Lỗi cố ý gián tiếp là lỗi của người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
* Về lý trí: Trong trường hợp cố ý gián tiếp người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả nguy hiểm cho xã hội có thể xảy ra.
* Về ý chí: Người phạm tội không mong muốn cho hậu quả xảy ra, nhưng có ý thức bỏ mặc cho hậu quả nguy hiểm xảy ra do chính hành vi của mình thực hiện. Ý chí trong lỗi cố ý gián tiếp được thể hiện ở chỗ, người phạm tội không mong muốn cho hậu quả xảy ra, nhưng lại không có ý thức ngán cản để hậu quả nguy hiểm đừng xảy ra mà có thái độ bỏ mặc cho hậu quả nguy hiểm xảy ra. Thái độ bỏ mặc đó của người phạm tội có thể được hiểu là hậu quả nguy hiểm cho xã hội xảy ra hay không xảy ra đều có ý nghĩa như nhau, hậu quả nguy hiểm cho xã hội xuất hiện trên thực tế hay không xuất hiện, người phạm tội đều chấp nhận.
Để xem xét đánh giá hình thức lỗi cố ý trực tiếp hay cố ý gián tiếp không phải căn cứ vào việc người phạm tội trực tiếp hay không trực tiếp gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội mà dựa vào đặc điểm thái độ tâm lý của chủ thể thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Đối với hình thức lỗi cố ý gián tiếp, người phạm tội vẫn trực tiếp gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội.
Luật LVN Group phân tích chi tiết như sau:
Lỗi là một trong những yếu tố rất quan trọng trong việc xác định tội phạm, đặc biệt là đối với lỗi cố ý gián tiếp thì có những quy định của pháp luật về hình thức lỗi này.
1. Hình thức lỗi cố ý gián tiếp.
– Yếu tố lỗi là một trong những dấu hiệu quan trọng giúp cho các cơ quan chức năng, cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng có thể nhận diện và phát hiện được đâu là hành vi phạm tội. Qua đó có thể quyết định việc có truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi đó hay không. Lỗi đơn giản là hành vi của chủ thể nào đó không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ, cũng như có thể gây ra thiệt hại về vật chất.
– Theo quy định của pháp luật hình sự thì lỗi được phân chia làm hai trường hợp là cố ý phạm tội và vô ý phạm tội. Đối với lỗi cố ý phạm tội thì theo quy định tại Điều 10 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì phân loại cố ý phạm tội gồm những trường hợp sau:
+ Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra. Trường hợp này thì người phạm tội đã có ý thức tức ý chí của họ là mong muốn kết quả tức mục đích của hành vi nguy hiểm mà mình gây ra, cũng ý thức được hành vi lẫn kết quả nhưng vẫn thực hiện thì đây là lỗi cố ý trực tiếp tức hành vi của người phạm tội từ ý chí đến hành động đều có mối quan hệ nhân quả với hậu quả xảy ra đối với những chủ thể, khách thể mà nó tác động.
+ Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Trong trường hợp về mặt nhận thức về hành vi nguy hiểm đó, thậm chí thấy trước được hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra thì giống hệt như người phạm tội cố ý trực tiếp nhưng chỉ có về mặt ý chí của người phạm tội không mong muốn hậu quả đó xảy ra nhưng vì một lý do nào đó vẫn để mặc cho hậu quả xảy ra. Và hành vi để mặc cho hậu quả xảy ra của người phạm tội này phải có mối quan hệ nhân quả với hậu quả mà nó ảnh hưởng tới thì đây là lỗi cố ý gián tiếp.
– Tóm lại lỗi cố ý gián tiếp có thể được hiểu là hành vi cố ý của một người nào đó khi đặt trong các trường hợp, tình huống và hoàn cảnh cụ thể, trong trạng thái nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và hậu quả nguy hiểm do hành vi đó gây ra, mặc dù có khả năng hoặc có đủ điều kiện để lựa chọn một hành vi xử sự khác ít hoặc không gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn chọn lựa thực hiện hành vi xử sự đó.
– Đặc điểm về lỗi cố ý:
+ Về bản chất, lỗi cố ý thuộc mặt chủ quan, là phạm trù thuộc ý thức của người phạm tội. Phản ánh thái độ và cách xử sự của con người, là sản phẩm của quá trình phản ánh của con người trước những gì xảy ra bên ngoài thế giới khách quan, đang tác động đến họ. Lỗi là thái độ, là phản ứng của con người trước một hiện tượng, sự vật khách quan.
+ Về hình thức biểu hiện, lỗi cố ý được biểu hiện ra bên ngoài, được thực hiện bởi các chủ thể có năng lực trách nhiệm hình sự, trong đó hành vi nguy hiểm cho xã hội đó phải được quy định trong Bộ luật Hình sự và đặc biệt hành vi nguy hiểm đó phải có mối quan hệ nhân quả với hậu quả mà hành vi đó gây ra.
+ Đối với lỗi cố ý gián tiếp phải dựa vào hoàn cảnh để đánh giá các yếu tố. Cụ thể là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong hoàn cảnh có khả năng lựa chọn được cách xử sự khác không, nếu không mà vẫn lựa chọn cách xử sự gây nguy hiểm cho xã hội thì đó là hành vi lỗi của chủ thể. Hoàn cảnh khách quan còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như hoàn cảnh kinh tế, chính trị, xã hội, … Ngoài ra nếu ở thời kỳ khác nhau thì các điều kiện, hoàn cảnh này có thể sẽ thay đổi để phù hợp với mỗi hoàn cảnh.
2. Lỗi cố ý gián tiếp thì hậu quả nguy hiểm cho xã hội có phải là điều tất yếu không?
– Lỗi cố ý gián tiếp luôn có hai mặt phản diện là ý chí, lý chí và hành vi gây ra tác động đến hậu quả. Tức là ý chí của người phạm tội không muốn hậu quả xảy ra, lý trí thì nhận thức được đây là hành vi nguy hiểm có thể để lại hậu quả nguy hiểm cho xã hội nhưng ngược lại với các mặt trên thì hành vi lại là thờ ơ tức là cho dù có đủ khả năng để hạn chế hoặc chấm dứt hành vi nguy hiểm nhưng chủ thể lại lựa chọn cách khác đó là để mặc cho hậu quả xảy ra. Nhưng cũng cần phải lưu ý nếu so sánh thì mức độ phải chịu đối với lỗi này đối với cố ý trực tiếp thì sẽ thấp hơn vì lý do người phạm tội không mong muốn cho hậu quả xảy ra, hay nói cách khác hậu quả xảy ra không nằm trong mục đích của người phạm tội, cũng không phải là điều kiện cần thiết để người phạm tội thực hiện.
– Về ý chí, người phạm tội không mong muốn hậu quả đó xảy ra nhưng thái độ và hành vi của họ là để mặc cho hậu quả xảy ra.
– Giống như người phạm tội do lỗi cố ý trực tiếp thì người phạm tội do lỗi cố ý gián tiếp là trường hợp người phạm tội thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi do mình có thể xảy ra. Sự thấy trước hậu quả có thể xảy ra, không thể có trường hợp người phạm tội thấy trước hậu quả có thể tất yếu xảy ra hoặc cũng không thể có trường hợp hậu quả nguy hiểm cho xã hội đó đã xảy ra. Thái độ của người phạm tội do lỗi cố ý gián tiếp là tâm lý không quan tâm đến hậu quả xảy ra. Thái độ tâm lý của người phạm tội do lỗi cố ý gián tiếp là thờ ơ, bàng quan, không mong muốn nhưng chấp nhận đối với hậu quả xảy ra mặc dù đã thấy trước hậu quả đó có thể xảy ra hoặc tất yếu xảy ra. Và đó cũng là lý do để giải thích người phạm tội do lỗi cố ý gián tiếp có thể có hoặc không gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Vì khi để để mặc cho hậu quả xảy ra thì tùy thuộc vào hậu quả nguy hiểm cho xã hội đó có xảy ra hoặc không xảy ra. Thấy trước tính chất hành vi của mình nguy hiểm cho xã hội và thấy trước hậu quả của hành vi đó là trường hợp người phạm tội đã có suy nghĩ (tức là ý chí) đã hiểu bản chất của hành vi phạm tội đó là hành vi trái pháp luật, trái đạo đức, bị xã hội lên án, bị xử lý theo pháp luật, hành vi ấy có thể gây ra hậu quả tác hại. Người phạm tội đã hình dung, tiên đoán, dự liệu trước hậu quả có thể xảy ra và đã hình dung được hậu quả đó tuy nhiên họ đã mong muốn hoặc để mặc cho hậu quả đó xảy ra.
– Khác với lỗi cố ý trực tiếp, đối với lỗi cố ý gián tiếp thì hậu quả không phải là kết quả tất yếu của hành vi phạm tội, không phải mục đích cuối cùng, cũng không phải là điều kiện, biện pháp để đạt được mục đích cuối cùng. Đối với người phạm tội do lỗi cố ý gián tiếp thì hậu quả nguy hại là kết quả phụ đi theo hành vi nhằm đạt được mục đích khác. Và theo quy định tại Điều 10 của BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì đối với cố ý gián tiếp thì chủ thể chỉ cần chấp nhận hậu quả nguy hiểm cho xã hội đó.
– Như vậy có thể nhận định đối với hình thức lỗi cố ý gián tiếp thì người phạm tội gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội là yếu tố không phải tất yếu. Điều này chỉ đúng với cấu thành tội phạm vật chất. Nên chủ thể của tội phạm có cấu thành tội phạm với hình thức lỗi cố ý gián tiếp thì chỉ dựa trên cơ sở có mong muốn hoặc chấp nhận hậu quả nguy hiểm đó không chứ không phải bắt buộc phải xảy ra hậu quả. Hay nói cách khác đối với lỗi cố ý gián tiếp thì căn cứ vào thái độ, tâm lý của người phạm tội đối với hành vi nguy hiểm và đối với hậu quả hoàn toàn không phải là căn cứ vào việc người đó gián tiếp gây ra hậu quả để xác định lỗi của một người. Do đó việc phân định ý chí và lý chí là căn cứ để xác minh lỗi của người vi phạm, từ các căn cứ đó để xác minh hành vi nguy hiểm cho xã hội của người phạm tội cũng như xác định khả năng thấy trước hậu quả có thể xảy ra cũng như ý chí đối với hậu quả là có mong muốn hậu quả đó xảy ra hay không.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi, mọi thắc mắc quý khách hàng vui lòng liên hệ số Hotline 1900.0191 để được giải đáp. Xin chân thành cảm ơn!