>> Luật sư tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp trực tuyến gọi số:1900.0191
Những bất cập khi thực hiện chủ trương cổ phần hóa
Do trình độ phát triển của lực lượng sản xuất còn thấp kém, nước ta còn đang ở trong thời kỳ quá độ kinh tế lên chủ nghĩa xã hội, tức là thời kỳ xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải giải phóng mọi lực lượng xã hội để phát triển sản xuất, nên một bộ phận giai cấp công nhân vẫn phải làm thuê, làm thợ là điều không tránh khỏi. Song, kinh nghiệm thực tế đã cho chúng ta thấy, không được nóng vội, không thể để cho quan hệ sản xuất vượt quá xa trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, vì như vậy cũng chính là sự kìm hãm và phá hoại lực lượng sản xuất, chứ không phải là mở đường cho nó phát triển. Thế nhưng, không vì vậy mà chúng ta lơ là những mục tiêu cốt yếu, không quan tâm đúng mức đến việc vạch ra lộ trình từng bước giải phóng giai cấp công nhân nói riêng và nhân dân lao động nói chung, trong quá trình phát triển đất nước. Nếu không quan tâm đúng mức đến vấn đề này thì chúng ta sẽ xa dần mục tiêu, lý tưởng.
Đành rằng, trong thời kỳ quá độ, một bộ phận của giai cấp công nhân vẫn phải làm thuê, làm thợ, nhưng đó là ở các xí nghiệp tư nhân tư bản chủ nghĩa (trong nước và nước ngoài). Còn ở các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), điều cần làm là chúng ta phải quan tâm đến quyền làm chủ của họ. Vì vậy, chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước chỉ đúng khi chúng ta quan tâm đúng mức và thực sự, chứ không phải là sự quan tâm có tính hình thức đến số phận của người công nhân. Nếu đi chệch mục tiêu này, có nghĩa là chúng ta đang tư sản hóa, tư nhân hóa các DNNN.
Đã có lúc các nhà lý luận đặt vấn đề: Cổ phần hóa có phải là tư nhân hóa? Và nhiều ý kiến khẳng định rằng, cổ phần hóa là tư nhân hóa. Các ý kiến này cho rằng, chúng ta đang bán doanh nghiệp nhà nước cho các tư nhân, đó chẳng phải là tư nhân hóa?
Vấn đề đặt ra là, chúng ta chỉ cổ phần hóa các DNNN làm ăn thua lỗ hay cổ phần hóa cả các DNNN đang phát triển, sản xuất bình thường như hiện nay? Liệu rồi, nếu cứ lần lượt cổ phần hóa các DNNN, đến một thời kỳ nhất định nào đó khu vực kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng lớn hơn khu vực kinh tế nhà nước thì chúng ta có bị lệch hướng không?
Trước hết, chúng ta cần khẳng định rằng, cổ phần hóa không phải là tư nhân hóa mà là tập thể hóa, liên hiệp hóa, hợp tác hóa. Đó là một bước tiến so với tư bản tư nhân. C.Mác đã từng nói rằng, các công ty cổ phần “trực tiếp mang hình thái tư bản xã hội (tư bản của những cá nhân trực tiếp liên hiệp với nhau) đối lập với tư bản tư nhân, do đó những xí nghiệp của nó cũng biểu hiện ra các xí nghiệp xã hội đối lập với các xí nghiệp tư nhân”(1). Song, vấn đề cốt lõi không phải ở đó, mà là ở chỗ cho dù không phải là tư nhân hóa mà là tập thể hóa, liên hiệp hóa hay hợp tác hóa đi nữa, nhưng doanh nghiệp đó là của ai, của giai cấp nào? Cổ phần hóa là để đem lại lợi ích cho người lao động trực tiếp, cho Nhà nước, hay cho những cá nhân lắm tiền, nhiều của? Nếu coi doanh nghiệp đó là của giai cấp tư sản thì rõ ràng là chủ trương cổ phần hóa đã đi chệch hướng…
Khi thực hiện chủ trương cổ phần hóa, không ít người quên mất một điều hiển nhiên trong kinh tế thị trường, nhất là trong các hành vi mua – bán, là: “Chỉ có người giàu mới có tiền mua cổ phiếu, còn người nghèo thì lấy gì để mua”. Người công nhân ở những nước đang phát triển như Việt Nam còn đang phải làm việc với những điều kiện lao động, sản xuất khó khăn và tiền công thấp, làm sao có tiền dư để mua cổ phiếu? Vì vậy, nên chăng, Nhà nước lập một quỹ hỗ trợ cho công nhân vay để mua cổ phiếu, và như vậy, câu trả lời cho câu hỏi “Cổ phần hóa để đem lại lợi ích cho ai?” sẽ tìm ra lối giải quyết.
Chúng ta hãy nhìn vào một thực tế, trong các nghị định của Chính phủ về chủ trương cổ phần hóa, không có một nghị định nào về việc lập quỹ hộ trợ cho người lao động vay mua cổ phiếu, mà chỉ có một vài ưu đãi. Cụ thể là: Nghị định số 64/ NĐ- CP, năm 2002, quy định: Người lao động được mua tối đa 10 cổ phiếu cho mỗi năm làm việc với giá giảm 30% so với mệnh giá (mệnh giá 100.000 đ/cổ phiếu) và phải nắm giữ trong 3 năm. Như vậy là, sau 3 năm người lao động có thể bán cổ phiếu của mình, tức là bán đi quyền làm chủ, để trở lại thân phận làm thuê, làm thợ. Thực tế cho thấy, người công nhân thường có rất ít vốn tích lũy, thậm chí không có chút nào hoặc còn phải đi vay mượn thêm mới đủ trang trải cho cuộc sống, nên khi có nhu cầu về chi tiêu những khoản đột xuất thì họ chẳng có cách nào khác là bán cổ phiếu, nếu như họ đang có cổ phiếu trong tay, lại được phép bán. Như vậy, chủ trương bán cổ phiếu cho người lao động đã không đạt được mục đích tốt đẹp như trong các chủ trường đề ra.
Tiếp theo là Nghị định số 187/NĐ-CP, năm 2004. Theo Nghị định, người lao động được mua 100 cổ phiếu cho mỗi năm làm việc với giá ưu đãi giảm 40% so với giá đấu thầu thành công bình dân bán cho nhà đầu tư khác. Tuy nhiên, nếu họ mua vào lúc giá của thị trường chứng khoán lên cao “ngất ngưởng” thì có giảm 40% so với giá đấu thầu thành công bình quân, họ vẫn phải trả với giá cao hơn mệnh giá của cổ phiếu. Xin nêu một ví dụ cụ thể: Đợt đấu giá đầu tiên trong tháng 12 – 2006 của Tổng công ty Bảo hiểm dầu khí (PVI) là 160.000 đ/cổ phiếu. Nếu giảm 40% tức là giảm 64.000 đ/cổ phiếu thì người lao động vẫn còn phải trả 96.000 đ/cổ phiếu, cao hơn so với mệnh giá hẳn 9 lần. Đợt thứ hai dù giá chỉ là 75.000 đ/cổ phiếu thì người lao động vẫn còn phải trả 45.000 đ/cổ phiếu, trong khi giao dịch trên sàn hiện nay chỉ còn khoảng 25.000 đ/cổ phiếu.
Một điểm bất cập nữa của Nghị định này là, không quy định người lao động phải giữ cổ phiếu trong 3 năm, có nghĩa là cho phép họ bán ngay cổ phiếu của mình. Phải chăng, quy định như vậy là để tạo thuận lợi cho người lao động, không bị mất “cơ hội” khi cổ phiếu được giá? Gặp khi có chút lời, hoặc khi có nhu cầu bức bách, lại được phép bán ngay thì họ sẽ bán ngay để kiếm khoản chênh lệnh lớn hơn hoặc bằng 40% đó. Đương nhiên, khi bán đi rồi thì vĩnh viễn họ không có điều kiện mua lại. Đó là trường hợp may mắn bán được giá, còn nếu không, gặp thời sụt giá như trường hợp PVI nói trên thì người lao động không những không có lời mà còn bị lỗ.
