Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật LVN Group, câu hỏi của bạn được Luật sư của chúng tôi trả lời như sau:

Cơ sở pháp lý:

Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009;

Nghị định 96/2016/NĐ-CP;

Thông tư số 41/2011/TT-BYT.

1. Kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ là gì?

Kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, gồm: Sử dụng kỹ thuật y học để phẫu thuật (giải phẫu) làm thay đổi hình dáng, đặc điểm nhận dạng con người. (Khoản 20 Điều 3 Nghị định số 96/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện an ninh trật tự đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện).

2. Đáp ứng điều kiện hoạt động của cơ sở khám, chữa bệnh

Điều kiện hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:

1. Có quyết định thành lập của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Nhà nước thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép đầu tư theo quy định của pháp luật đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.

2. Có giấy phép hoạt động do Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Giám đốc Sở Y tế cấp.

3. Đáp ứng điều kiện hoạt động đối với cơ sở dịch vụ phẫu thuật mỹ

Theo quy định tại Điều 37 Nghị định 109/2016/NĐ-CP như sau:   

1. Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ chỉ được thực hiện các hoạt động xăm, phun, thêu trên da, không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm và phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Cơ sở vật chất:

– Có địa điểm cố định;

– Bảo đảm các điều kiện vệ sinh.

b) Thiết bị:

Có đủ thiết bị, dụng cụ, vật tư phù hợp với phạm vi hoạt động của cơ sở và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

c) Nhân sự:

Người thực hiện xăm, phun, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề về phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp.

d) Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động nhưng phải có văn bản thông báo đủ điều kiện quy định tại điểm a, b và c khoản này gửi về Sở Y tế nơi đặt trụ sở để quản lý trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày. Văn bản thông báo theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

3. Điều kiện về an ninh trật tự đối với cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ

 Được đăng ký, cấp phép, thành lập theo quy định của pháp luật. Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của doanh nghiệp phải không thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Đối với người Việt Nam

+ Đã bị khởi tố hình sự mà các cơ quan tố tụng của Việt Nam hoặc của nước ngoài đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử.

+ Có tiền án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác do lỗi cố ý bị kết án từ trên 03 năm tù trở lên chưa được xóa án tích; đang trong thời gian được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù; đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ; đang bị quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo quyết định của Tòa án.

+ Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; có quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian chờ thi hành quyết định; đang nghiện ma túy; đang được tạm hoãn, tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; đã bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa đủ thời hạn để được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài và người nước ngoài: Chưa được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép cư trú.

– Đủ điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy:

+ Có quy định, nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của cơ sở – xem chi tiết tại công việc “Xây dựng nội quy và sơ đồ về an toàn phòng cháy, chữa cháy“.

+ Có quy định và phân công chức trách, nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy trong cơ sở.

+ Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện; thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt; việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy.

+ Có quy trình kỹ thuật an toàn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

+ Có lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ – xem chi tiết tại công việc “Thành lập và điều động lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở“.

+ Có Phương án chữa cháy, thoát nạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt – xem chi tiết tại công việc “Xây dựng và thực tập phương án phòng cháy, chữa cháy“.

+ Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác, phương tiện cứu người phù hợp với tính chất, đặc điểm của cơ sở bảo đảm về số lượng, chất lượng và hoạt động phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an.

+ Có văn bản thẩm duyệt, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đối với công trình quy định tại Danh mục dự án, công trình do cơ quan cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy (theo Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 79/2014/NĐ-CP).

+ Có hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy – xem chi tiết tại công việc “Lập hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy, chữa cháy“.

Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự

1. Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự của doanh nghiệp(Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP);

2. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh, đơn vị trực thuộc doanh nghiệp;

3. Văn bản ủy quyền cho người đi nộp hồ sơ và nhận kết quả nếu không phải là người đại diện theo pháp luật;

4. Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của doanh nghiệp đứng tên trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự phải nộp kèm các giấy tờ sau:

Đối với người Việt Nam ở trong nước: 

+ Bản khai lý lịch (Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP) có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú;

+ Phiếu lý lịch tư pháp (do Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia cấp cho công dân Việt Nam mà không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú; hoặc Sở Tư pháp cấp cho công dân Việt Nam đang thường trú hoặc tạm trú ở trong nước);

Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài và người nước ngoài:

+ Bản khai nhân sự (Mẫu số 02b tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP);

+ Bản sao hợp lệ Hộ chiếu, Thẻ thường trú hoặc Thẻ tạm trú hoặc Thị thực còn thời hạn lưu trú tại Việt Nam.

Phương thức nộp hồ sơ:

– Nộp trực tiếp;

– Nộp qua đường bưu chính;

– Nộp qua Cổng thông tin điện tử quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự của Bộ Công an. Khi nhận Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự, doanh nghiệp phải chuyển cho cơ quan Công an có thẩm quyền các văn bản, tài liệu theo quy định.

Nơi nộp hồ sơ: Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội – Công an cấp tỉnh

Thời hạn giải quyết: 05 ngày làm việc; hoặc trong 04 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan Công an có văn bản thông báo về việc không cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và nêu rõ lý do.

Những việc cần làm sau khi được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự:

– Trong thời hạn không quá 05 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp phải có Văn bản thông báo đủ điều kiện về an ninh, trật tự kèm theo bản sao Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự gửi cho Công an xã, phường, thị trấn.

– Trong thời hạn không quá 20 ngày kể từ khi bắt đầu hoạt động, doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan Công an có thẩm quyền các tài liệu sau đây:

+ Danh sách những người làm việc trong doanh nghiệp (mẫu ĐK11 ban hành kèm Thông tư 42/2017/TT-BCA);

+ Bản khai lý lịch (Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP), Bản khai nhân sự  (Mẫu số 02b tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP) của người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của doanh nghiệp, trừ người đứng tên trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;

+ Bảng thống kê phương tiện phục vụ công tác bảo vệ.

– Lập Sổ quản lý hoạt động kinh doanh (mẫu ĐK25 ban hành kèm Thông tư 42/2017/TT-BCA).

Lưu ý: Trong không quá 60 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự, cơ quan cấp Giấy chứng nhận gửi thông báo về việc hậu kiểm, tiến hành hậu kiểm đối với doanh nghiệp như sau:

  • Xác minh lý lịch người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của doanh nghiệp theo mẫu ĐK4a (đối với người Việt Nam ở trong nước) hoặc mẫu ĐK4b (người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài) ban hành kèm theo Thông tư 42/2017/TT-BCA nếu có nghi vấn;
  • Kiểm tra trực tiếp các điều kiện về an ninh, trật tự tại cơ sở kinh doanh

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nội dung tư vấn dựa trên những quy định pháp luật hiện hành, mục đích nhằm cung cấp cho các cá nhân và tổ chức tham khảo.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Doanh nghiệp – Công ty luật LVN Group