>> Luật sư tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp trực tuyến gọi số:1900.0191
Bất cứ quốc gia nào muốn phát triển kinh tế xã hội bền vững đều phải quan tâm đến cơ cấu kinh tế xã hội, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên, nhân lực. Trong quá trình phát triển, cải cách cơ cấu kinh tế xã hội là nỗ lực của toàn xã hội, trong đó Chính phủ đóng vai trò trung tâm. Trong xã hội, người ta vẫn ví von các doanh nghiệp nhà nước là con đẻ, còn doanh nghiệp tư nhân như con nuôi. Éo le thay, mặc dù con đẻ luôn được nuông chiều, chăm bẵm, ưu ái nhưng lại chậm lớn, ỷ lại, trong khi con nuôi thiệt thòi đủ điều lại biết vượt khó, ngày càng vươn lên, thành đạt.
Về mục tiêu phát triển, thực tế cho thấy do các suy luận chủ quan ban đầu dẫn tới việc cho rằng phải có các doanh nghiệp nhà nước lớn làm nền tảng chủ đạo hay đối trọng, cân bằng với các thế lực kinh tế “ngoại quốc”. Nhà nước, tập trung, ra sức tài trợ vốn, ưu ái sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản, cơ chế chính sách cho doanh nghiệp nhà nước nhưng tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong các thành phần kinh tế, tạo công ăn việc làm cũng ít nhất. Không ít người có năng lực nhưng làm việc trong môi trường thiếu động lực phát triển đã ảnh hưởng đến tư duy suy nghĩ và tư duy hành động.
Thực tế cho thấy, vai trò làm chủ của Nhà nước tại hầu hết các doanh nghiệp nhà nước chưa được luật hoá, thiếu vắng các cơ chế giám sát, kiểm tra rõ ràng, minh bạch, không theo kịp các diễn biến kinh tế xã hội cho nên nhiều doanh nghiệp gây thất thoát lớn tài sản công. Môi trường nhà nước thực sự là “chùm khế ngọt” là nơi, một số người có thể giàu to, đến người nước ngoài cũng phải ngạc nhiên, lắc đầu “khâm phục”! Các thống kê cho thấy, thậm chí thu nhập bình quân ở khu vực nhà nước vẫn cao hơn khu vực tư nhân trong khi chỉ số ICOR lại cao một cách đáng ngại khoảng 8 – 14 ở khu vực nhà nước so với khoảng 3 – 5 ở khu vực tư nhân. Điều này, cho thấy các ưu ái cho doanh nghiệp nhà nước thực sự không phát huy tác dụng, chỉ cổ vũ chút ít cho đồng lương bình quân mà hiệu quả tổng quan về tiêu chí tạo công ăn, việc làm mới, hiệu quả an sinh xã hội thấp, thu hút rất nhiều nguồn lực quốc gia về đất đai, khoáng sản, con người nhưng lại lập trình sẵn cho quá trình lãng phí, tham nhũng, tư lợi, đã và đang diễn ra với các tài sản công “cha chung không ai khóc”!
Doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tham gia đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, thì chính doanh nghiệp tư nhân có tốc độ tăng trưởng cao nhất, tạo công ăn việc làm nhiều nhất. Doanh nghiệp tư nhân luôn quan tâm, lo lắng, và cân nhắc thận trọng khi sử dụng đồng tiền sao cho có hiệu quả vì đó là mồ hôi, nước mắt của chính mình. Động lực phát triển của doanh nghiệp tư nhân rất rõ ràng, xuất phát từ nhu cầu thực tế, được đặt trong sự tương tác của kinh tế thị trường cung cầu và sử dụng lao động. Từ các doanh nghiệp tư nhân đến các công ty đa quốc gia có đại hội cổ đông thường niên thường xuyên thảo luận về chương trình làm việc, kế hoạch sản xuất kinh doanh, kết quả và các ứng phó kịp thời với sự biến động của kinh tế thị trường. Chủ doanh nghiệp luôn tìm những người giỏi, để bổ nhiệm phân công vào vị trí lao động thích hợp. Từ người quản lý, đến công nhân lao động đều hiểu rõ vai trò, trách nhiệm, động cơ làm việc gắn liền với miếng cơm, manh áo bằng thành quả lao động.
Các doanh nghiệp kể cả nhà nước và tư nhân thường “chạy chính sách” để được những đặc quyền, đặc lợi, do cơ cấu chính trị và cơ cấu sở hữu của Việt Nam. Thực trạng hiện nay mất cân đối về cơ cấu kinh tế là do tình trạng các dự án, được cấp đất ồ ạt. Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế vài năm gần đây, xuất hiện một số doanh nghiệp tư nhân cũng chạy các dự án từ khai thác khoáng sản, đất đai, đến các dự án hạ tầng, các công trình công nghiệp lớn được Nhà nước bảo lãnh cho vay vốn hoặc hỗ trợ bằng các hình thức khác nhau, hoặc cùng làm với doanh nghiệp nhà nước hoặc tập đoàn kinh tế nhà nước. Tuy nhiên, những doanh nghiệp này chỉ là một số rất nhỏ so với cộng đồng 400.000 doanh nghiệp tư nhân và hơn 3 triệu hộ kinh doanh đang làm việc cật lực để sống, và duy trì việc làm cho hàng triệu con người. Doanh nghiệp tư nhân và các hộ cá thể vẫn bị thiệt thòi đủ điều trong cơ chế hiện nay.
Sự nhầm lẫn trong lý giải thành tích “nộp ngân sách” (mà chủ yếu là thu từ bán tài nguyên của đất nước và thuế do người tiêu dùng đóng chứ không phải thành tích của các doanh nghiệp nhà nước và các tập đoàn!). Sự kém hiệu quả của khu vực kinh tế nhà nước là một trong những nguyên nhân chính gây bất ổn kinh tế vĩ mô, tăng lạm phát.
Một tầm nhìn sai sẽ vô hiệu hoá quá trình xây dựng mục tiêu doanh nghiệp cũng như xác định mục tiêu sai thì không thể nói gì về kế hoạch thực hiện hay kết quả công việc. Các chuyên gia đã cảnh báo từ hơn bốn năm nay về những rắc rối của các tập đoàn kinh tế nhà nước, được thành lập mà không có cơ sở pháp lý tương ứng, hoạt động không hiệu quả và cảnh báo khả năng đổ vỡ đã được đưa ra. Tiếc thay, các cảnh báo đó, không được những người có trách nhiệm nghiêm túc xem xét nên việc đổ vỡ của Vinashin chỉ là điển hình của sự phiêu lưu, thất bại trong việc thành lập “các quả đấm thép” và lấy phát triển kinh tế nhà nước là chủ đạo. Các doanh nghiệp tư nhân nhỏ phá sản do quản lý sai, làm ăn thua lỗ chỉ mất vài tỉ, hoặc hàng chục tỉ đồng nhưng một tổng công ty nhà nước như Vinashin đã làm mất đến 86.000 tỉ đồng.
Theo các số liệu của tổng cục Thống kê và một số nghiên cứu đã chỉ ra các doanh nghiệp nhà nước sử dụng lượng nguồn lực như vốn, đất đai, tài nguyên, quyền kinh doanh rất lớn của xã hội nhưng chỉ đóng góp được khoảng 27% GDP (toàn bộ khu vực nhà nước là 34,35% GDP kể cả hành chính, an ninh quốc phòng, giáo dục, y tế,…) trong năm 2008; tạo ra số việc làm bằng 23,9% tổng số việc làm trong các loại doanh nghiệp năm 2007; đạt cỡ 15 – 20% tổng kim ngạch xuất khẩu và là nguyên nhân chính của căn bệnh nhập siêu kinh niên; tạo ra 20% giá trị sản xuất công nghiệp năm 2007; đóng góp 15,94% vào thu ngân sách nhà nước năm 2007.
Theo đánh giá của TS Nguyễn Quang A, vốn đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước luôn chiếm tỷ lệ cao khoảng 50% trong tổng đầu tư xã hội nhưng tỷ lệ đóng góp vào GDP không cân xứng chỉ ở mức 37 – 39% và tạo công ăn việc làm cho khoảng 4,4% của tổng số lao động. Suốt hàng chục năm, khu vực kinh tế nội địa, mà có lẽ chủ yếu là khu vực kinh tế nhà nước, luôn nhập siêu ở mức cao, khu vực đầu tư nước ngoài lại xuất siêu. Nói cách khác, các doanh nghiệp nhà nước đã tiêu dùng và đầu tư hơn mức nó tạo ra rất nhiều trong thời gian dài. Sự nhầm lẫn trong lý giải thành tích “nộp ngân sách” (mà chủ yếu là thu từ bán tài nguyên của đất nước và thuế do người tiêu dùng đóng chứ không phải thành tích của các doanh nghiệp nhà nước và các tập đoàn!). Sự kém hiệu quả của khu vực kinh tế nhà nước là một trong những nguyên nhân chính gây bất ổn kinh tế vĩ mô, tăng lạm phát. Không nhìn nhận đúng về các doanh nghiệp nhà nước để cải tổ thật triệt để chúng, thì Việt Nam không có cơ hội phát triển tiếp.
Nhà nước cần tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, bắt buộc tất cả các doanh nghiệp cạnh tranh nhau, không ưu ái cho bất cứ khu vực doanh nghiệp nào để phát triển bền vững. Trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải nhiều bài viết rất sâu sắc, đưa ra các giải pháp khả dĩ giảm thiệt hại khi vận hành các doanh nghiệp nhà nước, tránh thất thoát tài sản công, phòng tránh tham nhũng trong doanh nghiệp.
SOURCE: BÁO SÀI GÒN TIẾP THỊ ĐIỆN TỬ – TÔ VĂN TRƯỜNG
Trích dẫn từ: http://sgtt.vn/Goc-nhin/130105/Doanh-nghiep-va-su-phan-biet-vai-tro.html
(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích nghiên cứu, giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)