Căn cứ Luật Xây Dựng năm 2014; Nghị định số 46/2015/NĐ-CP quy định về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng (sau đây viết là Nghị định 46/2015/NĐ-CP) và Thông tư số 26/2016/TT-BXD quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng và bào trì công trình xây dựng (gọi tắt là thông tư số 26/2016/TT-BXD), quy định:
1. Việc di dời công trình xây dựng từ vị trí này đến vị trí khác phải phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt, bảo đảm chất lượng, an toàn công trình, không làm ảnh hưởng đến công trình lân cận và bảo đảm giữ nguyên kiến trúc đối với công trình có yêu cầu cần phải bảo tồn.
2. Khi di dời công trình xây dựng, chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu công trình phải có giấy phép di dời công trình xây dựng.
3. Nhà thầu thực hiện di dời cồng trình xây dựng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, an toàn đối với công trình được di dời và các công trình lân cận, bảo vệ môi trường.
Luật LVN Group phân tích chi tiết quy định pháp lý về vấn đề này như sau:
1. Điều kiện di dời công trình xây dựng
Có thể hiểu di dời công trình xây dựng là việc chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình xây dựng di chuyển công trình xây dựng của mình từ vị trí này sang một vị trí khác. Việc di dời công trình xây dựng cần phải đáp ứng đủ các nguyên tắc di dời công trình xây dựng được quy định tại Điều 117 Luật xây dựng năm 2014, cụ thể các nguyên tắc dưới đây:
– Khi thực hiện việc di dời công trình xây dựng từ vị trí này sang một vị trí khác thì việc di dời này phải phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được duyệt. Khi di dời thì cần phải bảo đảm chất lượng, an toàn công trình và không được gây thiệt hại, ảnh hưởng đến các công trình xây dựng khác lân cận cũng như cần bảo đảm giữ nguyên kiến trúc của công trình đối với những công trình có yêu cầu cần phải bảo tồn.
– Khi thực hiện việc di dời công trình xây dựng thì chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình xây dựng phải có trách nhiệm xin giấy phép di dời công trình.
– Đối với những nhà thầu thực hiện việc di dời công trình xây dựng thì nhà thầu phải thực hiện đầy đủ các biện pháp để đảm bảo về an toàn lao động, đảm bảo an toàn đối với công trình được di dời đi và các công trình lân cận công trình di dời đi cũng như các công trình lân cận nơi di dời công trình đến. Nhà thầu cũng phải đảm bảo bảo vệ môi trường khi thực hiện việc di dời công trình xây dựng.
2. Thủ tục xin giấy phép di dời công trình xây dựng
2.1 Hồ sơ xin giấy phép di dời công trình xây dựng
Nhà thầu, chủ đầu tư, chủ sở hữu các công trình xây dựng cần chuẩn bị các loại giấy tờ được quy định tại Điều 97 Luật xây dựng năm 2014 và Điều 48 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, cụ thể bao gồm những loại giấy tờ dưới đây:
– Đơn đề nghị cấp Giấy phép di dời công trình được lập theo Mẫu số 01 Phụ lục II được ban hành kèm theo Nghị định số 15/2021/NĐ-CP;
– Bản sao các loại giấy tờ để chứng minh quyền sử dụng đất nơi công trình sẽ di dời đến và các giấy tờ hợp pháp để có thể chứng minh quyền sở hữu công trình theo quy định của pháp luật. Những giấy tờ hợp pháp để chứng minh quyền sử dụng đất được quy định theo Điều 3 Nghị định số 53/2017/NĐ-CP, cụ thể bao gồm các loại giấy tờ như sau:
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được Nhà nước cấp theo các quy định của Luật đất đai cũ: Luật đất đai năm 1987, 1993, Luật đất đai sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai năm 2001 và Luật đất đai năm 2003;
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất được cấp theo quy định của Luật đất đai năm 2013 và các Nghị định hướng dẫn thi hành và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản số 38/2009/QH12;
+ Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở được Nhà nước cấp theo quy định tại Nghị định số 60/CP, Nghị định 61/CP về mua bán và kinh doanh nhà ở;
+ Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở; Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng được Nhà nước cấp theo quy định của các văn bản:
- Pháp lệnh nhà ở năm 1991;
- Luật Nhà ở năm 2005;
- Nghị định số 81/2001/NĐ-CP ngày 05/11/2001 của Chính phủ quy định về việc người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam;
- Nghị định số 95/2005/NĐ-CP ngày 15/7/2005 của Chính phủ quy định về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng;
- Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật nhà ở năm 2005;
- Nghị định số 51/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị quyết số 19/2008/QH12 của Quốc hội về thí điểm cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở ở tại Việt Nam;
- Được cấp Giấy chứng nhận theo quy định tạo Điều 31, 32 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai năm 2013;
- Các giấy chứng nhận khác về quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu các công trình xây dựng đã được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng qua các thời kỳ.
+ Các giấy tờ để chứng minh người sử dụng đất đủ điều kiện được được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, nhưng người sử dụng đất chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, những loại giấy tờ này bao gồm:
- Các giấy tờ được quy định tại Điều 100 Luật đất đai năm 2013;
- Các giấy tờ được quy định tại Điều 18 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP;
- Các giấy tờ được quy định tại Khoản 16 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP;
- Giấy xác nhận của ủy ban nhân dân cấp xã và được cơ quan đăng ký đất đai xác nhận người sử dụng đất đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.
