán  của hình thức giải quyết tranh chấp này. Cơ sở đồng thuận về Trọng tài tạo cho Trọng tài tiềm năng để trở thành phương thức giải quyết tranh chấp linh hoạt. Do đó, nguyên tắc cơ bản của lập pháp hiện đại đối với Trọng tài chính là quyền tự định đoạt của các bên. Quyền tự định đoạt của các bên cũng được coi là một trong các nguyên tắc cơ bản của Luật Mẫu UNCITRAL và của Luật Trọng tài nhiều nước trên thế giới. Do đó, các quy định về Trọng tài cần được xây dựng trên cơ sở cho phép các bên tranh chấp quyền được lựa chọn mô hình và loại hình giải quyết tranh chấp mà mình mong muốn, đồng thời đảm bảo tối đa quyền được lựa chọn trọng tài của các bên.

III. Những điểm mới của Luật Trọng tài thương mại so với Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003

3.1. Bố cục của Luật Trọng tài thương mại:

Luật Trọng tài Thương mại gồm 13 Chương, 82 Điều:

Chương I: Những quy định chung

Chương II:Thỏa thuận Trọng tài

Chương III: Trọng tài viên

Chương IV: Trung tâm Trọng tài

Chương V: Khởi kiện

Chương VI: Hội đồng Trọng tài

Chương VII: Biện pháp khẩn cấp tạm thời

Chương VIII: Phiên họp giải quyết tranh chấp

Chương IX: Phán quyết Trọng tài

Chương X: Thi hành phán quyết Trọng tài

Chương XI: Hủy phán quyết Trọng tài

Chương XII: Tổ chức và hoạt động của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam

Chương XIII: Điều khoản thi hành

Luật Trọng tài thương mại có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2011.Pháp lệnh Trọng tài thương mại số 03/2003/PL-UBTVQH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.Các thỏa thuận trọng tài được ký kết trước ngày Luật này có hiệu lực được thực hiện theo các quy định của pháp luật tại thời điểm ký thỏa thuận trọng tài.

3.2. Những điểm mới cơ bản của Luật Trọng tài thương mại thể hiện ở những nội dung sau đây:

3.2.1. Mở rộng thẩm quyền của Trọng tài

3.2.1.1. Về phạm vi thẩm quyền:

Theo quy định tại Điều 2 của Luật Trọng tài thương mại, Trọng tài có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp sau:

a. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại;

b. Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại;

c. Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.

Luật đã khắc phục những hạn chế của Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003, khắc phục việc phân định không rõ ràng phạm vi thẩm quyền của Trọng tài đối với các tranh chấp thương mại, trên cơ sở đó bảo đảm sự tương thích giữa các văn bản pháp luật hiện hành như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật thương mại, Luật Đầu tư và các luật chuyên ngành.

Như vậy, ngoài việc có thẩm quyền đối với các tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại, Luật còn để mở khả năng trọng tài có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp không phát sinh từ hoạt động thương mại nhưng được pháp luật có liên quan quy định sẽ được giải quyết bằng trọng tài.

3.2.1.2. Về chủ thể tranh chấp:

Luật không có giới hạn về phạm vi chủ thể tranh chấp. Tổ chức, cá nhân bất kỳ đều có thể thỏa thuận lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp miễn là lĩnh vực tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại. Trong khi đó, theo Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003, chỉ có tổ chức kinh doanh hoặc cá nhân kinh doanh mới có quyền lựa chọn trọng tài.

Thực tiễn áp dụng cho thấy, việc giới hạn phạm vi chủ thể tranh chấp chỉ bao gồm “tổ chức kinh doanh” và “cá nhân kinh doanh” khiến các bên tranh chấp và các trung tâm trọng tài gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Thứ nhất, về thuật ngữ “cá nhân kinh doanh”. Do Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh không giải thích thế nào là “cá nhân kinh doanh” nên có nhiều cách hiểu khác nhau về thuật ngữ này. Có quan điểm cho rằng, bất kỳ một cá nhân nào bỏ vốn ra để đầu tư, kinh doanh không phân biệt phạm vi và quy mô kinh doanh đều được gọi là cá nhân kinh doanh. Tuy nhiên, quan điểm khác lại cho rằng để được gọi là “cá nhân kinh doanh” thì cá nhân đó phải có đăng ký kinh doanh.

