Vì thế, dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng đang được Quốc hội đưa ra lấy ý kiến nhân dân để sớm ban hành, áp dụng (Bài được viết trước thời điểm Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 được ban hành – Civillawinfor). Tham nhũng, dù xảy ra ở đâu thì cũng là tội phạm đặc biệt, được thực hiện trước hết bởi các “quan chức”.

Nguồn gốc của tham nhũng là độc quyền. Độc quyền đẻ ra “xin-cho”. “Xin – cho” đẻ ra tham nhũng. Ở Việt Nam, tham nhũng xảy ra chủ yếu ở khu vực Nhà nước hoặc giữa khu vực Nhà nước với khu vực ngoài Nhà nước. Trong khu vực ngoài Nhà nước, tham nhũng cũng có, nhưng nhỏ và chưa nhiều. Vì thế, muốn chống tham nhũng hiệu quả, phải tập trung trước hết vào khu vực Nhà nước.

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi: 1900.0191

Cuộc “đấu” đầy cam go

Đấu tranh chống tham nhũng rất khó, vì ba lý do: Thứ nhất, đó là phải chống lại sai phạm của các “quan chức”. Chức, quyền càng cao, khi thoái hóa, biến chất càng có điều kiện tham nhũng lớn, với những thủ đoạn rất tinh vi. Nếu các “quan chức” kéo bè, kéo cánh để tham nhũng thì càng khó chống. Không ít trường hợp, người chống tham nhũng bị quy chụp là “chống lại lãnh đạo, chống lại chế độ” hoặc là “gây mất đoàn kết nội bộ”, để rồi bị chính người tham nhũng trừng trị. Thứ hai, rất khó xác định đâu là thu nhập do tham nhũng, đâu là thu nhập chính đáng, khi còn sử dụng tiền mặt là phương tiện thanh toán chủ yếu như hiện nay. Thứ ba, nhờ tham nhũng mà kiếm được của cải, vật chất không cần lao động nên khi thấy tham nhũng không bị nghiêm trị, người người đua nhau tham nhũng để kiếm lợi. Khi đó, tham nhũng sẽ lây lan theo hiệu ứng đô-mi-nô, làm băng hoại đạo đức toàn xã hội.

Hiện nay, tham nhũng đã lan tràn khắp nơi: Giáo dục, y tế, công – nông nghiệp, thương mại, giao thông vận tải, tài nguyên, môi trường, thể thao văn hóa, thuế, hải quan, đầu tư, xây dựng, bổ nhiệm cán bộ… Bất cứ cá nhân hay tập thể, hễ có chức, có quyền, khi muốn, đều có thể lợi dụng chức vụ để trục lợi bất chính. Có nhiều vụ tham nhũng nổi cộm như việc “làm luật” của một bộ phận cảnh sát giao thông đối với lái xe, việc nhận hối lộ của một số cán bộ cao cấp Bộ Thương mại trong phân phối quota hàng dệt may, việc chia chác đất công ở Đồ Sơn, việc ép dân sử dụng điện kế điện tử vừa đắt vừa không có nguồn gốc ở TP. Hồ Chí Minh… Tệ hơn, một số “quan chức” đã trở thành “hậu phương vững chắc” cho những Khánh Trắng, Năm Cam, Hai Chi… gây ra bao nỗi kinh hoàng cho người dân lương thiện.

Không thể chống chỉ bằng những biện pháp cũ

Để loại trừ quốc nạn này, việc ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng là hết sức cấp thiết. Tuy nhiên, không nên kỳ vọng với sự ra đời của đạo luật này thì tham nhũng sẽ không còn hoặc giảm mạnh. Trong thực tế, dù đã có Luật Giao thông đường bộ, Luật Giáo dục, Luật Khiếu nại, tố cáo… Nhưng không phải vì thế mà tai nạn giao thông ít đi, chất lượng giáo dục khá lên, số lượng đơn khiếu nại, tố cáo vượt cấp của người dân giảm.     

Ngoài việc tạo hành lang pháp lý cho việc chống tham nhũng, nội dung dự thảo luật hiện nay chưa có gì mới so với những cái đã có: Kê khai tài sản; Quy định trách nhiệm của người đứng đầu; Sự phối hợp của Viện kiểm sát, Toà án, Công an, Thanh tra Nhà nước với Hội đồng nhân dân các cấp, báo chí và nhân dân;… Chỉ với những nội dung này, luật dù được ban hành cũng không làm tình hình sáng sủa hơn vì cái “gốc” của tham nhũng là “lợi dụng độc quyền chức vụ để vụ lợi” chưa được giải quyết. Muốn chống tham nhũng thật sự, cần giải quyết cái “gốc” của nó bằng một số biện pháp mà các nước phòng, chống tham nhũng hiệu quả đã làm:

Đẩy mạnh cổ phần hóa các tổ chức kinh tế trong khu vực Nhà nước: Việc này giúp Nhà nước thu hút được nguồn vốn nhàn rỗi trong dân để phát triển kinh tế. Nhưng quan trọng hơn, nó cho phép người dân trực tiếp tham gia quản lý, giám sát hiệu quả hơn hoạt động kinh doanh của các tổ chức, công ty… mà họ có cổ phần. Với cổ phần hóa, các chức vụ quản lý sẽ được hội đồng cổ đông tuyển chọn, bổ nhiệm và giám sát nên việc “lợi dụng độc quyền chức vụ” để “xài tiền chùa”  sẽ không còn đất sống, sẽ không còn chuyện “chạy” dự án mà không cần quan tâm đến hiệu quả kinh tế… Thực tế cho thấy, phần lớn các DNNN tồn tại được sau cổ phần hóa sẽ hoạt động hiệu quả hơn, còn các DNNN khác do kém hiệu quả sẽ bị giải thể, tránh cho Nhà nước phải bù lỗ triền miên. Việc cổ phần hóa làm cho Nhà nước thực sự là “của dân, do dân và vì dân” và làm cho người dân thực sự “biết, bàn, làm và kiểm tra”. Chúng ta đã có bài học quý báu với Khoán 10: Từ một nước thiếu lương thực, chỉ sau vài năm với chính sách khoán trực tiếp ruộng đất đến tay nông dân, chúng ta đã đảm bảo được an ninh lương thực và trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới. Thế nhưng, mới đây, Bộ Thương mại cho biết, tốc độ cổ phần hóa các DNNN hiện rất chậm, đến tháng 8/2005, cả nước mới đạt được 15% kế hoạch cổ phần hóa của cả năm 2005, đủ thấy “tiền chùa” vẫn là mảnh đất màu mỡ cho nhiều người lợi dụng độc quyền chức vụ để vụ lợi. Chắc chắn, trong thời gian tới phải đẩy nhanh cổ phần hóa một cách cơ bản.

Tách bộ máy quản lý Nhà nước khỏi việc trực tiếp điều hành quản lý sản xuất, kinh doanh: Hiện nay bộ máy quản lý của các bộ, các tỉnh, ngoài công việc quản lý Nhà nước trong lĩnh vực được phân công, còn tham gia trực tiếp điều hành quản lý sản xuất, kinh doanh của các DNNN thuộc quyền quản lý của mình. Việc “vừa đá bóng vừa thổi còi”, một mặt dẫn tới việc các cơ quan này ra các quyết định ít nhiều thiên vị cho “khu vực” mình quản lý, gây phương hại cho các “khu vực” khác, một mặt tạo ra cơ hội “lợi dụng độc quyền chức vụ để vụ lợi, để chia nhau tiền chùa”. Cùng với việc đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, biện pháp này cho phép tinh giản bộ máy công quyền, xóa bỏ việc “vừa đá bóng vừa thổi còi” và việc “lợi dụng độc quyền chức vụ để vụ lợi”, đồng thời nâng cao chất lượng quyết sách quản lý của các cơ quan quản lý này.

Phân định rạch ròi biểu tượng người có chức vụ với biểu tượng chế độ, đất nước: Người xưa có câu: “Vua chúa phạm tội cũng phải xử như thường dân”. Đây là sự nghiêm minh cần thiết của pháp luật đảm bảo cho sự phát triển ổn định của bất kỳ quốc gia nào. Chúng ta thường hiểu và hành xử một cách lầm lẫn khi coi cá nhân người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy quản lý Nhà nước là biểu tượng của chế độ, của đất nước. Vì thế, khi những người này mắc sai phạm, họ thường chỉ bị nhắc nhở, xử lý nội bộ chứ ít khi bị xử công khai theo đúng quy định của luật pháp, vì sợ người dân hiểu sai, sợ kẻ thù lợi dụng nói xấu chế độ. Cũng chính vì hiểu và hành xử lầm lẫn như vậy, người ta thường không dám đấu tranh chống lại sai phạm của những người có chức, có quyền, sợ làm như vậy là chống chế độ, chống Nhà nước. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng tới độ bền vững của chế độ, của Nhà nước.

Tăng cường năng lực kiểm soát việc giao dịch, trao đổi, thanh toán hàng hóa của toàn xã hội: Kết quả của tham nhũng dù biến tướng thế nào vẫn là của cải vật chất (tiền, vàng, bạc, kim cương, đá quý, ngoại tệ, bất động sản, xe hơi, cổ phần, cổ phiếu…), cái mà ai ai cũng có ít, nhiều. Vì thế khi không kiểm soát được nguồn gốc của cải, vật chất của xã hội khó lòng phát hiện ai tham nhũng, ai không. Các nước chống tham nhũng hiệu quả đều phải áp dụng biện pháp này thông qua hệ thống tài khoản, thẻ thanh toán, séc chuyển tiền… của ngân hàng thay vì sử dụng tiền mặt là chính như ở Việt Nam. Mua bán ở các nước này bao giờ cũng có hóa đơn, chứng từ và không chỉ hệ thống máy tính tiền của các doanh nghiệp lớn, các ngân hàng đa quốc gia mà hệ thống máy tính tiền của các doanh nghiệp, cửa hàng buôn bán nhỏ, lẻ cũng được nối mạng để quản lý, kiểm soát. Việc kê khai tài sản hiện đang áp dụng cũng như được đề xuất trong dự thảo luật rất khó thực thi.

Tuy nhiên, trước mắt, hãy cứ đẩy mạnh thực hiện ba biện pháp ở trên. Với bộ máy lập pháp, tư pháp và hành pháp hiện nay, chúng ta đã có thể phòng và chống được tham nhũng có hiệu quả mà còn giải quyết được nhiều vấn đề khác. Gốc rễ của tham nhũng là sự “lợi dụng độc quyền chức vụ để trục lợi”. Gốc rễ này còn thì còn tham nhũng. Chuyện trong “Cổ học tinh hoa” kể việc án Tử, người nước Tề, giải thích với vua Sở rằng dân sinh trưởng ở nước Tề thì không ăn trộm, khi sang nước Sở, do thung thổ của nước Sở mà sinh ra trộm cắp, đáng để suy ngẫm.

SOURCE: TẠP CHÍ NHÀ QUẢN LÝ SỐ 27, THÁNG 9 NĂM 2005 – TS. PHẠM ANH TUẤN

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích nghiên cứu, giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)