+ Các loại giấy tờ về đất đai đối với các trường hợp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất từ sau ngày 01/7/2004 nhưng không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất bao gồm các loại giấy tờ sau:
- Quyết định giao đất của cơ quan có thẩm quyền giao đất theo quy định của Luật đất đai;
- Quyết định cho thuê đất của cơ quan có thẩm quyền cho thuê đất theo quy định của Luật đất đai (kèm theo hợp đồng thuê đất nếu có);
- Giấy tờ trúng đấu giá quyền sử dụng đất, giấy tờ trúng đấu thầu dự án có sử dụng đất;
- Quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan có thẩm quyền.
+ Đối với đất tổ chức, đất cơ sở tôn giáo đang sử dụng mà chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất thì có thể cung cấp báo cáo rà soát, kê khai hiện trạng sử dụng đất. Báo cáo rà soát hiện trạng này phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất kiểm tra và ra các quyết định xử lý được quy định tại Điều 28 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP;
+ Đối với trường hợp xin cấp giấy phép với những công trình di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP thì phải có giấy tờ về việc xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh;
+ Đối với những công trình xây dựng biển quảng cáo, trạm viễn thông, cột ăng-ten tại các các tại khu vực không thuộc nhóm đất có mục đích sử dụng để xây dựng và không được chuyển mục đích sử dụng đất thì sẽ phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc văn bản chấp thuận về địa điểm xây dựng của Ủy ban nhân dân cấp huyện;
+ Đối với những công trình được phép xây dựng ở trong phạm vi đất dành cho giao thông thì cần phải có hợp đồng thuê đất được giao kết giữa chủ đầu tư xây dựng công trình và người quản lý, sử dụng công trình giao thông hoặc văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về giao thông;
– Bản vẽ hoàn công công trình (nếu có) hoặc những bản vẽ thiết kế mô tả thực trạng của công trình dự định được di dời đi, bản vẽ này bao gồm mặt bằng, mặt cắt móng và bản vẽ kết cấu chịu lực chính của công trình dự định di dời;
– Bản vẽ tổng mặt bằng địa điểm công trình sẽ được di dời tới; bản vẽ mặt bằng, mặt cắt móng tại điểm công trình dự định sẽ di chuyển tới;
– Báo cáo kết quả khảo sát đánh giá chất lượng hiện trạng của công trình do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực thực hiện;
– Bản phương án di dời công trình do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực để thực hiện, bản phương án này có những nội dung cụ thể như sau:
+ Thuyết minh về hiện trạng công trình và khu vực công trình dự định sẽ được di dời đến; giải pháp để di dời công trình, phương án bố trí sử dụng phương tiện, thiết bị, nhân lực để di dời công trình; giải pháp để có thể đảm bảo an toàn cho công trình, người, máy móc, thiết bị và công trình lân cận; các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường; tiến độ để di dời công trình và các tổ chức, cá nhân sẽ thực hiện việc di dời công trình;
+ Bản vẽ biện pháp thi công di dời công trình.
2.2 Thủ tục để đề nghị cấp Giấy phép di dời công trình
Thủ tục để cấp Giấy phép di dời công trình được quy định cụ thể tại Điều 102, 103 Luật xây dựng năm 2014 (điều này được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 36 và Khoản 37 Điều 1 Luật xây dựng sửa đổi năm 2020) và được hướng dẫn chi tiết bởi Điều 54 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:
– Chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình chuẩn bị đầy đủ 02 bộ hồ sơ bao gồm các loại giấy tờ đã được nêu ở trên và nộp hồ sơ tới Sở xây dựng;
– Sở xây dựng khi nhận được hồ sơ sẽ phải có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ, nếu thấy hồ sơ của chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình đã đáp ứng đủ điều kiện thì phải ghi giấy biên nhận cho chủ thể nộp hồ sơ, trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa đáp ứng được điều kiện thì sẽ phải có trách nhiệm hướng dẫn chủ thể nộp hồ sơ hoàn thiện hồ sơ;
– Sau thời gian 07 ngày kể từ ngày Sở xây dựng nhận được hồ sơ thì Sở sẽ phải có trách nhiệm tổ chức thẩm định hồ sơ và kiểm tra thực địa tình trạng di dời công trình. Trong quá trình thẩm định cơ quan có thẩm quyền thẩm định sẽ phải có trác nhiệm xác định các tài liệu còn thiếu, xác định các tài liệu không đúng theo quy với thực tế thẩm định thì sẽ cần thông báo bằng văn bản với chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình để bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ.
Sau khi nhận được thông báo từ Sở xây dựng, chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình phải có trách nhiệm bổ sung những hồ sơ, giấy tờ chưa đáp ứng được đủ yêu cầu theo thông báo. Đối với trường hợp hồ sơ mà chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình bổ sung nhưng những hồ sơ bổ sung không đáp ứng được yêu cầu theo văn bản thông báo thì trong thời gian 5 ngày làm việc Sở xây dựng phải có trách nhiệm thông báo bằng văn bản hướng dẫn cho chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình tiếp tục hoàn thiện hồ sơ. Đối với trường hợp đã có văn bản hướng dẫn mà chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình vẫn không đáp ứng được các nội dung như đã hướng dẫn thì trong thời hạn 3 ngày làm việc Sở xây dựng phải có trách nhiệm thông báo đến chủ thể đề nghị về lý do không cấp Giấy phép di dời công trình.
Trên đây là nội dung Luật LVN Group đã biên soạn, trường hợp Quý khách hàng còn bất cứ vướng mắc gì về nội dung đã nêu trên Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật xây dựng trực tuyến qua tổng đài, gọi số: 1900.0191 để được hỗ trợ trực tiếp. Rất mong nhận được sự hợp tác từ Quý khách hàng. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn!