Dự án luật này có can hệ tới sự tin cậy về tính hiệu lực của thiết chế tố tụng hành chính có bảo đảm thật sự là chỗ dựa cho người dân, doanh nghiệp đang hàng ngày đối diện trước các quyết định và hành vi hành chính của những người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy hành chính Nhà nước tác động và ảnh hưởng đến các quyền và lợi ích hợp pháp của mình hay không…

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:   1900.0191

Tôi nhớ tâm trạng chung của nhiều người rất hồ hởi, vui mừng khi Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính (PLTTGQCVAHC) được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá IX thông qua ngày 21-5-1996, rồi được sửa đổi, bổ sung vào các năm 1998, 2006 đến nay, có thể mở rộng cho những khiếu kiện của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo thông tin từ hội thảo, trái với sự lo ngại Toà Hành chính sẽ quá tải, thật ngạc nhiên là nếu phân bổ theo số lượng tổ chức toà án các cấp hiện nay, mỗi năm một đơn vị chỉ thụ lý chưa tới… 2 vụ kiện. Tôi biết nhiều thẩm phán của toà hành chính các địa phương bây giờ được giao giải quyết các vụ kiện dân sự, lao động, hôn nhân gia đình? Có điều gì đang ẩn chứa đằng sau sự vắng lặng bất thường từ tố tụng hành chính lạnh lẽo như thế ?

Đánh giá một cách khách quan, có thể nói các quy định của PLTTGQCVAHC chưa thoả mãn được yêu cầu nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ án hành chính của toà án nhân dân, trong một chừng mực nhất định đã gây trở ngại cho người dân khởi kiện vụ án hành chính để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Trong con mắt của những người khiếu kiện, hành trình tố tụng hành chính như những đoạn trường quan ải không dễ vượt qua, bởi xét ở một chừng mực nhất định trong cơ chế hiện nay, sự né tránh kéo dài quá trình giải quyết khiếu nại, những áp lực từ các cơ quan quyền lực và hành chính – nơi xuất phát của các quyết định hành chính và hành vi hành chính – vẫn hàng ngày tác động đến tính vô tư và độc lập của những người tiến hành tố tụng.

Có ý kiến cho rằng do cơ chế bổ nhiệm thẩm phán ở nước ta còn theo nhiệm kỳ, không phải được bổ nhiệm suốt đời, nên trong một chừng mực nhất định, thực tế nảy sinh tâm lý của thẩm phán lo ngại khi được phân công thụ lý vụ án hành chính, hoặc khi xem xét, đánh giá hiệu lực của các quyết định, hành vi hành chính của người có chức vụ, quyền hạn – những người này có thể ảnh hưởng đến việc quyết định tái bổ nhiệm hay không của chính thẩm phán…

Nền tảng của tố tụng hành chính mong muốn đạt tới là làm sao thông qua một thiết chế tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp được tiếp cận ngay với hệ thống toà án khi các quyết định hành chính, hành vi hành chính xâm phạm trực tiếp đến các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Do đó, trong dự thảo Luật Tố tụng hành chính lần này, điều mong mỏi chung là các nhà soạn thảo hướng cần hướng đến mục tiêu không chỉ góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tăng cường sự vận hành thông suốt của bộ máy hành chính, mà đặt các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp trong thế được bảo đảm công bằng và minh bạch.

Ở đây, vấn đề cần quan tâm chính là việc Ban soạn thảo đang “bỏ ngỏ” đối với một số loại việc có tính chuyên môn cao (như các quyết định hành chính trong lĩnh vực về thuế, sở hữu trí tuệ, quản lý đất đai và các lĩnh vực khác được luật chuyên ngành quy định) để các cơ quan hành chính giải quyết khiếu nại trước khi cho phép khởi kiện ra toà án. Quy định như vậy vô hình trung đi ngược lại chủ trương đơn giản hóa thủ tục khởi kiện và nâng cao trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giải quyết các khiếu kiện hành chính.

Chính các loại việc có tính chuyên môn cao lại càng đòi hỏi phải có sự phân xử rõ ràng của toà án, vì hầu hết các trường hợp này, cơ quan giải quyết khiếu nại thường bảo lưu quyết định hành chính của cấp dưới. Cần đơn giản hoá điều kiện khởi kiện vụ án hành chính theo hướng cá nhân, tổ chức không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính thì có thể khởi kiện vụ án hành chính mà không đặt ra yêu cầu về việc cá nhân, tổ chức đó phải khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Đó cũng chính là cơ chế cho phép trả lại cho toà hành chính của toà án các cấp hình ảnh và là địa chỉ tin cậy của người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận với công lý.

Công ty luật LVN Group (biên tập) 

——————————————————

THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Tư vấn pháp luật lao động;

2. Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;

3. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;

4. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

5.Dịch vụ Luật sư của LVN Group tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án.

6. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;