Thứ hai, về thuật ngữ “tổ chức kinh doanh”. Trong thực tế, có rất nhiều tổ chức không phải là tổ chức kinh doanh như các ban quản lý dự án, cơ quan hành chính sự nghiệp tham gia đấu thầu hoặc giao kết các hợp đồng, kể cả các hợp đồng mua sắm chính phủ, trong đó sử dụng trọng tài theo khuyến nghị của các nhà tài trợ, định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á v.v…. và trên thế giới các chủ thể này hoàn toàn có quyền lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp, tuy nhiên tại Việt Nam lại không được phép lựa chọn trọng tài vì không phải là tổ chức, cá nhân kinh doanh. Ngoài ra, với sự xuất hiện của Luật Đầu tư năm 2005[1] trong đó xác định trọng tài có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp mà một bên chủ thể là cơ quan quản lý Nhà nước nên quy định của Pháp lệnh trọng tài năm 2003 đã không còn phù hợp nữa.

Những điểm bất cập trên đã khiến các trung tâm trọng tài phải từ chối giải quyết nhiều vụ tranh chấp do các bên tranh chấp không phải là tổ chức kinh doanh hoặc cá nhân kinh doanh. Tuy nhiên, Luật Trọng tài thương mại đã dỡ bỏ những hạn chế và bất cập trên. Với việc mở rộng thẩm quyền của trọng tài, số vụ tranh chấp đưa ra trọng tài sẽ nhiều hơn trong thời gian tới.

3.2.2. Khắc phục sự không rõ ràng của Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003 về các trường hợp thoả thuận trọng tài. Điều 18 của Luật giới hạn 06 tình huống thoả thuận trọng tài bị coi là vô hiệu gồm:

1. Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài theo quy định tại Điều 2 của Luật này.

2. Người xác lập thoả thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

3. Người xác lập thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự.

4. Hình thức của thoả thuận trọng tài không phù hợp với quy định tại Điều 16 của Luật này.

5. Một trong các bên bị lừa dối, bị đe doạ, bị cưỡng ép trong quá trình xác lập thoả thuận trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thoả thuận trọng tài đó là vô hiệu.

6. Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật.

Đặc biệt Luật đã bỏ quy định về việc thỏa thuận trọng tài vô hiệu khi không chỉ rõ tên tổ chức trọng tài có thẩm quyền giải quyết. Ngoài ra, để giải quyết vấn đề thỏa thuận trọng tài không rõ ràng, Luật cho phép các bên có quyền thỏa thuận lại. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì bên khởi kiện (Nguyên đơn) có quyền được tự do lựa chọn tổ chức trọng tài mà mình cho là phù hợp để khởi kiện nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình (Điều 43 khoản 5). Với quy định này sẽ ngăn chặn và giảm bớt tình trạng thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu hoặc tình trạng không có cơ quan nào giải quyết tranh chấp.

3.2.3.Lần đầu tiên Luật có quy định về tranh chấp liên quan đến một bên là người tiêu dùng. Theo Luật Trọng tài thương mại (Điều 17), đối với các tranh chấp giữa nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng, dù điều khoản trọng tài đã được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn thỏa thuận trọng tài thì người tiêu dùng vẫn được quyền lựa chọn Trọng tài hoặc Tòa án để giải quyết tranh chấp. Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ chỉ được quyền khởi kiện tại Trọng tài nếu được người tiêu dùng chấp thuận. Quy định này dựa trên một thực tế là thông thường người tiêu dùng bị đặt ở một vị thế có nhiều nguy cơ bị lạm dụng bởi các điều kiện và điều khoản trong hợp đồng in sẵn của người bán hàng hoặc người cung cấp dịch vụ, do vậy cần có quy định bảo vệ họ trong các tình huống cần thiết.

