Thưa Quý khách hàng, khi lựa chọn giải quyết tranh chấp lao động cá nhân tại Toà án nhân dân, Quý khách hàng cần lưu ý các nội dung sau đây:

1. Xác định quan hệ pháp luật có tranh chấp

Đối với một vụ án lao động hay cũng như với bất kỳ vụ án nào, xác định đúng quan hệ pháp luật lao động có tranh chấp là bước quan trọng để xem xét các điều kiện khởi kiện vụ án và áp dụng một cách chính xác pháp luật nội dung để giải quyết yêu cầu của đương sự. Việc xác định quan hệ pháp luật có tranh chấp thông thường căn cứ vào yêu cầu của đương sự cộng với các tình tiết thực tế nảy sinh mâu thuẫn trong quan hệ mà họ đang tham gia. Nói đến quan hệ tranh chấp trong tranh chấp lao động cá nhân có rất nhiều. Ví dụ như: Từ yêu cầu của nguyên đơn buộc công ty bồi thường vì đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật với mình – Quan hệ pháp luật có tranh chấp ở đây là bồi thường thiệt hại khi quan hệ hợp đồng lao động bị chấm dứt; Từ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn buộc công ty phải bồi thường khi sa thải trái luật – Quan hệ tranh chấp ở là quan hệ bồi thường khi công ty sa thải người lao động trái pháp luật;… Các tranh chấp lao động cá nhân không phải tranh chấp nào cũng có thể nộp đơn khởi kiện ngay tại Toà án. Tranh chấp nào phải thông qua thủ tục tiền tố tụng, tranh chấp nào không phải hoà giải,… đều được quy định chặt chẽ. Do vậy, nếu không xác định đúng quan hệ pháp luật có tranh chấp, sẽ xác định không đúng thủ tục khởi kiện dẫn đến trường hợp bị trả lại đơn khởi kiện hoặc chuyển vụ án do thụ lý sai thẩm quyền. Như vậy, sẽ tốn thời gian, công sức của đôi bên. Nên điều đầu tiên cần lưu ý khi giải quyết vụ án lao động là cần gọi được đúng tên của quan hệ pháp luật có tranh chấp. Như vậy mới có căn cứ để xác định các điều kiện khởi kiện tiếp theo.

Các tranh chấp lao động cá nhân không phải thông qua hoà giải tại Hoà giải viên lao động, mời Quý khách hàng tham khảo tại Mục 5 . Thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cá nhân của Hoà giải viên lao động trong bài viết sau:

/tranh-chap-lao-dong-ca-nhan-va-thu-tuc-giai-quyet-tai-hoa-giai-vien-lao-dong-theo-quy-dinh-phap-luat-hien-hanh.aspx

2. Xác định chủ thể có quyền khởi kiện và năng lực hành vi tố tụng dân sự của chủ thể có quyền khởi kiện

Xác định đúng chủ thể có quyền khởi kiện và điều kiện về năng lực hành vi dân sự của chủ thể có quyền khởi kiện trong vụ án tranh chấp lao động cá nhân là bước rất quan trọng. Vì theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015, chủ thể không có quyền khởi kiện hoặc chủ thể có quyền nhưng không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự là một trong những căn cứ để Toà án trả lại đơn khởi kiện.

Như vậy, từ căn cứ nêu tại Điều 192 kể trên, điều kiện về chủ thể khởi kiện cần hội tụ đủ hai yếu tố sau: Thứ nhất, người khởi kiện phải là người có quyền khởi kiện. Thứ hai, người có quyền khởi kiện phải có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự.

Yếu tố thứ nhất, người khởi kiện phải là người có quyền khởi kiện. Theo quy định tại Điều 186, Điều 187 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, chủ thể có quyền khởi kiện bao gồm các đối tượng sau:

Cá nhân hoặc người đại diện hợp pháp của cá nhân có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm;

Tổ chức hoặc người đại diện hợp pháp của tổ chức có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm;

– Các chủ thể khác khởi kiện vì lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác: Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Tổ chức đại diện tập thể lao động có quyền khởi kiện vụ án lao động; Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước; Cá nhân có quyền khởi kiện vụ án hôn nhân và gia đình để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Quyền khởi kiện của các chủ thể này nằm trong khuôn khổ phạm vi quyền hạn của mình và tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Yếu tố thứ hai, người có quyền khởi kiện có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự. Theo quy định tại Điều 69 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, năng lực hành vi tố tụng dân sự của đương sự là khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng dân sự. Năng lực tố tụng dân sự của đương sự được xác định như sau:

– Người từ đủ mười tám tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự ( trừ người mất năng lực hành vi dân sự hoặc pháp luật có quy định khác);

– Người chưa đủ sáu tuổi hoặc người mất năng lực hành vi dân sự thì không có năng lực hành vi tố tụng dân sự => việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người này tại Tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện hoặc theo quyết định của Toà án.

– Đối với người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi thì việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người này tại Tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện;

– Đương sự là người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động được tự mình tham gia tố tụng về những việc có liên quan đến quan hệ lao động đó. Đối với những việc khác, việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự tại Tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện;

– Đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi => việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của họ, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ được xác định theo quyết định của Tòa án.

