Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Doanh nghiệp của Công ty luật LVN Group

>> Luật sư tư vấn pháp luật Doanh nghiệp, gọi: 1900.0191

1. Cơ sở pháp lý:

– Luật chứng khoán năm 2019

– Nghị định 155/2020/NĐ-CP

Luật Chứng khoán với vai trò là văn bản chủ đạo điều chỉnh các hoạt động liên quan đến chứng khoán và thị trường chứng khoán sẽ có tác động sâu sắc và khá toàn diện đến thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt là ở những nội dung mà Luật có sự thay đổi, điều chỉnh nhiều so với các quy định trong Luật Chứng khoán năm 2006 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 62/2010/QH12 và các văn bản hướng dẫn trước đây. Những điểm mới đó là:

2. Quy định bao trùm hầu hết các hoạt động của thị trường chứng khoán

Các quy định của Luật Chứng khoán, về cơ bản, bao trùm hầu hết các hoạt động của thị trường chứng khoán, bao gồm cả những nội dung về quản trị công ty đại chúng, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, điều kiện chào bán chứng khoán, việc tổ chức và hoạt động của những chủ thể quan trọng của thị trường chứng khoán như: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Sở giao dịch chứng khoán; Tổng công ty lưu ký chứng khoán; các quỹ đầu tư chứng khoán; công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán, ngân hàng giám sát…. Điều này giúp cho việc áp dụng Luật Chứng khoán trở nên thuận lợi và thống nhất hơn, đảm bảo tính hiệu lực pháp lý cao và hạn chế được tình trạng tản mạn trong các quy định của pháp luật. Đây là một minh chứng cho nỗ lực của Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế về cải thiện và minh bạch môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

3. Quy định mô hình và cơ cấu tổ chức của Sở giao dịch chứng khoán

Luật Chứng khoán quy định mô hình và cơ cấu tổ chức của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam. Đây là bước đi quan trọng nhằm hướng tới việc bảo đảm tính thống nhất trong quản lý, điều hành thị trường chứng khoán phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tế nhu cầu phát triển thị trường ở nước ta.

Theo đó, thị trường giao dịch chứng khoán sẽ do Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các công ty con tổ chức, vận hành thay cho Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội. Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật này và Luật Doanh nghiệp, do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, giải thể, mô hình hoạt động, hình thức sở hữu, chức năng, quyền và nghĩa vụ của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và việc thành lập công ty con của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con chịu sự quản lý và giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Đây là mô hình tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán phù hợp theo thông lệ quốc t và tạo tiền đề để hình thành chỉ số chứng khoán duy nhất cho Việt Nam thay thế cho việc tồn tại song song nhiều chỉ số như hiện nay nhằm phản ánh chính xác và trung thực thị trường tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc phân tích, đánh giá thị trường để đưa ra quyết định đầu tư.

4. Ghi nhận thêm công cụ phái sinh mới

Luật Chứng khoán có hiệu lực sẽ làm xuất hiện những công cụ mới như: chứng chỉ lưu ký, chứng quyền có bảo đảm và một số loại chứng khoán phái sinh khác; từ đó, dẫn đến nhu cầu hướng dẫn điều chỉnh pháp luật về phát hành và giao dịch các công cụ này.

Bên cạnh đó, Luật cũng bổ sung, mở rộng và làm rõ hơn một số khái niệm quan trọng như: khái niệm chứng khoán, khái niệm người có liên quan, khái niệm người nội bộ… Việc bổ sung các quy định về những vấn đề nêu trên cho thấy, pháp luật chứng khoán Việt Nam đang tiếp cận gần với chuẩn mực chung của nhiều nước trên thế giới, góp phần bảo đảm cho thị trường chứng khoán Việt Nam hoạt động đa dạng, minh bạch và chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu huy động và luân chuyển các nguồn vốn đầu tư phục vụ phát triển đất nước.

5. Nâng cao điều kiện về vốn điều lệ khi chào bán chứng khoán

Các yêu cầu, điều kiện về vốn điều lệ khi chào bán chứng khoán được nâng cao hơn để đáp ứng nhu cầu phát triển, hội nhập của thị trường. Theo quy định của điểm a khoản 1 Điều 15 Luật Chứng khoán, mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng (thay cho 10 tỷ đồng như trước đây) trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán. Quy định này là phù hợp với quy mô của nền kinh tế nước ta, phù hợp với quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay và cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư, nâng cao chất lượng chứng khoán chào bán và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư và cộng đồng.

6. Quy định về quản trị công ty đại chúng

Nếu như trước đây vấn đề về quản trị công ty chỉ được điều chỉnh ở tầm nghị định thì nay các quy định điều chỉnh hoạt động này đã được luật hóa tại Mục 2, Chương 3 gồm những quy định về nguyên tắc và nội dung quản trị công ty đại chúng. Do đó, các công ty đại chúng, công ty niêm yết sẽ phải chú trọng và quan tâm hơn đến vấn đề quản trị công ty theo những nội dung, yêu cầu và nguyên tắc phù hợp với thông lệ quốc tế hơn.

