1. Địa điểm giao kết hợp đồng

Xác định địa điểm giao kết hợp đồng có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc thực hiện hợp hợp đồng, giải thích hợp đồng, lựa chọn pháp luật để giải quyết tranh chấp, xác định cơ quan tiến hành tố tụng khi giải quyết tranh chấp…. Ví dụ: Pháp luật quy định cách xác định giá trong hợp đồng mua bán, trong hợp đồng thuê, hợp đồng dịch vụ theo địa điểm giao kết hợp đồng nếu các bên không có thỏa thuận hoặc khi hợp đồng có ngôn từ khó hiểu thì được giải thích theo địa điểm nơi giao kết hợp đồng…

Theo Điều 399 Bộ luật dân sự 2015 có quy đinh:

Điều 399. Địa điểm giao kết hợp đồng

Địa điểm giao kết hợp đồng do các bên thỏa thuận; nếu không có thỏa thuận thì địa điểm giao kết hợp đồng là nơi cư trú của cá nhân hoặc trụ sở của pháp nhân đã đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng.

Pháp luật luôn tôn trọng sự tự do ý chí của các bên trong quan hệ hợp đồng nên địa điểm giao kết hợp đồng trước tiên do các bên thỏa thuận. Nếu các bên không thỏa thuận thì địa điểm giao kết hợp đồng được xác định là nơi cư trú của cá nhân hoặc trụ sở của pháp nhân đã đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng.

Bộ luật dân sự năm 2015 không quy định về địa điểm giao kết hợp đồng của các tổ chức khác là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự không có tư cách pháp nhân đã đưa ra lời đề nghị. Trong trường hợp này có thể áp dụng tương tự để xác định tức là địa điểm giao kết hợp đồng được xác định là nơi có trụ sở của tổ chức đó.

Có thể nói, quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 về địa điểm giao kết hợp đồng là sự kế thừa nội dung của Điều 403 BLDS năm 2005. Quy định xác định địa điểm giao kết hợp đồng theo sự thỏa thuận của các bên hoặc xác định theo nơi cư trú hoặc trụ sở của bên đưa ra lời đề nghị là phù hợp với thông lệ quốc tế và pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới. Đồng thời quy định này cũng phù hợp với thực tiễn giao kết hợp đồng đó là bên đề nghị giao kết hợp đồng thường là người đưa ra lời đề nghị nên thường chủ động chuẩn bị các điều kiện cho việc giao kết và thực hiện hợp đồng.

2. Xác định nơi cư trú của cá nhân, trụ sở của pháp nhân

Nếu các bên không có thỏa thuận về địa điểm giao kết hợp đồng thì nơi giao kết hợp đồng là nơi cư trú của cá nhân hoặc trụ sở của pháp nhân đã đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng.

Nơi cư trú của cá nhân theo quy định tại Điều 40 Bộ luật dân sự năm 2015 là nơi người đó thường xuyên sinh sống. Trường hợp không xác định được nơi cá nhân thường xuyên sinh sống thì nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó đang sinh sống.

Điều 40. Nơi cư trú của cá nhân

1. Nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống.

2. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều này thì nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó đang sinh sống.

3. Trường hợp một bên trong quan hệ dân sự thay đổi nơi cư trú gắn với việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thì phải thông báo cho bên kia biết về nơi cư trú mới.

Ngoài ra, Bộ luật dân sự 2015 còn quy định nơi cư trú của cá nhân trong những trường hợp đặc biệt như nơi cư trú của người chưa thành niên (Điều 41), nơi cư trú của người được giám hộ (Điều 42), nơi cư trú của vợ chồng (Điều 43), nơi cư trú của quân nhân (Điều 44) và nơi cư trú của người làm nghề lưu động (Điều 45).

Còn trụ sở của pháp nhân theo quy định tại Điều 79 Bộ luật dân sự năm 2015 được hiểu là nơi đặt cơ quan điều hành của pháp nhân.

Điều 79. Trụ sở của pháp nhân

1. Trụ sở của pháp nhân là nơi đặt cơ quan điều hành của pháp nhân. Trường hợp thay đổi trụ sở thì pháp nhân phải công bố công khai.

2. Địa chỉ liên lạc của pháp nhân là địa chỉ trụ sở của pháp nhân. Pháp nhân có thể chọn nơi khác làm địa chỉ liên lạc.

3. Thời điểm giao kết hợp đồng

Bên cạnh địa điểm giao kết hợp đồng, việc xác định được thời điểm giao kết hợp đồng là yếu tố quan trọng cần xem xét. Bởi lẽ, thông thường, thời điểm giao kết hợp đồng chính là thời điểm phát sinh hiệu lực của hợp đồng. Kể từ thời điểm đó, quyền và nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng sẽ phát sinh trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hay pháp luật có quy định khác. Ngoài ra, xác định được thời điểm giao kết hợp đồng cũng có ý nghĩa trong việc xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc thực hiện hợp đồng; xác định được điều kiện của hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi thực hiện hợp đồng; xác định được hậu quả khi hợp đồng bị hủy bỏ…

Theo Điều 400 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 400. Thời điểm giao kết hợp đồng

1. Hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được chấp nhận giao kết.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng trong một thời hạn thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm cuối cùng của thời hạn đó.

3. Thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng.

4. Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản.

Trường hợp hợp đồng giao kết bằng lời nói và sau đó được xác lập bằng văn bản thì thời điểm giao kết hợp đồng được xác định theo khoản 3 Điều này.

Thời điểm giao kết hợp đồng được xác định vào thời điểm bên đề nghị nhận được chấp nhận giao kết. Do đó, thời điểm này được xác định như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào hình thức và phương thức giao kết hợp đồng, cụ thể:

– Thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng.

– Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản như điểm chỉ, đóng dấu…

– Trường hợp hợp đồng giao kết bằng lời nói và sau đó được xác lập bằng văn bản thì thời điểm giao kết hợp đồng được xác định theo hình thức bằng lời nói vì từ thời điểm đó các nội dung của hợp đồng đã được thỏa thuận xong và hợp đồng đã hình thành.

– Trường hợp các bên có thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng trong một thời hạn thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm cuối cùng của thời hạn đó. Tuy nhiên, quy định này là mới chỉ giới hạn được việc xác định im lặng là giao kết hợp đồng trong trường hợp các bên thỏa thuận mà chưa quy định đối với trường hợp theo thói quen hoặc theo tập quán.

4. Xác định thời điểm giao kết hợp đồng khi giao kết hợp đồng bằng phương tiện điện tử

Nếu hợp đồng được giao kết bằng phương tiện điện tử thì ngoài việc tuân thủ quy định của Bộ luật dân sự, việc xác định thời điểm giao kết hợp đồng còn phải áp dụng quy định của Luật giao dịch điện tử năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Cụ thể, theo quy định tại các Điều 18, 19, 20 của Luật giao dịch điện tử 2005, và khoản 2 Điều 11 Nghị định số 57/2006/NĐ-CP ngày 09/6/2006 thì thời điểm nhận thông điệp dữ liệu là:

“thời điểm người nhận có thể truy cập được chứng từ điện tử đó tại một địa chỉ điện tử do người nhận chỉ ra. Thời điểm nhận một chứng từ điện tử ở địa chỉ điện tử khác của người nhận là thời điểm người nhận có thể truy cập được chứng từ điện tử tại địa chỉ này và người nhận biết rõ chứng từ điện tử đã được gửi tới địa chỉ này”.

Hoặc theo khoản 2 Điều 10 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 thì

“Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận khác, thời điểm nhận một chứng từ điện tử là thời điểm chứng từ điện tử đó tới được địa chỉ điện tử do người nhận chỉ ra và có thể truy cập được”.

5. Xác định địa điểm giao kết hợp đồng nếu bên đưa ra đề nghị giao kết là người làm nghề lưu động

Theo Điều 399 Bộ luật dân sự 2015 thì:

Điều 399. Địa điểm giao kết hợp đồng

Địa điểm giao kết hợp đồng do các bên thỏa thuận; nếu không có thỏa thuận thì địa điểm giao kết hợp đồng là nơi cư trú của cá nhân hoặc trụ sở của pháp nhân đã đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng.

Như vậy, trước hết cần xác định xem giữa các bên có thỏa thuận gì không. Nếu hai bên thỏa thuận về địa điểm giao kết hợp đồng thì hợp đồng sẽ được giao kết ở địa điểm đó.

Trong trường hợp mà hai bên không có thỏa thuận thì nơi giao kết hợp đồng sẽ là nời cư trú của bên đưa ra đề nghị giao kết. Cụ thể, trong trượng hợp này là nơi cư trú của người làm nghề lưu động.

Để xác định nơi cư trú của người hành nghề lưu động thì ta căn cứ vào Điều 45 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 45. Nơi cư trú của người làm nghề lưu động

Nơi cư trú của người làm nghề lưu động trên tàu, thuyền, phương tiện hành nghề lưu động khác là nơi đăng ký tàu, thuyền, phương tiện đó, trừ trường hợp họ có nơi cư trú theo quy định tại khoản 1 Ðiều 40 của Bộ luật này.

Nếu không xác định được nơi đăng ký tàu, thuyền thì nơi cư trú của người này sẽ được xác định dựa vào Điều 40 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 40. Nơi cư trú của cá nhân

1. Nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống.

2. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều này thì nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó đang sinh sống.

3. Trường hợp một bên trong quan hệ dân sự thay đổi nơi cư trú gắn với việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thì phải thông báo cho bên kia biết về nơi cư trú mới.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua Email : Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Trân trọng./