I/SỰ CẦN THIẾT PHẢI SỬA ĐỔI PHÁP LỆNH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚICÁCH MẠNG.

  Pháp lệnh ưu đãi người có công hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng được Uỷ ban thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX thông qua ngày 29 tháng 8 năm 1994 (sau đây gọi là Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng) ban hành đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo sức mạnh tổng hợp về chính trị, kinh tế và xã hội, sự đồng thuận giữa Đảng, Nhà nước, nhân dân và bản thân người có công với cách mạng, có tác động sâu sắc đến toàn xã hội, cùng với Nhà nước chăm lo người có công với cách mạng, phát huy truyền thống, đạo lý của dân tộc “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” trong thời kỳ đổi mới của đất nước .

Quá trình thực hiện Pháp lệnh, đời sống người có công được cải thiện một bước, góp phần ổn định chính trị, thúc đẩy công cuộc đổi mới của đất nước.

Tuy nhiên, qua hơn 10 năm thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (Pháp lệnh đã được sửa đổi, bổ sung một số Điều năm 1998, 2000, 2001) đã bộc lộ một số hạn chế, bất hợp lý cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống như:

– Đối tượng hưởng chế độ ưu đãi chưa đầy đủ. Ngoài 13 đối tượng quy định ở Pháp lệnh còn đối tượng là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học chưa được hưởng chế độ theo Pháp lệnh.

– Điều kiện tiêu chuẩn xác nhận người có công chưa thật phù hợp với từng thời kỳ cách mạng.

– Một số chế độ ưu đãi chưa thật sự phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt là chế độ ưu đãi ngoài trợ cấp chưa cụ thể, rõ ràng, nên gây khó khăn, trở ngại trong việc hướng dẫn, chỉ đạo của các cơ quan chức năng ở Trung ương cũng như địa phương.

– Một số nội dung liên quan đến vấn đề quản lý Nhà nước về ưu đãi người có công quy định chưa thật đầy đủ và rõ ràng về thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, UBND các cấp.

– Một số nội dung liên quan đến việc xử lý những hành vi vi phạm Pháp lệnh chưa được quy định cụ thể.

Mặt khác, thời gian qua một số văn bản pháp luật mới ban hành hoặc được sửa đổi, bổ sung liên quan đến chính sách ưu đãi người có công với cách mạng như Bộ luật dân sự, Bộ luật lao động, Luật đất đai, Luật thi đua khen thưởng…

Đặc biệt những năm qua tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước do công cuộc đổi mới của Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã thu được nhiều thắng lợi, đời sống của nhân dân ta đã được cải thiện đáng kể.

Do vậy cần phải sửa đổi, bổ sung chế độ ưu đãi đối với những người có công với cách mạng cho phù hợp, nhằm nâng cao mức sống và chăm sóc tốt hơn cho người có công với cách mạng.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ tám (Khoá IX), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 210/2004/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2004 bổ sung chế độ ưu đãi về trợ cấp mai táng phí, giáo dục đào tạo.

Bởi vậy, việc xây dựng và ban hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng là một vấn đề có tính cấp thiết nhằm góp phần hoàn thiện chính sách đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng trong giai đoạn hiện nay. Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2005 và Chủ tịch nước ký Lệnh công bố số 18/2005/L/CTN ngày 11 tháng 7 năm 2005.

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:  1900.0191

Luật sư bào chữa tại tòa án ?

Luật sư tư vấn & bào chữa tại tòa án – Ảnh minh họa

II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO VIỆC XÂY DỰNG PHÁP LỆNH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG

Việc xây dựng Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thể hiện những quan điểm chỉ đạo sau:

1. Thể chế hoá Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tám (Khoá IX) về chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.

2. Thể chế hoá Điều 67 của Hiến pháp năm 1992 “Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Thương binh được tạo điều kiện phục hồi chức năng lao động, có việc làm phù hợp với sức khoẻ và có đời sống ổn định. Những người và gia đình có công với nước được khen thưởng, chăm sóc”. Đồng thời để phù hợp và đồng bộ với hệ thống pháp lệnh hiện hành, đặc biệt là các Luật khác liên quan đến chính sách ưu đãi xã hội mới của Quốc hội ban hành như: Bộ luật lao động, Bộ luật dân sự, Luật thi đua khen thưởng, Luật đất đai…Đồng thời thể chế hoá những quy định hiện hành của các văn bản dưới luật đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn. Trong đó có cả việc quy định rõ trách nhiệm cụ thể của các Bộ, ngành, các cấp trong việc tổ chức thực hiện các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và tiếp tục cụ thể hoá quan điểm xã hội hoá “Đền ơn đáp nghĩa” thực sự trở thành phong trào sâu rộng trong cả nước.

3. Bổ sung, sửa đổi toàn diện cả đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn, chế độ ưu đãi phù hợp với từng thời kỳ lịch sử cách mạng, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, tài chính của đất nước.

4. Xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước các cấp, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức, cá nhân về tổ chức thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng trong thời kỳ mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

III/ BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA PHÁP LỆNH

 1. VỀ BỐ CỤC : Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng gồm5 Chương với 48 Điều, cụ thể như sau:

– Chương I: Những quy định chung, gồm 8 điều (từ điều 1 đến Điều 8) tăng thêm 5 Điều.

– Chương II: Điều kiện, tiêu chuẩn và các chế độ ưu đãi, gồm 22 Điều (từ Điều 9 đến Điều 33), tăng thêm 5 Điều.

– Chương III : Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về ưu đãi người có công với cách mạng, gồm 8 Điều (từ Điều 34 đến Điều 41), tăng thêm 5 Điều.

– Chương IV: Khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm, gồm 4 Điều (từ Điều 42 đến Điều 46).

– Chương V: Điều khoản thi hành, gồm 3 Điều (từ Điều 46 đến Điều 48).

Như vậy, Pháp lệnh mới tăng 15 Điều so với Pháp lệnh hiện hành.

2. NHỮNG NỘI DUNG MỚI SO VỚI PHÁP LỆNH HIỆN HÀNH

a/ Về đối tượng và phạm vi

– Đối tượng hưởng chế độ ưu đãi ở Pháp lệnh mới gồm có 11 nhóm đối tượng là người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng (Pháp lệnh hiện hành có 7 nhóm đối tượng).

– Bổ sung đối tượng hưởng chế độ ưu đãi:

+ Thương binh loại B xác nhận trước ngày 31/12/1993 (Nghị định số 28/CP gọi là quân nhân bị tai nạn lao động).

– Bệnh binh mất sức lao động từ 41% – 60% được công nhận trước ngày 31/12/1994 (Nghị định số 28/CP gọi là quân nhân bị bệnh nghề nghiệp).

– Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học.

– Người có công giúp đỡ cách mạng trong gia đình được tặng huân chương, huy chương kháng chiến.

b/ Những sửa đổi, bổ sung liên quan đến điều kiện hưởng các chế độ ưu đãi:

– Đối với người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, sửa đổi căn bản chế độ ưu đãi, đối tượng được hưởng các chế độ như: trợ cấp hàng tháng, chăm sóc sức khoẻ, bảo hiểm y tế, một số trường hợp được cấp phương tiện trợ giúp cần thiết; được chăm lo về văn hoá tinh thần; hỗ trợ cải thiện nhà ở; trợ cấp mai táng phí (khi chết) thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất (Điều 10).

– Đối với liệt sĩ: Pháp lệnh quy định rõ điều kiện xác nhận liệt sĩ, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân trong việc tổ chức truy điệu, chôn cất, quản lý, chăm sóc giữ gìn phần mộ, xây dựng quản lý nghĩa trang, đài tưởng niệm bia ghi tên và thông báo phần mộ cho gia đình liệt sĩ. Quy định nguồn ngân sách Nhà nước cho việc xây dựng nâng cấp, tu bổ nghĩa trang liệt sỹ và các công trình ghi công liệt sĩ, coi đây là những công trình lịch sử văn hoá, có ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ (Điều 11, 12, 13).

– Đối với thân nhân liệt sĩ, quy định mới cũng chỉ rõ các chế độ ưu đãi về trợ cấp, trong sản xuất kinh doanh, hỗ trợ cải thiện nhà ở, ưu đãi trong y tế, giáo dục, đào tạo, giải quyết việc làm,… Điểm mới so với chế độ ưu đãi cho thân nhân liệt sĩ hiện hành là không quy định độ tuổi hưởng trợ cấp tuất hàng tháng, trường hợp thân nhân của hai liệt sĩ trở lên được hưởng trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng; khi thân nhân của liệt sĩ chết thì người tổ chức lễ tang được hưởng trợ cấp lễ tang chôn cất và được hỗ trợ một khoản trợ cấp (Điều 14).

– Đối với Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động: Pháp lệnh quy định khi đối tượng đã được công nhận danh hiệu Anh hùng thì đều được hưởng chế độ ưu đãi mà không phân biệt anh hùng thời kỳ kháng chiến hay anh hùng thời kỳ đổi mới để phù hợp với Luật thi đua khen thưởng (Điều 16, 17, 18).

– Đối với thương binh và người hưởng chính sách như thương binh: Pháp lệnh quy định rõ điều kiện xác nhận thương binh (trước đây quy định trong Nghị định số 28/CP ngày 29/4/1995).

Điểm mới là đối với các trường hợp bị thương được xác nhận là thương binh loại B trước ngày 31/12/1993, (năm 1995 Nghị định 28/CP quy định là Quân nhân bị tai nạn lao động) được chuyển trở lại với tên gọi cũ là thương binh loại B và hưởng chế độ ưu đãi.

Về chế độ ưu đãi đối với thương binh giữnhư cũ, có bổ sung thêm chế độ đối với thương binh mất sức lao động từ 21% đến 60 % từ trần thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng phí và được hỗ trợ một khoản trợ cấp.

Để thực thi các chính sách ưu đãi đã được quy định có hiệu quả, Pháp lệnh quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan trong việc hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chế độ ưu đãi đối với thương binh trong lao động sản xuất, kinh doanh, trong việc học nghề và các ưu đãi đối với cơ sở sản xuất kinh doanh của thương binh.

– Đối với bệnh binh, điều kiện xác nhận bệnh binh được sửa đổi theo hướng lược bỏ các điều kiện trước đây đã quy định nhưng không còn phù hợp với tình hình hiện nay và quy định của Luật sỹ quan (Điều 23).

Điểm mới là đối với bệnh binh hạng 3 được xác nhận trước ngày 31/12/1993 (mất sức lao động từ 40% – 60%) được chuyển trở lại với tên gọi cũ và Pháp lệnh quy định thuộc diện người có công, được giải quyết theo chế độ bệnh binh.

– Đối với người hoạt động cách mạng hoặc kháng chiến bị địch bắt tù đày; Người có công giúp đỡ cách mạng: Pháp lệnh bổ sung chế độ ưu đãi về nhà ở, theo hướng quy định mở: tuỳ hoàn cảnh cụ thể của từng người, khả năng kinh tế của đất nước và nguồn lực của địa phương để có hỗ trợ trong việc cải thiện chỗ ở (Điều 26, Điều 32).

– Đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học: Đây là một đối tượng mới của Pháp lệnh ưu đãi người có công vói cách mạng. Đối tượng này đã được hưởng chế độ theo Quyết định số 120/2004/QĐ-TTg ngày 05/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, đời sống, sức khoẻ và con đẻ của họ bị tật nguyền là một vấn đề mà xã hội đang đặc biệt quan tâm. Pháp lệnh khẳng định họ là những người có công và được hưởng chế độ ưu đãi như: Trợ cấp hàng tháng; chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng lao động, được cấp phương tiện trợ giúp cần thiết; Được ưu tiên giao đất, vay vốn với lãi suất thấp để sản xuất, được miễn giảm các loại thuế, hỗ trợ cải thiện nhà ở, khi chết thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng phí…. (Điều 30, Điều 31). Con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học nếu bị dị dạng, dị tật không tự lực được trong sinh hoạt cũng được hưởng trợ cấp hàng tháng, được chăm sóc sức khỏe, ưu tiên trong giáo dục đào tạo và giải quyết việc làm, khi chết thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng phí…

c/ Về chế độ trợ cấp ưu đãi

– So với Pháp lệnh hiện hành thì các chế độ ưu đãi của Pháp lệnh mới đã được nâng lên ở mức cao hơn. Mức trợ cấp, phụ cấp hàng tháng đối với người có công với cách mạng và thân nhân của họ được đảm bảo tương ứng với mức tiêu dùng bình quân của toàn xã hội. Theo quy định của Nghị định số 147/2005/NĐ-CP ngày 30/11/2005 của Chính phủ quy định về mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng, thì kể từ ngày 01/10/2005 mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng là 355.000đ (từ 01/10/2005 trở về trước mức này là 292.000đ).

– Bổ sung chế độ mai táng đối với một số đối tượng có công hưởng trợ cấp, phụ cấp hàng tháng.

– Bổ sung chế độ đối với người có công sau khi chết, thân nhân của họ tiếp tục hưởng một khoản trợ cấp bằng 3 tháng trợ cấp, phụ cấp trước khi chết người có công với cách mạng được hưởng.

– Bổ sung chế độ đối với bố, mẹ, vợ, chồng người có công nuôi liệt sĩ được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng không phụ thuộc tuổi đời; thân nhân hai liệt sĩ được hưởng trợ cấp nuôi dưỡng (Khoản 2, Điều 14) (trước đây bố, mẹ, vợ hoặc chồng người có công nuôi liệt sĩ phải hết tuổi lao động hoặc bị mất sức lao động từ 61% trở lên mới được hưởng và thân nhân hai liệt sĩ chỉ được trợ cấp tiền tuất).

– Bổ sung chế độ bảo hiểm y tế và mai táng phí đối với người hoạt động kháng chiến và người có công giúp đỡ cách mạng hưởng trợ cấp một lần.

Mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng ban hành kèm theo Nghị định số 147/2005/NĐ-CP ngày 30/11/2005 bao gồm:Mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng đối với người có công với cách mạng; Mức trợ cấp thương tật đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh và Mức trợ cấp thương tật đối với thương binh loại B.

d/ Những sửa đổi, bổ sung liên quan đến vấn đề quản lý nhà nước

So với các Chương của Pháp lệnh thì Chương III với nội dung quản lý Nhà nước về chế độ ưu đãi được sửa đổi toàn diện, trong đó đã bổ sung thêm nội dung quản lý nhà nước về chế độ ưu đãi; quy định cơ quan quản lý về ưu đãi xã hội và mối quan hệ phối hợp của cơ quan quản lý nhà nước trong phạm vi, chức năng, thẩm quyền của mình trong việc xây dựng, hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện chế độ ưu đãi xã hội.

đ/ Về xử lý vi phạm: Sửa đổi một số quy định để làm rõ những hành vi vi phạm trong lĩnh vực ưu đãi người có công và cơ chế xử lý vi phạm.

Pháp lệnh hiện hành quy định người có công đang hưởng chế độ ưu đãi mà phạm tội thì trong thời gian chấp hành hình phạt không được hưởng chế độ ưu đãi. Pháp lệnh mới quy định chỉ khi người có công phạm tội bị kết án tù giam thì thời gian chấp hành hình phạt không được hưởng chế độ ưu đãi.

Khác với quy định cũ, người có công phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, phạm tội nghiêm trọng bị kết án tù trên 5 năm thì vĩnh viễn bị tước danh hiệu và quyền lợi ưu đãi đang hưởng. Pháp lệnh mới quy định chỉ trường hợp phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia bị kết án phạt tù thì sẽ tước bỏ vĩnh viễn danh hiệu, quyền lợi ưu đãi; trường hợp pháp tội khác sẽ được xem xét phục hồi.

IV/ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và những văn bản hướng dẫn thi hành là một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quan trọng liên quan đến việc thực hiện các chế độ chính sách đối với những người có công với cách mạng, thể hiện đạo lý của dân tộc ta “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”.

Để Pháp lệnh đi vào cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của các đối tượng và tình cảm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, trong thời gian tới các cơ quan nhà nước và các cơ quan chức năng trong hệ thống chính trị phải khẩn trương tổ chức làm tốt những việc sau:

– Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục soạn thảo và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành đầy đủ, đồng bộ hệ thống văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

– Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan ở Trung ương và địa phương tổ chức thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Pháp lệnh và những văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành trên phương tiện thông tin đại chúng, như: báo, đài phát thanh, truyền hình nhằm mục đích nâng cao nhận thức và hành động thống nhất của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương và mọi người dân đối với công việc “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”.

– Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện những quy định của Pháp lệnh và những văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh; Xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo thi hành Pháp lệnh ở các cấp; các ngành; các địa phương trong cả nước và tổ chức chuẩn bị nguồn kinh phí đầy đủ và kịp thời để thực hiện các chế độ chính sách theo quy định của Pháp lệnh và những văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành đối với người có công với cách mạng trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội trong thời kỳ đổi mới./.

BỘ TƯ PHÁP – VỤ PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

BỘ LAO ĐỘNG -THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI – VỤ PHÁP CHẾ

 (LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

———————————————-
DỊCH VỤ PHÁP LÝ LIÊN QUAN:
1. Luật sư riêng cho gia đình;

2. Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;

3. Tư vấn xử lý nợ cho doanh nghiệp;

4. Dịch vụ Luật sư Riêng cho Cá nhân;

5. Dịch vụ Luật sư của LVN Group bào chữa, tranh tụng tại Tòa án;

6. Dịch vụ Luật sư của LVN Group tư vấn trực tuyến qua tổng đài 1900.0191;