7. Tăng nghĩa vụ của công ty đại chúng

Các quy định về điều kiện và nghĩa vụ của công ty đại chúng được tăng lên để đảm bảo tính minh bạch và giúp nhà đầu tư/cổ đông tiếp cận được thông tin về tình hình kinh doanh, tình hình hoạt động để có thể giám sát và lựa chọn cơ hội đầu tư hiệu quả hơn (Điều 32, 34 và 37). Các quy định này đáp ứng một nhu cầu thực tế là nhiều công ty đáp ứng điều kiện công ty đại chúng nhưng chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán nên việc tiếp cận các thông tin về tình hình tài chính và tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty còn hạn chế tạo rủi ro cho nhà đầu tư và hạn chế khả năng giám sát của cộng đồng đối với hoạt động của công ty. Sự ràng buộc về trách nhiệm công khai, minh bạch của các công ty đại chúng sẽ góp phần tạo ra môi trường đầu tư ngày cành minh bạch và bình đẳng hơn.

8. Quy định về điều kiện mua lại cổ phiếu của chính mình

Luật Chứng khoán quy định về điều kiện công ty đại chúng, công ty niêm yết mua lại cổ phiếu của chính mình tương đồng với các quy định trong Luật Doanh nghiệp cũ năm 2014. Theo đó, hậu quả pháp lý của việc mua lại cổ phiếu quỹ sẽ dẫn đến việc giảm vốn điều lệ của công ty (Khoản 5 Điều 36) và công ty chỉ được bán cổ phiếu đã mua lại trong một số trường hợp đặc biệt như:

a) Công ty chứng khoán mua lại cổ phiếu của chính mình để sửa lỗi giao dịch hoặc mua lại cổ phiếu lô lẻ;

b) Công ty đại chúng mua lại cổ phiếu lẻ theo phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, phương án phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu;

c) Công ty đại chúng mua lại cổ phiếu lô lẻ theo yêu cầu của cổ đông (Khoản 7 Điều 36).

Quy định này nhằm hạn chế việc công ty đại chúng, công ty niêm yết mua lại cổ phiếu nhằm mục đích sau đó bán ra thị trường để hưởng chênh lệch (thặng dư) ảnh hưởng đến nguyên tắc công bằng và minh bạch của thị trường chứng khoán như đã từng xảy ra trong thời gian qua.

Với những sửa đổi, bổ sung quan trọng nêu trên, Luật Chứng khoán sẽ góp phần tạo ra một diện mạo mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam, tác động và chi phối đến hầu hết các mặt hoạt động của thị trường.

9. Điều kiện để chào bán trái phiếu có bảo đảm ra công chúng

Điều 23 Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định điều kiện để chào bán trái phiếu có bảo đảm ra công chúng như sau:

Thứ nhất, đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 19 Nghị định này. Dẫn chiếu đến Điều 19 Nghị định này, những điều kiện đó là:

– Các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 15 Luật Chứng khoán.

+ Doanh nghiệp có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán;

+ Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán; không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 01 năm;

+ Có phương án phát hành, phương án sử dụng và trả nợ vốn thu được từ đợt chào bán được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua;

+ Có cam kết thực hiện nghĩa vụ của tổ chức phát hành đối với nhà đầu tư về điều kiện phát hành, thanh toán, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các điều kiện khác;

+ Có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng, trừ trường hợp tổ chức phát hành là công ty chứng khoán;

+ Tổ chức phát hành không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà chưa được xóa án tích;

+ Có kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với tổ chức phát hành trái phiếu theo quy định của Chính phủ về các trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm và thời điểm áp dụng;

+ Tổ chức phát hành phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua trái phiếu của đợt chào bán;

+ Tổ chức phát hành có cam kết và phải thực hiện niêm yết trái phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán.

– Tổ chức phát hành hoặc trái phiếu đăng ký chào bán phải được xếp hạng tín nhiệm bởi tổ chức xếp hạng tín nhiệm được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trong các trường hợp sau:

+ Tổng giá trị trái phiếu theo mệnh giá huy động trong mỗi 12 tháng lớn hơn 500 tỷ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất trong các báo cáo sau: báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên gần nhất được soát xét (trường hợp tổ chức phát hành là đối tượng phải công bố báo cáo tài chính bán niên được soát xét) bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận; hoặc

+ Tổng dư nợ trái phiếu theo mệnh giá tính đến thời điểm đăng ký chào bán lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất trong các báo cáo sau: báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên gần nhất được soát xét (trường hợp tổ chức phát hành là đối tượng phải công bố báo cáo tài chính bán niên được soát xét) bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận.

Thứ hai, được bảo đảm thanh toán một phần hoặc toàn bộ gốc và lãi trái phiếu bằng một hoặc một số phương thức sau:

+ Bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

+ Bảo đảm bằng tài sân của tổ chức phát hành, tài sản của bên thứ ba. Tài sản bảo đảm phải được định giá bởi tổ chức có chức năng thẩm định giá và được đăng ký, xử lý theo quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm.

Thứ ba, có Đại diện người sở hữu trái phiếu theo quy định tại Điều 24 Nghị định này.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập