Khá nhiều tranh chấp xuất phát từ những sơ suất trong hợp đồng. Bởi vì trên thương trường, hầu hết các hoạt động kinh doanh đều được thể hiện thông qua hợp đồng. Đây chính là ràng buộc pháp lý về nghĩa vụ của các bên trong kinh doanh. Một câu hỏi được đặt ra ở đây: “Đâu là yếu tố quan trọng nhất của một thương vụ làm ăn?”. Phần lớn các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, đó chính là tính chặt chẽ của hợp đồng.
Vai trò của hợp đồng
Ở Ford, một trong các hàng sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới, bên cạnh hàng ngàn hợp đồng mua bán xe mỗi ngày, Hãng còn có nhiều giao dịch kinh doanh khác như đầu tư, phân phối, mua nguyên vật liệu… John Mene, cố vấn pháp luật của Ford, cho biết: “Trung bình, các giám đốc, trưởng phòng của chúng tôi phải ký gần 3.000 hợp đồng/ngày. Chỉ cần một hợp đồng có sai sót, cũng đủ để mất đi hàng triệu USD. Do vậy, quá trình soạn thảo, ký kết hợp đồng luôn được thực hiện chặt chẽ, có chữ ký của các nhân viên soạn thảo văn bản”.
Việc này trước hết giúp cho quyền lợi của công ty được bảo đảm, cụ thể là không thất thoát vốn. Thứ hai, hoạt động kinh doanh sẽ diễn ra trôi chảy vì công việc được sắp xếp theo lịch trình, kế hoạch. Vì thế, thận trọng trong các giao dịch với đối tác là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi: 1900.0191
Một ví dụ điển hình khác là việc hợp tác kinh doanh đua ngựa giữa Câu lạc bộ Phú Thọ (TP.HCM) và Công ty Thiên Mã vào năm 2005.
Theo thỏa thuận đầu tư, Câu lạc bộ Phú Thọ góp vốn bằng mặt bằng trường đua, còn Thiên Mã chi 1,55 triệu USD để nâng cấp cơ sở hạ tầng. Dự án được thực hiện dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, thời hạn 7 năm. Do hợp đồng loại này không hình thành pháp nhân mới, nên 2 bên phải thỏa thuận sử dụng pháp nhân, lấy con dấu của Câu lạc bộ Phú Thọ, trực thuộc Sở Thể dục Thể thao TP.HCM, để hoạt động. Việc này không trái luật, nhưng lại bắt đầu nảy sinh rắc rối cho 2 bên.
Công ty Thiên Mã cảm thấy bị ràng buộc, không chủ động vì mọi việc đều phải thông qua con dấu của đối tác. Có nhiều rủi ro pháp lý tiềm ẩn trong hợp đồng này. Giả sử nếu xảy ra bất đồng, bên này không cho bên kia sử dụng con dấu như đã thỏa thuận, điều gì sẽ xảy ra. Đương nhiên, dự án sẽ phải dừng lại. Ngoài ra, để phát triển, doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ của nhà cung cấp, nhà đầu tu, đối tác, đặc biệt là khách hàng… Vì vậy, hay nâng cao uy tín của doanh nghiệp bằng các hợp đồng có giá trị để việc kinh doanh phát triển tốt hơn.
Sự liên quan giữa hình thức và nội dung hợp trong hợp đồng
Hình thức hợp đồng là sự thể hiện nộii dung của hợp đồng và những thủ tục mà pháp luật quy định, bắt buộc các bên giao kết hợp đồng phải tuân thủ khi ký kết một số loại hợp đồng nhất định. Nó có thể là lời nói, văn bản hoặc hành vi cụ thể. Vậy có phải hình thức của hợp đồng kinh doanh sẽ quyết định hiệu lực của hợp đồng?
Vấn đề này còn phụ thuộc vào pháp luật của từng quốc gia. Nếu có sai sót khi lập văn bản, hợp đồng đã ký kết sẽ không có giá trị pháp lý hoặc bị vô hiệu tuyệt đối. Tuy nhiên, việc pháp luật quy định về hợp đồng phải được thiết lập bởi những hình thức nhất định, nhưng không phải lúc nào cũng có lợi cho 2 bên.
