Trên cơ sở quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án năm 1996, ngày 21.5.1996, UBTVQH khóa IX đã ban hành Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, đánh dấu bước khởi đầu việc thiết lập hệ thống tài phán hành chính tư pháp ở nước ta. Qua 13 năm thực hiện, Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án Hành chính đã góp phần quan trọng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và bảo vệ pháp chế trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Tuy nhiên, do được ban hành khá lâu, đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần nhưng Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án Hành chính vẫn không theo kịp sự phát triển của xã hội và đòi hỏi của việc xây dựng nhà nước pháp quyền. Vì vậy, thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XII, Tòa án nhân dân Tối cao đã được giao nhiệm vụ xây dựng Dự thảo Luật TTHC. Với các quy định trong Dự thảo lần 1, Luật TTHC còn nhiều vấn đề cần trao đổi, trong đó có vấn đề thẩm quyền theo loại việc.

>> Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua điện thoạigọi:   1900.0191

Để quy định những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, khoản 1 Điều 25 Dự thảo Luật đã đưa ra hai phương án với hai kiểu kỹ thuật lập pháp cơ bản khác nhau. Theo phương án 1: Ban soạn thảo sử dụng phương pháp loại trừ bằng việc đưa ra “vùng cấm” để xác định thẩm quyền giải quyết. Cụ thể là, Tòa án có thẩm quyền giải quyết đối với tất cả các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong mọi lĩnh vực quản lý nhà nước, loại trừ quyết định hành chính, hành vi hành chính trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định. Ngoài ra còn quy định thêm ba loại khiếu kiện mang tính đặc thù riêng và một quy định mang tính dự phòng. Phương án 2: sử dụng phương pháp liệt kê các loại khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Phương án này đã kế thừa hầu hết quy định tại Điều 11 của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án Hành chính năm 1996 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2006. Để chọn phương án nào thì cần phải cân nhắc cả phương diện thực tiễn và kỹ thuật lập pháp.

Thực tế 13 năm thực hiện công tác giải quyết án hành chính cho thấy, số lượng các vụ án hành chính mà ngành Tòa án thụ lý giải quyết còn quá khiêm tốn so với số lượng các sai sót phát sinh trong công tác quản lý hành chính cần đến sự phán xét của Tòa án. Nguyên nhân có nhiều, nhưng trước hết là do thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo loại việc mà Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính quy định còn ít so với nhu cầu của xã hội, “cánh cửa thẩm quyền” để người dân đến với Tòa án chưa được mở rộng. Hiện nay chúng ta đang xây dựng một nhà nước pháp quyền mà trong đó “không một tranh chấp nào mà Tòa án không được quyền xét xử”. Để thực hiện điều đó, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2.6.2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã nhấn mạnh: “Mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với các khiếu kiện hành chính”. Do đó, Ban soạn thảo cần quán triệt tinh thần quy định này.

Xét về kỹ thuật lập pháp, nếu sử dụng phương pháp liệt kê như phương án 2 là không khoa học. Trước hết, việc liệt kê như vậy rườm rà. Thứ nữa, quy định theo cách này thì một khi các văn bản pháp luật trong các lĩnh vực đó có sự thay đổi, hoặc phát sinh các quan hệ mới lại buộc phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Như vậy sẽ đặt Luật TTHC trong tình thế “chạy theo” sự phát triển xã hội chứ không thể “đón đầu”. Còn theo phương án 1 thì không chỉ đáp ứng được nhu cầu mở rộng thẩm quyền giải quyết khiếu kiện hành chính của Tòa án mà còn thể hiện tính khoa học, tính hợp lý của kỹ thuật lập pháp mới. Điều này không chỉ làm cho “tuổi thọ” của điều luật cao mà còn giúp cho người thực thi pháp luật dễ áp dụng hơn.

Tuy nhiên, ngoài tinh thần chung đó, cần xem xét chỉnh sửa một số quy định khác của điều luật, sao cho phù hợp với thực tiễn và đồng bộ với các quy định khác của pháp luật. Khoản 3 Điều 25 của Dự thảo Luật TTHC quy định thêm loại việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, đó là “Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc cán bộ, công chức giữ chức vụ từ vụ trưởng và tương đương trở xuống”. Trong số các loại hình thức kỷ luật mà Luật Cán bộ, công chức (CBCC) quy định thì hình thức kỷ luật buộc thôi việc là chế tài nặng nhất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sự nghiệp của người bị kỷ luật, do đó cần được quyền khởi kiện đến Tòa án- nếu cho rằng việc kỷ luật đó là trái pháp luật. Theo quy định của Luật CBCC, việc buộc một người thôi việc không chỉ duy nhất bằng hình thức kỷ luật do có hành vi vi phạm kỷ luật mà còn có nhiều căn cứ khác nữa. Chẳng hạn, khoản 3 Điều 58 Luật CBCC quy định: “Công chức 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết buộc thôi việc”. Hoặc, khoản 1 Điều 59 quy định công chức thôi việc: “do sắp xếp tổ chức”. Việc thôi việc dù ở trong trường hợp nào cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sự nghiệp của người phải thôi việc… Nếu họ cho rằng bị buộc thôi việc trái pháp luật thì đều phải được quyền khởi kiện đến Tòa án.

Vấn đề nữa là, Luật CBCC chỉ điều chỉnh đối tượng là “cán bộ, công chức” còn đối tượng “viên chức” sẽ được điều chỉnh bởi Luật Viên chức (hiện nay Bộ Nội vụ đang chủ trì soạn thảo). Quy định như dự thảo, nếu viên chức bị buộc thôi việc trái pháp luật họ sẽ khởi kiện theo thủ tục tố tụng nào? (vì đối tượng này không thuộc sự điều chỉnh của Bộ luật Lao động). Bởi vậy, khoản 3 Điều 25 Dự thảo Luật TTHC cần sửa lại là: “Khiếu kiện quyết định buộc thôi việc cán bộ, công chức, viên chức…”. Nếu thực hiện theo phương án 1 thì không cần thiết phải quy định thêm khoản 5 như Dự thảo, vì quy định tại khoản 1 đã bao quát được tất cả các đối tượng thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Phạm Thái Quý
Nguồn: Báo  điện tử Đại biểu nhân dân

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)
——————————————————-
THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1.Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;

2. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;

3. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

4. Luật sư tranh tụng tại tòa án và đại diện ngoài tố tụng;

5.Dịch vụ Luật sư của LVN Group tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án;

6. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;