Trong khi đó, ở các nước, bên cạnh việc phân tích chi phí-lợi ích tổng thể, họ đặc biệt chú ý đánh giá chi phí tuân thủ của doanh nghiệp trước khi ban hành luật. Đó là các chi phí như chi phí phải bỏ ra để tuân thủ quy định được ban hành; chi phí hành chính, là các chi phí liên quan đến hồ sơ giấy tờ, chi phí hoàn thành các hồ sơ giấy tờ đó, và các chi phí quản lý hàng ngày phát sinh do phải tuân thủ quy định.

Tư vấn luật doanh nghiệp trực tuyến, gọi:1900.0191

Cùng với chi phí trực tiếp, văn bản nếu được ban hành có thể kéo theo các chi phí không đo lường được theo giá thị trường như chi phí do cơ hội mất đi; chi phí mất mát do thay đổi cơ cấu; phân bố và sử dụng nguồn lực do quy định pháp luật mới ban hành tạo ra; hay phí tổn gián tiếp khác (giá trị tài sản giảm, rủi ro khác tăng lên.v.v…).Chi phí gián tiếp cũng có thể gồm tác động của những thay đổi công nghệ đối với các khoản chi phí đó trong tương lai có thể dự đoán được (Xem thêm định nghĩa ở hộp dưới đây).

Hộp: Chi phí tuân thủ là gì?

Chi phí tuân thủ gồm các chi phí hành chính, giấy tờ, mua sắm thiết bị. Đó cũng có thể là các chi phí khó nhận thấy như: chi phí liên quan đến việc nắm bắt các quy định mới (thuê kế toán, dịch vụ pháp lý, nghiên cứu, phần mềm); thuê nhân viên mới, tập huấn nhân viên cũ để đáp ứng yêu cầu của quy định mới; chi phí theo dõi việc thực thi quy định mới; chi phí do rủi ro phải chịu trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm hành chính lớn hơn do quy định mới. Không bao gồm các chi phí trực tiếp như trả thuế, phí.

(Nguồn: Bộ Phát triển Kinh tế New Zealand, Hướng dẫn các Bộ lập Báo cáo về chi phí tuân thủ của khối doanh nghiệp, 6/2001)

Hiện nay trong việc đánh giá chi phí tuân thủ, công thức chi phí chuẩn (Standard Cost Model- SCM) của Hà Lan được áp dụng rộng rãi ở châu Âu, Úc và New Zealand. Mô hình này nhằm định danh, định tính và định lượng những chi phí mà doanh nghiệp phải chi để thực thi quy định pháp luật. Từ đó, loại bỏ những chi phí không cần thiết, giảm nhẹ gánh nặng thực thi cho doanh nghiệp. Mục đích ban đầu là phục vụ các cơ quan chính phủ, nhưng ở Úc, doanh nghiệp cũng sử dụng mô hình này để tự tính toán chi phí tuân thủ của mình. Do đó, Văn phòng Doanh nghiệp nhỏ thuộc Bộ Công nghiệp, Du lịch và Tài nguyên đã quyết định đơn giản hoá mô hình của Hà Lan để sử dụng rộng rãi hơn. Vào tháng 4/2006, Chính phủ Úc chính thức bắt buộc sử dụng SCM đối với tất cả các dự thảo chính sách, pháp luật trình lên Nội các. Ở New Zealand, cơ quan ban hành chính sách và pháp luật, dù đó là luật hay dưới luật, đều phải tiến hành đánh giá chi phí tuân thủ của khối doanh nghiệp để làm sao chi phí đó càng thấp càng tốt.

Ở các nước, sở dĩ người ta chú trọng việc đánh giá chi phí tuân thủ vì chúng khá lớn. Theo tính toán của OECD năm 1997, chi phí trực tiếp bỏ ra cho việc tuân thủ chính sách, pháp luật là từ 4%-12% của GDP, còn ở Mỹ, chi phí này là khoảng 500 tỷ USD/năm. Còn ở nước ta, chi phí tuân thủ pháp luật của 300.000 doanh nghiệp là bao nhiêu, chưa ai thử tính cả.

Chi phí tuân thủ các biện pháp chính sách riêng lẻ có thể không lớn, nhưng tổng chi phí lại là một gánh nặng đối với doanh nghiệp. Những chi phí này nếu cao quá sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng, tác động đến người tiêu dùng, giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế, và cuối cùng, khiến cho đối tượng điều chỉnh của chính sách không muốn tuân thủ các biện pháp, tức là không đạt được mục đích của chính sách. Nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đến 95% tổng số doanh nghiệp ở Việt Nam vốn ít có điều kiện được lên tiếng trong quá trình hoạch định và ban hành chính sách, họ lại thường chịu chi phí tuân thủ chính sách cao hơn. Do đó, đánh giá chi phí tuân thủ để tìm cách giảm chi phí đó là việc làm hệ trọng.

Hơn nữa, nếu tính đến vai trò, tỷ trọng ngày càng tăng của khối doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khối tư nhân trong nền kinh tế quốc dân, điều có nghĩa rất then chốt là giảm gánh nặng chi phí tuân thủ ngay từ khi bắt đầu quy trình làm luật và được chú trọng trong suốt cả quy trình đó. Chẳng hạn, trong năm 2005, doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã chiếm 37% giá trị sản xuất theo giá trị thực tế của toàn ngành công nghiệp so với 24% năm 2000. Vai trò của các doanh nghiệp này không chỉ thể hiện ở giá trị kinh tế mà nó tạo ra, quan trọng hơn và có ý nghĩa then chốt là việc tạo công ăn việc làm. Theo thống kê, có tới 90% việc làm mới được tạo ra từ khu vực này, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển đồng đều giữa các vùng, khu vực trong cả nước. Như vậy, giảm chi phí cho doanh nghiệp không chỉ tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, mà qua đó tăng lợi ích cho toàn thể xã hội và nền kinh tế lên nhiều lần.

Tuy nhiên, quan trọng không kém là cần đặt chi phí tuân thủ của doanh nghiệp trong phân tích chí phí-lợi ích tổng thể để làm sao lợi ích ròng đạt được là lớn nhất. Ví dụ, các quy định ngặt nghèo về tiêu chuẩn an toàn của xe ô tô gây ra những chi phí lớn cho doanh nghiệp, người tiêu dùng, xã hội, nhưng được coi là biện pháp cần thiết để đổi lại lợi ích là giữ gìn tính mạng của con người. Hoặc là không thể viện cớ chi phí tuân thủ các quy định về môi trường cao cho nên doanh nghiệp cứ nhắm mắt, bất chấp xả mọi chất thải, làm chết đất, nước, không khí. Mà thiếu nước sạch và không khí trong lành thì chính doanh nghiệp rồi cũng tắc thở chết mà thôi.

CÔNG TY LUẬT LVN GROUP biên tập

THAM KHẢO DỊCH VỤ PHÁP LUẬT LIÊN QUAN:
1. Dịch vụ Luật sư của LVN Group cho công ty;
2. Tư vấn giải thể doanh nghiệp;
3. Dịch vụ tư vấn giải thể chi nhánh;
4. Luật sư tư vấn Giải thể Doanh nghiệp;
5. Tư vấn thủ tục giải thể Công ty cổ phần;
6. Dịch vụ tư vấn Giải thể Công ty cổ phần;
7. Tư vấn tạm ngừng hoạt động doanh nghiệp;
8. Dịch vụ tư vấn Giải thể Doanh nghiệp tư nhân;
9. Tư vấn giải thể công ty TNHH 2 thành viên trở lên;