Đương sự là cơ quan, tổ chức => việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự do người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó tham gia tố tụng.

Như vậy, bước thứ hai trong quy trình chuẩn bị khởi kiện vụ án tranh chấp lao động cá nhân tại Toà án, Quý khách hàng cần xác định đúng người có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm hay nói cách khác là xác định đúng người có quyền khởi kiện và xác định người đó có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự hay không. Nếu đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự họ hoàn toàn có thể tự mình hoặc uỷ quyền cho người khác tham gia việc tố tụng. Nếu không đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự, cần lựa chọn người đại diện hợp pháp hoặc dựa theo phán quyết của Toà án làm căn cứ xác định đúng người có quyền khởi kiện để họ đứng ra khởi kiện, tránh trường hợp bị trả lại đơn khởi kiện do không đúng đối tượng có quyền khởi kiện.

3. Xác định thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

Theo quy định tại khoản 3 Điều 150 Bộ luật Dân sự năm 2015, thời hiệu khởi kiện làthời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.

Tuy nhiên, theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, thời hiệu khởi kiện không phải là căn cứ để Toà án không thụ lý hay trả lại đơn khởi kiện. Một trong những điểm khác biệt giữa Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Bộ Luật tố tụng Dân sự 2004 sửa đổi bổ sung năm 2011 là quy định về việc “áp dụng thời hiệu khởi kiện” chỉ được Toà án áp dụng theo yêu cầu của một bên và yêu cầu này phải đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc. Điều này có thể hiểu là dù vụ việc đã hết thời hiệu khởi kiện nhưng các bên không yêu cầu Toà án áp dụng thời hiệu thì vụ việc vẫn được giải quyết như bình thường.

Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là yêu tố “thời hiệu không quan trọng”. Ngược lại nếu bị đơn yêu cầu Toà án áp dụng thời hiệu thì vụ án sẽ bị đình chỉ. Điều này thực chất không khác gì việc nguyên đơn “mất yêu cầu khởi kiện” cả. Do vậy, cần lưu ý kỹ vấn đề về thời hiệu này khi lựa chọn giải quyết tranh chấp lao động cá nhân tại Toà án. Thời hiệu khởi kiện được quy định tại Điều 190 Bộ luật Lao động năm 2019 như sau:

Điều 190. Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

3. Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 nămkể từ ngày phát hiện ra hành vi màbên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

4. Trường hợp người yêu cầu chứng minh được vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do khác theo quy định của pháp luật mà không thể yêu cầu đúng thời hạn quy định tại Điều này thì thời gian có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do đó không tính vào thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.

4. Xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân của Toà án

Việc xác định đúng thẩm quyền giải quyết của Toà án cũng là một trong những điều kiện khởi kiện quan trọng trong vụ án tranh chấp lao động cá nhân nói riêng và các vụ việc dân sự nói chung. Việc xác định không đúng thẩm quyền của Toà án sẽ dẫn đến một trong các hậu quả sau:

Thứ nhất, vụ việc đã được Toà án thụ lý nhưng không đúng thẩm quyền => sẽ mất thời gian chuyển vụ án sang đúng Toà có thẩm quyền. Ví dụ, tranh chấp lao động thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Toà án nhân dân cấp tỉnh nhưng Toà án nhân dân cấp huyện lại thụ lý nhầm => chuyển hồ sơ vụ án cho Toà tỉnh.

Thứ hai, vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án => sẽ bị trả lại đơn khởi kiện. Ví dụ, các tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua hoà giải tại Hoà giải viên Lao động trước khi yêu cầu Toà án giải quyết nhưng lại thiếu thủ tục hoà giải này, nguyên đơn nộp đơn thẳng lên Toà án => Toà trả lại đơn khởi kiện.

Do vậy, việc xác định đúng thẩm quyền của Toà án theo vụ việc, theo cấp, theo lãnh thổ là rất quan trọng. Quý khách hàng có thể tham khảo nội dung mục số 3. Thẩm quyền của Toà án nhân dân trong giải quyết tranh chấp lao động cá nhân trong bài viết sau để xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân của Toà án.

/mot-so-dac-diem-ve-phuong-thuc-giai-quyet-tranh-chap-lao-dong-ca-nhan-tai-toa-an-nhan-dan.aspx

5. Vụ án lao động đã được giải quyết bằng bản án hay quyết định có hiệu lực hay chưa ?

Một trong các căn cứ để trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 là:

1. Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện trong các trường hợp sau đây:

c) Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp vụ án mà Tòa án bác đơn yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu và theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại;

Quy định như vậy nhằm đảm bảo tính chung thẩm trong các phán quyết, bản án đã có hiệu lực của Toà án cũng như đảm bảo giá trị thi hành đối với các quyết định có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời cũng tránh tình trạng chồng chéo, va chạm thẩm quyền khi xử lý một vụ việc.

Các điều kiện nêu trên đây là điều kiện tiên quyết để quý khách hàng tham khảo trước khi yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân. nếu còn vướng mắc hoặc chưa rõ nội dung nào, Quý khách hàng vui lòng liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật 24/7 của Công ty Luật TNHH LVN Group 1900.0191 để chúng tôi được hỗ trợ giúp Quý khách hàng

Trân trọng!