Pháp luật quy định về việc này thế nào?
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của Công ty luật LVN Group
>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900.0191
Năm 2012, bố mẹ tôi có thỏa thuận cho anh trai tôi diện tích đất 500 m2, còn phần còn lại 300 m2 cho vợ chồng tôi, khi cho anh trai tôi, gia đình có họp lại và thống nhất anh trai tôi có trách nhiệm chăm sóc bố mẹ tôi khi về già. Mảnh đất cho anh trai tôi đã hoàn thành thủ tục cho anh trai tôi đứng tên. Tuy nhiên, trong quá trình chung sống, bố mẹ tôi vẫn phải tự chăm sóc bản thân, anh trai tôi đã vi phạm thỏa thuận. Bây giờ, bố mẹ tôi muốn đòi lại 250 m2 đất trống chưa xây dựng gì, còn phần đã xây dựng thì cho anh tôi tiếp tục sử dụng có được không? Quy định pháp luật về vấn đề này như thế nào?
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật của Công ty Luật LVN Group. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ Luật sư của LVN Group của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật dân sự năm 2005 – gọi tắt là BLDS 2005.
– Luật đất đai năm 2013.
– Bộ luật dân sự năm 2015 – gọi tắt là BLDS 2015.
– Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 – gọi tắt là BLTTDS.
2. Luật sư tư vấn:
– Về trách nhiệm của anh trai bạn trong thỏa thuận:
Theo như lời trình bày của bạn, vào năm 2012, gia đình có họp và thống nhất việc anh trai bạn có trách nhiệm chăm sóc bố mẹ khi về già. Việc này gia đình bạn có lập thành văn bản thỏa thuận không? Chúng tôi sẽ giả định các trường hợp có thể xảy ra như sau:
Trường hợp thứ nhất, có văn bản thỏa thuận thì:
Văn bản thỏa thuận này có thể xem là giao dịch dân sự có điều kiện theo quy định tại Điều 125 BLDS 2005, cụ thể:
“Điều 125. Giao dịch dân sự có điều kiện
1. Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về điều kiện phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự thì khi điều kiện đó xảy ra, giao dịch dân sự phát sinh hoặc hủy bỏ.
2. Trong trường hợp điều kiện làm phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự không thể xảy ra được do hành vi cố ý cản trở của một bên hoặc của người thứ ba thì coi như điều kiện đó đã xảy ra; nếu có sự tác động của một bên hoặc của người thứ ba cố ý thúc đẩy cho điều kiện để làm phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự xảy ra thì coi như điều kiện đó không xảy ra.”
Như vậy, nếu trong thỏa thuận này có điều kiện làm cho giao dịch dân sự giữa bố mẹ và anh trai bạn bị hủy bỏ (ở đây là việc anh trai bạn không chịu chăm sóc bố mẹ bạn) thì khi điều kiện này xảy ra, giao dịch giữa bố mẹ và anh trai bạn bị hủy bỏ. Vì vậy, bố mẹ bạn có quyền đòi lại đất đã cho anh trai bạn. Trình tự, thủ tục yêu cầu tuyên bố hủy bỏ giao dịch dân sự có điều kiện được thực hiện theo quy định của BLTTDS.
(Hiện nay, quy định về giao dịch dân sự có điều kiện được nêu tại Điều 120 BLDS 2015 như sau:
“Điều 120. Giao dịch dân sự có điều kiện
1. Trường hợp các bên có thỏa thuận về điều kiện phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự thì khi điều kiện đó xảy ra, giao dịch dân sự phát sinh hoặc hủy bỏ.
2. Trường hợp điều kiện làm phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự không thể xảy ra được do hành vi cố ý cản trở trực tiếp hoặc gián tiếp của một bên thì coi như điều kiện đó đã xảy ra; trường hợp có sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của một bên cố ý thúc đẩy cho điều kiện xảy ra thì coi như điều kiện đó không xảy ra.”)
Trường hợp thứ hai, không có văn bản thỏa thuận thì:
Không có căn cứ để viện dẫn việc anh trai bạn không chăm sóc bố mẹ là điều kiện để thỏa thuận cho đất bị hủy bỏ. Mặt khác, sau khi hoàn thành thủ tục sang tên, anh trai trở thành người sử dụng đối với diện tích đất 500 m2 mà bố mẹ bạn đã cho.
Như vậy, việc đòi lại 250 m2 đất trong trường hợp này không thực hiện được.
– Về thẩm quyền giải quyết yêu cầu đòi lại đất đối với trường hợp thứ nhất:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 26 BLTTDS:
“Điều 26. Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
3. Tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự.”
Như vậy, việc yêu cầu tuyên bố hủy bỏ giao dịch giữa bố mẹ bạn với anh bạn năm 2012 thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND.
Theo điểm c khoản 1 Điều 39 BLTTDS thì TAND có thẩm quyền được xác định như sau:
“Điều 39. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ
1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân...”
Như vậy, với yêu cầu đòi đất thì TAND cấp huyện nơi anh trai bạn cư trú (bao gồm nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú) sẽ có thẩm quyền giải quyết.
Xin cảm ơn!
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Dân sự – Công ty luật LVN Group