Xin trân trọng kính chào luật LVN Group, Đầu tiên xin gửi lời cảm ơn và lời chúc sức khỏe chân thành nhất. Tôi hiện có một vấn đề liên quan đến thương hiệu như sau: Tôi đang triển khai xây dựng một phòng khám đa khoa với tên là: Phòng khám đa khoa Thiên Phước, nhưng khi tìm trên mạng thì đã có nhiều người lấy tên như thế rồi. Nếu tôi vẫn tiếp tục lấy tên như vậy và tiến hành xây dựng thì chuyện gì sẽ xảy ra? Có hình thức nào khác để tôi có thể sử dụng thương hiệu đó ? Tôi muốn biết tên phòng khám thiên phước có đăng kí thương hiệu thì tôi phải đến đâu và làm gì ?
Xin cảm ơn ./.
Người gửi: K.V
>> Luật sư tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ, gọi: 1900.0191
Luật sư tư vấn:
Cơ sở pháp lý điều chỉnh về đăng ký thương hiệu, bao gồm các tài liệu sau đây:
- Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009);
- Thông tư 01/2007/TT-BKHCN sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 18/2011/TT-BKHCN.
1. Thương hiệu và đặc điểm của thương hiệu
Thương hiệu là một khái niệm tương đối rộng bao gồm tất cả những thứ hình thành nên một doanh nghiệp như: chất lượng sản phẩm dịch vụ, uy tín của doanh nghiệp, đặc trưng của sản phẩm dịch vụ, dấu hiệu nhận biết, khả năng cạnh tranh, tài sản của doanh nghiệp, …
– Đặc điểm của thương hiệu:
Một thương hiệu có thể được cấu thành từ nhiều yếu tố, thành phần khác nhau, thường bao gồm:
+ Về biểu tượng (logo): Đây là phần không đọc được, chỉ được nhận diện bằng mắt. Các doanh nghiệp thường lựa chọn logo là những hình ảnh có ý nghĩa đã được cách điệu, không màu mè và dễ nhớ. Ví dụ như biểu tượng Bông sen vàng là logo của hãng hàng không quốc gia Việt Nam Vietnam airlines.
+ Về khẩu hiệu (slogan): là một câu nói ngắn gọn thể hiện khát vọng, tôn chỉ hoặc là sự khẳng định, cam kết của doanh nghiệp với người tiêu dùng. Ví dụ: Slogan của Viettel là “Hãy nói theo cách của bạn”; Slogan của Bittit’s là “Nâng niu bàn chân Việt”.
+ Về tên công ty: Đây là tên thương mại hoặc là tên viết tắc của doanh nghiệp. Với tên gọi, có thể giúp khách hàng dễ dàng giới thiệu thương hiệu tới người khác.
+ Về tên sản phẩm, màu sắc và thiết kế bao bì: Bên cạnh logo, việc kết hợp các màu sách, sử dụng hình dáng thiết kế trên bao bì cũng là các yếu tố giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết thương hiệu.
Có thể thấy rằng, bản thân từng thành phần riêng lẻ không thể tạo nên thương hiệu mà thương hiệu chính là sự hợp thành của những thành phần này. Thương hiệu là cảm nhận tổng thể doanh nghiệp về: Chất lượng; Môi trường; Uy tín; Giá trị cốt lõi. Thương hiệu giúp tạo ra cảm xúc, sự liên tưởng của người tiêu dùng về doanh nghiệp và các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp đó cung cấp.
– Sự khác nhau giữa thương hiệu và nhãn hiệu:
Nhiều người lầm tưởng rằng, thương hiệu và nhãn hiệu là một. Thực tế dựa trên những đặc điểm của hia thuật ngữ này, thương hiệu và nhãn hiệu không đồng nhất mà có sự khác nhau.
+ Về khái niệm:
Thương hiệu (brands) theo định nghĩa của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO): là dấu hiệu (hữu hình và vô hình) đặc biệt để nhận biết một sản phẩm hàng hóa hay một dịch vụ nào đó được sản xuất hay được cung cấp bởi một cá nhân hay tổ chức.
Nhãn hiệu (marks) theo định nghĩa của Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
+ Về mặt pháp lý:
Ở góc độ pháp lý, sử dụng thuật ngữ nhãn hiệu hàng hóa là đúng như trong quy định của pháp luật Việt Nam nhưng ở góc độ quản trị doanh nghiệp thì người ta sử dụng thuật ngữ thương hiệu nhiều hơn.
Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam chưa có định nghĩa về thương hiệu mà chỉ đưa ra định nghĩa về nhãn hiệu, do đó chỉ có nhãn hiệu mới về đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.
Vì chỉ có nhãn hiệu là đối tượng của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam nên nhãn hiệu được các cơ quan quản lý Nhà nước công nhận và bảo hộ, còn thương hiệu là kết quả phấn đấu lâu dài của doanh nghiệp và người tiêu dùng chính là người công nhận.
+ Về khía cạnh vật chất:
Nói đến thương hiệu là nói đến hình tượng về hàng hóa trong tâm trí người tiêu dùng. Ví dụ như nói đến điện thoại Iphone thì người dùng sẽ hình dung ra một sản phẩm sang chảnh, công nghệ cao.
Còn nhãn hiệu lại có thể là từ ngữ, hình ảnh, biểu tượng, … giúp khách hàng nhận diện bên ngoài của hàng hóa.
+ Về thời gian tồn tại:
Thương hiệu tồn tại lâu hơn nhãn hiệu. Có những thương hiệu nổi tiếng mãi theo thời gian nhưng nhã hiệu thì thay đổi theo những yếu tố tác động bên ngoài nhất định như thị hiếu người tiêu dùng … Hơn nữa, nhãn hiệu được bảo hộ trong thời gian có hạn, có thương hiệu được định vị lâu dài trong tâm trí của người tiêu dùng.
Theo những ý đã phân tích ở trên, có thể rút ra được một số đặc điểm khác nhau giữa thương mại và nhãn hiệu, cụ thể dưới đây:
Tiêu chí | Thương hiệu | Nhãn hiệu |
Về mặt pháp lý | Thương hiệu không là đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Do doanh nghiệp tự xây dựng và phát triền | Nhãn hiệu là đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ và có hiệu lực tại thời điểm được cấp văn bằng bảo hộ. |
Về khía cạnh vật chất | Tồn tại trong tâm trí của người tiêu dùng | Người tiêu dùng nhận diện qua hình ảnh, từ ngữ, biểu tượng, … |
Về thời gian tồn tại | Lâu dài và không xác định được thời gian tồn tại cụ thể | Có thời hạn là 10 năm. Chủ sở hữu có thể xin gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần là 10 năm |
Ý nghĩa | Dùng để xây dựng, phát triển hình ảnh doanh nghiệp và sản phẩm của doanh nghiệp đó | Dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. |
Như vậy, thương hiệu không phải là đối tượng điều chỉnh của luật pháo và không được lậu pháp bảo hộ. Nó có thể tồn tại ngay cả khi hàng hóa, dịch vụ mang thương hiệu không tồn tại bởi thương hiệu do sự đánh giá của người tiêu dùng nên chừng nào sản phẩm còn được người tiêu dùng tin dùng và có cảm nhận tích cực thì sản phẩm, đó cũng sẽ vẫn còn thương hiệu.
Thương hiệu thì không được đem ra định giá một cách dễ dàng vì nó gắn liền với uy tín, khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ do đó các doanh nghiệp khác không thể bắt chước hay là giả được bởi nó bao hàm cả sự tin tưởng và thái độ lựa chọn của khách hàng đối với một sản phẩm của thương hiệu nào đó.
Vậy nên, xét về góc độ luật học, thương hiệu (phần chữ) hoặc logo (phần hình) đều được gọi chung là nhãn hiệu. Để đăng ký bảo hộ thương hiệu, cá nhân, doanh nghiệp có thể tiến hành bằng thủ tục đăng ký nhãn hiệu. Bảo hộ nhãn hiệu rất quan trọng và là biện pháp cần thiết để giúp chủ sở hữu có thể được độc quyền sử dụng nhãn hiệu trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, việc đăng ký nhãn hiệu sẽ được sử dụng nhãn hiệu trên toàn lãnh thổ Việt Nam, việc đăng ký nhãn hiệu sẽ được thực hiện tại cơ quan chức năng thông qua thủ tục hành chính do chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc cá nhân, doanh nghiệp được chủ sở hữu nhãn hiệu ủy quyền.
2. Nơi đăng ký thương hiệu độc quyền tại Việt Nam
– Tại sao phải đăng ký thương hiệu (đăng ký nhãn hiệu)?
Việc đăng ký thương hiệu là một việc làm quan trọng và cấp bách với chủ sở hữu để có thể bảo hộ độc quyền thương hiệu của mình trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Khi tiến hành đăng ký thương hiệu, cá nhân, tổ chức sẽ được bảo hộ nhãn hiệu và đảm bảo được một số lợi ích như sau:
- Chứng minh được quyền sở hữu thương hiệu của chủ sở hữu với bên khác;
- Quyền sở hữu trí tuệ của thương hiệu chỉ phát sinh khi thương hiệu đã được đăng ký tại cơ quan đăng ký;
- Được độc quyền sử dụng thương hiệu trên toàn lãnh thổ Việt Nam trong thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký;
- Ngăn chặn mọi hành vi xâm phạm quyền đối với thương hiệu đã đăng ký;
- Tạo lợi thế cạnh tranh và giúp khách hàng dễ dàng nhận biết và phân biệt được với sản phẩm mang thương hiệu của người khác;
- Khi thương hiệu trở lên nổi tiếng, chủ sở hữu có thể cho phép bên khác sử dụng hoặc chuyển nhượng thương hiệu, từ đó sẽ thu được một khoản lợi nhuận.
– Địa điểm đăng ký thương hiệu:
Căn cứ vào thủ tục đăng ký nhãn hiệu được quy định tại Quyết định 3675/QĐ-BKHCN năm 2017, hồ sơ đăng ký nhãn hiệu được nộp tại Cục sở hữu trí tuệ theo các địa chỉ sau:
Nơi nộp | Địa chỉ |
Cục Sở hữu trí tuệ tại Thành phố Hà Nội |
số 384 – 396 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội. Số điện thoại: 024 3858 3069 |
Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Đà Nẵng |
Tầng 3, số 135 đường Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, Thành phố Đà Nẵng. Số điện thoại: 023 6388 9955 – 090 350 2566 Fax: (0236) 3889977 |
Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Thành phố Hồ Chí Minh |
Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, số 17 – 19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Số điện thoại: 028 3920 8483 – 028 3920 8485 Fax: 028 3920 8486 |
– Đăng ký nhãn hiệu online được không?
Theo Quyết định 3675/QĐ-BKHCN năm 2017 nêu trên, cá nhân, tổ chức có thể nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu theo hai cách thức chủ yếu đó là:
+ Nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận một cửa Cũ Sở hữu trí tuệ tại Thành phố Hà Nội hoặc Văn phòng đại diện Cục sở hữu trí tuệ tại một trong hai thành phố là Thành phố Hồ Chí Minh hoặc thành phố Đà Nẵng. Sau khi nộp xong hồ sơ, tổ chức, cá nhân tiến hành nộp phí tại bộ phận thu phí.
+ Nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu qua đường bưu điện, người nộp đơn cần chuyển tiền qua dịch vụ của bưu điện, sau đó phô tô giấy biên nhận chuyển tiền gửi kèm theo hồ sơ đơn đến một trong các điểm tiếp nhận đơn nêu trên của Cục sở hữu trí tuệ để chứng minh khỏan tiền đã nộp. Lưu ý: khi chuyển tiền phí, lệ phí đến một trong các điểm tiếp nhận đơn nêu trên của Cục sở hữu trí tuệ, người nộp đơn phải gửi hồ sơ qua bưu điện tương ứng đến điểm tiếp nhận đơn đó.
Nhãn hiệu của hàng hóa, dịch vụ chính là thứ gắn liền với uy tín, chất lượng, niềm tin khách hàng dành cho sản phẩm, dịch vụ cụ thể. Vì nhãn hiệu chính là dấu hiệu để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của đơn vị kinh doanh này với đơn vị kinh doanh khác. Nên, ngoài hình thức nộp trực tiếp hoặc thông qua đường bưu điện, hiện tại Cục sở hữu trí tuệ còn cho phép các cá nhân, tổ chức đăng ký nhãn hiệu online. Hình thức này vô cùng tiết kiệm thời gian và chi phí nên được áp dụng ngày càng phổ biến.
