1. Dịch vụ giám định là gì?

Dịch vụ giám định là hoạt động thương mại, theo đó một thương nhân thực hiện những công việc cần thiết để xác định tình trạng thực tế của hàng hoá, kết quả cung ứng dịch vụ và những nội dung khác theo yêu cầu của khách hàng.

Giám định bao gồm một hoặc một số nội dung về số lượng, chất lượng, bao bì, giá trị hàng hoá, xuất xứ hàng hoá, tổn thất, độ an toàn, tiêu chuẩn vệ sinh, phòng dịch, kết quả thực hiện dịch vụ, phương pháp cung ứng dịch vụ và các nội dung khác theo yêu cầu của khách hàng.

2. Điều kiện thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại

Điều 256 Luật thương mại quy định chỉ các thương nhân có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ giám định thương mại mới được phép thực hiện dịch vụ giám định và cấp chứng thư giám định.

Thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại phải có đủ các điều kiện sau đây:

– Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật;

– Có giám định viên đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 259 của Luật này;

– Có khả năng thực hiện quy trình, phương pháp giám định hàng hoá, dịch vụ theo quy định của pháp luật, tiêu chuẩn quốc tế hoặc đã được các nước áp dụng một cách phổ biến trong giám định hàng hoá, dịch vụ đó.

Điều 259 Luật thương mại quy định, Giám định viên phải có đủ các tiêu chuẩn sau đây:

a) Có trình độ đại học hoặc cao đẳng phù hợp với yêu cầu của lĩnh vực giám định;

b) Có chứng chỉ chuyên môn về lĩnh vực giám định trong trường hợp pháp luật quy định phải có chứng chỉ chuyên môn;

c) Có ít nhất ba năm công tác trong lĩnh vực giám định hàng hoá, dịch vụ.

Thương nhân kinh doanh (giám đốc doanh nghiệp) dịch vụ giám định thương mại ra quyết định công nhận giám định viên đối với những người đủ tiêu chuẩn theo quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Chỉ những người có quyết định được công nhận là giám định viên của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại mới được thực hiện hoạt động giám định theo sự phân công của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại.

3. Đăng ký dấu nghiệp vụ đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại

Cơ quan đăng ký dấu nghiệp vụ của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại là Sở Công Thương tại nơi thương nhân đăng ký kinh doanh.

Điều 4 Thông tư 01/2015/TT-BTM quy định, Hồ sơ đăng ký dấu nghiệp vụ bao gồm:

a) 01 (Một) bản chính Đơn đăng ký dấu nghiệp vụ thực hiện theo mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

b) 01 (Một) bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư trong các trường hợp sau:

– Bản sao có chứng thực đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện;

– Bản chụp kèm theo bản chính để đối chiếu đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp.

c) Các mẫu dấu nghiệp vụ hoặc bản thiết kế các mẫu dấu nghiệp vụ mà thương nhân đăng ký.

Trình tự giải quyết hồ sơ đăng ký dấu nghiệp vụ:

a) Trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận bộ hồ sơ, cơ quan đăng ký dấu nghiệp vụ có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho thương nhân yêu cầu bổ sung và hoàn chỉnh hồ sơ trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ;

b) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận bộ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký dấu nghiệp vụ có trách nhiệm đăng ký dấu nghiệp vụ sử dụng trong chứng thư giám định của thương nhân vào Sổ đăng ký dấu nghiệp vụ và thông báo đăng ký dấu nghiệp vụ giám định cho thương nhân bằng văn bản.

4. Có được ủy quyền giám định thương mại không?

Điều 267 Luật thương mại quy định: Trường hợp thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định nước ngoài được thuê thực hiện giám định mà chưa được phép hoạt động tại Việt Nam thì thương nhân đó được ủy quyền cho thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định đã được phép hoạt động tại Việt Nam thực hiện dịch vụ giám định nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm về kết quả giám định.

Hợp đồng ủy quyền giám định phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật.

Trong Chứng thư giám định do thương nhân được ủy quyền cấp phải ghi rõ “Thực hiện theo ủy quyền của (ghi rõ tên thương nhân ủy quyền)” và đóng dấu nghiệp vụ của thương nhân được ủy quyền theo quy định tại Điều 8 Nghị định này.

Bên được uỷ quyền chỉ được uỷ quyền lại cho bên thứ ba nếu được bên uỷ quyền đồng ý hoặc pháp luật có quy định.

Hợp đồng uỷ quyền lại phải phù hợp với hình thức hợp đồng ủy quyền ban đầu.

Việc uỷ quyền lại không được vượt quá phạm vi uỷ quyền ban đầu.

Bên uỷ quyền giám định có các quyền sau đây:

a) Yêu cầu bên được ủy quyền giám định thực hiện đúng thỏa thuận trong hợp đồng ủy quyền giám định;

b) Yêu cầu bên được uỷ quyền giám định thông báo đầy đủ về việc thực hiện công việc theo hợp đồng uỷ quyền;

c) Được yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên được uỷ quyền vi phạm nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định này.

Bên uỷ quyền giám định có các nghĩa vụ sau đây:

a) Cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết để phục vụ yêu cầu giám định;

b) Chịu trách nhiệm về kết quả giám định đối với bên yêu cầu giám định;

c) Trả thù lao dịch vụ và các chi phí khác theo thỏa thuận trong hợp đồng ủy quyền giám định;

d) Thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Bên được uỷ quyền giám định có các quyền sau đây:

a) Yêu cầu bên ủy quyền giám định cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết để phục vụ việc giám định theo hợp đồng ủy quyền giám định;

b) Được thuê chuyên gia giám định trong và ngoài nước để thực hiện dịch vụ giám định; được tạm nhập tái xuất phương tiện kỹ thuật để thực hiện nghiệp vụ giám định;

c) Nhận thù lao dịch vụ và các chi phí khác theo thỏa thuận trong hợp đồng ủy quyền giám định.

Bên được uỷ quyền giám định có các nghĩa vụ sau đây:

a) Thực hiện công việc theo hợp đồng ủy quyền và báo cho bên ủy quyền về việc thực hiện công việc đó;

b) Bảo quản, giữ gìn tài liệu và phương tiện được giao để thực hiện việc ủy quyền;

c) Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong khi thực hiện việc uỷ quyền;

d) Bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ quy định tại các điểm a, b và c khoản này;

đ) Cung cấp chứng thư giám định theo hợp đồng uỷ quyền.

5. Giá trị pháp lý của chứng thư giám định thương mại

Điều 260 Luật thương mại quy định về chứng thư giám định như sau:

1. Chứng thư giám định là văn bản xác định tình trạng thực tế của hàng hóa, dịch vụ theo các nội dung giám định được khách hàng yêu cầu.

2. Chứng thư giám định phải có chữ ký của người đại diện có thẩm quyền của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định, chữ ký, họ tên của giám định viên và phải được đóng dấu nghiệp vụ được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền.

3. Chứng thư giám định chỉ có giá trị đối với những nội dung được giám định.

4. Thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định chịu trách nhiệm về tính chính xác của kết quả và kết luận trong Chứng thư giám định.

Chứng thư giám định có giá trị pháp lý đối với bên yêu cầu giám định nếu bên yêu cầu giám định không chứng minh được kết quả giám định không khách quan, không trung thực hoặc sai về kỹ thuật, nghiệp vụ giám định.

Trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc sử dụng chứng thư giám định của một thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cụ thể thì chứng thư giám định đó có giá trị pháp lý đối với tất cả các bên nếu không chứng minh được kết quả giám định không khách quan, không trung thực hoặc sai về kỹ thuật, nghiệp vụ giám định.

Trong trường hợp các bên không có thoả thuận về việc sử dụng chứng thư giám định của một thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cụ thể thì chứng thư giám định chỉ có giá trị pháp lý đối với bên yêu cầu giám định theo quy định tại Điều 261 của Luật này. Bên kia trong hợp đồng có quyền yêu cầu giám định lại.

 Khi chứng thư giám định lại có kết quả khác với chứng thư giám định ban đầu thì xử lý như sau:

a) Trường hợp thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cấp chứng thư giám định ban đầu thừa nhận kết quả của chứng thư giám định lại thì kết quả của chứng thư giám định lại có giá trị pháp lý với tất cả các bên;

b) Trường hợp thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cấp chứng thư giám định ban đầu không thừa nhận kết quả của chứng thư giám định lại thì các bên thoả thuận lựa chọn một thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định khác giám định lại lần thứ hai. Kết quả giám định lại lần thứ hai có giá trị pháp lý với tất cả các bên.

6. Quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định

Điều 263 Luật thương mại quy định thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định có quyền và nghĩa vụ như sau:

Thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định có các quyền sau đây:

a) Yêu cầu khách hàng cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các tài liệu cần thiết để thực hiện dịch vụ giám định;

b) Nhận thù lao dịch vụ giám định và các chi phí hợp lý khác.

Thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định có các nghĩa vụ sau đây:

a) Chấp hành các tiêu chuẩn và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến dịch vụ giám định;

b) Giám định trung thực, khách quan, độc lập, kịp thời, đúng quy trình, phương pháp giám định;

c) Cấp chứng thư giám định;

d) Trả tiền phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 266 của Luật này.

7. Mẫu đơn đăng ký dấu nghiệp vụ

>>> Ban hành kèm theo Thông tư số 01/2015/TT-BCT ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

…., ngày…. tháng…. năm….

ĐƠN ĐĂNG KÝ DẤU NGHIỆP VỤ

Kính gửi: Sở Công Thương…1

Tên thương nhân: (ghi bằng chữ in hoa)…………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

Tên thương nhân viết bằng tiếng nước ngoài (nếu có):

……………………………………………………………………………………………………………………

……………………………………………………………………………………………………………………

Tên thương nhân viết tắt (nếu có):…………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………

Địa chỉ của trụ sở chính:

……………………………………………………………………………………………………………………

……………………………………………………………………………………………………………………

Điện thoại:……………………………………Fax:…………………………………………………

Email (nếu có):……………………………………………………………………………………………..

Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/ Giấy chứng nhận đầu tư số:………………..

Cơ quan cấp:…………………………………………………. Ngày cấp:………/………/………

Vốn điều lệ:…………………………………………………………………………………………………..

Nội dung đăng ký:

□ Cấp mới        □ Thay đổi2       □ Bổ sung

Lĩnh vực thực hiện dịch vụ giám định: Ví dụ nông sản, lâm sản, thủy sản, khoáng sản, kim loại, hóa chất vv…

Thương nhân cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự trung thực và chính xác của nội dung Đơn này và hồ sơ kèm theo.

 

 

Đại diện theo pháp luật của thương nhân
(Ký tên và đóng dấu)

_______________

1 Tên Sở Công Thương nơi thương nhân đăng ký dấu nghiệp vụ

2 Trong trường hợp đã đăng ký dấu nghiệp vụ nhưng thay đổi tên thương nhân; biểu tượng công ty hoặc nội dung khác, thương nhân gửi kèm theo thông báo đăng ký dấu nghiệp vụ giám định đã được cơ quan đăng ký dấu nghiệp vụ thông báo hoặc dấu nghiệp vụ giám định cũ đã đăng ký.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi.  Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Doanh nghiệp – Công ty luật LVN Group