Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành, BLDS cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập như: chưa quy định rõ ràng, đầy đủ vềcác quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản nhưng vẫn có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản; cónhững vấn đề BLDS chưa có quy định, ví dụ như thứ tự ưu tiên giữa các quyền;quy định về hiệu lực của việc đăng ký bất động sản, về sở hữu chung trong nhà chung cư cũng còn có những điểm cần nghiên cứu để có những quy định pháp luật đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của nước ta hiện nay và trong tương lai.
Qua nghiên cứu và từ thực tiễn, bước đầu, Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), có một số sửa đổi, bổ sung cơ bản sau đây:
Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến (24/7) gọi số: 1900.0191
1. Quy định rõ ràng về vật quyền:
1.1 Quy định hiện hành:
BLDS Việt Nam hiện hành không được xây dựng theo cách chia các quyền tài sản thành hai loại quyền là vật quyền và trái quyền (hay quyền đối vật và quyền đối nhân): quyền đối vật là các quyền được thực hiện trên các vật cụ thể và xác định; quyền đối nhân bao gồm các quyền tương ứng với các nghĩa vụ tài sản mà người khác phải thực hiện vì lợi ích của người có quyền – quyền của một người được phép yêu cầu người khác thực hiện một nghĩa vụ tài sản. . Bộ luật không sử dụng những thuật ngữ như “vật quyền”, “trái quyền”. Nhưng khi xét về đặc điểm các loại quyền trong BLDS, ta thấy có sự khác nhau nhất định. Các quyền này cũng được bảo đảm thực hiện bằng những cách thức khác nhau. Tại Phần thứ hai của BLDS, khi thực hiện quyền sở hữu thì chủ sở hữu có quyền tác động trực tiếp đến tài sản; khi phân tích đặc trưng của các quyền khác đối với tài sản (chủ thể thực hiện quyền không phải là chủ sở hữu), ta thấy chúng có những nét tương đồng với các vật quyền khác theo quy định pháp luật của nhiều nước trên thế giới. Còn trong quan hệ nghĩa vụ và hợp đồng (Phần thứ ba của BLDS) thì quyền tài sản của một bên tương ứng với nghĩa vụ tài sản của bên kia (quyền chủ nợ). Khi một người có quyền sở hữu thì tất cả những người khác đều phải tôn trọng quyền sở hữu của người đó và từ đó, cần có nguyên tắc công khai hoá quyền; còn trong quan hệ nghĩa vụ thì không yêu cầu phải có nguyên tắc này, vì mối quan hệ nghĩa vụ giữa các bên trong nghĩa vụ đó không cần phải công khai với người thứ ba.
BLDS có những quy định rõ ràng, cụ thể về quyền sở hữu. Đồng thời, BLDS cũng đã quy định về quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản nhưng cũng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt chúng: những loại quyền này là sự độc lập hoá theo mục đích của quyền sở hữu, là những bộ phận của quyền sở hữu, theo chức năng của quyền sở hữu và được những chủ thể không phải là chủ sở hữu thực hiện. Điều 173 BLDS năm 2005 đã liệt kê các loại quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản; ở mức độ nhất định đã quy định cách thức thực hiện các quyền này cũng như các biện pháp bảo vệ chúng. Tuy nhiên, các quy định của BLDS về vấn đề nêu trên còn có những bất cập mà chúng ta sẽ đề cập đến sau đây.
1.2 Những bất cập:
a. Các quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản (các loại vật quyền khác ngoài quyền sở hữu) theo quy định tại Điều 173:
Thứ nhất, Điều 173 chỉ quy định hai loại vật quyền của người không phải là sở hữu chủ gồm quyền sử dụng đất và quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề. Như vậy, còn nhiều loại vật quyền khác chưa được quy định trong BLDS.
Thứ hai, chưa quy định cụ thể nội dung của một số loại vật quyền phổ biến.
Thứ ba, chưa quy định cụ thể giới hạn quyền của chủ thể, mối quan hệ giữa các quyền, hậu quả pháp lý trong việc xử lý các quyền.
Thứ tư, vì không phân chia rõ vật quyền và trái quyền nên Điều 173 đã tạo ra khả năng cho phép các bên thoả thuận tạo ra vật quyền. Đây là vấn đề cần phải xem xét lại.
b. Việc không chia rõ ràng vật quyền và trái quyền dẫn đến nhiều bất cập trong công tác xây dựng pháp luật cũng như trong thực tiễn áp dụng (ví dụ, hợp đồng về chuyển quyền sử dụng đất không đăng ký thì không có hiệu lực; khó khăn trong việc soạn thảo Luật Đăng ký bất động sản; những bất cập trong thi hành án dân sự…).
1.3 Quy định của Dự thảo:
Dự thảo BLDS (sửa đổi) đượcsoạn thảo theo hướngphân chia rõ ràng vật quyền và trái quyền, theo đó, vật quyền là quyền chi phối trực tiếp đối với vật (không cần thông qua hành vi của người khác), còn trái quyền là quyền yêu cầu người khác thực hiện một hành vi nhất định. Phần thứ hai của Bộ luật là Phần “Vật quyền”
1.3.1 Bố cục của Phần thứ hai “Vật quyền”:
Phần thứ hai “Vật quyền” của Dự thảo được quy định theo bố cục sau đây:
1. Qui định chung:bao gồm các quy định chung về vật quyền như nguyên tắc vật quyền luật định, nguyên tắc công khai vật quyền, thời điểm chuyển dịch vật quyền, các loại vật quyền…
Các quy định về khái niệm tài sản và phân loại tài sản dự kiến chuyển lên Phần thứ nhất “Quy định chung” của Bộ luật và có những sửa đổi cần thiết.
2. Quyền sở hữu:bao gồm các quy định vềkhái niệm quyền sở hữu, nội dung quyền sở hữu, căn cứ phát sinh, chấm dứt quyền sở hữu, bảo vệ quyền sở hữu…
3. Các vật quyền khác
a. Quyền hưởng dụng.
b. Quyền bề mặt (cần nghiên cứu để bao gồm cả quyền sử dụng đất. Quyền sử dụng đất: có thể chia quyền sử dụng đất thành một số các loại quyền sử dụng đất cụ thể như quyền sử dụng đất ổn định lâu dài, quyền sử dụng đất có thời hạn…);
c. Vật quyền bảo đảm (cầm cố, thế chấp, quyền cầm giữ);
d. Quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề (Quyền địa dịch). Hiện nay, quyền này đang được nghiên cứu để có thể quy định cụ thể hơn;
e. Quyền ưu tiên (hiện nay Dự thảo chưa quy định, nhưng đây là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để có thể quy định trong Dự thảo).
4. Chiếm hữu
Ngoài các vật quyền do Bộ luật này quy định thì các luật khác cũng có thể quy định các loại vật quyền khác.
1.3.2. Đặc trưng của vật quyền:
Vật quyền có một số đặc trưng sau đây:
– Được văn bản luật quy định.
– Có tính chất tuyệt đối. Các loại quyền này là quyền dân sự tuyệt đối. Đối với quyền sở hữu: tất cả các chủ thể khác đều phải tôn trọng và không vi phạm quyền của chủ sở hữu tài sản. Còn về các vật quyền khác: tất cả các chủ thể khác, bao gồm cả chủ sở hữu đều phải tôn trọng và không vi phạm quyền của chủ thể có vật quyền khác đối với tài sản.
– Tính ưu tiên của vật quyền.
– Có cơ chế pháp lý đặc biệt để bảo vệ: quyền yêu cầu hoàn trả, yêu cầu loại bỏ sự cản trở…
2. Thời điểm chuyển quyền sở hữu và các vật quyền khác đối với bất động sản (Hiệu lực của việc đăng ký vật quyền đối với bất động sản (Điều 168):
2.1 Quy định hiện hành: “Việc chuyển quyền sở hữu đối với bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
2.2 Bất hợp lý:
Theo quy định nêu trên thì đối với bất động sản, đăng ký là điều kiện làm phát sinh hiệu lực của sự chuyển quyền sở hữu. Tuy nhiên, nguyên tắc này bị phá vỡ do có quy định: “trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Cách quy định như vậy của BLDS cũng như của một số văn bản pháp luật hiện hành đã gây nên sự không thống nhất trong pháp luật, cụ thể là, Luật Đất đai và Luật Nhà ở. Hiện nay, nhà ở là một trong các loại tài sản thuộc sự loại trừ của Điều 168 BLDS vì theo quy định của Luật Nhà ở, quyền sở hữu đối với nhà ở được chuyển kể từ thời điểm hợp đồng được công chứng (Điều 93.5 Luật Nhà ở). Tuy nhiên, đối với đất đai thì quyền sử dụng đất lại được chuyển kể từ thời điểm đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai (Điều 692 BLDS). Như vậy, cùng là một khối tài sản thống nhất là nhà và đất nhưng thời điểm chuyển quyền giữa đất và nhà trên đất lại khác nhau. Quy định như vậy là không thống nhất trong hệ thống pháp luật, gây khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng.
2.3 Quy định của Dự thảo:
Dự thảo quy định không chỉ thời điểm chuyển quyền sở hữu mà cả thời điểm của việc xác lập, thay đổi, chuyển dịch và chấm dứt vật quyền đối với bất động sản. Dự thảo quy định 2 phương án:
PA 1: Thời điểm của việc xác lập, thay đổi, chuyển dịch và chấm dứt vật quyền đối với bất động sản là thời điểm hợp đồng giữa các bên được giao kết (hoặc là thời điểm hợp đồng giữa các bên được công chứng); còn đăng ký là điều kiện để đối kháng với người thứ ba (Điều 163.2 và Điều 163.4 Dự thảo).
PA 2: Thời điểm của việc xác lập, thay đổi, chuyển dịch và chấm dứt vật quyền đối với bất động sản là thời điểm đăng ký vật quyền. Như vậy, đăng ký là điều kiện làm phát sinh hiệu lực của việc xác lập, thay đổi, chuyển dịch và chấm dứt vật quyền (Điều 163.2 Dự thảo).
Chúng tôi cho rằng, việc đăng ký là điều kiện để đối kháng với người thứ ba (phương án 1) phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam.
* Bổ sung một điều để nêu rõ tính độc lập của hiệu lực của hợp đồng và hiệu lực của đăng ký (Điều 163.3 Dự thảo) với nội dung là: Hợp đồng về xác lập, thay đổi, chuyển dịch và chấm dứt vật quyền đối với bất động sản có hiệu lực từ thời điểm được giao kết (hoặc thời điểm hợp đồng được công chứng). Nếu vật quyền chưa được đăng ký thì hợp đồng vẫn có hiệu lực.
3. Hình thức sở hữu (Điều 172 và Chương XIII BLDS):
3.1 Quy định hiện hành:
BLDS quy định 6 hình thức sở hữu (tại Điều 172 và Chương XIII) là: sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, sở hữu chung, sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, sở hữu của tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, sở hữu của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp.
3.2 Bất hợp lý:
Thứ nhất, việc phân loại hình thức sở hữu căn cứ vào các loại hình tổ chức (như sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội…) là chưa khoa học. Khi xác định các hình thức sở hữu thì phải xét đến ý nghĩa của nó trong chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản. Nếu có sự khác biệt về hình thức sở hữu thì cần phải dẫn đến sự khác biệt về nội dung quyền sở hữu, phải có sự khác biệt về điều kiện và hậu quả pháp lý trong chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản. Qua nghiên cứu ta thấy nội dung của quyền sở hữu không có gì thay đổi khi chủ sở hữu là các chủ thể khác nhau: là các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội hoặc cá nhân. Sự phân loại về hình thức sở hữu của BLDS hiện hành trên thực tế không có ý nghĩa về mặt pháp lý (xét dưới góc độ luật tư) khi không chỉ ra được sự khác biệt cơ bản giữa các hình thức sở hữu này. Chỉ sở hữu riêng (một chủ, đơn lẻ) và sở hữu chung (sở hữu nhiều chủ) là khác nhau. Trong sở hữu chung thì khi sử dụng, định đoạt tài sản cần phải có sự thỏa thuận của các đồng chủ sở hữu. Không đồng chủ sở hữu nào được tự ý quyết định vấn đề gì. Đây là điểm khác biệt so với trường hợp tài sản là sở hữu riêng của một chủ thể (cá nhân hoặc pháp nhân), chủ thể này có toàn quyền quyết định.
Thứ hai, về sở hữu tập thể (Điều 208 và Điều 209): Theo quy định hiện hành thì sở hữu tập thể là một hình thức sở hữu độc lập. Tuy nhiên, về cơ bản, đây chỉ là sở hữu của pháp nhân là hợp tác xã. Nếu đã có quy định về sở hữu riêng là sở hữu của cá nhân và pháp nhân thì không cần quy định một hình thức sở hữu độc lập là sở hữu tập thể nữa vì hợp tác xã cũng là một dạng cụ thể của pháp nhân.
Thứ ba, về sở hữu tư nhân:(Điều 211: Sở hữu tư nhân là sở hữu của cá nhân đối với tài sản hợp pháp của mình)
Theo quy định hiện hành thì sở hữu tư nhân thực chất là sở hữu của cá nhân. Quy định như vậy là chưa đầy đủ vì chưa có quy định rõ ràng về sở hữu của các pháp nhân. Do đó, cần sửa đổi BLDS theo hướng quy định bổ sung cả sở hữu của các pháp nhân vào hình thức sở hữu này; đồng thời, sửa tên gọi hình thức sở hữu tư nhân thành “Sở hữu riêng”.
Thứ tư, về sở hữu chung: việc quy định về sở hữu chung hỗn hợp tại Điều 218 là không có ý nghĩa pháp lý, do đó cần phải bỏ.
3.3Quy định của Dự thảo:
Chúng tôi cho rằng, nên quy định hai hình thức sở hữu là: sở hữu riêng (sở hữu một chủ) và sở hữu chung (sở hữu nhiều chủ).
Hiện nay, Dự thảo quy định 2 phương án:
Phương án 1: Giữ nguyên
Phương án 2: Dự thảo quy định “Các hình thức sở hữu gồm sở hữu nhà nước, sở hữu riêng (sở hữu của cá nhân, sở hữu của pháp nhân), sở hữu chung”.
4. Quyền chiếm hữu
4.1 Quy định hiện hành:
Theo quy định hiện hành, quyền chiếm hữu là một quyền năng của quyền sở hữu; không xây dựng chế định chiếm hữu độc lập với chế định sở hữu và luật cũng không có hệ thống bảo vệ tình trạng chiếm hữu phân biệt với hệ thống bảo vệ quyền sở hữu.
4.2 Bất hợp lý:
Quyền chiếm hữu được BLDS Việt Nam hiện hành qui định như là kết quả của quyền sở hữu (mục 1, chương XII Nội dung quyền sở hữu). Đồng thời, nhiều qui định trong BLDS xuất phát từ tình trạng chiếm hữu của một chủ thể mà xác lập sở hữu hoặc có quyền chiếm hữu hợp pháp đối với vật – chiếm hữu được coi là điều kiện để xác lập quyền, như các qui định: xác lập quyền sở hữu đối với vật vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu (Điều 239), xác lập quyền sở hữu đối với vật bị chôn giấu, bị chìm đắm chưa được tìm thấy (Điều 240)…
4.3Quy định của Dự thảo:
Dự thảo quy định chế định quyền chiếm hữu tại Chương XV.4 Dự thảo.
Theo quy định này, quyền chiếm hữu là quyền mà một người có được từ hành vi thực tế chiếm giữ vật.
* Mục đích của chẾ định pháp luật về chiếm hữu :
1. Bảo vệ người chiếm hữu nhằm bảo đảm sự ổn định, hòa bình;
2. Công nhận người chiếm hữu có những quyền pháp lý nhất định:
– Người nào đang chiếm hữu vật thì được suy đoán pháp lý là chủ sở hữu. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng vì người đó không có nghĩa vụ chứng minh mình là chủ sở hữu. Người khác cho rằng họ mới là chủ sở hữu vật thì phải chứng minh.
– Có tác động trực tiếp đến người thứ ba. Nếu một người mua vật từ người đang chiếm hữu vật thì người mua đó được coi là người thụ đắc ngay tình. Như vậy, sự chiếm hữu thực tế đã hợp pháp hóa một số quyền của người đang chiếm giữ vật.
* Ý nghĩa: Chiếm hữu được quy định thành một chế định pháp luật có ý nghĩa quan trọng. Chế định này cấm cá nhân sử dụng vũ lực với nhau để đoạt lấy quyền sở hữu. Nếu chủ sở hữu đích thực muốn lấy lại tài sản thì cần thông qua cơ chế do Nhà nước lập ra (VD, Toà án) chứ không thể dùng vũ lực để lấy lại tài sản. Người chiếm hữu có quyền yêu cầu Nhà nước can thiệp để chống lại hành vi của người khác làm ảnh hưởng đến việc chiếm giữ hòa bình và hợp pháp của mình.
Ý nghĩa trong việc chứng minh khi xảy ra tranh chấp: sẽ là không hợp lý nếu đánh đồng nghĩa vụ chứng minh của các bên tranh chấp. Người chiếm hữu được suy đoán là người có quyền. Còn người không chiếm hữu phải có nghĩa vụ chứng minh ngược lại. Đây là sự công nhận tình trạng chiếm hữu thực tế và có cơ chế pháp lý đối với tình trạng chiếm hữu thực tế đó. Giải pháp này có tác dụng tạo ra sự bình yên cho xã hội. Vì trên thực tế có những trường hợp một người đang chiếm hữu thực tế một vật (ví dụ như nhà), vì một lý do nào đó (hoả hoạn, chiến tranh) mà mất hết giấy tờ, bằng chứng về quyền của mình đối với ngôi nhà đó, nhưng người này vẫn đang ở tại ngôi nhà đó (đang chiếm hữu ngôi nhà đó). Nếu có một người nào đó vào và nói rằng mình mới là chủ sở hữu của ngôi nhà thì người này phải chứng minh điều đó. Nghĩa vụ chứng minh trong tranh chấp là không như nhau giữa các bên. Và trong thời gian toà án giải quyết thì người đang chiếm hữu vẫn được ở đấy cho đến khi toà án ra phán quyết. Vì vậy, cần tách biệt chế định chiếm hữu và chế định quyền sở hữu.
SOURCE: CHUYÊN ĐỀ TỌA ĐÀM VỀ SỬA ĐỔI BỘ LUẬT DÂN SỰ, DO NHÀ PHÁP LUẬT VIỆT PHÁP VÀ VỤ PHÁP LUẬT DÂN SỰ – KINH TẾ, BỘ TƯ PHÁP PHỐI HỢP TỔ CHỨC, 12 – 13/05/2011, HÀ NỘI.
TS. HOÀNG THỊ THÚY HẰNG – Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế, Bộ Tư pháp
VIỆC SỬ DỤNG BÀI VIẾT VÀO MỤC ĐÍCH THƯƠNG MẠI CẦN CÓ SỰ ĐỒNG Ý CỦA TÁC GIẢ
(MINH KHE LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)
—————————————————-
THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:
1. Tư vấn pháp luật lao động;
2. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;
3.Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;
4. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;
5.Dịch vụ Luật sư của LVN Group tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án.
6. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;