+ Thủ tục đăng ký nhãn hiệu online thực hiện như sau:
- Truy cập vào Cổng thông tin http://dvctt.noip.gov.vn và tạo tài khỏan đăng ký;
- Đăng nhận vào hệ thống bằng tài khoản đã đăng ký;
- Nhập thông tin đơn đăng ký nhãn hiệu vào các trường theo yêu cầu. Người nộp đơn đính kèm các tài liệu bằng cách nhấn nút “Đính kèm” sau đó tải chọn tệp đính kèm lên hệ thống;
- Ký số điện tử hồ sơ và nộp hồ sơ đến cụ sở hữu trí tuệ;
- Nộp lệ phí đăng ký nhãn hiệu (bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản).
Hiện nay, thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trực tuyến còn mới và chưa được hoàn thiện. Do vậy, trong quá trình đăng ký sẽ không tránh được những khó khăn và bất cập. cho nên, khi tiến hành đăng ký thương qua bằng hình thức online, chủ sở hữu nên chú ý một số điều sau:
- Việc đăng ký tài khoản đăng ký nhãn hiệu trực tuyến bắt buộc phải có chữ ký số (chứng thư số);
- Trên máy tính phải cài sẵn ứng dụng hỗ trợ chữ ký số; Việc kê khai hiện nay chỉ hỗ trợ trên Chrome và Firefox;
- Cũng giống như việc đăng ký nhãn hiệu trực tiếp, đăng ký nhãn hiệu online cũng đòi hỏi người thực hiện phải có đầy đủ chuyên môn và kinh nghiệm. Ở trường hợp này, không chỉ đòi hỏi người thực hiện phải thành thạp về máy tính, hệ thống dịch vụ công mà còn yêu cầu chuyên môn về hồ sơ, phân loại nhóm ngành và mô tả nhãn hiệu.
Ngoài ra, đối với các cá nhân, tổ chức, công ty nước ngoài cũng cần chú ý khi muốn đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Việt Nam. Dựa trên điều 89 của Luật sở hữu trí tuệ hiện hành, không có sự phân biệt việc thương nhân nước ngoài và thương nhân trong nước tiến hành đăng ký nhãn hiệu, cụ thể: “Tổ chức, cá nhân Việt Nam, cá nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngòai có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam”. Tuy nhiên, tại điều luật này cũng đưa ra quy định riêng đối với cá nhân nước ngoài không thường trú tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài không có cơ sở sản xuất, kinh doanh tạo Việt Nam thì cần có thêm một số điều kiện mới có thể đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam. Cụ thể, các đối tượng đã nêu trên, trong trường hợp không hiện diện thương mại tại Việt Nam khi tiến hành thủ tục đăng ký bản quyền thương hiệu, bắt buộc phải sử dụng dịch vụ đăng ký của công ty cung cấp dịch vụ sở hữu trí tuệ tại Việt Nam để thay mặt mình nộp đơn đăng ký.
Tóm lại, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam là cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký, thẩm định hồ sơ và ra kết quả cuối cùng về việc đồng ý cấp giấy chứng nhận đăng ký thương hiệu hoặc từ chối cấp (trong trường hợp từ chối cấp giấy chứng nhận – Cục sở hữu trí tuệ sẽ nêu rõ lý do từ chối).
3. Một số lưu ý khi đăng ký thương hiệu
– Điều kiện để nhãn hiệu, thương hiệu được bảo hộ:
Thương hiệu (nhãn hiệu) được bảo hộ nếu đáp ứng được các điều kiện sau đây:
- Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc;
- Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.
– Đặt tên thương hiệu:
Ngoài những tên gọi theo Luật doanh nghiệp thì doanh nghiệp còn có một loại tên khác: tên thương mại theo Luật Sở hữu trí tuệ. Tên thương mại được hiểu là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt với các tổ chức, cá nhân dùng trong lĩnh vực và khu vực kinh doanh – tức là khu vực địa lý nơi tổ chức, cá nhân ấy có bạn hàng, khách hàng hoặc có danh tiếng.
Để tên thương mại được bảo hộ theo pháp luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, thì nhìn chung, tên thương mại phải có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Ngoài ra, tên thương mại còn phải đáp ứng một số yêu cầu khác, đó là:
- Chứ thành phần tên riêng, trừ trường hợp đã được biết đến rộng rãi;
- Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh;
- Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng.
