Hành chính khác chính trị
Đội ngũ công chức nước ta vốn được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau (một số được thuyên chuyển từ tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp), chức năng nhiệm vụ chưa rõ ràng – các vị trí chưa có bản mô tả công việc khiến việc tuyển dụng, giao việc, đánh giá để bổ nhiệm và đào tạo thiếu căn cứ… nên hiệu quả công việc thấp.
Dòng cán bộ đoàn thể gia nhập vào đội ngũ công chức thường được chuyển ngang, chuyển thẳng, bổ sung vào đội ngũ công chức dựa trên mức lương Nhà nước đã bao cấp và thường giữ chức vụ quản lý. Đây là nguyên nhân quan trọng khiến hành chính những năm gần đây có nhiều hoạt động mang tính phong trào, ” lúc phồng, lúc dẹt”.
>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi: 1900.0191
Các số liệu, thống kê, tài liệu chưa được quản lý tốt. Điều này cũng góp phần khiến dòng chảy công việc trong nội bộ cơ quan, giữa các cơ quan hành chính- vốn đặc biệt quan trọng trong quản lý đất đai và thuế.. có lúc, có việc bị ngưng trệ.
Sự thăng tiến trên con đường chức nghiệp công chức còn có khoảng trống khiến cho tính khoa học, chuyên sâu của đội ngũ công chức bị hạn chế. Đó là sự phát triển theo hướng trở thành công chức hoạch định chính sách, xây dựng quy hoạch… Đây là loại công chức “học thuật” không giữ chức vụ quản lý song đứng ở ngạch cao cấp, có bậc lương cao. Loại công chức này rất được kính trọng ở các nước.
Nhưng gia nhập ngạch công chức cao cấp ở nước ta hiện nay rất khó khăn với những ai không có chức vụ. Nghĩa là ngạch này hầu hết dành cho công chức quản lý. Thiếu loại công chức “học thuật” này, nên các cơ quan thường nan giải khi đưa ra hướng giải quyết các vấn đề phức tạp, tổng thể. Việc phát hiện các vấn đề trong hành chính và kiến nghị biện pháp giải quyết cũng liên quan nhiều đến năng lực của loại công chức hiện đang khan hiếm này.
Cũng do chưa chú trọng minh định sự khác biệt giữa chính trị và hành chính nên những đặc thù trong đào tạo, bồi dưỡng công chức chưa được quan tâm làm rõ. Cán bộ đoàn thể, công chức nhà nước cùng học chung một chương trình. Chương trình, giáo trình về hành chính được xây dựng đã gần 20 năm qua không còn đáp ứng được yêu cầu bồi đắp năng lực quản lý trong tình hình mới.
Hơn 10 năm qua, tại các địa phương, việc sáp nhập trường Hành chính vào trường Chính trị dường như có làm mờ đi đặc thù của Hành chính. Có trường sau khi sáp nhập giáng cấp xuống thành khoa, tên khoa Hành chính cũng không còn, bị đổi thành Quản lý. Hạn chế này ảnh hưởng khá lớn đến kết quả đào tạo, bồi dưỡng công chức, đến năng lực thực thi TTHC.
“Chân trong, chân ngoài”
Nguyên nhân cuối cùng là tiền lương công chức – tiền đề kinh tế để công chức làm việc tốt và có đạo đức. Với mức lương trung bình 2-3 triệu đồng trong thời buổi hiện nay, công chức, đặc biệt ở các thành phố lớn không thể nuôi nổi gia đình hết tháng. Trong khi đó, tiền thuê nhà, tiền học cho con cái hầu như không được Nhà nước bao cấp.
Túng nên họ phải “tính”. “Chân trong, chân ngoài” là giải pháp phổ biến giúp họ tồn tại trong nghề, tránh được tham nhũng. Công chức Nhật Bản sở dĩ có đạo đức, làm việc tốt vì lương của họ bằng mức trung bình của khu vực tư và công chức là nghề được xã hội đánh giá cao.
Tóm lại, để làm tốt cải cách TTHC, phải thay đổi tư duy về quan hệ giữa hành chính và chính trị. Đổi mới quan điểm chính trị về vai trò của hành chính, của quản lý trong phát triển hiện đại. Cần làm rõ TTHC được đặt ra nhằm mục đích gì, làm sao cho đơn giản, không gây thêm phiền hà cho dân nhưng cũng không bỏ sót những TTHC cần cho sự quản lý của Nhà nước trong một số việc.
Cần đổi mới quản lý nhân sự công chức và đào tạo công chức. Trong tuyển dụng, cần chú trọng thẩm định động cơ xin gia nhập công chức là để phụng sự nhân dân.
Cuối cùng, phải chú trọng giám sát, thanh tra trong nội bộ và thực hiện quyền giám sát của nhân dân vốn được ghi trong Hiến pháp về thực thi các TTHC, có kỷ luật nghiêm minh đối với những công chức không thực thi đúng việc cải cách TTHC.
SOURCE: VIETNAMNET – PGS.TS. NGUYỄN THU LINH – Phó Viện trưởng Viện những Vấn đề phát triển
Trích dẫn từ: http://www.vietnamnet.vn/