Trước khi trình Quốc hội, dự thảo rất cần được sự phản biện chuyên nghiệp của các chuyên gia về Luật Cạnh tranh chứ không phải chỉ qua các cuộc hội thảo.

Quảng cáo là một công cụ quan trọng nhất trong cạnh tranh nhằm thu hút người tiêu thụ. Vì vậy, nó cũng là một trong những đối tượng điều chỉnh quan trọng nhất của Luật Cạnh tranh.

Nếu Luật Cạnh tranh (cạnh tranh không lành mạnh) điều chỉnh và quy định nội dung quảng cáo sao cho chúng không đi ngược lại tiêu chuẩn cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, thì ngược lại Luật Quảng cáo chỉ điều chỉnh và quy định hình thức sử dụng quảng cáo sao cho phù hợp với quyền lợi chung của xã hội. Vì vậy, Luật Quảng cáo về thực chất phải là luật điều chỉnh hoạt động quản lý của Nhà nước đối với hình thức sử dụng quảng cáo.

Tranh chấp, khiếu nại liên quan đến Luật Quảng cáo về cơ bản là giữa người quảng cáo (người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, phát hành quảng cáo) với cơ quan có thẩm quyền quản lý của Nhà nước. Trong khi đó, tranh chấp về nội dung và tác động của quảng cáo lại là tranh chấp giữa các doanh nghiệp trong phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh.

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:  1900.0191

Dự thảo Luật Quảng cáo (dự thảo lần 2) vẫn không tách bạch rõ đối tượng và phạm vi điều chỉnh so với Luật Cạnh tranh. Điều 8, những hành vi bị cấm có nhiều khoản vừa thừa vừa lạc hậu. Thừa, vì các hành vi bị cấm tại các khoản 4, 5, 8, 9 là các hành vi cạnh tranh không lành mạnh (như quảng cáo gian dối, có nội dung cạnh tranh không lành mạnh…) và phải được điều chỉnh bởi Luật Cạnh tranh chứ không phải Luật Quảng cáo.

Khoản 7 là lạc hậu vì quốc tế, đặc biệt là các nước phát triển (EU từ năm 1997 bằng sắc lệnh 97/55/EG) từ lâu đã không những không cấm mà còn khuyến khích quảng cáo so sánh. Do quảng cáo so sánh trực tiếp giúp người tiêu dùng hiểu rõ tính năng sản phẩm của nhà sản xuất nào thích hợp với nhu cầu tiêu dùng của mình hơn, giúp doanh nghiệp cạnh tranh thấy rõ nhược điểm của mình hơn và  bằng cách đó thúc đẩy cạnh tranh hiệu quả giữa các doanh nghiệp.

Dự thảo Luật Quảng cáo quy định các hành vi bị cấm cũng lại là các hành vi bị cấm trong Luật Cạnh tranh khiến việc xử lý vi phạm trong thực tế trở nên rất khó khăn, trước hết trong việc xác định thẩm quyền xử lý, áp dụng luật và sau đó, do nó mở ra khả năng đùn đẩy trách nhiệm giữa Cục Quản lý cạnh tranh và cơ quan được ủy quyền của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch.

Cấp giấy phép cho hoạt động quảng cáo là một việc không thể bỏ. Tuy nhiên, cần xác định rõ phạm vi hoạt động quảng cáo nào cần có giấy phép và ai chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo. Như dự thảo hiện tại, nếu giữ nguyên các hành vi bị cấm, đồng thời cơ quan cấp phép có quyền xét duyệt nội dung quảng cáo, thì cơ quan này phải là người chịu trách nhiệm nếu khi phổ biến, nội dung quảng cáo đó vi phạm Luật Cạnh tranh, chứ không thể là người thực hiện quảng cáo như dự thảo quy định. (Nguyên tắc quyền hạn gắn liền với trách nhiệm trong Nhà nước pháp quyền!).

Dự thảo hiện tại thiếu hẳn các quy định xác định – về mặt nguyên tắc – quảng cáo ở đâu và tác động như thế nào đến cộng đồng thì phải xin phép ai. Khi có được nguyên tắc xác định chung như vậy, số lượng các hoạt động quảng cáo cần xin phép sẽ giảm rất nhiều.

Ngoài ra, dự thảo cũng thiếu một số quy định bảo đảm quyền được thông tin của người tiêu thụ. Chẳng hạn, khoản 2, điều 18 yêu cầu hình thức quảng cáo phải rõ ràng, dễ hiểu, có tính thẩm mỹ. Tuy nhiên, một quảng cáo có các dòng chữ ghi rõ ràng sản phẩm này được tạo bởi những thành phần nào, trình bày dễ hiểu và đẹp, nhưng được viết thật nhỏ với màu sắc chìm trong gam màu chính của nhãn hiệu, thì cũng bằng đánh đố người tiêu dùng.

Các điều khoản quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động quảng cáo không những thừa mà còn có thể bị cơ quan có thẩm quyền, tòa án, lý giải một cách máy móc, hạn chế đáng kể quyền của tổ chức, cá nhân hoạt động quảng cáo. Quan hệ giữa họ là quan hệ giao dịch dân sự – kinh tế đã được điều chỉnh bởi Luật Dân sự, hay các luật kinh tế liên quan.

Việc quy định một số quyền của họ trong Luật Quảng cáo – được hiểu là luật chuyên ngành – sẽ có thể được lý giải rằng tổ chức, cá nhân hoạt động quảng cáo chỉ có các quyền và nghĩa vụ quy định tại Luật Quảng cáo. Điều này chắc chắn sẽ bị các doanh nghiệp hoạt động quảng cáo nước ngoài khiếu nại, vì nó vi phạm các nguyên tắc tự do, bình đẳng trong hoạt động kinh doanh của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Lẽ ra, dự thảo Luật Quảng cáo cần có những điều khoản quy định việc xử lý cá nhân, tổ chức hoạt động quảng cáo nước ngoài thực hiện quảng cáo ở nước ngoài nhưng phổ biến trên phương tiện truyền thông quốc tế nhằm vào người tiêu dùng tại Việt Nam. Đây vốn là vấn đề làm đau đầu các nhà làm luật ở các quốc gia khác và chắc chắn nó cũng sẽ sớm xuất hiện ở Việt Nam.

Theo TBKTSG.

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

————————————————–

THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Tư vấn pháp luật lao động;

3.Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;

4. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;

2. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

5.Dịch vụ Luật sư của LVN Group tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án.

6. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;