Luật thi hành án hình sự được ban hành đánh dấu bước phát triển quan trọng trong hoạt động lập pháp của Nhà nước ta nói chung, trong lĩnh vực thi hành án hình sự nói riêng, thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước ta đối với người chấp hành án, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính cũng như bảo đảm tốt hơn quyền tự do, dân chủ của công dân. Để triển khai thực hiện có hiệu quả Luật thi hành án hình sự, cần chú ý một số vấn đề cơ bản sau đây:
I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ
Thi hành án hình sự liên quan trực tiếp đến bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Xác định thi hành án hình sự là công tác lớn, quan trọng nên Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở cho hoạt động này như: Pháp lệnh thi hành án phạt tù năm 1993 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2007); Nghị định số 60/2000/NĐ-CP ngày 30/10/2000 quy định việc thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ; Nghị định số 61/2000/NĐ-CP ngày 30/10/2000 quy định việc thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo; Nghị định số 52/2001/NĐ-CP ngày 23/8/2001 hướng dẫn biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng; Nghị định số 53/2001/NĐ-CP ngày 23/8/2001 hướng dẫn thi hành hình phạt cấm cư trú, quản chế; Nghị định số 54/2001/NĐ-CP ngày 23/8/2001 hướng dẫn thi hành hình phạt trục xuất; Nghị định số 113/2008/NĐ-CP ngày 28/10/2008 ban hành Quy chế trại giam; Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an… Trên cơ sở pháp lý đó, trong thời gian qua hoạt động thi hành án hình sự đã được tổ chức, thực hiện bảo đảm sự nghiêm minh, khoan hồng, nhân đạo, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phục vụ yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
>> Luật sư tư vấn pháp luật hình sự qua điện thoạigọi: 1900.0191
Tuy nhiên, trước yêu cầu mới của thực tiễn, hướng đến mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, pháp luật về thi hành án hình sự đã bộc lộ những hạn chế, nhiều quy định không còn phù hợp, chưa đồng bộ với quy định có liên quan đến công tác thi hành án hình sự trong một số đạo luật như Bộ luật hình sự năm 1999, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 2002, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, Luật Công an nhân dân… Những tồn tại, hạn chế của pháp luật làm cho hoạt động thi hành án hình sự gặp nhiều bất cập, vướng mắc, các cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực thi hành án hình sự mới chỉ quan tâm nhiều đến thi hành hình phạt tù, tử hình, trục xuất mà chưa quan tâm đúng mức đến việc thi hành các hình phạt khác; chưa có tổ chức bộ máy chuyên trách quản lý thống nhất việc thi hành án hình sự; đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ thi hành án hình sự còn thiếu về số lượng và chưa bảo đảm về chất lượng, chế độ chính sách còn chưa bảo đảm; cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác này chưa được đầu tư tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.
Tình hình nêu trên đặt ra yêu cầu hoàn thiện một bước pháp luật về thi hành án hình sự, theo đó việc xây dựng, ban hành Luật thi hành án hình sự để điều chỉnh toàn diện về tổ chức và hoạt động thi hành án hình sự là rất cần thiết. Thực hiện Nghị quyết số 27/2008/QH12 ngày 15/11/2008 của Quốc hội khoá XII về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 và bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XII (2007 – 2011), Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng dự án Luật thi hành án hình sự theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG LUẬT THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ
Luật thi hành án hình sự được xây dựng trên cơ sở quán triệt các quan điểm chỉ đạo sau đây:
Một là, thể chế hoá chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về công tác thi hành án hình sự đặt trong tổng thể và bảo đảm đồng bộ với quá trình cải cách bộ máy nhà nước, cải cách tư pháp, cải cách hành chính ở nước ta.
Hai là, tổng kết đầy đủ và toàn diện về tổ chức và hoạt động thi hành án hình sự ở nước ta trong những năm qua; kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục những tồn tại, hạn chế, đáp ứng yêu cầu của công tác thi hành án hình sự trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.
Ba là, tuân thủ Hiến pháp, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến hoạt động thi hành án hình sự như Bộ luật hình sự, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Công an nhân dân; bảo đảm các quy định của Luật thi hành án hình sự cụ thể, dễ tổ chức thực hiện, có tính khả thi.
Bốn là, tham khảo có chọn lọc pháp luật thi hành án hình sự của một số nước phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam, pháp luật, thông lệ và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
III. BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ
Luật thi hành án hình sự gồm 15 chương, 182 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011, với những nội dung cơ bản như sau:
1. Chương I. Những quy định chung
Chương nàygồm 9 điều (từ Điều 1 đến Điều 9), quy định những vấn đề chung về phạm vi điều chỉnh; bản án, quyết định được thi hành; giải thích từ ngữ, nguyên tắc thi hành án hình sự; trách nhiệm phối hợp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thi hành án hình sự; giám sát việc thi hành án hình sự; phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án hình sự; hợp tác quốc tế trong thi hành án hình sự và những hành vi bị nghiêm cấm trong thi hành án hình sự. Theo đó, về phạm vi điều chỉnh của Luật, Điều 1 quy định bao gồm nguyên tắc, trình tự, thủ tục, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan có thẩm quyền trong thi hành bản án, quyết định về hình phạt tù, tử hình, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, trục xuất, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, án treo, biện pháp tư pháp; quyền, nghĩa vụ của người chấp hành án hình sự, biện pháp tư pháp; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành án hình sự, biện pháp tư pháp.
– Về nguyên tắc thi hành án hình sự, Điều 4 quy định 8 nguyên tắc nhằm bảo đảm thi hành án hình sựđúng mục đích, có hiệu quả và thực hiện đúng chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước ta trong trừng trị và giáo dục cải tạo người phạm tội, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
– Về những hành vi bị nghiêm cấm trong thi hành án hình sự, Điều 9 quy định 10 hành vi theo hai nhóm: thứ nhất là các hành vi bị nghiêm cấm đối với người phải chấp hành và những người có liên quan; thứ hai là các hành vi bị nghiêm cấm đối với những người có thẩm quyền trong thi hành án hình sự.