3.2.4. Kế thừa Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003, Luật Trọng tài thương mại vẫn có các quy định về tiêu chuẩn tối thiểu đối với Trọng tài viên nhằm hình thành ở nước ta một đội ngũ trọng tài viên nòng cốt có năng lực, có tính chuyên nghiệp, có chuyên môn và uy tín xã hội. Theo đó cá nhân có năng lực hành vi dân sự, có trình độ đại học trở lên và đã qua thực tế công tác từ năm năm trở lên có thể là Trọng tài viên (Điều 20 khoản 1 (a), 1(b). Đặc biệt, để tạo điều kiện cho các bên tranh chấp có thể lựa chọn Trọng tài viên phù hợp nhất để giải quyết vụ tranh chấp đòi hỏi chuyên môn sâu, Luật có quy định mở đó là trong trường hợp đặc biệt, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, tuy không đáp ứng được yêu cầu của 1 (a), 1(b), cũng có thể được chọn làm Trọng tài viên (Điều 20 khoản 3)

Khắc phục những hạn chế của Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003, Luật Trọng tài thương mại không yêu cầu Trọng tài viên phải có quốc tịch Việt Nam. Điều đó có nghĩa là người nước ngoài cũng có thể được chỉ định làm Trọng tài viên ở Việt Nam nếu các bên tranh chấp hoặc tổ chức trọng tài tín nhiệm họ. Quy định này đáp ứng nhu cầu thực tế trong giai đoạn Việt Nam tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.

3.2.5. Về trọng tài quy chế, so với Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003, Luật Trọng tài bổ sung một số nội dung dưới đây:

Thứ nhất, so với Pháp lệnh năm 2003, Luật Trọng tài thương mại đã đưa ra định nghĩa pháp lý về Trọng tài quy chế để thay cho khái niệm “Hội đồng trọng tài được thành lập tại Trung tâm trọng tài” do Pháp lệnh năm 2003 quy định. Theo đó, Trọng tài quy chế là hình thức trọng tài được tiến hành tại Trung tâm trọng tài và theo quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài.

Thứ hai, Luật cho phép các Trung tâm trọng tài được ban hành quy tắc tố tụng trọng tài phù hợp với đặc thù của mỗi trung tâm để tăng thêm tính hấp dẫn đối với các bên tranh chấp. Chỉ khi nào các bên không có thỏa thuận hoặc Quy tắc tố tụng trọng tài của trung tâm trọng tài không có quy định khác, lúc đó Luật mới đưa ra quy định hướng dẫn.

Thứ ba, Luật cho phép các tổ chức trọng tài nước ngoài được mở chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

3.2.6. Luật đã nâng vị thế của Trọng tài một cách đáng kể thông qua việc cho phép Hội đồng trọng tài được thu thập chứng cứ (Điều 47), triệu tập nhân chứng (Điều 48), áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (Điều 50). Điều này sẽ giúp cho tố tụng trọng tài vận hành có hiệu quả hơn. Ở đây, Luật đã tiếp thu quy định của Luật mẫu UNCITRAL được thông qua năm 2006.

3.2.7Luật đã hạn chế nguy cơ phán quyết của Trọng tài bị Tòa án tuyên hủy bởi quy định không phù hợp của Pháp lệnh năm 2003 như quy định về quyền của một bên được gửi đơn lên Toà án yêu cầu huỷ quyết định trọng tài nếu “không đồng ý với quyết định trọng tài”, bởi vì các quy định này của Pháp lệnh đã làm cho tố tụng trọng tài trở nên rất rủi ro và làm mất đi tính chung thẩm của phán quyết trọng tài.

Về căn cứ hủy phán quyết trọng tài, Luật quy định các căn cứ rõ ràng, cụ thể, phù hợp với Luật Mẫu UNCITRAL, xóa bỏ một số căn cứ hủy phán quyết trọng tài không rõ ràng được quy định trong Điều 54 khoản 5 Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003 đó là căn cứ: “Bên yêu cầu chứng minh được trong quá trình giải quyết vụ tranh chấp có Trọng tài viên vi phạm nghĩa vụ của Trọng tài viên quy định tại khoản 2 Điều 13[2] của Pháp lệnh này”. Trên thực tế những tiêu chí “vô tư”, “khách quan” không được quy định rõ ràng nên rất dễ bị lạm dụng để yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.

Theo Điều 68 Luật Trọng tài thương mại, các căn cứ hủy phán quyết trọng tài gồm:

1. Tòa án xem xét việc hủy phán quyết trọng tài khi có đơn yêu cầu của một bên.

2. Phán quyết trọng tài bị hủy nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Không có thoả thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu;

b) Thành phần Hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thoả thuận của các bên hoặc trái với các quy định của Luật này;

c) Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài; trường hợp phán quyết trọng tài có nội dung không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thì nội dung đó bị huỷ;

d) Chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo; Trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài;

đ) Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Điểm khác biệt so với Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003 là Luật đã phân chia nghĩa vụ chứng minh về căn cứ hủy thành 2 trường hợp. Đối với các căn cứ tại khoản a, b, c, d bên yêu cầu hủy có nghĩa vụ chứng minh. Đối với yêu cầu hủy phán quyết trọng tài quy định tại điểm đ, Tòa án có trách nhiệm chủ động xác minh thu thập chứng cứ để quyết định hủy hay không hủy phán quyết trọng tài.

3.2.8. Một trong những quy định mới của Luật Trọng tài thương mại là đã tiếp thu một nguyên tắc cấm hành vi mâu thuẫn trong tố tụng là nguyên tắc rất quan trọng đã hình thành lâu đời trong pháp luật tố tụng của các nước phát triển. Quy định mới của Luật (Điều 13), theo đó một bên phát hiện có vi phạm quy định của Luật này hoặc của thỏa thuận trọng tài mà vẫn tiếp tục thực hiện tố tụng trọng tài và không phản đối những vi phạm trong thời hạn do Luật này quy định thì mất quyền phản đối tại trọng tài hoặc Tòa án. Quy định này nhằm ngăn chặn một cách có hiệu quả các hành vi cơ hội trong tố tụng trọng tài.

3.2.9. Một trong những tâm điểm quan trọng nhất của Luật Trọng tài thương mại là vấn đề về mối quan hệ giữa Trọng tài với Toà án trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ tranh chấp của các bên. Luật đã đưa ra một loạt các quy định mới nhằm xác định mối quan hệ pháp lý quan trọng này. Cụ thể Điều 7[3]xác định rõ Tòa án có thẩm quyền đối với hoạt động trọng tài. Quy định này đã khắc phục được những bất cập của Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003. Tính xác định và rõ ràng này của Luật sẽ tạo điều kiện để các Toà án và Hội đồng trọng tài cũng như các bên tranh chấp tránh được lúng túng trong các trường hợp cụ thể. Và đó chính là điều kiện thuận lợi để trọng tài hoạt động có hiệu quả.

3.2.10. Về thủ tục Tòa án xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài

Khác với Pháp lệnh Trọng tài thương mại 2003, thủ tục tòa án xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài chỉ có 1 cấp và có giá trị chung thẩm. Việc Luật quy định một Hội đồng gồm ba Thẩm phán xem xét đơn yêu cầu hủy phán quyết Trọng tài và quyết định của Hội đồng là chung thẩm có hiệu lực thi hành ngay là phù hợp.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Luật Trọng tài thương mại có hiệu lực từ ngày 01/01/2011. Để Luật sớm đi vào cuộc sống và được thực thi một cách có hiệu quả cần tập trung triển khai một số việc trong thời gian tới là:

4.1. Luật Trọng tài thương mại là Luật được quy định khá chi tiết, kế thừa nhiều nội dung của pháp luật quốc tế và pháp luật hiện hành còn phù hợp. Để khi có hiệu lực thi hành Luật được áp dụng dễ dàng và thuận lợi, một số văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành cần được xây dựng, ban hành, trước mắt sẽ ban hành Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trọng tài thương mại.

4.2. Tiến hành tổ chức tuyên truyền và giới thiệu một cách sâu rộng để xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp biết đến cơ chế giải quyết bằng Trọng tài.

4.3. Sớm hình thành những tổ chức mà Luật cho phép, tổ chức các khóa đào tạo Trọng tài viên và nâng cao trình độ cho các Trọng tài viên Việt Nam.

4.4. Phát triển các tổ chức trọng tài mới (dưới dạng Trung tâm hoặc Viện trọng tài) trên cơ sở cân nhắc đến nhu cầu khách quan của xã hội. Đồng thời, đảm bảo hiệu quả và chất lượng đối với những Tổ chức trọng tài mới thành lập trên cơ sở sự quản lý của Nhà nước về hoạt động trọng tài.

BỘ TƯ PHÁP – VỤ PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

HỘI LUẬT GIA VIỆT NAM – VĂN PHÒNG TRUNG ƯƠNG HỘI

[1]Điều 12. Giải quyết tranh chấp

  1. Tranh chấp liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam được giải quyết thông qua thương lượng, hoà giải, Trọng tài hoặc Tòa án theo quy định của pháp luật.
  2. Tranh chấp giữa các nhà đầu tư trong nước với nhau hoặc với cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam liên quan đến hoạt động đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam được giải quyết thông qua Trọng tài hoặc Toà án Việt Nam.
  3. Tranh chấp mà một bên là nhà đầu tư nước ngoài hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc tranh chấp giữa các nhà đầu tư nước ngoài với nhau được giải quyết thông qua một trong những cơ quan, tổ chức sau đây:

(a) Toà án Việt Nam; (b) Trọng tài Việt Nam;(c) Trọng tài nước ngoài; (d) Trọng tài quốc tế;(đ) Trọng tài do các bên tranh chấp thoả thuận thành lập.

  1. Tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam liên quan đến hoạt động đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam được giải quyết thông qua Trọng tài hoặc Toà án Việt Nam, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng được ký giữa đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư nước ngoài hoặc trong điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

[2]Điều 13 khoản 2

2. Trọng tài viên có các nghĩa vụ sau đây:

a) Tuân thủ các quy định của Pháp lệnh này;

b) Vô tư, khách quan trong việc giải quyết vụ tranh chấp;

c) Từ chối giải quyết vụ tranh chấp trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 27 của Pháp lệnh này;

d) Giữ bí mật nội dung vụ tranh chấp mà mình giải quyết;

đ) Không được nhậnhối lộ hoặc có hành vi khác vi phạm đạo đức Trọng tài viên.

[3]

1. Trong trường hợp các bên đã có thỏa thuận lựa chọn một Tòa án cụ thể thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án được các bên lựa chọn.

2. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận lựa chọn Tòa án thì thẩm quyền của Tòa án được xác định như sau:

a) Đối với việc chỉ định trọng tài viên để thành lập Hội đồng trọng tài vụ việc thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi cư trú của bị đơn nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của bị đơn nếu bị đơn là tổ chức. Trong trường hợp có nhiều bị đơn thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi cư trú hoặc nơi có trụ sở của một trong các bị đơn đó.

Nếu bị đơn có nơi cư trú hoặc trụ sở ở nước ngoài thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi cư trú hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn;

b) Đối với việc thay đổi Trọng tài viên thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi Hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp;

c) Đối với yêu cầu giải quyết khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài về thẩm quyền thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi Hội đồng trọng tài ra quyết định;

d) Đối với yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi có chứng cứ cần được thu thập;

đ) Đối với yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi biện pháp khẩn cấp tạm thời cần được áp dụng;

e) Đối với việc triệu tập người làm chứng thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi cư trú của người làm chứng;

g) Đối với yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi Hội đồng trọng tài đã tuyên phán quyết trọng tài.

3. Trong trường hợp tài sản, người làm chứng và các chứng cứ ở nước ngoài thì Tòa án có thẩm quyền thực hiện việc ủy thác tư pháp được thực hiện theo Luật tương trợ tư pháp.

4. Tòa án có thẩm quyền đối với hoạt động của trọng tài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này là Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)