1. Khái niệm về nhục hình
Nhục hình là phương pháp tra tấn, gây đau đớn về thể xác người đang bị điều tra, xét hỏi hoặc bị giam giữ cải tạo như đánh đập, bắt nhịn đói, ăn cơm nhạt, không cho uống nước, bắt nằm lạnh, vv.
Dùng nhục hình trong hoạt động tư pháp (hoạt động điều tra, xét xử vụ án và giáo dục, cải tạo người phạm tội) là một tội phạm.
Theo điều 373 Bộ luật hình sự 2015 có quy định về tội dùng nhục hình
1. Người nào trong hoạt động tố tụng, thi hành án hoặc thi hành các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
d) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
đ) Gây thương tích hoặc gây thiệt hại về sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây thiệt hại về sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Làm người bị nhục hình tự sát.
4. Phạm tội làm người bị nhục hình chết, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Dùng nhục hình là hành vi của người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn khác gây tổn hại đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự đối với người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo, người bị kết án và những người tham gia tố tụng khác.
Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt, chỉ có những người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự như: Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra; Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát; Chánh án, Phó chánh án Toà án; Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Toà án, các cán bộ trong các Nhà tạm giữ, Trại tạm giam, Trại giam (Ban giám thị, Quản giáo) mới có thể thực hiện được tội phạm này.
Người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự có thể thực hiện một hoặc một số hành vi sau: Tra tấn, đánh đập, bắt nhịn ăn, nhịn uống, cho ăn cơm thừa, canh cặn, không cho ngủ, cùm kẹp, hỏi cung suốt ngày đêm, bắt phơi nắng, bắt tắm nước lạnh vào mùa đông hoặc có hành vi khác gây đau đớn về thể xác và tinh thần đối với người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo.
2. Cấu thành tội phạm:
– Chủ thể: Chủ thể của tội này là chủ thể đặc biệt, bao gồm những người có chức vụ quyền hạn trong hoạt động tư pháp từ điều tra, truy tố, xét xử đến thi hành án.
– Hành vi khách quan:
Người phạm tội có hành vi dùng nhục hình. Xét về nội dung, hành vi dùng nhục hình là những hành vi có tính chất hành hạ, gây đau đớn về thể xác, xúc phạm đến nhân phẩm danh dự của người khác.
Xét về hình thức, những hành vi này được người thực hiện sử dụng như một hình phạt để trừng phạt người dùng nhục hình.
– Yếu tố lỗi: Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc tuy chỉ thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
3. Tội bức cung
Theo pháp luật được quy định tại điều 374 Bộ Luật hình sự 2015
Điều 374. Tội bức cung
1. Người nào trong hoạt động tố tụng mà sử dụng thủ đoạn trái pháp luật ép buộc người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung phải khai ra thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
d) Dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung;
đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
e) Dẫn đến làm sai lệch kết quả khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử;
g) Ép buộc người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung phải khai sai sự thật.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm người bị bức cung tự sát;
b) Dẫn đến bỏ lọt tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm người bị bức cung chết;
b) Dẫn đến làm oan người vô tội;
c) Dẫn đến bỏ lọt tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; người thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề từ 01 năm đến 05 năm.
Các yếu tố cấu thành tội bức cung:
– Mặt chủ quan:
+ Về hành vi
Có hành vi sử dụng các thủ đoạn không đúng với quy định của pháp luật để buộc người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung phải khai không đúng sự thật.
Thủ đoạn trái pháp luật, được hiểu là những phương pháp, cách thức bị pháp luật cấm hoặc không quy định cho phép (như đe dọa sẽ xử nặng hơn, đe dọa sẽ giam lâu, đe dọa dùng nhục hình, hỏi cung liên tục vào ban đêm…).
Nhìn chung những thủ đoạn nêu trên chỉ uy hiếp gây ức chế hoặc làm khủng hoảng tinh thần của người bị thẩm vấn chứ không tác động vào thân thể của người đó như đối với tội nhục hình.
Hành vi nêu trên đã dẫn đến buộc người bị thẩm vấn phải khai không đúng những gì đã diễn ra trên thực tế (có thì nói không, không tụi nói có hoặc thêm thắt sự việc khác vào…).
