1. Khí là gì?
Nghị định 87/2018/NĐ-CP đưa ra giải thích về khí như sau:
Khí quy định tại Nghị định này là khí dầu mỏ hóa lỏng, khí thiên nhiên hóa lỏng và khí thiên nhiên nén. Trong đó:
Khí dầu mỏ hóa lỏng là sản phẩm hydrocacbon có nguồn gốc dầu mỏ với thành phần chính là propan (công thức hóa học C3H8) hoặc butan (công thức hóa học C4H10) hoặc hỗn hợp của cả hai loại này, tên tiếng Anh: Liquefied Petroleum Gas (viết tắt là LPG); tại nhiệt độ, áp suất bình thường LPG ở thể khí và khí được nén đến một áp suất hoặc làm lạnh đến nhiệt độ nhất định LPG chuyển sang thể lỏng.
LPG được sử dụng đa dạng trong công nghiệp cũng như dân dụng:
+ Sử dụng làm nhiên liệu cho phương tiện vận tải. LPG cháy tốt hơn diesel hoặc xăng, vì vậy trên thế giới, LPG được sử dụng phổ biến làm nhiên liệu cho các phương tiện vận tải nhờ có hiệu năng tốt hơn và thân thiện với môi trường hơn.
+ Sử dụng làm môi chất làm lạnh.
+ Đầu vào cho công nghiệp hóa chất.
+ Trong nông nghiệp, LPG được sử dụng để sấy khô nông sản.
+ Sử dụng để sưởi ấm.
+ Làm nhiên liệu trong nấu nướng.
+ Sử dụng làm nhiên liệu trong công nghiệp.
+ Sử dụng làm nhiên liệu để chạy turbine phát điện.
Khí thiên nhiên hóa lỏng là sản phẩm hydrocacbon ở thể lỏng, có nguồn gốc từ khí tự nhiên với thành phần chủ yếu là Metan (công thức hóa học: CH4 tên tiếng Anh: Liquefied Natural Gas (viết tắt là LNG); tại nhiệt độ, áp suất bình thường LNG ở thể khí và khi được làm lạnh đến nhiệt độ nhất định LNG chuyển sang thể lỏng.
LNG được sử dụng tương tự như khí khô phục vụ cho nhu cầu khí của các nhà máy điện, hộ công nghiệp, khu đô thị. Hiện nay, ở nhiều nước trên thế giới LNG còn được sử dụng làm nhiên liệu cho các phương tiện giao thông vận tải: tàu biển, tàu hỏa và xe vận tải nặng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Khí thiên nhiên nén là sản phẩm hydrocabon ở thể khí được nén ở áp suất cao (200 đến 250 bar), có nguồn gốc từ khí tự nhiên với thành phần chủ yếu là Metan (công thức hóa học: CH4 tên tiếng Anh: Compressed Natural Gas (viết tắt là CNG).
Cũng như khí tự nhiên, CNG là nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường <vì khi sử dụng làm nhiên liệu giúp làm giảm đến 20% lượng CO2, 30% lượng NOx, 70% SOx so với các nhiên liệu từ dầu. Khi sử dụng trong động cơ, CNG cũng làm giảm đến 50% lượng hydrocarbon thải ra so sánh với động cơ xăng.
Mua bán khí là một trong những hoạt động kinh doanh khí theo quy định tại Nghị định 87/2018/NĐ-CP, thương nhân mua bán khí là cơ sở kinh doanh khí.
2. Điều kiện đối với thương nhân kinh doanh mua bán khí
Điều 8 Nghị định 87/2018/NĐ-CP quy định thì, điều kiện đối với thương nhân kinh doanh mua bán khí gồm:
a) Là thương nhân được thành lập theo quy định của pháp luật;
b) Có bồn chứa khí hoặc hợp đồng thuê bồn chứa khí hoặc có chai LPG hoặc hợp đồng thuê chai LPG;
c) Đáp ứng các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.
Đối với thương nhân kinh doanh mua bán khí qua đường ống ngoài đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm a, b còn phải có trạm cấp khí đáp ứng đầy đủ các điều kiện về an toàn.
Đối với thương nhân kinh doanh mua bán LNG ngoài điều kiện a, b, c thì phải có trạm cấp LNG hoặc trạm nạp LNG vào phương tiện vận tải đáp ứng đủ các điều kiện về an toàn, phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.
Đối với thương nhân kinh doanh mua bán CNG ngoài đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a, c thì phải có xe bồn CNG, trạm nén CNG, trạm cấp CNG hoặc trạm nạp CNG vào phương tiện vận tải đáp ứng đủ các điều kiện về an toàn, phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.
3. Quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh mua bán khí
Quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh mua bán khí được quy định tại Điều 22 Nghị định 87/2018/NĐ-CP. Theo đó:
– Được tổ chức mua, bán LPG/LNG/CNG và LPG chai theo hợp đồng với thương nhân có Giấy chứng nhận đủ điều kiện còn hiệu lực và khách hàng công nghiệp.
– Quy định giá bán LPG/LNG/CNG và LPG chai cho thương nhân thuộc hệ thống mình quản lý.
– Tổ chức thực hiện dịch vụ và cung ứng các dịch vụ cho thuê: kho chứa, cảng xuất, nhập, giao nhận, phương tiện vận chuyển LPG/LNG/CNG.
– Được thiết lập hệ thống phân phối kinh doanh khí theo quy định của Luật thương mại.
– Kiểm tra, giám sát hệ thống phân phối do thương nhân quản lý tuân thủ các quy định của Nghị định này.
– Liên đới chịu trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm của hệ thống phân phối do thương nhân quản lý trong hoạt động kinh doanh khí theo quy định của pháp luật.
– Quản lý số lượng chai LPG thuộc sở hữu của thương nhân.
– Tổ chức bán lẻ LPG và LPG chai trong hệ thống phân phối do thương nhân quản lý, bán trực tiếp cho khách hàng sử dụng và niêm yết công khai giá bán lẻ.
– Thực hiện kiểm định theo quy định các chai LPG, bồn chứa LPG/LNG/CNG; thiết bị phụ trợ dùng LPG, thiết bị phụ trợ kinh doanh LNG/CNG thuộc sở hữu thương nhân.
– Kiểm tra chất lượng, bảo dưỡng và thay thế các chai LPG, thiết bị phụ trợ dùng LPG/LNG/CNG, bảo đảm an toàn cho khách hàng sử dụng.
– Phải xây dựng, áp dụng, duy trì hệ thống quản lý chất lượng đối với sản phẩm khí.
– Thông báo bằng văn bản tới các đơn vị trong hệ thống phân phối và Sở Công Thương, Sở Tài chính nơi có hệ thống phân phối của thương nhân khi có sự thay đổi về giá bán LPG.
– Tuân thủ các quy định của pháp luật về đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.
– Tuân thủ các quy định về quản lý an toàn, phòng cháy và chữa cháy, quản lý đo lường, chất lượng trong hoạt động kinh doanh khí quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan
– Thực hiện chế độ ghi chép hóa đơn, chứng từ theo quy định của Bộ Tài chính.
– Ký hợp đồng mua bán khí với thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu hoặc thương nhân kinh doanh mua bán khí có Giấy chứng nhận đủ điều kiện còn hiệu lực hoặc thương nhân sản xuất, chế biến khí.
– Trước 15 tháng 12 hàng năm có trách nhiệm báo cáo hệ thống phân phối, nhãn hiệu hàng hóa và hoạt động mua bán khí trên thị trường đến Sở Công Thương nơi thương nhân có trụ sở chính.
– Lập sổ theo dõi hoặc cơ sở dữ liệu điện tử ứng dụng công nghệ thông tin theo dõi LPG chai bán cho thương nhân kinh doanh LPG khác hoặc khách hàng sử dụng. Tại sổ theo dõi hoặc cơ sở dữ liệu điện tử phải có các thông tin sau về LPG chai: chủ sở hữu, loại chai, số sê ri chai, hạn kiểm định trên chai, tên và địa chỉ thương nhân mua LPG chai, khách hàng sử dụng, ngày giao nhận LPG chai.
4. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân kinh doanh mua bán LPG/LNG/CNG
Theo quy định tại Điều 38 Nghị định 87/2018/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân kinh doanh mua bán khí gồm:
(i) Giấy đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân kinh doanh mua bán LPG/LNG/CNG theo Mẫu số 03 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này.
(ii) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/hợp tác xã/hộ kinh doanh.
(iii) Bản sao Giấy chứng nhận kết quả kiểm định kỹ thuật an toàn lao động bồn chứa.
(iv) Tài liệu chứng minh đáp ứng các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy.
(v) Đối với thương nhân kinh doanh mua bán LPG chỉ có chai LPG hoặc thuê chai LPG, ngoài các giấy tờ nêu trên phải bổ sung các giấy tờ sau:
– Bản sao Giấy chứng nhận kiểm định chai LPG còn hiệu lực;
– Bản sao Giấy chứng nhận hợp quy đối với chai LPG.
(vi) Đối với thương nhân kinh doanh mua bán khí qua đường ống ngoài các giấy tờ số (ii), (iii), (iv) phải bổ sung tài liệu chứng minh có đường ống vận chuyển khí hoặc hợp đồng thuê đường ống vận chuyển khí; bản sao Giấy chứng nhận kiểm định đường ống còn hiệu lực và tài liệu chứng minh có trạm cấp khí đáp ứng các quy định về an toàn, phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.
(vii) Đối với thương nhân kinh doanh mua bán LNG ngoài các giấy tờ (ii) và (iii) phải bổ sung tài liệu chứng minh có trạm cấp LNG đáp ứng các quy định về an toàn theo quy định hoặc trạm nạp LNG vào phương tiện vận tải đã được cấp Giấy chứng nhận còn hiệu lực
(viii) Đối với thương nhân kinh doanh mua bán CNG ngoài giấy tờ số (ii) và (iv) phải bổ sung:
– Tài liệu chứng minh có xe bồn CNG đã được kiểm định còn hiệu lực;
– Tài liệu chứng minh có trạm cấp CNG hoặc trạm nạp CNG vào phương tiện vận tải đáp ứng các quy định về an toàn, phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan;
– Tài liệu chứng minh có trạm nén CNG đáp ứng các quy định về an toàn, phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.
5. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện
Điều 43 Nghị định 87/2018/NĐ-CP quy định về thủ tục cấp Giấy chứng nhận như sau:
Bước 1: Thương nhân đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Nghị định này gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc qua mạng điện tử đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bước 2: Trường hợp thương nhân chưa đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản yêu cầu thương nhân bổ sung.
Bước 3: Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cho thương nhân. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Thương nhân khi nộp hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện phải nộp phí thẩm định điều kiện kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực thương mại theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí hiện hành.
Giấy chứng nhận đủ điều kiện có thời hạn hiệu lực là 10 năm kể từ ngày cấp mới.
Theo quy định tại Điều 44 Nghị định 87/2018/NĐ-CP, Sở Công Thương có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân kinh doanh mua bán LPG/LNG/CNG.
6. Thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện
Giấy chứng nhận đủ điều kiện bị thu hồi trong các trường hợp sau:
a) Giả mạo hồ sơ đề nghị cấp phép;
b) Không còn đáp ứng đủ hoặc không thực hiện đúng các điều kiện quy định của Giấy chứng nhận;
c) Cho thuê, mượn Giấy chứng nhận; tự ý sửa đổi nội dung Giấy chứng nhận;
d) Chấm dứt hoạt động kinh doanh;
đ) Giấy chứng nhận được cấp không đúng thẩm quyền;
e) Kinh doanh không đúng địa điểm kinh doanh trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện đã được cơ quan có thẩm quyền cấp;
g) Chiếm giữ trái phép, mua, bán, trao đổi chai LPG không thuộc sở hữu;
h) Thay đổi hình dạng, kết cấu, trọng lượng ban đầu của chai LPG trái phép: Thay chân đế, cắt quai xách; mài lô gô, thay đổi nhãn hiệu, seri; hàn gắn thêm kim loại; tráo đổi van đầu chai.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận thực hiện việc thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp.
Thương nhân bị thu hồi Giấy chứng nhận có trách nhiệm gửi Giấy chứng nhận và toàn bộ bản sao Giấy chứng nhận hiện có đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp chứng nhận trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định thu hồi.
7. Mẫu giấy đề nghị Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân kinh doanh mua bán khí
>>> Mẫu số 03 ban hành kèm theo Nghị định 87/2018/NĐ-CP
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
GIẤY ĐỀ NGHỊ
CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN
THƯƠNG NHÂN KINH DOANH MUA BÁN LPG/LNG/CNG
Kính gửi: Sở Công Thương.
Tên thương nhân: …………………………………………………………………………………………………
Tên giao dịch đối ngoại: …………………………………………………………………………………………
Địa chỉ trụ sở chính: ………………………………………………………………………………………………
Điện thoại: ………………………………………Fax: …………………………………………………….
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số: ……………..do ………………………………………
cấp ngày…. tháng…. năm …..
Mã số thuế: ………………………………………………………………………………………………………….
Đề nghị Sở Công Thương xem xét, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân kinh doanh mua bán LPG/LNG/CNG theo quy định tại Nghị định số …/2018/NĐ-CP ngày … tháng … năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh khí.
Chúng tôi xin cam kết thực hiện đúng các quy định tại Nghị định số …/2018/NĐ-CP ngày … tháng … năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh khí, các văn bản pháp luật khác có liên quan và xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật./.
Nơi nhận: |
…., ngày….tháng…năm… |
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Doanh nghiệp – Công ty luật LVN Group