Stress là một trạng thái phản ứng lại trong từng trường hợp cụ thể. Đó là cách cơ thể đối phó với thách thức và chuẩn bị để đương đầu với tình huống khó khăn với sự tập trung cao độ, sức khỏe, sức chịu đựng, và nâng cao sự tỉnh táo. Hay nói ngắn gọn, stress là nỗ lực của cơ thể để thích nghi với những đổi thay.

Các vấn đề về tài chính, thị trường, nhân sự, chi phí, doanh thu… luôn ám ảnh các nhà quản trị khiến họ luôn trong trạng thái căng thẳng. Những căng thẳng đó, một khi không thể kiểm soát, sẽ biểu hiện ra ngoài với những mức độ khác nhau. Bạn cảm thấy mất ngủ vì công việc công ty? Ăn không tiêu dẫn tới rối loạn tiêu hóa. Có người hay giận dữ, cáu gắt với nhân viên, người thân, nhiều lúc dẫn tới những hành vi bạo lực không đáng có. Có người lại âm thầm chịu đựng, đi vào trầm lặng, ít giao tiếp hơn với mọi người.

Tư vấn pháp luật doanh nghiệp – Ảnh minh họa

Ngược lại, nếu biết cách kiểm soát, stress lại chính là động lực khiến con người giải quyết công việc một cách nhanh chóng và hiệu quả. Khi được hỏi quan điểm về stress, bác sĩ Ang Peng Tiam, bác sĩ điều trị Ung thư của tập đoàn Y tế Parkway đã đưa ra một sự so sánh rất sinh động: “Tôi không cảm thấy áp lực trong công việc dù mỗi ngày tôi khám cho rất nhiều bệnh nhân, xử lý nhiều ca rất phức tạp. Nhưng nếu không biết cách làm việc, có khi một bác sĩ không có bệnh nhân nào còn “stress” hơn cả một bác sĩ phải khám cho vài chục bệnh nhân mỗi ngày.”

Doanh nhân là một ví dụ điển hình của con người trong cuộc sống hiện đại đó. Do môi trường và điều kiện làm việc mang tính cạnh tranh cao, họ dễ rơi vào tình trạng căng thẳng, làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, suy giảm tình dục… và cả căng thẳng thần kinh hay còn gọi là stress.

Vậy làm thế nào để giảm và kiểm soát stress một cách hiệu quả? Sau đây là bảy cách đơn giản để có thể tự kiểm soát mức stress giúp bạn cảm thấy khỏe khoắn hơn và thoải mái hơn với mọi người.

Nhận thức được stress

Hãy coi stress như một người bạn! Dựa vào phản ứng tự nhiên của cơ thể, năng lượng bùng nổ đó có thể tiếp sức cho công việc của bạn. Các bạn hẳn đã từng chứng kiến một vận động viên hàng đầu hoàn toàn thoải mái trước một cuộc đấu lớn. Sử dụng stress làm động lực để cố gắng hơn nữa khi bạn cần tới stress nhất.

Tránh xa những người mắc stress

Những người mắc stress thường vô tình lây sang người khác, và trước khi nhận ra điều này thì bạn cũng đã bị nhiễm. Hãy bảo vệ chính mình bằng cách nhận ra những người bị stress và hạn chế tiếp xúc với họ. Hay bạn có thể đóng vai trò làm bác sĩ và tư vấn cho họ cách kiểm soát stress tốt hơn.

Học hỏi những kinh nghiệm thú vị

Khi sắp bị dồn tới chân tường, ai có thể giữ bình tĩnh? Họ hành động khác lạ thế nào? Thái độ của họ ra sao? Họ nói năng thế nào? Có phải họ đã từng là những doanh nhân trí thức và có kinh nghiệm không? Hãy tìm hiểu và nói chuyện với những người biết cách giảm stress tốt và học tập kinh nghiệm từ những người đó.

Tập hít thở

Bạn có thể giúp cơ thể thư giãn bằng cách tập thở sâu. Hít vào chậm rãi đếm từ 1 đến 7 sau đó thở ra từ 1 đến 11. Lắp đi lặp lại cách hít thở đó cho tới tận khi nhịp tim giảm xuống, mồ hôi tay khô đi và mọi thứ trở lại trạng thái bình thường.

Hạn chế nghĩ tới những điều gây căng thẳng

Hãy tự “gói ghém” những thứ lỉnh kỉnh vào trong một cơn stress. “Cái gì xảy ra, nó phải xảy ra!” Tuy nhiên, hầu hết mọi chuyện chúng ta lo lắng thường không xảy ra, tại sao chúng ta lại phải tốn sức lo lắng cho những việc không cần thiết tới như vậy? Hãy ngăn chặn những suy nghĩ gây stress. Có thể bạn cho rằng làm thế thì có thể chuyện gì đó sẽ xảy ra, vậy bạn có cách nào để ngăn chặn điều đó không?

Nắm được điểm giới hạn của mình

Thuyết trình, phỏng vấn, họp, thời hạn hoàn thành công việc… tim bạn chỉ muốn đập loạn xạ mỗi khi nhắc tới những từ này. Hãy tự liệt kê ra những vấn đề khiến bạn stress thật chi tiết. Có phải chỉ khi thuyết trình cho một nhóm đối tượng cụ thể bạn mới stress? Có phải dự án này làm bạn đau đầu hơn dự án khác? Có phải bạn đã uống quá nhiều cà phê không?

Nắm được nguyên nhân gây ra stress sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều, nhờ đó bạn có thể biết cách để giảm stress. Chẳng hạn như: Bạn có cần học thêm một số kỹ năng mới không? Bạn có cần cung cấp thêm nguồn lực mới nữa không? Bạn có cần cai chất cafein không?

Tôn trọng cơ thể mình

Thiếu ngủ, chế độ ăn không điều độ và không tập thể dục tàn phá cơ thể và trí óc bạn. Mặc dù những điều này rất hiển nhiên, nhưng vẫn cần nhắc tới bởi con người thường bỏ qua những điều đơn giản này. Đừng cố làm việc quá sức mà quên mất rằng còn có rất nhiều thứ quý giá cũng cần được bạn quan tâm tới.

Bảy cách trên đây đơn giản tới nỗi tưởng chừng ai cũng biết nhưng hiếm người nhận thức và thực hiện được những điều trên để tự kiểm soát mức stress của mình. Hãy coi việc tập kiểm soát stress theo những mẹo trên cũng là một hoạt động trong cuộc sống lao động của bạn. Chắc chắn rằng hoạt động này sẽ bổ trợ giúp các công việc khác của bạn trôi chảy khi bạn đã luôn có tinh thần thoải mái và năng lượng dồi dào để giải quyết mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống.

Theo Doanh Nghiệp Và Thương Hiệu

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

THAM KHẢO VÀ DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

2. Dịch vụ tư vấn cơ cấu lại doanh nghiệp;

3. Tư vấn thành lập doanh nghiệp tại Hà Nội;
4. Tư vấn xây dựng quy chế hoạt động cho doanh nghiệp;
5. Luật sư tư vấn vụ án tranh chấp kinh doanh, thương mại;
6. Luật sư tư vấn và giải quyết tranh chấp nội bộ doanh nghiệp.