Cần lưu ý, theo Luật sở hữu trí tuệ không cấm doanh nghiệp cùng lúc sử dụng từ hai tên thương mại trở lên. Theo hướng đó, doanh nghiệp có quyền sửu dụng hơn một tên thương mại, miễn là doanh nghiệp chứng minh việc sử dụng hợp pháp tên thương mại, miễn là doanh nghiệp chứng minh việc sử dụng hợp pháp tên thương mại của mình theo đúng Luật sở hữu trí tuệ. Như vậy, công ty hoàn toàn được sử dụng một tên khác với tên công ty cho một mảng họat động của công ty.
– Các cách tra cứu nhãn hiệu, thương hiệu:
Hiện nay, tại Việt Nam có mấy hình thưc tra cứu như sau:
+ Tra cứu trên công cụ tìm kiếm google: Khi khách hàng muốn đăng ký một nhãn hiệu nào đó cho sản phẩm thời trang, khách hàng cần tra cứu sơ bộ xem đã có doanh nghiệp hoặc cá nhân nào đang kinh doanh nhãn hiệu này không, trước khi cân nhắc việc đặt tên cho nhãn hiệu.
+ Tra cứu trên cơ sở dữ liệu trực tuyến của cụ sở hữu trí tuệ tại địa chỉ: http://dvctt.noip.gov.vn . Ttrong mục nhãn hiệu tìm kiếm khách hàng sẽ gõ từ nhãn hiệu muốn đăng ký và mục nhóm sản phẩm/dịch vụ sẽ chọn mục sản phẩm phù hợp với nhu cầu.
Lưu ý: hai hình thức nêu trên là hoàn toàn miễn phí, Tuy nhiên kết quả chỉ mang tính chất tham khảo (chính xác 40 %), do đó, để đảm bảo kết quả chuẩn xác, khách hàng nên cân nhắc hình thức tra cứu sau đây:
+ Tra cứu qua dịch vụ tra cứu: Khi khách hàng sử dụng dịch vụ tra cứu chuyên sâu, các công ty dịch vụ (như Luật Minh KHuê) sẽ tiến hành tra cứu tại Cục sở hữu trí tuệ thông qua chuyên viên, kết quả tra cứu sẽ đảm bảo chính xác trên 90 %.
– Hồ sơ cần chuẩn bị để đăng ký thương hiệu:
Theo quy định của pháp luật, cá nhân, tổ chức muốn đăng ký thương hiệu, cần chuẩn bị một bộ hồ sơ với các giấy tờ, tài liệu sau đây:
- 02 bải tờ khai yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (trong đó phải có danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu) làm theo mẫu số 04 – NH theo Phụ lục A của Thông tư 02/2017/TT-BKHCN;
- 05 mẫu nhãn hiệu kèm theo (mẫu nhãn hiệu kèm theo phải giống hệt mẫu nhãn hiệu dán trên tờ khai đơn đăng ký kể cả về kích thước và màu sắc. Mẫu nhãn hiệu phải được trình bày rõ ràng với kích thước của mỗi thành phần trong nhãn hiệu không lớn hơn 80 mm và không nhỏ hơn 9mm, tổng thể nhãn hiệu phải được trình bày trong khuôn mẫu nhãn hiệu có kích thước 80 mm x 80 mm. Nếu yêu cầu bảo hộ màu sắc thì tất cả các mẫu nhãn hiệu trên tờ khai và kèm theo đều phải được trình bày đúng màu sắc cần bảo hộ);
- Tài liệu chứng minh quyền đăng ký (như giấy đăng ký kinh doanh, hợp đồng thỏa thuận, thư xác nhận, thư đồng ý, quyết định hoặc giấy phép thành lập, điều lệ tổ chức);
- Chứng từ nộp lệ phí nộp đơn;
- Giấy ủy quyền nộp đơn (nếu có);
- Đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận còn phải có Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể / Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận;
- Tài liệu chứng minh quyền sử dụng/đăng ký nhãn hiệu chứa các dấu hiệu đặc biệt (tên, biểu tượng, cờ, huy hiệu, của cơ quan, tổ chức, dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành, tên nhân vật, hình tượng, tên thương mại, chỉ dẫn xuất xứ, giải thưởng, huy chương, hoặc ký hiệu đặc trưng của sản phẩm, dấu hiệu thuộc phạm vi bảo hộ của kiểu dáng công nghệ của người khác.
Sau khi chuẩn bị xong hồ sơ nêu trên, khách hàng sẽ tiến hành nộp hồ sơ tại Cục sở hữu trí tuệ hoặc văn phòng của Cục, nộp trực tiếp hoặc nộp qua bưu điện đều được chấp nhận.
– Thủ tục đăng ký thương hiệu:
Để tiến hành đăng ký thương hiệu, cá nhân, tổ chức cần thực hiện các bước sau đây:
- Xác định nhãn hiệu dùng để nộp đơn đăng ký nhãn hiệu;
- Xác định nhóm sản phẩm, dịch vụ sẽ đăng ký độc quyền khai báo trong đơn đăng ký nhãn hiệu;
- Hoàn thiện về hình thức đơn đăng ký nhãn hiệu theo quy định tại Luật sở hữu trí tuệ;
- Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cho Cục sở hữu trí tuệ;
- Thẩm định đơn đăng ký thương hiệu tại Cục sở hữu trí tuệ;
- Nộp phí và nhận giấy chứng nhận đăng ký thương hiệu.
– Về phí, lệ phí cần thực hiện khi tiến hành đăng ký thương hiệu:
+ Lệ phí nộp đơn: 150.000 VNĐ cho mỗi đơn;
+ Phí công bố đơn: 120.000 VNĐ;
+ Phí tra cứu thông tin nhằm phục vụ việc thẩm định: 180.000 VNĐ/01 nhóm sản phẩm, dịch vụ. Phí tra cứu cho sản phẩm, dịch vụ thứ 7 trở đi: 30.000 VNĐ/01 sản phẩm, dịch vụ;
+ Phí thẩm định nội dung : 550.000 VNĐ / 01 nhóm sản phẩm, dịch vụ.
+ Phí thẩm định yêu cầu hưởng quyền ưu tiên: 600.000 đồng cho mỗi đơn với mỗi yêu cầu. Phí thẩm định nội dung cho sản phẩm, dịch vụ thứ 7 trở đi: 120.000 VNĐ cho một sản phẩm, dịch vụ.
+ Lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu: 120.000 VNĐ cho 01 nhóm sản phẩm, dịch vụ đầu tư, từ nhóm sản phẩm dịch vụ thứ 2 trở đi : 100.000 VNĐ cho 01 nhóm.
– Thời gian giải quyết đăng ký thương hiệu:
Kể từ ngày được Cục sở hữu trí tuệ tiếp nhận, đơn đăng ký nhãn hiệu được xem xét theo trình tự sau:
- Thẩm định hình thức: 01 tháng kể từ ngày nộp đơn;
- Công bố đơn: trong thời hạn 02 tháng từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ;
- Thẩm định nội dung đơn: Không quá 09 tháng kể từ ngày công bố đơn.
Như vây, tổng thời gian đăng ký nhãn hiệu từ lúc nộp hồ sơ đến khi được cấp văn bằng bảo hộ theo quy định của pháp luật là 12 tháng. Tuy nhiên trên thực tế, thời gian đăng ký nhãn hiệu có thể kéo dài lên tới 18 tháng đến 24 tháng bởi các lý do khách quan như: Số lượng đơn đăng ký tại Cục sở hữu trí tuệ ngày càng nhiều, việc thẩm định đơn sẽ ngày càng kéo dài hơn; Đơn đăng ký thường bị yêu cầu sửa đổi, bổ sung do hồ sơ, tài liệu có sai sót về hình thức.
Trên đây là bài viết tham khảo của công ty Luật LVN Group về nơi đăng ký thương hiệu, hy vọng bài viết này sẽ cung cấp những thông tin cần thiết cho quý khách hàng, cũng như một số điều cần lưu ý về đăng ký thương hiệu.
Mọi vướng mắc, không hiểu nào về vấn đề này, hay bất kỳ vấn đề pháp lý liên quan nào khác, quý khách hàng vui lòng liên hệ qua số tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí của công ty Luật LVN Group chúng tôi 1900.0191 để nhanh chóng nhận được lời giải đáp thắc mắc, dễ hiểu đến từ đội ngũ Luật sư của LVN Group và chuyên viên pháp lý giàu kinh nghiệm chuyên môn. Nếu bạn muốn sử dụng dịch vụ đăng ký thương hiệu có thể liên hệ trực tiếp với Luật sư: Hotline (số điện thoại: 1900.0191) hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: [email protected] để được báo giá chi tiết nhất. Rất mong nhận được sự hợp tác của quý khách hàng. Trân trọng!