Một số giải pháp cơ bản để chủ trương cổ phần hóa thực sự đem lại quyền lợi cho người lao động:
1. Ưu đãi bán cổ phiếu cho người lao động trực tiếp tại xí nghiệp: Ưu đãi này sẽ được thực hiện theo hai tiêu chí: thâm niên công tác và hệ số tiền lương; không nên chỉ thực hiện theo thâm niên công tác, bởi như vậy sẽ không công bằng với những người có tay nghề cao, có nhiều cống hiến cho doanh nghiệp. Giả sử, một lao động giản đơn có hệ số lương bằng 1 (mức lương tối thiểu) được mua tối đa 10 cổ phiếu cho mỗi năm làm việc với mệnh giá 100.000đ/cổ phiếu, thì người lao động phức tạp có hệ số lương bằng 4 sẽ được mua 40 cổ phiếu cho mỗi năm làm việc tại doanh nghiệp.
Số cổ phiếu tối đa được mua cho mỗi năm làm việc nên quy định tùy theo giá trị của từng doanh nghiệp khi cổ phần hóa, chứ không nên quy định chung một cách cứng nhắc. Cần bổ sung giá trị của các doanh nghiệp để quy định số cổ phiếu tối đa được mua cho mỗi năm làm việc của người lao động.
2. Nhà nước thành lập quỹ hỗ trợ công nhân mua cổ phiếu: Như đã phân tích, công nhân ở những nước đang phát triển như nước ta thường có ít hoặc không có vốn tích lũy, bởi vậy, nếu không lập quỹ này thì chủ trương bán cổ phiếu ưu đãi cho công nhân sẽ không khả thi, hoặc sẽ diễn ra tình trạng bán “lúa non” như đã nói ở trên.
Xin lưu ý rằng, tư liệu sản xuất mà nhà nước đầu tư chỉ là lao động chết. Chúng chỉ phát huy tác dụng khi có lao động sống “tiếp sức”. Chúng lại có hai thuộc tính là giá trị và giá trị sử dụng. Thế nhưng, trong sản xuất, người công nhân chỉ quan tâm đến giá trị sử dụng của chúng chứ không để ý đến giá trị. Hơn nữa, các doanh nghiệp này là sở hữu của Nhà nước nên việc Nhà nước sử dụng giá trị như thế nào không ảnh hưởng gì đến người công nhân sử dụng tư liệu ấy để sản xuất ra sản phẩm cho xã hội. Vì vậy, quỹ cho công nhân vay mua cổ phiếu lấy từ một phần giá trị của tư liệu ấy là việc rất có thể làm, không những không ảnh hưởng đến sản xuất mà còn tạo ra niềm tin, sự phấn khởi cho người lao động. Từ đó, khiến họ quan tâm, nhiệt tình hơn đến sản xuất. Cũng có ý kiến cho rằng, Nhà nước cần thu tiền về để đầu tư vào chỗ khác nhằm tạo ra việc làm mới, bởi vẫn còn nhiều người thất nghiệp. Nói như vậy là không quan tâm đúng mức đến việc xóa bỏ những điều chưa công bằng, hợp lý theo lộ trình từng bước, là chỉ quan tâm đến “ngọn” mà bỏ quên mất “gốc”.
Đã có một quy định rất hay là: người lao động nghèo được mua chịu cổ phiếu và hoãn trả trong 3 năm đầu và trả dần tối đa trong 7 năm tiếp theo, không phải chịu lãi. Thế nhưng, số cổ phiếu trả dần dành cho người lao động nghèo không quá 20% tổng số cổ phiếu Nhà nước bán giá ưu đãi. Đây được coi là một thứ quỹ hỗ trợ. Đáng tiếc là nó không được áp dụng phổ biến cho tất cả những người lao động trực tiếp tại doanh nghiệp.
3. Người lao động được vay với lãi suất ưu đãi tùy thuộc vào cổ tức hằng năm chia cho mỗi cổ phiếu: Theo chủ trương này, vẫn cần giữ lại quy định cho người lao động mua chịu cổ phiếu không phải trả lãi. Hoặc nếu có, lãi suất chỉ nên bằng 1/3 cổ tức năm trước hằng năm. Ví dụ, nếu công ty trả cổ tức năm trước là 12%, tức là 1.200đ cho mỗi cổ phiếu mệnh giá 10.000đ và với lãi suất bằng 1/3 cổ tức, thì người lao động phải trả lãi là 400đ cho mỗi cổ phiếu mà họ vay tiền để mua. Nếu năm sau công ty trả cổ tức là 15%, tức 1500đ/cổ phiếu, thì người lao động phải trả lãi là 500đ cho mỗi cổ phiếu so với năm trước. Quy định linh hoạt như thế này sẽ thể hiện sự quan tâm đúng đắn của Nhà nước đến người lao động, đồng thời cũng thể hiện nguyên tắc: làm việc có hiệu quả thì hưởng nhiều, làm việc kém hiệu quả thì hưởng ít. Do đó, chủ trương này sẽ kích thích sự hăng say lao động và sáng tạo của công nhân. Khi đó, họ trở thành ông chủ thực sự của doanh nghiệp, chứ không còn là ông chủ “trên danh nghĩa” nữa.
4. Người lao động không được nhận cổ tức trực tiếp, mà công ty chuyển số cổ tức này cho quỹ hỗ trợ để trừ vào tiền lãi, phần còn lại trừ vào số tiền mà người lao động vay để mua cổ phiếu: Khi nào trừ hết được tiền vay thì khi đó người lao động mới được lĩnh cổ tức hằng năm. Đây được coi là hình thức tích lũy hộ người lao động mà không ảnh hưởng gì đến mức sống của họ so với trường hợp không có quỹ. Điều này rất có lợi cho người lao động vì chỉ sau một khoảng thời gian nhất định họ sẽ có được một số vốn tích lũy. Đây là chiến lược tạo ra sở hữu cho những người lao động liên hiệp (như C.Mác đã nói), mà nếu không có chiến lược này thì khó có thể xây dựng được chủ nghĩa xã hội.
5. Người lao động không được bán cổ phiếu của mình khi còn trong độ tuổi lao động: Người lao động chỉ được bán cổ phiếu khi đã về hưu hoặc chết và phải thanh toán hết số tiền vay còn lại cho quỹ. Khi chuyển nơi làm việc, người lao động được quyền chuyển đổi cổ phiếu nếu thuận lợi, hoặc phải được giữ nguyên số cổ phiếu ở công ty cũ với tư cách là một cổ đông, tức là vẫn giữ quyền làm chủ. Mặt khác, số cổ phiếu của người lao động buộc phải lưu ký tại quỹ hỗ trợ, để tránh tình trạng khi gặp khó khăn người lao động bán “chui” cổ phiếu. Theo nguyên tắc thị trường thì đây là sự thế chấp để được vay nên không vi phạm đến quyền sở hữu của người lao động.
Đối với các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ cổ phần khống chế, thì ngoài số cổ phiếu bán cho người lao động, có thể bán cổ phiếu ra ngoài cho các nhà đầu tư. Còn đối với các doanh nghiệp mà Nhà nước không nắm giữ cổ phiếu thì các tổ chức đảng, công đoàn, hội phụ nữ, đoàn thanh niên… phải trở thành những đơn vị đại diện cho những người lao động nắm giữ cổ phần khống chế (51%) và những cổ đông sáng lập nằm trong hội đồng quản trị của doanh nghiệp. Số cổ phần còn lại mới bán ra ngoài cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Có thể dành một lượng cổ phiếu nhất định để bán cho các nhà đầu tư chiến lược nếu thấy cần thiết./.
(1) C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb Chính tri quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1994, t25, tr 667
SOURCE: TẠP CHÍ CỘNG SẢN SỐ 16 (184) NĂM 2009 – TS. ĐỖ TRỌNG BÁ – Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh