1. Khái niệm về giám sát thi công công trình?

Giám sát thi công công trình là hoạt động theo dõi quá trình thi công tại công trường, đảm bảo chất lượng, khối lượng tuân theo thiết kế được duyệt, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành cũng như các vấn đề về tiến độ xây dựng, an toàn lao động và vệ sinh môi trường.

Luật xây dựng năm 2014 quy định: Công trình xây dựng phải được giám sát về chất lượng, khối lượng, tiến độ, an toàn lao động và bảo vệ môi trường trong quá trình thi công.

Đối với việc xây dựng nhà ở riêng lẻ, Nhà nước khuyến khích thực hiện giám sát thi công.

Việc giám sát thi công xây dựng công trình phải bảo đảm các yêu cầu sau:

– Thực hiện trong suốt quá trình thi công từ khi khởi công xây dựng, trong thời gian thực hiện cho đến khi hoàn thành và nghiệm thu công việc, công trình xây dựng;

– Giám sát thi công công trình đúng thiết kế xây dựng được phê duyệt, tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật, quy định về quản lý, sử dụng vật liệu xây dựng, chỉ dẫn kỹ thuật và hợp đồng xây dựng;

– Trung thực, khách quan, không vụ lợi.

Nhà thầu giám sát thi công xây dựng được lựa chọn phải có đề xuất về giải pháp giám sát và quy trình kiểm soát chất lượng, khối lượng, tiến độ, an toàn lao động, bảo vệ môi trường, quy trình kiểm tra và nghiệm thu, biện pháp quản lý hồ sơ tài liệu trong quá trình giám sát và nội dung cần thiết khác.

2. Điều kiện của tổ chức tư vấn giám sát thi công công trình

Cơ sở pháp lý:

  • Điều 155 Luật xây dựng 2014;
  • Điều 158 Luật xây dựng 2014;
  • Điều 49 Nghị định 59/2015/NĐ-CP;
  • Điều 66 Nghị định 59/2015/NĐ-CP.

Hiện nay, lĩnh vực xây dựng đang phát triển, cùng với đó là các công ty, doanh nghiệp trong nước hoạt động trong lĩnh vực này được thành lập nhiều hơn và ngày càng gia tăng. Trong số đó, công ty kinh doanh dịch vụ tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình, kiểm định xây dựng cũng chiếm một phần lớn. Tuy nhiên không phải ai cũng biết điều kiện để có thể thành lập công ty kinh doanh dịch vụ này. Sau đây Luật Việt An xin cung cấp các điều kiện để thành lập công ty kinh doanh dịch vụ tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình, kiểm định xây dựng theo đúng quy định của pháp luật để quý khách hàng tham khảo.

2.1. Điều kiện của tổ chức tư vấn giám sát thi công công trình, kiểm định xây dựng

Một công ty có đủ các điều kiện sau đây được thực hiện hoạt động tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình, kiểm định xây dựng:

  • Có đủ điều kiện năng lực phù hợpvới công việc giám sát thi công xây dựng công trình, kiểm định xây dựng;
  • Cá nhân tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình, kiểm định xây dựng phải có chứng chỉ hành nghề phù hợp với công việc thực hiện.

2.2. Điều kiện đối với năng lực của tổ chức giám sát thi công xây dựng, kiểm định xây dựng

+ Năng lực của tổ chức sẽ được chia theo từng hạng của công trình xây dựng như sau:

  • Hạng I: Có ít nhất 10 (mười) người có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng, chủ trì kiểm định xây dựng hạng I phù hợp với lĩnh vực giám sát thi côngxây dựng;
  • Hạng II: Có ít nhất 10 (mười) người có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng, chủ trì kiểm định xây dựng hạng IIphù hợp với lĩnh vực giám sát thi công xây dựng;
  • Hạng III: Có ít nhất 5 (năm) người có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng, kiểm định xây dựng hạng III phù hợp với lĩnh vực giám sát thi công xây dựng, kiểm định xây dựng.

+ Phạm vi hoạt động đối với từng hạng công trình:

  • Hạng I: Được giám sát thi công xây dựng, kiểm định xây dựng tất cả các cấp công trình cùng loại;
  • Hạng II: Được giám sát thi công xây dựng, kiểm định xây dựng các công trình từ cấp II trở xuống cùng loại;
  • Hạng III: Được giám sát thi công xây dựng, kiểm định xây dựng các công trình từ cấp III trở xuống cùng loại.

2.3. Điều kiên đối với cá nhân hành nghề độc lập

Cá nhân hành nghề độc lập giám sát thi công xây dựng công trình, định giá xây dựng phải đáp ứng các điều kiện sau:

  • Có đăng ký hoạt động các lĩnh vực phù hợp với nội dung hành nghề;
  • Có chứng chỉ hành nghề và năng lựcphù hợp với công việc thực hiện.

2.4. Điều kiện về chứng chỉ hành nghề giám sá thi công xây dựng

Cá nhân hành nghề độc lập được hành nghề trong một số lĩnh vực sau chỉ khi được cấp chứng chỉ, cụ thể:

  • Giám sát công tác xây dựng và hoàn thiện;
  • Giám sát công tác lắp đặt thiết bị công trình;
  • Giám sát công tác lắp đặt thiết bị công nghệ.

– Điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng:

+ Theo từng hạng công trình sẽ có các điều kiện kèm theo như sau:

  • Hạng I: Đã trực tiếp giám sát thi công phần việc liên quan đến nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề của ít nhất 1 (một) công trìnhcấp I hoặc 2 (hai) công trình cấp II cùng loại;
  • Hạng II: Đã trực tiếp giám sát thi công hoặc chủ trì thiết kế, thi công phần việc liên quan đến nội dung đề nghịcấp chứng chỉ hành nghề của ít nhất 1 (một) công trình cấp II hoặc 2 (hai) công trình cấp III cùng loại;
  • Hạng III: Đã trực tiếp tham gia giám sát thi công hoặc tham gia thiết kế, thẩm định thiết kế, thi công xây dựng ít nhất 1 (một) công trình cấp III hoặc 2 (hai) công trình cấp IV cùng loại.

+ Phạm vi hoạt động của các hạng công trình:

  • Hạng I: Được làm giám sát trưởng, trực tiếp giám sát thi công xây dựng tất cả các cấp công trình cùng loại được ghi trong chứng chỉ hành nghề;
  • Hạng II: Được làm giám sát trưởng, trực tiếp giám sát thi công xây dựng công trình từ cấp II trở xuống, tham gia giám sát một số phần việc của công trình cấp I cùng loại với công trình được ghi trong chứng chỉ hành nghề;
  • Hạng III: Được làm giám sát trưởng, trực tiếp giám sát thi công xây dựng công trình từ cấp III trở xuống, tham gia giám sát một số phần việc của công trình cấp II cùng loại với công trình được ghi trong chứng chỉ hành nghề.

3. Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tư vấn giám sát xây dựng

Trước khi thực hiện thành lập, quý khách hàng lựa chọn loại hình doanh nghiệp cho phù hợp với khả năng, nhu cầu kinh doanh. Hiện nay, các loại hình doanh nghiệp bao gồm: Công ty cổ phần, công ty TNHH, công ty hợp danh hoặc doanh nghiệp tư nhân…

Sau khi lựa chọn loại hình doanh nghiệp, quý khách thực hiện việc đăng ký kinh doanh theo quy định. Cụ thể:

Chuẩn bị hồ sơ bao gồm

Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp: Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp là loại giấy tờ thể hiện những thông tin cơ bản nhất của doanh nghiệp. Trong quá trình chuẩn bị hồ sơ cần đảm bảo sự chính xác của các thông tin trên giấy đề nghị, làm cơ sở để thể hiện các thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp được thực hiện theo mẫu quy định.

Điều lệ công ty: Điều lệ của công ty bao gồm những quy định cụ thể, hình thức, chức năng và phương thức hoạt động của doanh nghiệp. Điều lệ của công là nền tảng và cơ sở hoạt động của doanh nghiệp. Điêu lệ công ty không được trái với quy định của pháp luật.

Danh sách thành viên: Danh sách thành viên của công ty hợp danh phải thể hiện đầy đủ và chi tiết thông tin về các thành viên trong công ty bao gồm: tên/ tuổi/ địa chỉ/ giấy tờ cá nhân/ số vốn góp…

Giấy tờ được chứng thực: Đối với cá nhân (chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu) hoặc tổ chức ( Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/ giấy chứng nhận đầu tư).

4. Thủ tục nộp và nhận kết quả đăng ký thành lập doanh nghiệp tư vấn giám sát xây dựng

– Nộp hồ sơ

+ Địa điểm nộp hồ sơ: Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch đầu tư.

+ Phương thức nộp: Hiện nay, có hai hình thức nộp hồ sơ thành lập doanh nghiệp bao gồm:

Nộp hồ sơ trực tiếp: Cá nhân có nhu cầu thành lập nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp tại bộ phận một cửa của Phòng đăng ký kinh doanh.

Nộp hồ sơ qua mạng; Hiện nay, các phòng Đăng ký kinh doanh đã triển khai việc nộp hồ sơ qua mạng nhằm tiết kiệm thời gian và giảm chi phí. Khách hàng có thể thực hiện việc nộp hồ sơ qua mạng theo hướng dẫn của Sở kế hoạch đầu tư.

– Thời gian tiếp nhận và giải quyết: 03 ngày làm việc.

– Trả hồ sơ và nhận kết quả

Khi đến ngày trả kết quả, cá nhân là đại diện doanh nghiệp nhận kết quả trực tiếp tại bộ phận một cửa của Phòng đăng ký kinh doanh. Trường hợp có sai sót trong hồ sơ sẽ có thông báo từ Phòng đăng ký kinh doanh về việc sửa đổi bổ sung.

**Lưu ý: Theo quy định của luật doanh nghiệp 2014 và nghị định 78/2015/NĐ-CP, khi thực hiện việc đăng ký kinh doanh, Doanh nghiệp không cần nộp cùng mẫu chứng chỉ hành nghề với cơ quan đăng ký kinh doanh. Trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, sẽ có sự thanh kiểm tra, giám sát để xác định doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện kinh doanh.

5. Quyền và nghĩa vụ của nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trinh

Quyền và nghĩa vụ của nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình được quy định tại Điều Luật xây dựng như sau:

Thứ nhất, quyền của nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình:

– Tham gia nghiệm thu, xác nhận công việc, công trình đã hoàn thành thi công xây dựng;

– Yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng công trình thực hiện đúng thiết kế được phê duyệt và hợp đồng thi công xây dựng đã ký kết;

– Bảo lưu ý kiến đối với công việc giám sát do mình đảm nhận;

– Tạm dừng thi công trong trường hợp phát hiện công trình có nguy cơ xảy ra mất an toàn hoặc nhà thầu thi công sai thiết kế và thông báo kịp thời cho chủ đầu tư để xử lý;

– Từ chối yêu cầu bất hợp lý của các bên có liên quan;

– Các quyền khác theo quy định của hợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan.

Thứ hai, nghĩa vụ của nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình:

– Thực hiện giám sát theo đúng hợp đồng;

– Không nghiệm thu khối lượng không bảo đảm chất lượng; không phù hợp với tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật và theo yêu cầu của thiết kế công trình;

– Từ chối nghiệm thu khi công trình không đạt yêu cầu chất lượng;

– Đề xuất với chủ đầu tư những bất hợp lý về thiết kế xây dựng;

– Giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn, bảo vệ môi trường;

– Bồi thường thiệt hại khi làm sai lệch kết quả giám sát đối với khối lượng thi công không đúng thiết kế, không tuân theo tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật, nhưng người giám sát không báo cáo với chủ đầu tư hoặc người có thẩm quyền xử lý và hành vi vi phạm khác do mình gây ra;

Các nghĩa vụ khác theo quy định của hợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan.