Số lượng DN tăng nhanh
DN Việt Nam đang phát triển nhanh chóng trong quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển. Theo điều tra toàn diện, đến ngày 31/12/2006, tức là khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập chính thức WTO, tổng số DN cả nước có đăng ký và thực sự hoạt động, đóng thuế là 131.332 DN, chưa tới 2/3 số DN đã đăng ký. Trong số các DN này, có 3.720 DNNN (cả Trung ương và địa phương), giảm mạnh trong quá trình “cổ phần hoá, bán khoán, cho thuê” (từ mức 4.597 DN cuối năm 2004). Các DN ngoài Nhà nước đã tăng nhanh từ mức 84.003 DN cuối năm 2004 lên 105.167 DN cuối năm 2005 và 123.392 DN cuối năm 2006 (bình quân tăng hơn 20%/năm, bao gồm các DN tập thể, DN tư nhân, Công ty hợp danh, Công ty TNHH tư nhân, Công ty cổ phần có vốn Nhà nước và Công ty cổ phần không có vốn Nhà nước). Các DN có vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tăng nhanh, từ 3.156 DN cuối năm 2004, lên 3.697 DN cuối năm 2005 và đạt 4.220 DN cuối năm 2006, với tốc độ tăng trưởng đạt bình quân trên 15%/năm.
>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi: 1900.0191
Xu hướng chung là các DN dịch vụ tăng nhanh cả số lượng và tỷ trọng, phản ánh sự tác động của các nhân tố hội nhập và phát triển theo xu hướng nói chung là lành mạnh. Chẳng hạn, các DN tăng nhanh nhất năm 2006 là các DN trong ngành giáo dục đào tạo (gấp 2 lần) tài chính tín dụng (53%/năm), bất động sản (hơn 39/năm), khoa học và công nghệ (hơn 37%/năm), công nghệ thông tin (28%/năm), văn hoá và thể thao (24%/năm), y tế và cứu trợ xã hội (24%/năm). Cùng với quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá, các DN xây dựng tăng với tốc độ rất nhanh, bình quân hơn 20%/năm.
Quy mô vốn và lao động tăng cao.
Nhìn chung, do thành lập (và cả hoạt động, giải thể) các DN có thủ tục ngày càng đơn giản, rõ ràng nên các DN hoạt động ngày càng hiệu quả.
Trước hết, về lao động, đến nay trong số hơn 43 triệu lao động trong nền kinh tế, có hơn 6,7 triệu lao động làm việc trong các loại hình DN, tăng hơn 48 vạn lao động so với cuối năm 2005 trong tổng số tăng thuần 0,8 triệu lao động toàn bộ nền kinh tế (đã trừ số ra khỏi lao động làm việc). Điều này cho thấy, các DN đang là nguồn thu hút mạnh lao động, lao động có tay nghề trong nền kinh tế, đóng góp mạnh mẽ vào sự tăng trưởng chung của đất nước. Trong số lao động tăng thêm, chủ yếu là các DN ngoài Nhà nước (tăng đến 39 vạn lao động) và DN FDI (tăng 22 vạn lao động), trong khi tại các DNNN số lao động bị giảm đi 13 vạn người (do sắp xếp và yếu tố cổ phần hoá). Có thể thấy, quy mô thu hút lao động từng DN là khá khác nhau: các DNNN (bình quân 513 lao động/DN), DN FDI có mức lao động thấp hơn là 343 lao động/DN và DN ngoài Nhà nước chỉ có bình quân 27 lao động/DN (chủ yếu là DN nhỏ và vừa). Tuy nhiên, do số lượng các DN ngoài Nhà nước là lớn nhất, nên đã thu hút đến 1/2 tổng số lao động, tạo ra việc làm đa dạng gắn với nguồn lao động trên từng địa bàn. Mặt khác, số DN thu hút nhiều lao động chỉ có hạn (chỉ có 81 DN thu hút trên 5000 lao động/DN, trong đó 41 DNNN, 11 DN ngoài nhà nước và 29 DN FDI), cho thấy trình độ tích tụ lao động nói chung còn nhỏ.
Cùng với lao động, việc tích tụ vốn cũng rất mạnh trong các loại hình DN. Các DN có nguồn vốn cuối năm đạt 3.410 nghìn tỷ đồng (tương đương hơn 200 tỷ USD), trong đó số tài sản cố định và đầu tư dài hạn là 1.449 nghìn tỷ đồng (tương đương gần 100 tỷ USD). Đó là các điều kiện vật chất quan trọng làm ra giá trị sản lượng và giá trị gia tăng trong nền kinh tế. Tốc độ tăng vốn lên đến 27,6%/năm, nhất là tăng tài sản cố định và đầu tư dài hạn là 52%/năm (do có độ trễ của đầu tư các năm trước). Các DNNN có vốn bình quân tăng từ mức 265 tỷ/DN năm 2004 lên 354 tỷ năm/DN năm 2005 và năm 2006 là 475 tỷ đồng/DN, tăng gần 2 lần trong hai năm, bình quân tăng trên 34%/năm. Trong khi đó, các DN FDI là 155 tỷ/DN (chỉ tăng chút ít) và DN ngoài Nhà nước là 8 tỷ đồng/DN (tăng không nhiều). Điều này cho thấy xu hướng tích tụ vốn là rõ trong các DNNN sau khi cổ phần hoá và tổ chức các tập đoàn, tổng công ty. Tuy các DN tư nhân có quy mô không thay đổi nhiều, nhưng do phát triển nhanh về số lượng nên tổng số vốn trong nền kinh tế cũng tăng khá. Tính chung, trong hai năm gần nhất, số vốn dài hạn đã tăng nhanh, đạt 1449 nghìn tỷ đồng vốn dài hạn, các DNNN chiếm tới 812 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 2 lần); các DN FDI 337 nghìn tỷ (tăng gấp rưỡi) và các DN ngoài nhà nước là 300 nghìn tỷ đồng (tăng gấp đôi). Việc tăng vốn nhanh là cần thiết để đủ khả năng đổi mới công nghệ và trong giai đoạn đầu công nghiệp hoá, nhưng xu hướng này khó có thể kéo dài, khi vốn đầu tư trong nền kinh tế đã lên đến trên 40%GDP. Như vậy, xu hướng đi vào chất lượng, hiệu quả, tăng chất lượng vốn, trình độ tay nghề của người lao động và năng lực quản lý giỏi cần được chú ý nhiều hơn trong những năm tới. Nói một cách khác, tư duy “thâm canh” cần được chú ý hơn bao giờ hết.
Trong khi cơ cấu lao động của DNNN đang giảm mạnh thì cơ cấu nguồn vốn lại tăng lên. Tuy nhiên, việc một số tập đoàn, công ty nhà nước còn sử dụng nhiều nguồn vốn đầu tư, nhưng chưa phát huy mạnh “sở trường” ngành nghề của mình cho thấy, cần có cơ chế giám sát tốt hơn trong thời gian tới. Đối với các DN tư nhân, phải tạo các điều kiện thông thoáng và các việc kiểm tra, giám sát cần sử dụng các công cụ điều tiết gián tiếp bằng chính sách, pháp luật và quy hoạch, giảm bớt và tiến gần tới loại bỏ việc sử dụng các biện pháp can thiệp hành chính không cần thiết, trong khi tăng cường tính minh bạch, cải cách hành chính công, chống tham nhũng.
Hiệu quả tăng cao, nhưng không đều
Xét qua số liệu các năm (Bảng 2), hiệu quả tổng hợp và hiệu quả sử dụng các nguồn vốn và năng suất lao động tăng lên trong điều kiện thi hành Luật DN và Luật Đầu tư mới. Cụ thể, có thể lấy số liệu của các năm 2004 (trước khi có luật) và 2006 (sau khi có Luật doanh nghiệp mới và Luật đầu tư).
Các số liệu điều tra đều cho thấy ở các ngành, các vùng, các thành phần kinh tế, chiều hướng chung là năng suất và hiệu quả đang được tăng cường trong cơ chế mới. Trong bức tranh chung đó, hiệu quả kinh doanh và đóng góp ngân sách cũng khác nhau giữa các địa phương (Bảng 3).
Điều này cần được phân tích cụ thể hơn trong từng ngành nghề cụ thể đã được ghi lại khá tường minh trong cuộc điều tra tại các địa phương, với các thành phần kinh tế và các ngành nghề.
Đồng thời, với các loại hình DN, ngành kinh tế, bức tranh hiệu quả theo chiều hướng được cải thiện nói chung, cũng thấy có nét đậm nhạt khác nhau. Chẳng hạn với cùng ngành xây dựng năng suất, hiệu quả cũng khá khác nhau đối với các loại sở hữu khác nhau (Bảng 4).
Sản xuất công nghiệp của các DN FDI tạo ra hiệu suất cao hơn hẳn (dù tính theo lợi nhuận, doanh thu, hay nộp ngân sách), cần được học tập, tạo sức lan toả tốt hơn cho toàn bộ nền kinh tế. Hơn nữa, các điều tra phân tích khác cũng cho thấy, đó chưa phải là giới hạn cuối cùng, mà còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác, như đẩy mạnh các hoạt động hậu cần, phát triển công nghiệp phụ trợ, cải thiện các khâu trước, trong và sau sản xuất công nghiệp. Đó là một con đường cần tiến hành để góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong quá trình công nghiệp hoá “rút ngắn” theo hướng hiện đại ở nước ta.
Trong các DN ngày càng có nhiều DN kinh doanh lỗ trong cơ chế thị trường (không kể tình trạng khai man, lãi thật, lỗ giả để trốn thuế và các nghĩa vụ khác trong những DN nào đó): Chỉ có 2/3 số DN có lãi và đến 30% DN bị lỗ, thậm chí tại vùng Đông Nam bộ có hơn 39% DN bị lỗ, cho thấy ngay vùng kinh tế phát triển năng động nhất cả nước, sự cạnh tranh trên thị trường là rất gay gắt. Trong điều kiện khó khăn hiện nay, cũng bộc lộ rõ sự làm ăn khá tuỳ tiện của một số DN, kể cả các DN có quy mô lớn, tận dụng các ưu thế có sẵn nhưng lại không kinh doanh trên những lĩnh vực có thế mạnh, sở trường, mà tranh thủ khai thác các lĩnh vực “tay trái”, “lướt sóng” thu lợi nhuận nhanh, nhưng cũng có thể thua lỗ nhanh, gây nên nợ xấu khi huy động vốn ngắn hạn để đầu tư vào các công trình địa ốc.
Chuyển biến sau khi gia nhập WTO.
Năm 2007 đánh dấu năm đầu tham gia WTO, với sự nhảy vọt về thương mại và đầu tư. Từ đó đã tạo ra những điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, kinh doanh và hiệu quả kinh tế trên phạm vi cả nước.
Cuộc điều tra phối hợp giữa các cơ quan Việt Nam và Pháp tiến hành gần đây đã được công bố tại Diễn đàn Việt Pháp tại Đà Nẵng có thể cho thấy những điểm sáng đáng lưu ý. Cuộc điều tra đã được tiến hành với 250 DN vừa và nhỏ thực hiện xuất khẩu tại các địa phương, chủ yếu là ở miền Nam và phần nhỏ hơn ở Hà Nội và một số tỉnh. Kết quả điều tra có thể thấy nổi lên mấy điểm đáng lưu ý, cho thấy tiềm năng đẩy mạnh quá trình “mở cửa” nền kinh tế, hội nhập vào nền kinh tế thế giới và khu vực. Cuộc điều tra này nhắm vào các DN có số lao động dưới 300 người và doanh thu dưới 700 tỷ đồng. Các DN được điều tra có mức xuất khẩu vượt 50% giá trị sản lượng. Cuộc điều tra được tiến hành công phu và có thể có thể thấy mấy nét đáng chú ý là:
– Ngành nghề các DN này khá đa dạng, từ phần mềm máy tính, điện tử, dệt may, giầy dép, đến xuất khẩu đồ gỗ, nông lâm sản. Chính vì vậy, năm 2007 đã xuất hiện 10 mặt hàng có sản lượng vượt trên 1 tỷ USD, làm cho nền kinh tế có mức xuất khẩu đạt hơn 48 tỷ USD (không kể xuất khẩu dịch vụ 6 tỷ USD), giúp xuất khẩu vượt 60% GDP và toàn bộ thương mại chiếm 150% GDP. Mặc dù là điều tra mẫu, nhưng với 6 lĩnh vực vừa nêu, mẫu điều tra đã bao quát 2/3 sản lượng xuất khẩu, với doanh số đạt hơn 1 tỷ USD, làm cho các kết luận đáng tin cậy. 2/3 DN được khảo sát là DN tư nhân,
– Trình độ vượt trội của lãnh đạo các DN hướng về xuất khẩu. 89% lãnh đạo DN có trình độ đại học, thậm chí trên đại học. Do vậy, họ có điều kiện tiếp cận thị trường một cách chủ động. Các DN ngày càng nhận thức và đã hành động theo hướng đối thủ cạnh tranh khoảng gần 70% là các DN nước ngoài hoặc DN FDI. Nếu vượt qua được khó khăn này, thì có thể thắng trên sân nhà, với các DN cùng đua tranh. Điều này càng thấy rõ sự chênh lệch trước và sau khi Việt Nam tham gia “sân chơi” toàn cầu WTO.
– Các DN đều thấy giá cả và chất lượng sản phẩm là các yếu tố quan trọng hàng đầu của cạnh tranh. Tiếp đến là thương hiệu, khả năng đổi mới công nghệ và dịch vụ hậu mãi. Đáp ứng các yêu cầu này, các DN đều quan tâm đầu tư công nghệ mới, hiện đại để từng bước nâng cao chất lượng và hạ giá thành. Một số DN còn quan tâm đến các tiêu chuẩn quốc tế, như phấn đấu dành các tiêu chuẩn về ISO 9000 hay ISO 14000 (về môi trường).
– Có đến 84% DN đánh giá cao tác động của việc gia nhập WTO, nhất là các tác động dẫn tới cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Các DN xuất khẩu có tới 44% lo ngại bị giảm sự trợ cấp của Chính phủ. Các DN xuất khẩu phần mềm không quan tâm đến sự trợ cấp, vì bản thân xuất khẩu này đã phải tuân thủ nghiêm các thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, các thông tin về thị trường còn eo hẹp do chủ yếu chỉ khai thác qua báo chí và hệ thống truyền thông (đến 80%), một số thì coi trọng các thông tin từ báo chí chuyên ngành và một phần nhỏ qua internet, các hiệp hội và rất nhỏ qua hệ thống thương vụ.
– Các DN xuất khẩu được khảo sát chủ yếu là quan tâm đến thị trường mới là EU (30%), Nhật bản (22%), Hoa Kỳ (16%) và ASEAN (12%). Đại bộ phận DN này hiện nay đã có bộ phận lo về xuất khẩu sản phẩm (các DN nhỏ tỷ lệ này là 63%, còn DN vừa thì tỷ lệ này lên tới hơn 80%). Tuy nhiên, do hạn chế nhiều mặt, chỉ có 41% là có thể hướng đến tiếp cận thị trường qua các hội chợ, triển lãm. Các DN này cũng sử dụng đại lý hoặc qua gia đình, thân thích ở nước ngoài, nhưng không nhiều./.
SOURCE: TẠP CHÍ KINH TẾ VÀ DỰ BÁO SỐ 8 (424) THÁNG 4 NĂM 2008 – GS.TSKH. NGUYỄN QUANG THÁI