Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của Công ty luật LVN Group

>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi:  1900.0191

Cơ sở pháp lý: 

– Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng 2015

– Nghị định 151/2016/NĐ-CP

– Thông tư 162/2017/TT-BQP

1. Quân nhân chuyên nghiệp là gì?

Quân nhân chuyên nghiệp là công dân Việt Nam có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ phục vụ trong Quân đội nhân dân, được tuyển chọn, tuyển dụng theo chức danh và được phong quân hàm quân nhân chuyên nghiệp.

2. Công nhân và viên chức quốc phòng là gì?

Công nhân và viên chức quốc phòng là công dân Việt Nam có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, được tuyển chọn, tuyển dụng vào Quân đội nhân dân theo vị trí việc làm hoặc chức danh nghề nghiệp mà không thuộc diện được phong quân hàm sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và hạ sĩ quan, binh sĩ.

3. Điều kiện và chế độ trợ cấp một lần do nghỉ hưu trước hạn tuổi đối với quân nhân chuyên nghiêp, công nhân, viên chức quốc phòng

Khoản 2 Điều 3 Nghị định 151/2016/NĐ-CP quy định:

2. Quân nhân chuyên nghiệp nghỉ hưu trước hạn tuổi cao nhất theo cấp bậc quân hàm quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật do thay đổi tổ chức biên chế theo quyết định của cấp có thẩm quyền mà Quân đội không còn nhu cầu bố trí sử dụng thì không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi và ngoài hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng (nếu có) theo quy định hiện hành, còn được hưởng chế độ trợ cấp một lần theo quy định sau đây:

a) Được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi;

b) Được trợ cấp bằng 05 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác. Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác được trợ cấp bằng 1/2 tháng tiền lương.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định 151/2016/NĐ-CP quy định như sau:

2. Công nhân và viên chức quốc phòng nghỉ hưu trước hạn tuổi cao nhất quy định tại Điều 31 của Luật do thay đổi tổ chức, biên chế theo quyết định của cấp có thẩm quyền mà Quân đội không còn nhu cầu bố trí sử dụng thì không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi và ngoài hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật hiện hành còn được hưởng chế độ trợ cấp một lần tương tự như đối với quân nhân chuyên nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định này.

Nội dung này được hướng dẫn tại Điều 5 Thông tư 162/2017/TT-BQP. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng đang công tác trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được hưởng chế độ trợ cấp một lần do nghỉ hưu trước hạn tuổi khi thuộc diện dôi dư biên chế ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Quân đội có quyết định giải thể, sáp nhập, rút gọn, hạ cấp độ tổ chức, chuyển đổi mô hình hoạt động dẫn đến giảm số lượng mà Quân đội không còn nhu cầu bố trí sử dụng hoặc không bố trí được vị trí công tác mới.

Các trường hợp đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp một lần do nghỉ hưu trước hạn tuổi nêu trên phải được xem xét, đề nghị từ cấp ủy cơ sở đến cấp ủy trực thuộc Quân ủy Trung ương và được Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, phê duyệt

Thứ hai, hạn tuổi để tính hưởng chế độ trợ cấp một lần khi quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng nghỉ hưu trước hạn tuổi cao nhất được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 17, Điều 31 Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, cụ thể như sau:

a) Đối với quân nhân chuyên nghiệp

– Cấp úy:

Nam 52 tuổi, nữ 52 tuổi;

– Thiếu tá, Trung tá:

Nam 54 tuổi, nữ 54 tuổi;

– Thượng tá:

Nam 56 tuổi, nữ 55 tuổi.

b) Đối với công nhân và viên chức quốc phòng

Nam 60 tuổi; nữ 55 tuổi.

c) Tuổi để xác định quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng nghỉ hưu trước hạn tuổi so với tuổi cao nhất theo cấp bậc quân hàm hướng dẫn tại điểm a hoặc so với hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân và viên chức quốc phòng tại điểm b khoản này ít nhất là một năm (đủ 12 tháng), được tính từ tháng sinh đến tháng liền kề trước khi quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng hưởng lương hưu hằng tháng.

Trường hợp hồ sơ không xác định được ngày, tháng sinh mà chỉ xác định được năm sinh thì lấy ngày 01 tháng 01 và năm sinh của đối tượng để làm căn cứ tính tuổi nghỉ hưu.

Ví dụ 1: Đồng chí Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị K, sinh tháng 9 năm 1968, nhập ngũ tháng 9 năm 1986, theo quy định hiện hành thì đến ngày 01 tháng 10 năm 2020 (đủ 52 tuổi) đồng chí K hết hạn tuổi phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm, nhưng do đơn vị sáp nhập, Quân đội không còn nhu cầu bố trí sử dụng, được cấp có thẩm quyền quyết định nghỉ hưu trước tuổi và được hưởng lương hưu hằng tháng kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2018 (đủ 50 tuổi). Do vậy, đồng chí K được hưởng trợ cấp một lần do nghỉ hưu trước hạn tuổi cao nhất của cấp bậc quân hàm Đại úy (vì đồng chí K nghỉ hưu trước hạn tuổi cao nhất theo cấp bậc quân hàm là 02 năm = 24 tháng).

d) Cấp bậc quân hàm để xác định hạn tuổi cao nhất tương ứng đối với quân nhân chuyên nghiệp hướng dẫn tại điểm a khoản này là cấp bậc quân hàm tại thời điểm có quyết định về việc nghỉ hưu (nghỉ chuẩn bị hưu) của cấp có thẩm quyền.

Ví dụ 2: Đồng chí Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn A, sinh tháng 9 năm 1967, nhập ngũ tháng 02 năm 1986, do đơn vị giải thể, Quân đội không còn nhu cầu bố trí, sử dụng, được cấp có thẩm quyền quyết định nghỉ hưu (nghỉ chuẩn bị hưu) từ ngày 01 tháng 10 năm 2016, cấp bậc quân hàm Đại úy quân nhân chuyên nghiệp; có quyết định hưởng lương hưu hằng tháng kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2017 (đủ 50 tuổi); trong thời gian nghỉ chuẩn bị hưu, đồng chí A được xét nâng lương và phiên quân hàm Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp. Theo quy định, đồng chí A thuộc đối tượng nghỉ hưu trước hạn tuổi theo cấp bậc quân hàm Đại úy quân nhân chuyên nghiệp. Cụ thể là:

52 tuổi – 50 tuổi = 2 năm.

Thứ ba, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng đủ điều kiện nghỉ hưu trước hạn tuổi theo quy định thì không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi và ngoài chế độ bảo hiểm xã hội, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng hiện hành, còn được hưởng chế độ trợ cấp một lần, như sau:

a) Trợ cấp 03 tháng tiền lương bình quân cho mỗi năm (đủ 12 tháng) nghỉ hưu trước tuổi, được tính theo công thức sau:

Tiền trợ cấp tính cho thời gian nghỉ hưu trước tuổi quy định

=

Số năm được trợ cấp (tính theo thời gian nghỉ hưu trước hạn tuổi quy định)

x 03 tháng x

Tiền lương tháng bình quân

b) Trợ cấp 05 tháng tiền lương bình quân cho 20 năm đầu công tác. Từ năm thứ 21 trở đi, mỗi năm trợ cấp 1/2 tháng tiền lương bình quân, được tính theo công thức sau:

Tiền trợ cấp cho số năm công tác

=

{5 tháng + [(tổng số năm công tác – 20 năm) x 1/2 tháng]}

x

Tiền lương tháng bình quân

Ví dụ 3: Trường hợp đồng chí Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn A (nêu tại ví dụ 2) có tổng thời gian công tác đóng bảo hiểm xã hội (từ tháng 02 năm 1986 đến hết tháng 9 năm 2017) là 31 năm 08 tháng. Giá sử mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội 05 năm cuối trước khi nghỉ hưu của đồng chí A là 9.500.000 đồng/tháng.

Khi nghỉ hưu, ngoài chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định hiện hành của pháp luật về bảo hiểm xã hội, đồng chí A còn được hưởng chế độ trợ cấp 1 lần do nghỉ hưu trước hạn tuổi theo cấp bậc quân hàm, như sau:

– Trợ cấp một lần cho số năm nghỉ hưu trước tuổi

02 năm x 03 tháng x 9.500.000 đồng = 57.000.000 đồng.

– Trợ cấp một lần cho thời gian công tác

{5 tháng +[(31 năm 8 tháng – 20 năm) x 1/2 tháng]} x 9.500.000 đồng.

= (5 tháng + 6 tháng) x 9.500.000 đồng = 104.500.000 đồng.

Tổng số tiền trợ cấp một lần đồng chí Nguyễn Văn A được nhận là:

57.000.000 đồng + 104.500.000 đồng = 161.500.000 đồng.

4. Trường hợp không được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu trước hạn tuổi

Theo hướng dẫn tại khoản 4 Điều 5 Thông tư 162/20Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng thuộc một trong các trường hợp sau đây, không được hưởng chế độ trợ cấp nêu tại mục thứ ba:

a) Không đủ điều kiện theo hướng dẫn tại khoản 1, khoản 2 Điều 5 Thông tư 162/2017/TT-BQP

b) Còn đủ điều kiện phục vụ Quân đội mà Quân đội còn nhu cầu bố trí, sử dụng nhưng xin nghỉ hưu trước tuổi;

c) Bị kỷ luật hình thức giáng chức, cách chức, hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm, tước danh hiệu quân nhân đối với quân nhân chuyên nghiệp; hạ bậc lương, buộc thôi việc đối với công nhân và viên chức quốc phòng;

d) Đi học tập, công tác, nghỉ phép ở nước ngoài quá thời hạn từ 30 ngày trở lên không được cấp có thẩm quyền cho phép.

5. Chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp phục viên

Khoản 3 Điều 40 Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng quy định về chế độ đối với quân nhân chuyên nghiệp phục viên như sau:

a) Được trợ cấp tạo việc làm, trợ cấp phục viên một lần; được bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội hoặc nhận trợ cấp một lần từ quỹ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật;

b) Đủ 15 năm phục vụ tại ngũ trở lên, khi ốm đau được khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở quân y theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;

c) Được ưu tiên cộng điểm trong thi tuyển công chức, viên chức;

d) Được hưởng chế độ, chính sách quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.

Tại Điều 4 Nghị định 151/2016/NĐ-CP hướng dẫn chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp phục viên theo điểm a, c khoản 3 Điều 40 của Luật như sau:

–  Được trợ cấp tạo việc làm bằng 06 tháng tiền lương cơ sở theo quy định của Chính phủ tại thời điểm phục viên; được hỗ trợ đào tạo nghề hoặc giới thiệu việc làm tại các tổ chức giới thiệu việc làm của các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương và các tổ chức kinh tế – xã hội khác.

– Được hưởng trợ cấp phục viên một lần, cứ mỗi năm công tác được trợ cấp bằng 01 tháng tiền lương của tháng liền kề trước khi phục viên.

– Được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần hoặc bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định hiện hành của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

– Được ưu tiên cộng điểm trong thi tuyển hoặc xét tuyển công chức theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; hoặc được ưu tiên khi xác định người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển viên chức theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

Cụ thể chế độ trợ cấp được hướng dẫn tại Điều 6 Thông tư 162/2017/TT-BQP như sau:

Một là, quân nhân chuyên nghiệp thôi phục vụ tại ngũ, không đủ điều kiện nghỉ hưu, nghỉ theo chế độ bệnh binh hoặc không chuyển ngành được thì được phục viên; khi phục viên được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 151/2016/NĐ-CP. Trong đó, chế độ trợ cấp phục viên một lần được thực hiện như sau:

Tiền trợ cấp phục viên một lần

=

Tổng số năm công tác

x

01 tháng tiền lương liền kề trước khi phục viên

Ví dụ 4: Đồng chí Nguyễn Văn H, Trung úy quân nhân chuyên nghiệp, có thời gian công tác trong Quân đội là 12 năm 08 tháng (được tính thâm niên nghề là 12%); phục viên từ ngày 01 tháng 5 năm 2017. Tại thời điểm tháng 4 năm 2017, đồng chí H có hệ số lương 4,40, mức lương cơ sở là 1.210.000 đồng/tháng; tiền lương tháng 4 năm 2017 của đồng chí H được hưởng là:

1.210.000 đồng x 4,40 x 1,12 = 5.962.880 đồng.

Khi đồng chí H phục viên được hưởng chế độ trợ cấp phục viên một lần theo quy định, như sau:

– Thời gian công tác trong Quân đội là 12 năm 08 tháng, được tính tròn là 13 năm.

– Số tiền trợ cấp phục viên một lần là: 5.962.880 đồng x 13 năm x 01 tháng = 77.517.440 đồng.

Hai là, trường hợp, quân nhân chuyên nghiệp có thời gian trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc công tác ở địa bàn khó khăn, ngành nghề có tính chất đặc thù thì khi phục viên được hưởng chế độ trợ cấp một lần đối với thời gian tăng thêm do quy đổi theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 151/2016/NĐ-CP và Điều 8, Điều 9 Thông tư này.

Ba là, quân nhân chuyên nghiệp đã nhận bảo hiểm xã hội một lần khi phục viên, trong thời gian không quá một năm (12 tháng) kể từ ngày quyết định phục viên có hiệu lực, nếu có nguyện vọng bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội trước đó, được thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 8 Điều 17 Thông tư liên tịch số 105/2016/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi.  Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Dân sự – Công ty luật LVN Group