2. Chương II. Hệ thống tổ chức thi hành án hình sự, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan có thẩm quyền trong thi hành án hình sự
Chương này gồm 11 điều (từ Điều 10 đến Điều 20) quy định về hệ thống tổ chức thi hành án hình sự, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan có thẩm quyền trong thi hành án hình sự, với những nội dung cơ bản sau:
– Hệ thống tổ chức thi hành án hình sự, theo quy định tại Điều 10, có 3 loại: một là, cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; hai là, cơ quan thi hành án hình sự bao gồm trại giam thuộc Bộ Công an, trại giam thuộc Bộ Quốc phòng, trại giam thuộc quân khu; cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; cơ quan thi hành án hình sự quân khu và tương đương; ba là, cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự bao gồm trại tạm giam thuộc Bộ Công an, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, trại tạm giam cấp quân khu; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; đơn vị quân đội cấp trung đoàn và tương đương.
– Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cấp quân khu, cấp huyện được quy định cụ thể tại các điều 12, 13, 14, 15 của Luật.
– Bên cạnh nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cấp huyện; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu, Luật cũng quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của trại giam (Điều 16). Theo đó, trại giam được xác định là cơ quan thi hành án phạt tù có 12 nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể (khoản 1 Điều 16).
– Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự được quy định cụ thể tại các điều 17, 18, 19 của Luật.
Để bảo đảm phù hợp với Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật cũng quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Toà án trong việc ra quyết định thi hành án; quyết định thành lập Hội đồng thi hành án tử hình; ra quyết định hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ chấp hành án phạt tù; miễn giảm thời hạn chấp hành án; xem xét, giải quyết việc cho nhận tử thi của người chấp hành án tử hình; gửi các bản án, quyết định và thực hiện chế độ thống kê, báo cáo về thi hành án hình sự (Điều 20).
Việc quy định về hệ thống tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan có thẩm quyền trong thi hành án hình sự đã phân định rõ, rành mạch chức năng của cơ quan quản lý thi hành án hình sự với cơ quan thi hành án hình sự và cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự, bảo đảm sự phân công, phối hợp đồng bộ trong thực hiện trên thực tế và phù hợp với hệ thống tổ chức bộ máy hiện hành của Nhà nước ta, bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất công tác thi hành án hình sự vào một đầu mối nhằm nâng cao hiệu quả công tác này.
3. Chương III. Thi hành án phạt tù
Chương 3 của Luật gồm 3 mục với 33 điều (từ Điều 21 đến Điều 53) quy định những nội dung cơ bản sau:
a) Mục 1 (từ Điều 21 đến Điều 41) quy định về quyết định thi hành án phạt tù, thi hành quyết định thi hành án phạt tù; thủ tục hoãn chấp hành án phạt tù, thi hành quyết định hoãn chấp hành án phạt tù; hồ sơ đưa người bị kết án đến nơi chấp hành án phạt tù; chế độ tiếp nhận, quản lý, giam giữ, giáo dục, cải tạo phạm nhân; thông báo tình hình chấp hành án và phối hợp với gia đình phạm nhân, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia giáo dục, cải tạo phạm nhân; trả tự do cho phạm nhân và thi hành quyết định tiếp nhận, chuyển giao đối với người đang chấp hành án phạt tù.
– Về gửi quyết định thi hành án phạt tù, Điều 21 quy định, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định thi hành ánphạt tù và hình phạt bổ sung, Tòa án đã ra quyết định phải gửi quyết định thi hành án cho người chấp hành án; Viện kiểm sát cùng cấp; cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu; trại tạm giam nơi người phải chấp hành án đang bị tạm giam; cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người phải chấp hành án đang bị tạm giam tại nhà tạm giữ hoặc đang tại ngoại; Sở Tư pháp nơi Toà án đã ra quyết định thi hành án có trụ sở.
– Về hồ sơ đưa người bị kết án đến nơi chấp hành án phạt tù, theo quy định tại Điều 25 phải có đủ các giấy tờ như bản án đã có hiệu lực pháp luật; trường hợp xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm thì phải có bản án sơ thẩm kèm theo; quyết định thi hành án phạt tù; quyết định của cơ quan quản lý thi hành án hình sự đưa người chấp hành ánphạt tù đến trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện; danh bản của người chấp hành ánphạt tù…
– Về giam giữ phạm nhân, Điều 27 quy định trại giam tổ chức giam giữ phạm nhân như sau: khu giam giữ đối với phạm nhân có mức án tù trên 15 năm, tù chung thân, phạm nhân thuộc loại tái phạm nguy hiểm; khu giam giữ đối với phạm nhân có mức án tù từ 15 năm trở xuống; phạm nhân có mức án tù trên 15 năm nhưng có kết quả chấp hành án tốt, đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù còn dưới 15 năm. Trong các khu giam giữ nêu trên, những phạm nhân là nữ, là người chưa thành niên, là người nước ngoài, là người có bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, là người có dấu hiệu bị bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình trong thời gian chờ quyết định của Tòa án, là người thường xuyên vi phạm nội quy, quy chế trại giam được bố trí giam giữ riêng.
– Về chế độ học tập, học nghề, lao động và sử dụng kết quả lao động của phạm nhân (các điều 28, 29 và 30):
Căn cứ vào yêu cầu quản lý, giáo dục phạm nhân và thời hạn chấp hành án, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm tổ chức dạy học cho phạm nhân theo chương trình, nội dung do Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Tư pháp, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng quy định. Việc tổ chức cho phạm nhân học pháp luật, giáo dục công dân và học văn hoá, học nghề, làm những công việc phù hợp với độ tuổi, sức khỏe và đáp ứng yêu cầu quản lý, giáo dục, hòa nhập cộng đồng đã thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước ta.
Đối với kết quả lao động của phạm nhân sau khi trừ chi phí vật tư, nguyên liệu, tiền công thuê lao động bên ngoài; chi phí điện, nước; tiền ăn thêm do lao động nặng nhọc, độc hại theo ngành, nghề ngoài tiền ăn của phạm nhân theo tiêu chuẩn do ngân sách nhà nước cấp; tiền bồi dưỡng cho phạm nhân làm thêm giờ hoặc làm ngày nghỉ; khấu hao tài sản, chi phí quản lý trực tiếp cho hoạt động lao động của phạm nhân, được sử dụng để bổ sung mức ăn cho phạm nhân; lập quỹ hòa nhập cộng đồng để chi hỗ trợ cho phạm nhân khi chấp hành xong án phạt tù; bổ sung vào quỹ phúc lợi, khen thưởng của trại giam; chi thưởng cho phạm nhân có thành tích trong lao động; chi hỗ trợ đầu tư trở lại cho trại giam phục vụ việc tổ chức lao động, giáo dục, dạy nghề đối với phạm nhân.
– Về thông báo tình hình chấp hành án; phối hợp với gia đình phạm nhân, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia giáo dục cải tạo phạm nhân:
Kế thừa quy định của Pháp lệnh thi hành án phạt tù, Điều 39 đã quy định cụ thể trách nhiệm của trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh là định kỳ 6 tháng một lần phải thông báo tình hình chấp hành án của phạm nhân cho thân nhân của họ. Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm phối hợp với gia đình phạm nhân, chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân quan tâm động viên phạm nhân tích cực học tập, lao động, rèn luyện để được hưởng sự khoan hồng của Nhà nước và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để phạm nhân tái hoà nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong án phạt tù.
b) Mục 2 (từ Điều 42 đến Điều 49) quy định chế độ ăn, mặc, ở, cấp phát tư trang, hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, chế độ gặp thân nhân, nhận quà, liên lạc và chăm sóc y tế đối với phạm nhân; chế độ đối với phạm nhân nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi và giải quyết trường hợp phạm nhân chết. Theo đó, Điều 42 đã quy định về định mức, định lượng tiêu chuẩn ăn của phạm nhân; quy định về chỗ nằm của phạm nhân nói chung với diện tích tối thiểu là 2m2, phạm nhân có con nhỏ ở cùng thì được bố trí chỗ nằm với diện tích tối thiểu là 3m2.
Nhà nước bảo đảm chế độ mặc và tư trang cho phạm nhân; bảo đảm chế độ hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ; gặp thân nhân, nhận quà, liên lạc và chăm sóc y tế đối với phạm nhân. Các nội dung này được quy định tại các điều 44, 46, 47 và 48 của Luật, thể hiện tính nhân văn của pháp luật và chính sách nhân đạo của Nhà nước ta đối với người chấp hành án phạt tù và thực tiễn thời gian qua đã có tác dụng tích cực, quan trọng trong việc giúp cho phạm nhân nâng cao thể chất, tinh thần, yên tâm giáo dục, cải tạo để sớm được trở về với gia đình và xã hội.
Xuất phát từ chính sách nhân đạo, bên cạnh các chế độ, tiêu chuẩn chung đối với phạm nhân, Điều 45 còn quy định riêng về chế độ đối với phạm nhân nữ có thai và nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi để tạo điều kiện thuận lợi cho họ trong việc bảo vệ sức khoẻ, nuôi con.
– Giải quyết trường hợp phạm nhân chết, Điều 49 quy định cụ thể về trình tự, thủ tục giải quyết việc phạm nhân là người Việt Nam, người nước ngoài chết, theo quy định này thì trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm tổ chức an táng phạm nhân chết. Kinh phí cho việc an táng do Nhà nước cấp. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định cụ thể về việc giải quyết cho thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của phạm nhân chết được nhận tử thi, tro cốt hoặc hài cốt.
c) Mục 3 (từ Điều 50 đến Điều 53) quy định thi hành án phạt tù đối với phạm nhân là người chưa thành niên, bảo đảm tính nhân đạo, sự phát triển bình thường cả về thể chất lẫn tinh thần cho họ. Cụ thể là, về chế độ quản lý giáo dục, học văn hoá, học nghề, lao động, phạm nhân là người chưa thành niên được giam giữ theo chế độ riêng phù hợp với sức khỏe, giới tính, lứa tuổi và đặc điểm nhân thân (Điều 50); được bố trí lao động ở khu vực riêng và không phải làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại. Trại giam có trách nhiệm giáo dục phạm nhân là người chưa thành niên về văn hóa, pháp luật và dạy nghề phù hợp với độ tuổi, trình độ văn hóa, giới tính và sức khỏe, chuẩn bị điều kiện để họ hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong án phạt tù. Thực hiện bắt buộc chương trình tiểu học, phổ cập trung học cơ sở và học nghề.
Bên cạnh đó, Nhà nước bảo đảm tiêu chuẩn định lượng ăn, mặc mỗi tháng như phạm nhân là người thành niên và được tăng thêm định lượng về thịt, cá nhưng không vượt quá 20% và được cấp thêm quần áo dài, quần áo dài đồng phục, khăn mặt và các đồ dùng cá nhân khác phục vụ cho việc sinh hoạt cá nhân (Điều 52); được gặp thân nhân không quá ba lần trong một tháng, mỗi lần gặp không quá ba giờ, trường hợp đặc biệt được gặp không quá 24h; được liên lạc với thân nhân qua điện thoại mỗi tháng không quá 4 lần, mỗi lần không quá 10 phút, có sự giám sát của cán bộ trại giam và tự chịu chi phí (Điều 53 của Luật).
4. Chương IV. Thi hành án tử hình
Chương nàygồm 7 điều (từ Điều 54 đến Điều 60), quy định về quyết định thi hành án tử hình; quyết định thành lập Hội đồng thi hành án tử hình; nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thi hành án tử hình; chế độ quản lý giam giữ, ăn, mặc, ở, sinh hoạt, gửi và nhận thư, nhận đồ vật, tiền mặt, gặp thân nhân, chăm sóc y tế; hoãn thi hành án tử hình; hình thức và trình tự thi hành án tử hình; giải quyết việc xin nhận tử thi, hài cốt của người bị thi hành án tử hình, với những nội dung cơ bản sau đây:
– Về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thi hành án tử hình, theo quy định tại Điều 56, Hội đồng thi hành án tử hình có 5 nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể là: quyết định kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho việc thi hành án; tổ chức kiểm tra các điều kiện về người chấp hành án tử hình theo quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự; ra quyết định hoãn thi hành án và báo cáo Chánh án Toà án đã ra quyết định thi hành án khi người bị kết án không đủ điều kiện để thi hành án; yêu cầu cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc thi hành án; yêu cầu đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan, tổ chức hỗ trợ bảo đảm an toàn việc thi hành án trong trường hợp cần thiết; điều hành việc thi hành án theo kế hoạch và thông báo kết quả thi hành án cho cơ quan quản lý thi hành án hình sự.
– Về hình thức thi hành án tử hình, trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước trên thế giới, khoản 1 Điều 59 quy định: “Thi hành án tử hình được thực hiện bằng tiêm thuốc độc. Quy trình thực hiện do Chính phủ quy định”.
– Để tháo gỡ khó khăn trong việc xử lý các trường hợp thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người bị thi hành án tử hình xin nhận tử thi về để an táng, Điều 60 quy định cho phép thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người bị thi hành án tử hình có thể được nhận tử thi về an táng nếu có căn cứ cho rằng việc cho nhận tử thi không ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và vệ sinh môi trường.
5. Chương V. Thi hành án treo, án phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ
Chương này gồm 3 mục với 21 điều (từ Điều 61 đến Điều 81), cụ thể là:
– Mục 1 (từ Điều 61 đến Điều 70) quy định về quyết định thi hành án treo; thi hành quyết định thi hành án treo; nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo; nghĩa vụ của người được hưởng án treo; việc lao động, học tập của người được hưởng án treo; thủ tục rút ngắn thời gian thử thách; thực hiện việc kiểm điểm người được hưởng án treo; bổ sung hồ sơ thi hành án treo; giải quyết trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc và trách nhiệm của gia đình người được hưởng án treo.
– Mục 2 có 01 điều (Điều 71) quy định về thi hành án phạt cảnh cáo. Theo đó, hình phạt cảnh cáo được thi hành ngay tại phiên tòa do Tòa án tuyên; trong thời hạn 07 ngày, kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, Toà án đã xét xử sơ thẩm phải gửi bản án cho người bị phạt cảnh cáo, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu, Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội nơi người bị phạt cảnh cáo cư trú hoặc làm việc, Sở Tư pháp nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm có trụ sở. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có trách nhiệm theo dõi, thống kê báo cáo về thi hành án phạt cảnh cáo.
– Mục 3 (từ Điều 72 đến Điều 81) quy định về quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ; thủ tục thi hành quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ; nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án; nghĩa vụ của người chấp hành án; việc lao động, học tập của người chấp hành án; thủ tục giảm thời hạn chấp hành án; thủ tục miễn chấp hành án; thực hiện việc kiểm điểm người chấp hành án; bổ sung hồ sơ thi hành án và trách nhiệm của gia đình người chấp hành án.
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong việc thi hành án treo và án phạt cải tạo không giam giữ thời gian qua, căn cứ vào khả năng về lực lượng, tổ chức bộ máy và các điều kiện bảo đảm khác của Công an cấp xã, Luật đã quy định giao cho Trưởng Công an cấp xã có nhiệm vụ tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 63 và Điều 74 của Luật này.
6. Chương VI. Thi hành án phạt cấm cư trú, quản chế
Chương này gồm 2 mục, 14 điều (từ Điều 82 đến Điều 95), cụ thể là:
– Mục 1 (từ Điều 82 đến Điều 88) quy định thủ tục thi hành án phạt cấm cư trú; nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án về cư trú; nghĩa vụ của người chấp hành án phạt cấm cư trú; quyền của người chấp hành án phạt cấm cư trú; thủ tục miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú còn lại; bổ sung hồ sơ thi hành án phạt cấm cư trú; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án không được đến cư trú.
– Mục 2 (từ Điều 89 đến Điều 95) quy định thủ tục thi hành án phạt quản chế; nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án phạt quản chế về cư trú; quyền, nghĩa vụ của người chấp hành án phạt quản chế; giải quyết trường hợp người chấp hành án phạt quản chế đi khỏi nơi quản chế; bổ sung hồ sơ thi hành án phạt quản chế và thủ tục miễn chấp hành thời hạn quản chế còn lại, với những nội dung cơ bản sau đây:
+ Về nghĩa vụ và quyền của người chấp hành án phạt cấm cư trú (Điều 84 và Điều 85)
* Về nghĩa vụ, người chấp hành án phạt cấm cư trú có các nghĩa vụ như không được cư trú ở những nơi đã bị cấm cư trú; chấp hành nghiêm chỉnh cam kết của mình trong việc tuân thủ pháp luật; phải có mặt theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án cư trú.
* Người chấp hành án phạt cấm cư trú có các quyền sau đây: khi có lý do chính đáng và được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bị cấm cư trú, thì người chấp hành án phạt cấm cư trú được đến địa phương đó; thời gian lưu trú do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đến quyết định, nhưng mỗi lần không được quá năm ngày; được lựa chọn nơi cư trú ngoài nơi đã bị cấm; khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú đề nghị miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú theo quy định của Luật này.
+ Theo quy định tại khoản 1 Điều 90, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án phạt quản chế về cư trú có 7 nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể. Căn cứ vào khả năng về lực lượng, tổ chức bộ máy và các điều kiện bảo đảm khác của Công an cấp xã, Luật đã quy định giao cho Trưởng Công an cấp xã có nhiệm vụ tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn này.
+ Về giải quyết trường hợp người chấp hành án phạt quản chế đi khỏi nơi quản chế, theo quy định tại Điều 93, trong trường hợp có lý do chính đáng, người chấp hành án phạt quản chế có thể được cấp giấy phép đi khỏi nơi quản chế. Thẩm quyền cấp giấy phép được quy định cụ thể như sau:
* Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi quản chế cấp giấy phép đi lại trong phạm vi cấp huyện nơi quản chế.
* Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện cấp giấy phép đi lại trong phạm vi cấp tỉnh nơi quản chế.
* Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh cấp giấy phép đi ra ngoài phạm vi cấp tỉnh nơi quản chế.
Thời hạn người chấp hành án phạt quản chế được phép đi khỏi nơi quản chế do người có thẩm quyền cấp giấy phép quyết định, nhưng mỗi lần không quá 10 ngày. Trường hợp người chấp hành án phạt quản chế phải đi chữa bệnh thì thời gian đi khỏi nơi quản chế theo thời gian điều trị của cơ sở chữa bệnh.
7. Chương VII. Thi hành án phạt trục xuất
Chương này gồm 7 điều (từ Điều 96 đến Điều 102), quy định quyết định thi hành án phạt trục xuất; thông báo thi hành án phạt trục xuất; hồ sơ thi hành án phạt trục xuất; lưu trú trong thời gian chờ xuất cảnh; giải quyết trường hợp người chấp hành án phạt trục xuất bỏ trốn; thực hiện buộc rời khỏi lãnh thổ Việt Nam và chi phí trục xuất, với những nội dung cơ bản sau:
– Về lưu trú trong thời gian chờ xuất cảnh
Để bảo đảm việc thi hành án, trong thời gian chờ xuất cảnh, người chấp hành án phạt trục xuất phải lưu trú tại nơi được cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh chỉ định. Theo quy định tại khoản 2 Điều 99, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh có trách nhiệm đưa người chấp hành án phạt trục xuất vào cơ sở lưu trú của Bộ Công an nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: không có nơi thường trú, tạm trú; nhập cảnh trái phép hoặc phạm các tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; tự ý rời khỏi nơi lưu trú được chỉ định hoặc không chấp hành các biện pháp quản lý, giám sát của cơ quan có thẩm quyền; có hành vi vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ cho rằng người đó có thể thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian chờ xuất cảnh; có hành vi bỏ trốn, chuẩn bị bỏ trốn hoặc hành vi khác gây khó khăn cho việc thi hành án phạt trục xuất; mắc bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm; tự nguyện xin vào cơ sở lưu trú.
– Về đưa người chấp hành án phạt trục xuất vào cơ sở lưu trú, khoản 3 Điều 99 quy định cụ thể thủ tục như sau:
+ Đối với trường hợp người chấp hành án phạt trục xuất đang tại ngoại thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh phải áp giải người chấp hành án phạt trục xuất đến cơ sở lưu trú.
+ Trường hợp người chấp hành án phạt trục xuất đang bị tạm giam thì sau khi nhận được quyết định thi hành án, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi tạm giam phải giao người chấp hành án phạt trục xuất cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh để áp giải vào cơ sở lưu trú;
+ Khi phạm nhân có hình phạt bổ sung là trục xuất chấp hành xong án phạt tù thì trại giam phải giao người chấp hành án phạt trục xuất cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh để áp giải vào cơ sở lưu trú.
– Trường hợp người chấp hành án phạt trục xuất chết trong thời gian chờ xuất cảnh thì cơ sở lưu trú hoặc nơi lưu trú được chỉ định phải báo ngay cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền để xác định nguyên nhân chết. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh phải thông báo bằng văn bản hoặc bằng điện tín cho Toà án đã ra quyết định thi hành án phạt trục xuất, Bộ Ngoại giao Việt Nam, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người chấp hành án là công dân hoặc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế mà người đó làm việc, cơ quan, tổ chức đã bảo lãnh người đó vào Việt Nam. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức an táng. Trường hợp thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của người chết đề nghị được nhận tử thi về an táng và tự chịu chi phí thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh xem xét, giải quyết.
– Theo quy định tại Điều 100, trường hợp người chấp hành án phạt trục xuất bỏ trốn thì cơ sở lưu trú hoặc nơi lưu trú chỉ định phải lập biên bản và thông báo ngay cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú hoặc nơi lưu trú chỉ định. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nhận được thông báo phải tổ chức truy bắt ngay; trường hợp truy bắt không có kết quả thì trong thời hạn bảy ngày phải ra quyết định truy nã. Người chấp hành án phạt trục xuất bỏ trốn ra đầu thú thì cơ quan tiếp nhận lập biên bản và thông báo cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh đến nhận và đưa người đó vào cơ sở lưu trú.
– Về chi phí trục xuất, theo quy định tại Điều 102 thì, người chấp hành án phạt trục xuất phải chịu chi phí vé máy bay, ôtô, tàu hỏa, tàu biển để rời khỏi lãnh thổ Việt Nam. Nếu người chấp hành án phạt trục xuất không có khả năng tự chịu chi phí thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh phối hợp với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh yêu cầu cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người đó là công dân hoặc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế mà người đó làm việc, cơ quan, tổ chức đã bảo lãnh người đó vào Việt Nam giải quyết kinh phí đưa người chấp hành án phạt trục xuất về nước.
Trường hợp đã yêu cầu mà cơ quan, tổ chức đó vẫn chưa giải quyết được kinh phí nhưng vì lý do an ninh quốc gia cần phải trục xuất ngay thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh báo cáo cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an quyết định việc sử dụng ngân sách chi trả vé máy bay, ôtô, tàu hỏa, tàu biển cho người chấp hành án phạt trục xuất.
8. Chương VIII. Thi hành án phạt tước một số quyền công dân
Chương này gồm 4 điều (từ Điều 103 đến Điều 106), quy định thủ tục thi hành án phạt tước một số quyền công dân; tước quyền bầu cử, ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực nhà nước; tước quyền làm việc trong cơ quan nhà nước và tước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân. Theo đó, về thủ tục thi hành án phạt tước một số quyền công dân, Điều 103 quy định:
– Hai tháng trước khi hết thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân có hình phạt bổ sung là tước một số quyền công dân, Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh trong trường hợp phạm nhân chấp hành án tại cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về việc thi hành hình phạt bổ sung cho Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi người đó về cư trú.
– Ngay sau khi phạm nhân có hình phạt bổ sung là tước một số quyền công dân chấp hành xong án phạt tù, trại giam, trại tạm giam phải gửi giấy chứng nhận đã chấp hành xong án phạt tù, bản sao bản án, bản sao quyết định thi hành án cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành án về cư trú.
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được các văn bản quy định tại khoản 2 Điều 103, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người đó về cư trú có trách nhiệm lập hồ sơ thi hành án phạt tước một số quyền công dân và thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án về cư trú.
– Trường hợp người chấp hành án phạt tước một số quyền công dân là người được hưởng án treo thì Tòa án ra quyết định thi hành án phải gửi bản sao bản án, quyết định thi hành án cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện lập hồ sơ và thông báo cho cơ quan nơi người chấp hành án phạt tước một số quyền công dân làm việc, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú.
– Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có nhiệm vụ theo dõi, giám sát việc thực hiện thi hành án phạt tước một số quyền công dân theo bản án của Tòa án. Khi hết thời hạn chấp hành án, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong án phạt tước một số quyền công dân. Giấy chứng nhận phải gửi cho người chấp hành án, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú, Tòa án đã ra quyết định thi hành án, Sở Tư pháp nơi cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong án phạt có trụ sở.
9. Chương IX. Thi hành án phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định
Chương này gồm 3 điều (từ Điều 107 đến Điều 109), quy định thủ tục thi hành án phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; quyền và nghĩa vụ của người chấp hành án phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định và trách nhiệm thi hành án phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định. Các quy định tại Chương này tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc thi hành án phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thi hành án phạt này thời gian qua.
10. Chương X. Thi hành biện pháp tư pháp
Chương này gồm 4 mục với 31 điều (từ Điều 110 đến Điều 140), cụ thể như sau:
– Mục 1 (từ Điều 110 đến Điều 115) quy định chung về thi hành biện pháp tư pháp như quyết định áp dụng biện pháp tư pháp; nguyên tắc thi hành biện pháp tư pháp; những hành vi bị nghiêm cấm trong thi hành biện pháp tư pháp; cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ thi hành biện pháp tư pháp; nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong thi hành biện pháp tư pháp và bảo đảm điều kiện thi hành các biện pháp tư pháp.
– Mục 2 (từ Điều 116 đến Điều 120) quy định về thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh với các nội dung cơ bản như thẩm quyền đề nghị, hồ sơ đưa người vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh; đưa người vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh; tổ chức điều trị cho người bị bắt buộc chữa bệnh; đình chỉ thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh và giải quyết trường hợp người bị bắt buộc chữa bệnh chết.
– Mục 3 (từ Điều 121 đến Điều 123) quy định thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên như thủ tục thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; nhiệm vụ của người trực tiếp giám sát, giáo dục; quyền và nghĩa vụ của người chưa thành niên bị giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
– Mục 4 (từ Điều 124 đến Điều 140) quy định về thi hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với người chưa thành niên như thủ tục đưa vào trường giáo dưỡng đối với người chưa thành niên; hoãn chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng; giải quyết trường hợp người phải chấp hành biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng bỏ trốn; chế độ quản lý học sinh trường giáo dưỡng, chế độ học văn hóa, giáo dục, học nghề, vui chơi, giải trí; chế độ ăn, mặc, ở, chăm sóc y tế đối với học sinh trường giáo dưỡng; chế độ gặp thân nhân, liên lạc, nhận tiền, đồ vật, tài sản của học sinh trường giáo dưỡng; khen thưởng, xử lý vi phạm; thủ tục cho học sinh trường giáo dưỡng ra trường…
11. Chương XI. Kiểm sát thi hành án hình sự
Chương này gồm 3 điều (từ Điều 141 đến Điều 143), quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong kiểm sát thi hành án hình sự; kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và giải quyết kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu, thi hành quyết định của Viện kiểm sát về thi hành án hình sự. Các quy định trong Chương này được xây dựng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát được quy định tại Luật tổ chức Viện kiểm sát năm 2002 và phù hợp với yêu cầu, điều kiện của công tác kiểm sát trong lĩnh vực này, đồng thời bổ sung theo hướng phân cấp công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong thi hành án phạt tù của các trại giam thuộc Bộ Công an cho Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh nơi có trại giam đóng cho phù hợp với tình hình hiện nay.
12. Chương XII. Bảo đảm điều kiện cho hoạt động thi hành án hình sự
Chương này gồm 6 điều (từ Điều 144 đến Điều 149), quy định về bảo đảm biên chế, cán bộ thi hành án hình sự; bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ hoạt động thi hành án hình sự; trang bị và sử dụng vũ khí, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ trong thi hành án hình sự; cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự; bảo đảm kinh phí cho hoạt động thi hành án hình sự và chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thi hành án hình sự. Để khắc phục khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện thống kê nhà nước về thi hành án hình sự, từ đó ảnh hưởng đến công tác phân tích, đánh giá tình hình, Luật dành một điều quy định về cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự, theo đó Điều 147 quy định như sau:
“1. Cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự do Bộ Công an quản lý là một bộ phận của hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin phòng, chống tội phạm nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về thi hành án hình sự.
2. Việc xây dựng, thu thập, lưu trữ, xử lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự do Chính phủ quy định”.
13. Chương XIII. Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án hình sự
Chương này gồm 2 mục với 20 điều (từ Điều 150 đến Điều 169), cụ thể là:
– Mục 1 (từ Điều 150 đến Điều 164) quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong thi hành án hình sự với những nội dung cơ bản như: quyền khiếu nại trong thi hành án hình sự; những trường hợp khiếu nại về thi hành án hình sự không được thụ lý giải quyết; thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong thi hành án hình sự; thẩm quyền giải quyết khiếu nại về thi hành án hình sự trong Quân đội nhân dân; quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại trong thi hành án hình sự; quyền và nghĩa vụ của người bị khiếu nại trong thi hành án hình sự; nhiệm vụ và quyền hạn của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong thi hành án hình sự; thời hạn giải quyết khiếu nại trong thi hành án hình sự; khiếu nại và giải quyết khiếu nại về việc lập danh sách người được đề nghị đặc xá; tiếp nhận, thụ lý đơn khiếu nại trong thi hành án hình sự; hồ sơ giải quyết khiếu nại trong thi hành án hình sự; trình tự giải quyết khiếu nại lần đầu và nội dung quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu trong thi hành án hình sự; thủ tục giải quyết khiếu nại lần hai và nội dung quyết định giải quyết khiếu nại lần hai trong thi hành án hình sự.
– Mục 2 (từ Điều 165 đến Điều 169) quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong thi hành án hình sự với những nội dung cơ bản như: người có quyền tố cáo trong thi hành án hình sự; quyền và nghĩa vụ của người tố cáo; quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo; thẩm quyền, thời hạn và thủ tục giải quyết tố cáo và trách nhiệm của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo.
Trong các nội dung nêu trên, Luật đã quy định theo hướng phân công, phân cấp cụ thể, rõ ràng thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của những người, cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ quản lý thi hành án hình sự và xác định rõ việc giải quyết khiếu nại được thực hiện theo hai cấp. Các quy định này phù hợp với tính chất, đặc điểm của hoạt động thi hành án hình sự và tổ chức bộ máy của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan.
14. Chương XIV. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước trong quản lý công tác thi hành án hình sự
Chương này gồm 11 điều (từ Điều 170 đến Điều 180) quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong quản lý nhà nước về thi hành án hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong quản lý công tác thi hành án hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thi hành án hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện trong thi hành án hình sự. Theo đó, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thi hành án hình sự trong phạm vi cả nước; Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về thi hành án hình sự; Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm quản lý thi hành án hình sự trong Quân đội nhân dân; các bộ, ngành có liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong thi hành án hình sự. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công an trong quản lý công tác thi hành án hình sự, Điều 171 quy định:
“1. Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về thi hành án hình sự có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án hình sự;
b) Xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, kế hoạch về thi hành án hình sự; chỉ đạo và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án hình sự;
c) Đình chỉ, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền bãi bỏ những quy định về thi hành án hình sự trái với quy định của Luật này;
d) Ban hành các biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về thi hành án hình sự;
đ) Phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án hình sự;
e) Quản lý hệ thống tổ chức, biên chế và hoạt động của cơ quan thi hành án hình sự trong Công an nhân dân; quyết định thành lập cơ quan thi hành án hình sự trong Công an nhân dân theo quy định của Luật này; đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân, viên chức Công an nhân dân trong thi hành án hình sự; bồi dưỡng, huấn luyện, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, nhân viên cơ quan, tổ chức được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự;
g) Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát hỗ trợ tư pháp thực hiện phối hợp truy bắt người chấp hành án bỏ trốn; áp giải người có quyết định thi hành án hình sự để thi hành án; giải tán, tạm giữ người có hành vi cản trở, chống đối việc thi hành án; phối hợp đơn vị vũ trang nhân dân khác và chính quyền địa phương để chủ động triển khai lực lượng hỗ trợ thi hành án hình sự trong trường hợp cần thiết; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật này;
h) Kiểm tra, thanh tra, khen thưởng, xử lý vi phạm trong công tác thi hành án hình sự; giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án hình sự theo quy định của Luật này;
i) Quyết định kế hoạch phân bổ kinh phí, bảo đảm điều kiện cho hoạt động của cơ quan thi hành án hình sự;
k) Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thi hành án hình sự;
l) Tổng kết công tác thi hành án hình sự;
m) Ban hành và thực hiện chế độ thống kê về thi hành án hình sự;
n) Báo cáo Chính phủ về công tác thi hành án hình sự.
2. Bộ trưởng Bộ Công an căn cứ yêu cầu quản lý người bị tạm giam, tạm giữ để quyết định đưa người chấp hành án phạt tù có thời hạn từ 5 năm trở xuống không phải là người chưa thành niên, người nước ngoài, người mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hoặc nghiện ma tuý để phục vụ việc tạm giam, tạm giữ. Số lượng người chấp hành án phạt tù phục vụ việc tạm giam, tạm giữ được tính theo tỷ lệ trên tổng số người bị tạm giam, tạm giữ nhưng tối đa không vượt quá 15%”.
15.Chương XV. Điều khoản thi hành
Chương này gồm 2 điều (Điều 181 và Điều 182). Theo quy định tại Điều 181 thì,Luật thi hành án hình sự có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011. Điều 182 quy định về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật, cụ thể là Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật; hướng dẫn những nội dung cần thiết khác của Luật này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong triển khai thi hành Luật thi hành án hình sự
Để Luật thi hành án hình sự được thực thi nghiêm chỉnh, thể hiện chính sách khoan hồng nhân đạo của Nhà nước ta đối với người chấp hành án, trong thời gian tới, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần triển khai thực hiện tốt các công việc sau đây:
– Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thi hành án hình sự; tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật thi hành án hình sự; biên soạn tài liệu, tổ chức tập huấn chuyên sâu về Luật thi hành án hình sự cho lãnh đạo cốt cán và cán bộ thuộc cơ quan quản lý thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án hình sự và cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự trong lực lượng Công an nhân dân.
– Bộ Quốc phòng có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật thi hành án hình sự trong Quân đội nhân dân, quy định về tổ chức bộ máy của cơ quan quản lý thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án hình sự trong Quân đội nhân dân phục vụ công tác quản lý công tác thi hành án hình sự trong Quân đội nhân dân; phối hợp với Bộ Công an xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thi hành án hình sự.
– Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tuyên truyền, phổ biến Luật thi hành án hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành trên các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình ở Trung ương và địa phương nhằm nâng cao trách nhiệm, thống nhất nhận thức về pháp luật thi hành án hình sự nói chung, Luật thi hành án hình sự nói riêng cho cán bộ, công chức và nhân dân.
– Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các Bộ, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập dự toán và bố trí ngân sách triển khai thi hành Luật thi hành án hình sự bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, đúng quy định.
– Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ quan có liên quan xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định và hướng dẫn thi hành Luật thi hành án hình sự; tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật thi hành án hình sự và các văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Xây dựng ban hành hoặctrình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thi hành án hình sự
Bộ Công an sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, xây dựng ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật, cụ thể là:
* Văn bản của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ
– Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án hình sự.
– Nghị định của Chính phủ ban hành Quy chế trại giam.
– Nghị định của Chính phủ về quy trình thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.
– Nghị định của Chính phủ quy định về thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ.
– Nghị định của Chính phủ quy định về thi hành án phạt cấm cư trú, quản chế.
– Nghị định của Chính phủ quy định về thi hành án phạt cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định.
– Nghị định của Chính phủ quy định về thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
– Nghị định của Chính phủ quy định về thi hành án phạt trục xuất.
– Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về chế độ ăn, mặc, ở, chăm sóc y tế, chế độ lao động, học tập đối với học sinh trường giáo dưỡng.
– Nghị định của Chính phủ về khen thưởng đối với cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức có thành tích trong công tác thi hành án hình sự.
– Nghị định của Chính phủ quy định về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thi hành án hình sự.
– Nghị định của Chính phủ quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về thi hành án hình sự.
– Nghị định của Chính phủ về tạo điều kiện hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt, biện pháp tư pháp.
– Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai thi hành Luật thi hành án hình sự.
* Văn bản liên tịch
– Thông tư liên tịch của Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp và Bộ Quốc phòng quy định về chương trình, nội dung học văn hoá, pháp luật, giáo dục công dân và chế độ sinh hoạt giải trí của phạm nhân.
– Thông tư liên tịch của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về dạy nghề và chế độ lao động, việc sử dụng kết quả lao động của phạm nhân trong trại giam.
– Thông tư liên tịch của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao hướng dẫn về thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự đối với phạm nhân là người nước ngoài.
– Thông tư liên tịch của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ ăn, mặc, ở, tổ chức phòng, chữa bệnh và phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho phạm nhân.
– Thông tư liên tịch của Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Y tế hướng dẫn công tác quản lý, chăm sóc, điều trị, tư vấn người bị tạm giam, phạm nhân, học sinh bị nhiễm HIV/AIDS trong Nhà tạm giữ, Trại tạm giam, Trại giam, Trường giáo dưỡng do Bộ Công an quản lý.
– Thông tư liên tịch của Bộ Công an, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế hướng dẫn thi hành một số quy định của pháp luật về tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù đối với người đang chấp hành hình phạt tù bị bệnh nặng.
– Thông tư liên tịch của Bộ Công an, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện các quy định về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân.
– Thông tư liên tịch của Bộ Công an, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng hướng dẫn việc thi hành quyết định thi hành án tử hình.
– Thông tư liên tịch của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế hướng dẫn việc khám bệnh, chữa bệnh cho phạm nhân do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quản lý tại các bệnh viện của Nhà nước.
– Thông tư liên tịch của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao hướng dẫn việc thi hành án phạt trục xuất.
* Văn bản của Bộ trưởng Bộ Công an
– Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về tổ chức bộ máy của cơ quan quản lý thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án hình sự.
– Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an về đồ vật thuộc danh mục cấm đưa vào trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ.
– Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành các biểu mẫu, sổ sách theo dõi, quản lý người bị kết án phạt tù.
– Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Nội quy trại giam.
– Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về danh mục trang thiết bị y tế, bệnh xá trại giam, trại tạm giam, trường giáo dưỡng.
– Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về vũ trang canh gác bảo vệ, tuần tra, kiểm soát trại giam, trường giáo dưỡng và dẫn giải phạm nhân, học sinh.
– Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về quy trình bắt, áp giải người có quyết định thi hành án phạt tù của lực lượng Cảnh sát hỗ trợ tư pháp thuộc Công an nhân dân theo yêu cầu của cơ quan quản lý thi hành án hình sự.
– Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về các hạng mục công trình trong trại giam.
– Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn thi hành Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án hình sự trong Công an nhân dân.
– Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về phân loại và giam giữ phạm nhân theo loại./.
BỘ CÔNG AN – VỤ PHÁP CHẾ
BỘ TƯ PHÁP – VỤ PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT