>> Luật sư vấn pháp luật cho doanh nghiệp trực tuyến gọi số:1900.0191

Năm nay 53 tuổi, ông Hưng là chủ tịch một doanh nghiệp nhà nước có tên tuổi. Nhưng nhân viên hay nhắc tới ông như người của “thế kỷ trước”.

Dù là người sử dụng điện thoại di động ngay từ những ngày đầu và được nhà mạng xếp vào hàng khách VIP song ông Hưng vẫn trung thành với chiếc điện thoại màn hình đen trắng chỉ độc mỗi chức năng – nghe – nói – nhắn tin. Có đôi lần đối tác, bạn hàng hoặc nhân viên mua tặng chiếc điện thoại xịn, sếp Hưng cũng muốn sử dụng cho hoành tráng. Thế nhưng khi sử dụng, sếp Hưng bị hoa mắt bởi quá nhiều chức năng, quá nhiều nút bấm. Và rồi, cứ nghe tiếng chuông báo tin nhắn là mặt sếp lại căng như dây đàn.

Điện thoại di động đã là nỗi chật vật thì máy tính đối với ông Hưng lại là cả một thế giới xa lạ. Ai đó nhắc tới công nghệ về các tiện ích qua Internet ông đều đưa ra cái lý rất cũ là: “Ngày xưa không có Internet công ty vẫn phát triển, hợp đồng chạy ầm ầm. Quan trọng là kinh nghiệm và cái đầu biết nghĩ, đừng quá phụ thuộc vào máy tính, vào công nghệ”. Nói là vậy, nhưng đôi khi sếp tự nhủ: “Biết cũng khổ mà không biết cũng khổ. Nhiều khi đối tác hỏi email để trao đổi công việc mình cứ như ở thế giới nào vậy”.

Cách đây vài tháng, cậu con trai sau khi đi du học trời Tây về thấy bố vẫn cứ lạc hậu quá xa với công nghệ, quyết định cải tạo ông bằng một buổi sáng chủ nhật – tập huấn nghiệp vụ. Đầu tiên, cậu tậu một chiếc iPhone 3G kèm theo gói cước cam kết của nhà mạng. Rồi cậu con trai đưa ông tới nơi cài đặt, tạo lập một hộp thư điện tử, rồi mặc định một số website để ông có thể vào mạng bất cứ lúc nào để cập nhật tin tức.

Thấy cũng thú vị và có thể giúp ông giết thời gian tại những cuộc họp vô bổ, sếp Hưng cứ tìm hiểu dần rồi chuyển sang mê lúc nào chẳng hay. Giờ cứ ai đó nói về công nghệ là sếp có thể đọc vanh vách các khái niệm về 3G, iPhone 3GS, iPhone 4 về email, về nick chat… Rồi ông kết luận: “Đúng là có công nghệ vẫn khác, chẳng cái gì mà không có trên Internet cả”. Sếp Hưng đã tậu được một chú iPad trị giá hơn 1.000 USD để phục vụ nhu cầu lướt web. Và ông còn khẳng định, sẵn sàng bước vào cuộc đua thứ tư nếu iPhone 4 chính hãng được nhập về.

Doanh nhân lạc hậu giữa thời @
Doanh nhân ngày nay cần đến công nghệ để tiếp cận đối tác toàn cầu.

Là một doanh nhân thành đạt với những phi vụ làm ăn khá đình đám, nhưng sếp Huy vẫn bị xếp vào diện lạc hậu về công nghệ. Ông không có hộp thư điện tử riêng, không máy tính. Thậm chí, chiếc di động của ông dù được xếp vào hàng đẳng cấp (Nokia 8800) nhưng cũng chỉ “nghe, nói, đọc viết”. Các phương tiện thông tin đại chúng, anh em bạn bè nhắc nhiều đến công nghệ, ông cũng mặc kệ. Các khái niệm như 3G, 4G, Pushmail, iPhone… được ông tiếp nhận khá hờ hững và cho ra khỏi đầu rất nhanh.

Thế rồi, cách đây không lâu, ông Huy tham gia một cuộc gặp gỡ cấp cao có rất nhiều doanh nhân Mỹ tham gia. Một đối tác nước ngoài sau khi nghe bài nói chuyện của ông đã rất tâm đắc và ngỏ ý muốn được hợp tác làm ăn. Sau màn giới thiệu, đối tác chìa tấm danh thiếp rồi bảo: “Chúng ta sẽ trao đổi công việc qua mail hoặc chat nhé”.

Thậm chí, ông khách Tây còn nhấn mạnh: “Do chênh lệch múi giờ, tôi sẽ có mặt trên mạng vào khoảng thời gian 9 giờ sáng, tức 21 giờ Việt Nam. Tạm thời cứ trao đổi qua chat, khi nào cả hai cùng ‘ok’ thì sẽ gọi lại để tôi bay sang ký hợp đồng”.

Sếp Huy chợt hiểu rằng mình không thể đứng mãi ngoài cuộc chơi công nghệ. Chưa kể, ông Tây này lại là một đối tác mà ông đang cần. Ông hộc tốc về cơ quan, việc đầu tiên là nhờ nhân viên lập ngay cho một hộp thư điện tử, rồi nick chat, cách sử dụng những chức năng cơ bản của máy tính. Cứ thế, ngày qua ngày, ông bắt đầu trở nên mê công nghệ. Bây giờ có ai cần trao đổi công việc, câu cửa miệng của sếp là: “Cứ mail cho mình, mình sẽ trả lời bạn sau khi họp xong”.

Không quá xa vời với cộng đồng mạng như ông Huy, sếp Minh – tổng giám đốc một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực vận tải lại cho rằng quá mê mẩn với công nghệ sẽ mất thời gian, ảnh hưởng đến công việc. Do vậy, ông vẫn có mail, vẫn có nick chat nhưng rất hiếm khi sử dụng. Mỗi tuần, ông chỉ check một lần hộp thư điện tử, rồi lại làm công đoạn xóa khi nó đầy.

Còn báo chí thì ông chỉ đọc khi ai đó thông báo có thông tin nói về doanh nghiệp mình. Và đôi khi là do ông tò mò muốn biết một vụ án nào đó, một tin tức nào đó giật gân mà dư luận đang quan tâm. Thế nhưng, có một sự việc xảy ra khiến ông Minh thay đổi.

Đó là một buổi sáng cách đây 3 năm, tất cả các đầu báo lớn ở VN đều đăng thông tin khá bất lợi về một vài cá nhân trong doanh nghiệp. Sự cố là có thật, thế nhưng do ông không cập nhật thông tin thường xuyên, cấp dưới cũng báo cáo muộn nên tin đến được với ông thì mọi việc gần như đã rồi.

Lẽ ra ngay từ bài báo đầu tiên đăng tải thông tin bất lợi, với tư cách chủ doanh nghiệp, ông đã có thể mở cuộc họp báo và đích thân trả lời. “Giờ thì tôi đã hiểu sức lan tỏa của công nghệ. Khi mọi việc lan tỏa trên cộng đồng mạng thì không gì có thể dừng lại”, ông Minh nói.

Giờ thì đi đâu sếp cũng kè kè chiếc điện thoại iPhone và một con iPad mới cứng tậu tận bên Mỹ. Ông mang cô “thư ký dế”, “anh trợ lý mạng” vào các cuộc họp, trên xe ôtô, thậm chí là đến cả bữa tiệc tiếp đối tác hay chỉ là bữa ăn trưa vội vã. Chiếc iPad thấp thoáng cột sóng 3G với gói cước ông đăng ký lên mức cao nhất trên 2 triệu đồng mỗi tháng chỉ để phục vụ công việc lướt web, vào mạng, check mail. Số tiền cước được nâng lên, 5 triệu đồng thậm chí là 10 triệu đồng khi ông công tác nước ngoài.

Giờ thì ông có kể vanh vách những tin tức diễn ra trong ngày, vị giám đốc doanh nghiệp này vừa tậu máy bay, ông giám đốc khác có cổ phiếu lên sàn, đối tác của mình năng lực tài chính ra sao… Không ít lần sếp còn dí dủm kể cho cấp dưới, nhân viên, bạn bè câu chuyện cười ông vừa đọc được ở trên mạng. Thậm chí, ông cũng không giấu giếm việc là fan của mục tâm sự ở một tờ báo điện tử nổi tiếng Việt Nam.

Theo vnexpress

———————————————————-

THAM KHẢO VÀ DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

2. Dịch vụ tư vấn cơ cấu lại doanh nghiệp;

3. Tư vấn thành lập doanh nghiệp tại Hà Nội;
4. Tư vấn xây dựng quy chế hoạt động cho doanh nghiệp;
5. Luật sư tư vấn vụ án tranh chấp kinh doanh, thương mại;
6. Luật sư tư vấn và giải quyết tranh chấp nội bộ doanh nghiệp.