Người bị thẩm vấn trong các vụ án (hình sự, dân sự, lao động, hôn nhân, kinh tế, hành chính) gồm: bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người làm chứng, các đương sự…
+ Về hậu quả
Hành vi nêu trên phải gây hậu quả nghiêm trọng thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tức là hành vi bức cung phải gây nên những hậu quả nhất định như dẫn đến xét xử oan sai, để lọt tội phạm, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của công dân hoặc cũng có thể gây dư luận xấu, gây bất bình trong một bộ phận lớn trong nhân dân địa phương… Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.
– Khách thể:
Hành vi phạm tội đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan điểu tra, Viện kiểm sát, Tòa án. Ngoài ra còn xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
– Mặt chủ quan:
Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.
– Chủ thể:
Chủ thể của tội bức cung là những người có thẩm quyền trong các cơ quan tiến hành tố tụng (tức người tiến hành tố tụng) gồm Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án và các cán bộ giúp việc khác.
4. So sánh tội nhục hình và tội bức cung
4.1 Giống nhau:
Hai tội phạm này đều là hành vi xâm phạm đến sự hoạt động đúng đắn của cơ quan tư pháp, xâm phạm đến quyền được tôn trọng, và bảo vệ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân.
– Chủ thể của tội phạm phải là người có chức vụ, quyền hạn trong việc điều tra, truy tố, xét xử.
– Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp.
4.2 Khác nhau:
Tiêu chí so sánh | Tội dùng nhục hình | Tội bức cung |
Cơ sở pháp lý | Điều 373 Bộ luật hình sự 2015 | Điều 374 Bộ luật hình sự 2015 |
Khái niệm | Nhục hình là phương pháp tra tấn, gây đau đớn về thể xác người bị điều tra, xét hỏi hoặc bị giam giữ cải tạo như đánh đập, bắt nhịn đói, ăn cơm nhạt, không cho uống nước, bắt nằm lạnh, vv.
Dùng nhục hình trong hoạt động tư pháp (hoạt động điều tra, xét xử vụ án và giáo dục, cải tạo người phạm tội) là một tội phạm |
Bức cung là Hành vi của người có trách nhiệm lấy lời khai trong hoạt động tư pháp đã sử dụng những thủ đoạn khác nhau cưỡng ép người bị lấy lời khai phải khai sai những điều họ biết. |
Loại cấu thành tội phạm | Cấu thành tội phạm hình thức | Cấu thành tội phạm vật chất |
Hành vi | Hành vi khách quan của tội dùng nhục hình là hành vi dùng nhục hình, đó là những hành vi có tính chất hành hạ, gây đau đớn về thể xác, xúc phạm đến nhân phẩm danh dự của người khác. | Hành vi khách quan của tội bức cung là hành vi bức cung, dùng thủ đoạn trái pháp luật ép buộc người bị thẩm vấn phải khai ra sự thật. Thủ đoạn mà người phạm tội có thể dùng để cưỡng ép người bị thẩm vấn khai sai sự thật có thể là: đe doạ sẽ dùng nhục hình; đe doạ sẽ xử nặng; đe doạ sẽ bắt giam, xét xử người thân thích như vợ, con…. |
Hậu quả | Không là dấu hiệu bắt buộc
Chỉ cần có hành vi dùng nhục hình trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đều sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự |
Là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm
Hành vi bức cung phải dẫn tới hậu quả người bị thẩm vấn đã khai sai và do vậy gây hậu quả nghiêm trọng cho việc giải quyết vụ án. Hậu quả nghiêm trọng ở đây có thể là hậu quả xử sai một cách nghiêm trọng (oan hoặc bỏ lọt, xử phạt quá nặng hoặc xử phạt quá nhẹ…) hoặc có thể bắt giam người sai… |
Hình phạt, khung hình phạt | Trong hoạt động tố tụng, thi hành án hoặc thi hành các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm tùy theo mức độ vi phạm. | Người nào trong hoạt động tố tụng mà sử dụng thủ đoạn trái pháp luật ép buộc người bị lấy lời khai,hỏi cung phải khai ra thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm tù hoặc tù chung thân tùy theo mức độ vi phạm. |
Kết luận: Cần xem xét hành vi, hậu quả của người phạm tội gây ra nhằm xác định đúng tội danh và hình phạt. Để việc áp dụng hình phạt được đúng người đúng tội.