Ở một số nước theo hệ thống thông luật Anh – Mỹ (common law), văn bản là hình thúc bắt buộc đối với các hợp đồng có giá trị. Ở Anh, Úc và Mỹ chẳng hạn, hợp đồng bắt buộc phải được lập thành văn bản khi có giá trị lớn hơn 10 bảng Anh hoặc vượt quá con số nhất định nào đó. Điều này sẽ được dùng làm căn cứ cơ bản để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết khi xảy ra tranh chấp. Vì vậy, hợp đồng ở các nước này thường được soạn thảo rất chặt chẽ.
Trong khi đó, khuynh hướng luật châu Âu hoặc một số nước theo hệ thống luật lục địa (continental law) như Pháp, Thụy Sĩ… lại lấy tự do ký kết hợp đồng làm nguyên tắc cơ bản. Nguyên tắc này xem trọng “chữ tín”, nghĩa là khi đã cam kết điều gì, các bên phải tự giác thực hiện. Thực tế này giúp loại bỏ các trường hợp hợp đồng bị vô hiệu vì vi phạm về hình thúc. Tuy nhiên, khi xảy ra tranh chấp, rất khó để xác định sự tồn tại của hợp đồng trong các giao dịch, chỉ có thể xác định được khi có sự thừa nhận của các chủ công ty. Vì vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, các chủ công ty Pháp thường ký kết hợp đồng bằng văn bản cho dù pháp luật có đòi hỏi hay không.
Còn tại Việt Nam thì sao? Hiện nay, hợp đồng ở nước ta được điều chỉnh chủ yếu bởi Bộ luật Dân sự 2005 (có hiệu lực từ ngày 1.1.2006) và Luật Thương mại 2005 (có hiệu lực từ ngày 1.1.2006). Theo các quy định này, Việt Nam vẫn còn tôn trọng nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận nguyên tắc bình đẳng; nguyên tắc thiện chí, trung thực…
Do đó, hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, văn bản hoặc hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định. Tuy nhiên, hình thức giao kết bằng lời nói chỉ được thực hiện trong các giao dịch đơn giản hàng ngày như mua sắm hàng hóa sinh hoạt cá nhân, đi chợ… Còn lại, người ta vẫn lập văn bản để lấy bằng chứng khi xảy ra tranh chấp.
Hiện tại, Luật Dân sự Việt Nam không có văn bản nào chỉ định loại hợp đồng nào bắt buộc phải thể hiện bằng văn bản (BLDS NĂM 2005 đã có những qui định cụ thể hình thức văn bản đối với một sô hợp đồng cụ thể – CIVILLAWINFOR). Nhưng trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản, có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì chúng ta phải tuân theo.
Và một điều khá “dễ thở” nữa là hợp đồng sẽ không bị vô hiệu nếu vi phạm về hình thức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Do đó, tùy thuộc vào loại hình giao dịch, lĩnh vực cụ thể, chúng ta phải chú ý đến hình thúc thể hiện bàng văn bản của hợp đồng.
Như vậy, không hệ thống pháp luật nào có thể miễn trừ hoàn toàn các đòi hỏi về hình thức, song việc có thừa nhận hình thức là điều kiện hiệu lực của hợp đồng hay không lại phụ thuộc vào pháp luật từng nước. Do vậy, trước khi tiến hành ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài, bạn cần xem xét và nắm vững các quy định pháp luật về hợp đồng của nước đó.
Một lời khuyên là khi ký kết hợp đồng kinh doanh quốc tế, các công ty nên thỏa thuận với đối tác để luật điều chỉnh hợp đồng là luật của nước mình. Nếu xảy ra tranh chấp, bạn sẽ không mất thời gian tìm hiểu pháp luật nước họ và có thêm lợi thế để giải quyết vướng mắc phát sinh.
Và cuối cùng, để việc kinh doanh phát triển thuận lợi, tốt đẹp, hay thể hiện trình độ kinh doanh, bộ mặt doanh nghiệp của bạn qua những bản hợp đồng nghiêm túc, chặt chẽ. Đó cũng là cách thể hiện sự tôn trọng của bạn với đối tác.
SOURCE: NHỊP CẦU ĐẦU TƯ – TRẦN THỊ THÚY
Trích dẫn từ:http://www.doanhnhan360.com